Số 9

Kết quả công tác bảo vệ rừng mười tháng đầu năm 2010

Năm 2010 công tác quản lý bảo vệ rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo; một số biện pháp cấp bách chống chặt phá rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã được tổ chức triển khai quyết liệt tại nhiều địa phương trong cả nước. Một số tỉnh đã quan tâm, tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng; Kiểm lâm, Công an, Quân đội đã phối hợp tổ chức nhiều đợt truy quét lâm tặc ở trong rừng, tăng cường kiểm soát tại các cửa rừng, các điểm nóng về phá rừng trái phép, các tụ điểm về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do tình hình khô hạn kéo dài nên đã xảy ra cháy rừng lớn ở một số nơi; nhu cầu sử dụng lâm sản (nhất là đối với gỗ) và đất sản xuất ngày càng tăng; đời sống của người dân sống trong và gần rừng còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, do vậy, đã tạo nên áp lực lớn đối với rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng.

10 tháng đầu năm 2010, cả nước đã xảy ra 26.304 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, giảm 5.284 vụ so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, tại một số tỉnh số vụ vi phạm tăng so với cùng kỳ năm 2009. Tỉnh có nhiều số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý gồm Thái Nguyên 1.296 vụ; Tuyên Quang 1.202 vụ; Thanh Hóa 1.075 vụ; Quảng Nam 1.223 vụ; Phú Yên 1.166 vụ; Lâm Đồng 1.698 vụ; Gia Lai 1.359 vụ; Đắk Lắk 1.077 vụ; Bình Phước 1.408 vụ; Nghệ An 996 vụ; Bắc Kạn 986 vụ; Lạng Sơn 855 vụ Bình Thuận 1.081 vụ...

1. Phá rừng trái phép.

10 tháng đầu năm 2010 cả nước xảy ra 2.946 vụ phá rừng trái phép, thiệt hại 1.543,68ha rừng (rừng đặc dụng 60,79ha; rừng phòng hộ 380,36ha; rừng sản xuất 1.111,73ha), trong đó phá rừng làm nương rẫy 1.257,80ha, chiếm 81,5%; nuôi trồng thủy sản 1,26ha; mục đích khác 294,62ha. So với năm 2009, số vụ phá rừng trái phép giảm 1.079 vụ; diện tích rừng bị phá giảm 302,88ha.

Tình trạng phá rừng lấy đất trái pháp luật diễn ra chủ yếu ở khu vực rừng sau rà soát quy hoạch ba loại rừng được chuyển từ loại rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; khu vực giao cho các Công ty lâm nghiệp, Uỷ ban nhân dân xã quản lý, khu vực thuộc các dự án cải tạo rừng nghèo kiệt. Đối tượng phá rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc tại chỗ và người dân di cư tự do vì lợi ích trước mắt đã bị các đầu nậu xúi giục, thuê mướn. Hầu hết đối tượng phá rừng đều thuộc diện hộ nghèo, không có tài sản đáng kể nên khó có khả năng thực thi quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mục đích phá rừng không phải do nhu cầu bức xúc về đất ở, đất canh tác, mà chủ yếu phá rừng ở những vùng đất tốt để lấy đất trồng sắn, điều, cao su và các cây nông sản, cây công nghiệp khác, sau đó sang nhượng đất trái pháp luật hoặc đòi tiền bồi thường khi triển khai các dự án trên đất lâm nghiệp. Hình thức phá rừng ngày càng tinh vi như: tổ chức phá vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới, sử dụng công cụ cơ giới (cưa xăng có gắn thiết bị giảm thanh), khi bị phát hiện, kiểm tra, lập biên bản thì tìm mọi cách trốn tránh, chống lại người thi hành công vụ. Kẻ thuê người phá rừng, xúi giục phá rừng “đứng đằng sau” khó nhận diện và xử lý bằng các biện pháp hành chính mà cần phải có sự điều tra của các cơ quan chức năng. Hầu hết các tỉnh không phát hiện và xử lý được đầu nậu thuê người phá rừng, tiêu thụ lâm sản khai thác trái pháp luật.

Một số tỉnh có diện tích rừng bị phá lớn trong năm 2010 là Điện Biên 91ha; Sơn La 69ha; Quảng Nam 77,42ha; Bình Định 194ha; Phú Yên 96ha; Kon Tum 92ha; Bình Thuận 43ha; Bình Phước 362ha; Đắk Nông 206ha; Đắk Lắk 63ha; Lâm Đồng 171ha... Trong đó, Bình Phước là một trong những tỉnh có điểm nóng về phá rừng; báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Bình Phước cho thấy tình hình chặt phá rừng trên địa bàn của tỉnh có giảm so với cùng kỳ năm 2009, tuy nhiên tình trạng phá rừng vẫn còn diễn biến nghiêm trọng và phức tạp tại các khu vực rừng giáp ranh với các tỉnh, các huyện. Địa điểm phá rừng thuộc lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, Nông lâm trường Nghĩa Tân (Bù Đăng), Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước (Đồng Phú). Nhìn chung công tác chống chặt phá rừng đã được nhiều địa phương chú trọng, tuy nhiên phần lớn các vụ vi phạm về phá rừng trái phép không phát hiện được thủ phạm, công tác điều tra, xác minh và xử lý gặp nhiều khó khăn; tình trạng phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời.

2. Khai thác lâm sản trái pháp luật.

10 tháng đầu năm 2010, cả nước đã phát hiện, xử lý 2.463 vụ khai thác lâm sản trái pháp luật, địa phương có số vụ khai thác lớn như Lâm Đồng 348 vụ; Quảng Nam 201 vụ; Phú Yên 209 vụ; Kon Tum 88 vụ; Đồng Nai 69 vụ; Ninh Thuận 260 vụ; Cà Mau 58 vụ; Sóc Trăng 54 vụ; Bình Thuận 71 vụ; Bình Phước 135 vụ, Vườn quốc gia Cát Tiên 80 vụ, Vườn quốc gia Yok Đon 37 vụ... Tình trạng khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là gỗ quý, hiếm diễn ra khá gay gắt, kéo dài trên địa bàn một số tỉnh như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Yok Don...

Một số điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật, có tổ chức đường dây từ khai thác, vận chuyển, thu gom, tiêu thụ, xuất lậu qua biên giới, như khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn (tập trung ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Vườn quốc gia Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn); khu rừng đặc dụng Thần Sa Phượng Hoàng (Thái Nguyên); Khu rừng đặc dụng Hữu Liên (Lạng Sơn) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ xâm hại với số lượng lớn người tham gia khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ. Qua kiểm tra hiện trường, sơ bộ xác định có hàng trăm cây gỗ nghiến cổ thụ đường kính từ 80cm đến gần 3 mét mới bị chặt hạ trái phép với khối lượng hàng nghìn mét khối; gỗ nghiến bị chặt hạ chủ yếu được cắt ra lấy thớt để xuất lậu qua biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Trên tuyến đường nối từ tỉnh Khánh Hòa với tỉnh Lâm Đồng có chiều dài gần 40km đường đèo dốc đi qua rừng có nhiều loài cây gỗ quý, hiếm (pơ mu, bách xanh) và đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam… là một trong những điểm lâm tặc thường lợi dụng, xâm nhập khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật.

Ngoài ra, tại các khu vực thuộc diện tích rừng bị thu hồi, các khu vực thuận chủ trương cho chuyển đổi cải tạo rừng, các khu vực đang tận thu lâm sản, nơi có gỗ tốt, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện tình trạng khai thác gỗ, lâm sản trái pháp luật cũng diễn ra khá phức tạp... Phương tiện lâm tặc sử dụng để khai thác gỗ trái pháp luật bằng cưa máy nên rất cơ động, tốc độ khai thác gỗ và sự tàn phá rừng nhanh. Đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật chủ yếu là người dân địa phương được sự hỗ trợ kích thích của các đầu nậu buôn bán gỗ, những người di cư tự do, đồng bào dân tộc ít người, luôn manh động, sẵn sàng chống trả lại lực lượng bảo vệ rừng để giải vây phương tiện và người vi phạm khi bị phát hiện lập biên bản vi phạm.

3. Mua, bán, vận chyển lâm sản trái pháp luật.

10 tháng đầu năm 2010, lực lượng kiểm lâm và một số cơ quan chức năng khác trong cả nước đã phát hiện, lập hồ sơ 13.747 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; địa phương có số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý nhiều là Quảng Nam 942 vụ; Phú Yên 672 vụ; Gia Lai 1.148 vụ; Đắk Lắk 741 vụ; Thanh Hóa 1.046 vụ; Lâm Đồng 716 vụ; Bắc Kạn 855 vụ; Lạng Sơn 826 vụ; Thái Nguyên 1.234 vụ; Nghệ An 786 vụ. Vi phạm về chế biến lâm sản ở Quảng trị 68 vụ; Yên Bái 155 vụ; Đồng Nai 25 vụ; Phú Yên 41 vụ; Lâm Đồng 25 vụ...

Tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp. Tuy khối lượng lâm sản vận chuyển trái pháp luật từng chuyến không nhiều nhưng lâm tặc tập trung vào các loại gốc cây, gỗ quý, hiếm có giá trị cao. Phương tiện vận chuyển lâm sản trái pháp luật là các loại xe ô tô không biển số, biển số giả, phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, xe du lịch, ô tô khách (kể cả xe chất lượng cao) để vận chuyển gỗ, lâm sản, động vật rừng quý, hiếm. Đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức, phương tiện vận chuyển; sử dụng giấy tờ hợp pháp để quay vòng nhiều lần, làm giả dấu búa kiểm lâm; lợi dụng nước sông, suối lớn trong mùa mưa để kết bè thả gỗ trôi về xuôi. Nhiều bè gỗ được làm nổi bằng săm xe ô tô bơm hơi. Khi bị phát hiện lâm tặc làm thủng lốp, chìm gỗ để tẩu tán tang vật; lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước về xuất khẩu hàng nông, lâm sản để đưa gỗ (chủ yếu thớt nghiến) độn dưới các hàng hóa khác vận chuyển qua biên giới.

Thời gian gần đây, do nhu cầu thu mua với số lượng lớn các loại gỗ quý (đặc biệt là gỗ nghiến cắt khúc hoặc dưới dạng thớt), các loài cây làm cảnh, các loại dược liệu, lâm sản khác nên tình hình mua bán, vận chuyển, tiêu thụ gỗ quý, hiếm; các loại cây lâm nghiệp độc đáo, có nhiều năm tuổi, hình dáng đẹp, cây có tuổi thọ cao để làm cây cảnh; các loại cây dược liệu quý, hiếm như hoàng đằng, tuyết nhung, nhả cam, bảy lá một hoa, máu chó... diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, nhưng chưa được kiểm tra, quản lý chặt chẽ. Theo thống kê của các Chi cục Kiểm lâm, đã có 6.908 cây làm cây cảnh (kể cả cây trồng ở vườn), tương đương 1.933m3 được vận chuyển tiêu thụ, trong đó có 3.281 cây xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.

4. Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng.

10 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 1.036 vụ vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (có 867 vụ cháy rừng; diện tích rừng bị cháy, thiệt hại là 5.365ha). So với cùng kỳ năm 2009 số vụ vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng tăng 622 vụ (150,2%); số vụ cháy rừng tăng 557 vụ (179,6%); diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng tăng 3.926ha (272,8%). Các vụ cháy rừng tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Đông Nam bộ. Những địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại lớn là Lào Cai 802ha; Lai Châu 300ha; Cao Bằng 479ha; Sơn La 443ha; Yên Bái 257ha; Hà Giang 229ha; Nghệ An 296ha; Hà Tĩnh 169ha; Quảng Trị 181ha; Quảng Ngãi 132ha; Bình Định 102ha; Phú Yên 230ha; Kon Tum 194ha; Long An 198ha; Đồng Tháp 131ha; Cà Mau 136ha; Kiên Giang 336ha... Rừng trồng bị cháy chủ yếu là rừng thông, tràm, bạch đàn, keo; rừng tự nhiên bị cháy chủ yếu là rừng nghèo kiệt, rừng khoanh nuôi tái sinh mới được phục hồi nên mức độ thiệt hại về kinh tế không lớn. Nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy rừng chủ yếu là đốt dọn thực bì, đốt làm nương rẫy, đốt dọn đồng ruộng, đốt lấy mật ong gây cháy rừng.

Vụ cháy rừng tại tỉnh Lào Cai trung tuần tháng 2 năm 2010 thiệt hại trên 750ha rừng, đã huy động lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ, Kiểm lâm và người dân với hơn 8.000 người tham gia chữa cháy rừng. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không Không quân, Quân khu 2, Bộ đội Biên phòng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng (1.744 đồng chí bộ đội và dân quân tự vệ, 17 xe ô tô các loại, 3 máy bay trực thăng, hàng trăm bình chữa cháy). Vụ cháy rừng xảy ra tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từ ngày 01/3/2010 đến ngày 10/3/2010 thiệt hại trên 100ha rừng tái sinh, Quân khu 2 đã huy động 975 bộ đội và dân quân tự vệ, 10 xe ô tô chở quân tham gia chữa cháy.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay các địa phương đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp; kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường công tác tuyên truyền trong cán bộ, nhân dân; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, triển khai các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, các đơn vị chủ rừng; đề án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg, ngày 02/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã nâng cao đáng kể năng lực của kiểm lâm tại một số địa phương có nhiều rừng. Sự phối hợp liên ngành, nhất là huy động các đơn vị quân đội, công an đóng quân trên địa bàn tham gia các hoạt động chữa cháy rừng có hiệu quả. Trong quá trình tham gia chữa cháy rừng đã có 4 người là dân quân tự vệ và người dân bị hy sinh (trong đó tỉnh Điên Biên 1 người, tỉnh Lai Châu 2 người, tỉnh Kon Tum 1 người).

Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng còn bộc lộ một số tồn tại như phần lớn các vụ cháy rừng chưa xác định được đối tượng vi phạm, gây khó khăn cho việc xử lý; công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa thường xuyên, người dân không thực hiện đúng quy trình sản xuất nương rẫy, gây ra cháy rừng; một số địa phương chưa thực hiện tốt Công điện số 11/CĐ-BNN-KL ngày 01/3/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thông tin và báo cáo tình hình cháy rừng tại các địa phương làm ảnh hưởng đến công tác nắm thông tin và chỉ đạo kịp thời, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; các vụ cháy rừng có số lượng người tham gia chữa cháy nhiều nhưng thiết bị thông tin liên lạc để chỉ huy chữa cháy còn bất cập nên hiệu quả chưa cao; chế độ cho người tham gia chữa cháy rừng thấp, còn nhiều bất cập, hạn chế đến sự nhiệt tình và trách nhiệm của những người tham gia chữa cháy.

5. Vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã.

10 tháng đầu năm 2010, cả nước phát hiện, xử lý 562 vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã, giảm 394 vụ so với cùng kỳ năm 2009; đã tịch thu 8.138 cá thể, tương đương 23.570kg (trong đó 430 cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm). Tỉnh có số vụ vi phạm nhiều là Sơn La 80 vụ; Điện Biên 31 vụ; Nghệ An 32 vụ; Thừa Thiên Huế 25 vụ; Đắk Lắk 27 vụ; Đồng Nai 51 vụ; TP.Hồ Chí Minh 48 vụ; Kiên Giang 41 vụ; Tây Ninh 57 vụ; Lâm Đồng 23 vụ; Bình Phước 27 vụ; Vườn quốc gia Cát Tiên 47 vụ...

- Vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng từ tự nhiên: Tình trạng săn bắt động vật rừng từ tự nhiên diễn ra phức tạp, với nhiều hình thức và thủ đoạn khác nhau, có tính chất nguy hiểm, sát hại lớn như sử dụng súng (kể cả súng quân dụng), các loại tên tẩm thuốc độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy, bẫy gài lao, bẫy sập... Một số Vườn quốc gia như: Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), Cát Tiên (Đồng Nai), Núi Chúa (Ninh Thuận)... là những trọng điểm thường xảy ra tình trạng săn bắt động vật rừng trái phép nhưng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Gần đây, tại Khánh Hòa đã xảy ra 01 vụ săn bắt động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm làm chết 7 cá thể chà vá chân đen (cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án và khởi tố 3 bị can). Một số loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là đối với voi, hổ, gấu. Voi rừng ở Đồng Nai vẫn đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong, gần đây tiếp tục có 2 cá thể voi bị chết, làm cho số voi rừng bị chết trong hai năm (2009 - 2010) lên đến 7 cá thể, vụ việc đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý. Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cũng như các tỉnh có voi cần tăng cường các biện pháp bảo vệ voi rừng như: giám sát chặt chẽ về số lượng, sự biến động, di chuyển của voi rừng; tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là những khu vực có voi sinh sống về các biện pháp bảo vệ; xây dựng, thực hiện dự án khẩn cấp về bảo tồn voi rừng. Tại Ninh Thuận, thời gian gần đây xuất hiện một số cá thể bò tót về gần khu vực dân cư, sinh sống với bò nhà; Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có biện pháp bảo vệ, tuy nhiên đang là giải pháp tạm thời nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt. Trong thời gian tới địa phương và cơ quan chức năng cần phối hợp để có biện pháp bảo vệ lâu dài, đảm bảo an toàn cho người dân và đàn bò tót. Nhìn chung, trong thời gian qua, kiểm lâm các địa phương đã tăng cường các hoạt động về kiểm soát việc săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật rừng trái phép, xử lý nghiêm các vụ vi phạm; kiểm tra tháo gỡ hàng ngàn bẫy động vật trong các khu rừng đặc dụng; vận động, thu gần 300 khẩu súng săn tự tạo và vũ khí quân dụng được người dân tự nguyện nộp. Tuy nhiên, công tác bảo vệ động vật rừng từ tự nhiên đang đứng trước nhiều khó khăn, chưa có biện pháp thích hợp để ngăn chặn kịp thời; tình trạng săn bắn, bẫy bắt, mua bán, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ các loài động vật hoang dã trái phép trên địa bàn một số tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp; các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Không ít nhà hàng, khách sạn, cửa hàng ăn uống ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng kinh doanh, mua bán trái phép các loại đặc sản chế biến từ thịt thú rừng, sản phẩm của các loài động vật hoang dã nhưng chưa được phát hiện, ngăn chặn hoặc đã phát hiện nhưng chưa được xử lý kiên quyết, triệt để.

- Về gấu nuôi nhốt: Nhìn chung, các trại nuôi và hộ gia đình nuôi động vật hoang dã đều đã chấp hành các quy định của Nhà nước. Tình trạng nuôi nhốt một số loài động vật rừng quý, hiếm trái phép từng bước được quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu hành vi tiếp tục săn bắt từ tự nhiên, trong đó việc quản lý gấu bằng chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý gấu nuôi đã phát huy tác dụng (số gấu nuôi giảm từ 4.349 cá thể xuống dưới 4.000 cá thể, do số gấu nuôi nhốt lâu bị chết). Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do chủ nuôi thiếu hợp tác. Tại một số địa phương quản lý gấu đã gắn chíp điện tử di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác thiếu chặt chẽ, vừa qua Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm đã kiểm tra, xử phạt 14 trường hợp vận chuyển gấu ở các địa phương lân cận về tỉnh Quảng Ninh nuôi nhốt.

- Về động vật gây nuôi sinh sản, sinh trưởng: Phong trào gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã tại các tỉnh phía Nam phát triển mạnh. Hiện nay, các Chi cục Kiểm lâm vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ tình hình về trại nuôi, nguồn gốc con giống... Tại nhiều địa phương còn tồn đọng một số loài động vật hoang dã do gây nuôi sinh sản nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hoặc “có nguồn gốc vật nuôi rõ ràng” nhưng lại không hợp pháp, nên khiến nhiều Chi cục Kiểm lâm khó khăn trong việc giải quyết đăng ký gây nuôi đối với các trường hợp trên. Các địa phương mới thành lập Chi cục Kiểm lâm, công tác quản lý gây nuôi, chế biến, kinh doanh động vật hoang dã còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu người và thiếu kinh nghiệm quản lý.

6. Giao, cho thuê, liên doanh liên kết rừng và đất lâm nghiệp.

- Tình hình thực hiện đề án “Giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007- 2010” đến nay đã có 47 tỉnh, thành phố báo cáo tình hình thực hiện. 21 tỉnh đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt dự án gồm Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Bình Phước. Tổng diện tích rừng đã giao là 2.322.292ha; tổng diện tích rừng đã cho thuê là 27.780ha. Nhìn chung tiến độ thực hiện còn chậm làm hạn chế mục tiêu, tiến độ của Nhà nước về công tác này, mặt khác các địa phương thực hiện chế độ báo cáo không nghiêm, gây trở ngại cho công tác chỉ đạo và bổ sung một số chính sách về giao rừng, cho thuê rừng.

- Tình hình thực hiện các dự án cải tạo rừng nghèo kiệt ở một số tỉnh trong thời gian vừa qua còn một số tồn tại lớn; quá trình thực hiện có khâu chưa được kiểm tra chặt chẽ; một số diện tích rừng đưa vào cải tạo không đúng đối tượng. Vừa qua, việc triển khai các dự án cải tạo rừng một cách ồ ạt tại một số tỉnh đã tạo tâm lý cho người dân sợ hết đất nên xảy ra tình trạng ở đâu có dự án hoặc nghe tin có dự án là dân tiến hành bao chiếm rừng, chiếm đất, phá rừng trái phép trong khu vực dự án để lấy đất hoặc đòi dự án bồi thường khi triển khai thực hiện. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tư nhân thiếu năng lực tài chính, thiếu nhân lực lao động đặc biệt là cán bộ kỹ thuật và lực lượng bảo vệ rừng, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng để mặc cho rừng bị phá. Thực tế kiểm tra cho thấy, địa phương nào có nhiều dự án cải tạo rừng thì công tác quản lý bảo vệ rừng rất khó khăn, phức tạp. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn của tỉnh, một số đơn vị nhận rừng thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm quy định về khai thác lâm sản, phòng cháy chữa cháy rừng như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Gia Linh, Công ty TNHH Đại Hải (Bảo Lâm), Công ty TNHH Đồi Hoa (Đạ Huoai), Công ty TNHH Ba Lê (Đơn Dương)... UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra quyết định thu hồi 49 dự án, với diện tích là 5.735,72ha, do tiến độ thực hiện chậm, thực hiện không đúng nội dung dự án, chủ dự án thiếu trách nhiệm, để xảy ra tình trạng chặt phá rừng.

7. Tình hình chống người thi hành công vụ.

Tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra gay gắt, với nhiều hình thức hoạt động táo tợn, liều lĩnh của lâm tặc. Một số vụ gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến việc chấp hành pháp luật, kỷ cương của Nhà nước, tạo nên bức xúc trong xã hội. Lâm tặc càng ngày càng tinh vi và hung dữ, khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng này sẵn sàng chống đối, thậm chí kích động người dân chống đối lực lượng thi hành công vụ để cướp hàng hóa hoặc tẩu tán tang vật. Có những vụ việc gây thương vong nặng nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng pháp luật, gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho người thi hành công vụ. Hình thức chống người thi hành công vụ rất đa dạng và quyết liệt như sử dụng súng, ném đá, dùng dao, mã tấu, đánh trực tiếp, chém người, đập phá phương tiện, đâm xe vào lực lượng kiểm tra, đánh chông, dùng vôi bột, tro bếp trộn với ớt ném vào mặt kiểm lâm, dùng xe cản trở việc truy bắt của lực lượng kiểm lâm, đe dọa xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ và thân nhân. Đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ chủ yếu là người dân bị đầu nậu kích động, mua chuộc.

10 tháng đầu năm 2010, đã xảy ra hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng, trong đó có 33 vụ gây tổn hại lớn về tính mạng, sức khỏe và tài sản của Nhà nước, của người thi hành công vụ, làm 4 người chết, 43 người bị thương. Tình trạng này tập trung ở các địa phương như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, một số điển hình sau:

- Đêm ngày 15/12/2009, tại Thái Nguyên, Ngô Hồng Sơn điều khiển xe tải loại nhỏ chở gỗ nghiến xẻ trái phép, không chấp hành lệnh dừng xe của cán bộ kiểm lâm, Ngô Hồng Sơn đột ngột tăng tốc, lao thẳng vào xe ôtô và cán bộ kiểm lâm đang làm nhiệm vụ, hậu quả anh Lê Văn Phượng, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ bị tử vong. Vừa qua, Tòa án nhân dân xét xử đã tuyên phạt Ngô Hồng Sơn với mức án tử hình.

- Ngày 21/1/2010, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Ea Kar, Đắk Lắk lâm tặc đã bắn trọng thương anh Hoàng Công ý cán bộ Hạt Kiểm lâm của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

- Ngày 20/3/2010, hàng chục lâm tặc dùng hung khí kéo đến Trạm Kiểm lâm số 5, Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Đắk Lắk đánh 2 cán bộ kiểm lâm bị thương nặng. Trước đó, Trạm đã phát hiện và truy đuổi một nhóm lâm tặc săn bắt động vật rừng trái phép tại tiểu khu 1277, thu một súng quân dụng AR15 và 8 viên đạn.

- Ngày 02/5/2010, tại xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk trong khi truy đuổi, yêu cầu dừng xe chở gỗ trái phép để kiểm tra, đồng chí Y Na Êban Công an huyện Cư M'gar đã bị lâm tặc chống lại và đã hy sinh.

- Ngày 11/8/2010, một quả mìn đã phát nổ tại trụ sở Tổ kiểm lâm cơ động Hạt Kiểm lâm Minh Hóa (thôn 1, xã Quy Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) làm bị thương 1 người. Theo cơ quan chức năng, đây là hành động trả thù của lâm tặc.

Tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng là hết sức nghiêm trọng, nhưng phần lớn các vụ vi phạm chưa được điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lâm tặc coi thường pháp luật, ngang nhiên chống trả kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng ngày càng tăng. Điều này đã có những tác động tiêu cực đến một số cán bộ kiểm lâm khi làm nhiệm vụ, luôn lo lắng, không vững vàng vì sợ bị hành hung, đánh trọng thương, nguy hiểm đến tính mạng.

8. Kết quả xử lý vi phạm về quản lý bảo vệ rừng

10 tháng đầu năm 2010, cơ quan chức năng của các địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính 21.490 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng; khởi tố hình sự 300 vụ (117 bị can), tuy nhiên số vụ đưa ra xét xử rất thấp, chỉ có 10,7% (32/300 vụ), với 28 bị cáo.

Tang vật, phương tiện tịch thu gồm gỗ tròn 17.455,13m3 (gỗ quý hiếm 941,34m3); gỗ xẻ 14.654,87m3 (gỗ quý hiếm 2.247,78m3); động vật hoang dã 8.138 cá thể (có 430 cá thể quý, hiếm); xe ôtô, máy kéo 213 chiếc; xe trâu bò kéo 130 chiếc; xe máy 2.253 chiếc; ghe, tàu, thuyền 17 chiếc; phương tiện khác 6.055 cái. Tổng số tiền thu được 177.015.864.000 đồng (tiền phạt 85.794.720.000 đồng; bán lâm sản tịch thu 90.876.783.000 đồng; tiền thuế 139.881.000 đồng; thu khác 204.480.000 đồng). Nộp ngân sách 144.960.671.000 đồng.


Số lượt đọc:  518  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 02:09:23 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH