Số 9

Dòng sông trôi theo mặt trời

Đám tang H'Noanh kéo dài ba ngày, ba đêm. Làng giết năm con bò, đó là của phạt vạ. Tội nghiệp con bé. Nó đau buồn cùng cực mà tự tử. Xưa nay trong làng, việc tự tử không hiếm. Vợ chồng cãi nhau, tự tử. Uất ức với hàng xóm, tự tử. Mang oan không nói được, tự tử... Tự tử như người chạy trốn. Tự tử là lối thoát của dân làng từ bao nhiêu đời nay. Người làng coi chết là chưa hết. Bế tắc ở cõi này, họ về với cõi A Tâu để được thanh thoát. Chỉ có cõi ấy mới bao dung họ, mới giải thoát cho họ.

Cái chết của H'Noanh thì chưa từng có bao giờ. Nó bị hiếp dâm tập thể. Mấy thằng A Xoi, A Man, A Lơi đi làm công nhân cao su, có được ít tiền lương, kéo nhau mua rượu đế. Chúng rủ cả con H'Noanh cùng uống ở nhà đội. Khi đã ngà ngà rượu, không còn tính người nữa, thằng A Xoi mở máy vi tính cho cả bầy cùng xem cảnh phim nam nữ trần truồng, làm cái việc của vợ chồng trong nơi kín. Khi con ma men, ma lú đưa đường, chúng nó vật con H'Noanh, hiếp dâm tập thể. Tới khuya tỉnh dậy, thấy mình trần truồng, ê ẩm trong đêm tối, biết việc gì đã xảy ra, H'Noanh đã tìm đến cái chết để thoát về với cõi A Tâu bình yên, thanh sạch.

Xưa nay, chưa bao giờ có chuyện như thế. Nguồn vui của người làng chỉ quanh quẩn nơi hơi ấm bếp lửa. Những mùa Ning Nơng, những ngày hội làng, mọi người cùng chung những ghè rượu cần, nghe bản nhạc cồng chiêng, vít tay nhau xoay vòng quanh đống lửa trại. Yêu nhau, thương nhau cũng từ nơi ấy. ở hội làng, ai say quá, cứ lăn ra ngủ. Tỉnh, lại uống, lại say. Tự do, yên vui, đầm ấm!

Những đêm thong thả, trăng sáng khắp rừng khắp buôn, bọn trẻ thường túm tụm quây quần quanh bếp lửa nhà già Guốc, nghe kể khan. Giọng già diễn xướng lúc trầm lúc bổng, lúc gấp gáp hồi hộp, lúc khoan thai trữ tình, làm mê man lòng người nghe. Khuya, già càng kể càng say sưa mê đắm. Có đứa díp mắt quá, lăn ra ngủ một lúc. Trở mình thức giấc lại nghe tiếp. Có đoạn xoang, già Guốc diễn xướng ly kỳ khủng khiếp, làm nhiều đứa trẻ không dám ra về trong đêm. Đoạn kể nàng H'Bi đi hái măng, hái nấm bên sông bị con trăn thần cuốn lấy rồi nuốt chửng, già trở nên thất thần, cất lên tiếng kêu la than khóc, làm lũ trẻ đứa nào cũng rơi nước mắt. H'Bi còn may phúc, được người yêu nghe thấu, tới giết chết con trăn trả thù, đưa được xác trở về chôn cất. Còn H'Noanh bây giờ xấu số, chết trong câm lặng tủi hờn.

Là người lớn tuổi trong làng, già Guốc biết xưa nay người làng Mo rất cấm kỵ chuyện lang chạ. Đó là chuyện xấu xa, luôn bị trừng phạt rất nặng cả về của cải, thể xác và tinh thần. Thời còn trẻ, già nhớ như in việc làng trừng phạt thằng A Ku và con H'Ngát vì chuyện lang chạ loạn luân. Hai người mắc tội phải lột trần truồng, cùng bò trên bãi đất đến cái máng do làng đổ đầy cơm, dùng mõm ủi ăn như con heo. Thỉnh thoảng có người ác ý lại dùng roi quất mạnh vào người. Dân làng nhìn họ với con mắt khinh bỉ như nhìn các loài vật.

Bây giờ, chuyện ấy như là cổ tích. Đồng tiền đã lên ngôi ở cái làng này. Mà trong làng, chỉ có lớp trẻ mới kiếm được nhiều tiền, mới biết dùng tiền. Người già có khi còn không biết mệnh giá đồng tiền là thế nào. Nhận đồng tiền cứu trợ của nhà nước còn phải nhờ người xem, rồi lăn tay vào danh sách. Với bọn trẻ, đồng tiền là cứu cánh, là phương tiện giúp chúng nâng cấp cuộc đời. Để có tiền, chúng dùng đủ mọi cách. Có tiền rồi, chúng làm được mọi thứ.

Không đâu già Guốc cứ buồn lâm ly. Quả là tuổi già lẩn thẩn. Mới đầu năm, có một bọn người từ xa xôi đến đất này. Họ vào rừng vỡ đất mưu sinh. Những Mùa A Chứ, Vàng A Sình, Hàng A Mo, Sùng A Dơ... Đoàn người ấy đem theo cả già trẻ nhút nhít, thật đến khổ. Họ vào rừng, phát một đám cây, dựng mấy cái lều bạt che sương gió. Trong mỗi cái bạt ấy, chui rúc đến hai ba gia đình từ già chí trẻ. Họ cụm nhau lại thành làng. Làng chỉ có một đám người, mấy con chó chạy rông, mấy con gà mẹ cột chân bằng sợi dây vải.

Thằng Mùa A Chứ phát một đám rừng gần rẫy già Guốc để vỡ đất gieo hạt, thành ra biết nhau, quen nhau. Nó cắt tiết gà ăn thề, nhận làm con kết nghĩa. Hàng ngày, làng di cư ấy vào rừng cắt lượm những cành cây gỗ trắc đã mục giác, cột bó đưa ra huyện bán lấy tiền mua gạo mắm đắp đổi qua ngày. Giá một cân cành ngọn gỗ trắc bảy ngàn đồng, kiếm được một cân gạo. Đi rừng giỏi, hai ngày cả thu và bán cành gỗ ngọn kiếm được cái ăn đủ cho cả mười ngày đi làm rẫy. Nếu cứ được thế, chỉ cần khổ một mùa, mùa sau dân di cư sẽ có cuộc sống no đủ. Nào ngờ một hôm có đến mấy đoàn cán bộ của tỉnh huyện đột ngột xông thẳng vào vùng rừng có người di cư. Họ đi ô tô đến cửa rừng, rồi lội bộ, luồn rừng vào khu lán trại. Cán bộ kiểm tra kỹ từng lán, nhìn ngó nghiêng từng người, hỏi tên từ già chí trẻ. Ghi chép thành cột mục danh sách. Mấy lần kiểm tra như vậy, dân di cư được biết sẽ bị đuổi khỏi địa bàn. Những người dân cùng đường ấy cứ bám lấy năn nỉ xin cấp mấy chục héc ta đất đã phát để trồng lúa ngô sinh sống. Họ đã cùng đường. Thế nhưng nguyện vọng ấy coi như không chính đáng, không được chấp nhận. Cả khu rừng bị phủ lên một không khí nặng nề vô cảm. Nghe nói cán bộ vào rừng là cán bộ nhỏ, chỉ biết báo cáo, không có quyền. Cán bộ to đã kiên quyết không cho cư trú. Bộ mặt những người cán bộ cứ lằm lằm. Rõ là vì đám người di cư mà làm họ phải khốn khổ lội rừng lần này lượt khác, lại bị cán bộ cấp trên phê bình khiển trách. Có một nguyên tắc bất thành văn là việc gì khó, cứ lệnh cấp trên mà làm, không linh động, không mềm lòng. Việc ban hành lệnh cấm là dễ nhất, đơn giản nhất trong mọi mệnh lệnh của người có quyền lực.

Già Guốc thương đám người dân di cư quá. Họ quá nheo nhóc, lại tha hương bần cùng. Những người già khọm rọm, nhăn nheo, rách rưới. Những đứa trẻ bủng beo, tóc xơ khét nắng. Những đôi mắt vô vọng nhìn vào xa xăm luyến tiếc. Không hiểu vì sao họ đến nông nỗi này. Người làng Mo thì không có việc rời bỏ đất đai bản quán mà đi như vậy. Có xúc họ cũng không đi. Đằng này, chắc đám người kia phải cùng đường lắm! Đang chưa kịp mừng cho thằng A Chứ thì nay gia đình nó đã lại gặp nạn. Người làng Mo là vậy, hay buồn, hay thương. Thà không thì thôi, nay đã kết nghĩa, coi như một nhà, nó khốn khó, mình để mặc vậy sao đành.

- A Chứ ạ. Mày lo thu xếp đi, nếu Nhà nước đuổi, không cho ở rừng, tao chia cho một nửa cái rẫy nhà tao đó. Làm chừng ấy, giỏi như mày dư sức ăn!

- Con còn sức dài, không lo thiếu đất dung thân. Cha già rồi, không còn sức mở mang đất mới, để đất ấy mà sống.

- Không, người làng Mo đã nói ra rồi, không nói lại được. Rẫy là của mày một nửa rồi đó!

Lời nói tưởng vậy là xong, ai dè chưa đầy tháng sau, già Guốc đã cũng lại mất đất. Thật là thất hứa với thằng A Chứ quá!

Đợt ấy, cả vùng rừng mênh mông này đã được giao một công ty tư nhân lớn. Nghe nói trước đó họ đã qui hoạch cắm mốc rồi mà mọi người không biết. Việc phát hiện ra dân di cư tự do ở trong rừng cũng do mấy ông trong đoàn qui hoạch nhìn thấy mà báo về. Việc ấy làm cán bộ huyện xã bị phê bình quê mặt.

Cái rẫy gần chục héc ta của già Guốc cũng đã nằm trong qui hoạch của công ty nọ. Ban đầu già không chịu giao. Đến lúc bọn người nọ cho mấy đứa cháu nhậu ngon, đến vận động quá, chúng bảo không giao lấy tiền thì phải mất đất không. Cuối cùng, bí đường già phải ưng thuận mà vẫn buồn, vẫn ngại với A Chứ. Lời nói đã nói ra rồi mà không giữ được. Thật chẳng ra làm sao. Khi giao tiền, công ty họ ghi sổ, chụp ảnh kỹ càng, lại lăn tay vào giấy. Thế là hết đường chối cãi. Bọn trẻ có tiền của công ty thì xôn xao lắm. Ăn nhậu, mua sắm đủ thứ. Người già có cái rẫy thì vui, có nơi mà làm lụng. Tiền chẳng biết để làm gì. Chẳng ai thấy già Guốc chi tiêu một đồng nào. Già lẳng lặng đút năm mươi triệu đồng vào ống lồ ô, dấu kín trên mái nhà.

Mấy tháng sau, chờ mãi, một ngày bất ngờ A Chứ xuất hiện. Già Guốc mừng hết biết.

- Ơ giàng ơi! Thằng A Chứ. Tưởng mày giận đất này, bỏ luôn về miền Bắc rồi!

- Không, con chỉ đưa gia đình sang tỉnh lân cận. Đi luôn sao được. Chưa chia tay với cha mà. Hơn nữa chỉ có hai tay trắng, về Bắc thì chết đói thôi. Không còn nhà còn đất làm sao mà sống. Phải tìm đất khác thôi cha ạ!

- Nhớ rồi, nhớ rồi! Tao cũng mất đất, nhưng lại có tiền đây. Tiền cũng chia đôi vậy!

Nói vậy, già Guốc hớn hở vào lục ống lồ ô. Khi già đưa ống ra chưa kịp mừng thì than ôi, cái nút bằng dẻ rách đã bị chuột nhấm sạch. Năm mươi triệu đồng của già giờ chỉ còn những nắm giấy vụn. Dốc đống giấy trên tay, cả hai người đàn ông cùng sững sờ. Những đồng tiền mệnh giá năm trăm ngàn chỉ còn sót lại đôi chữ, đôi nét hoa văn lủn mủn. Là người cần lao cực nhọc, A Chứ cảm nhận được hết sức nặng của những mủn giấy vô nghĩa ấy. Nỗi đau từ trong tâm khảm bất ngờ bật ra, già Guốc nắm tay đấm ngực khóc. Sự tiếc tiền không phải quá lớn. Đúng ra già tiếc đất, tiếc lời hứa đã nát thành những mảnh vụn...

***

Những cánh rừng đổ ào ào theo tiếng máy ủi máy gạt. Rừng bật tung. Rừng tan nát. Những vùng rừng nguyên sinh được san phẳng, được chia thành đường lô, đường trục. Chỉ một mùa khô, cả hàng mấy cánh rừng biến mất. Chỉ một mùa mưa, người ta thuê thanh niên đào hàng trăm ngàn hố để trồng cao su.

Rừng thành cao su, thanh niên có việc làm, có tiền. Người già bị đẩy ra ngoài cuộc. Bây giờ thanh niên không còn thiết tha với lễ hội nữa. Chúng nó uống rượu đế, rượu chai công nghiệp, xem băng đĩa, hát karaoke. Đêm đêm, trăng vẫn sáng khắp buôn làng, nhưng chẳng có đứa trẻ nào bước đến cầu thang già Guốc để nghe kể khan chuyện núi rừng xa xưa trong cổ tích...

Hôm nay là ngày cuối cùng của đám tang H'Noanh, quá giờ trưa, làng sẽ đem thi thể con bé ra khu nhà mả ở bìa rừng ven sông để chôn. Thương con H'Noanh lắm, nhưng già Guốc không sao đủ can đảm để đến đó. Ngồi nhà, khui một ghè rượu, già uống một mình, đọc khan một mình. Bài khan về cô gái hái măng le bên bờ sông bị con trăn thần cuốn. Có lẽ đó là dòng sông của làng Mo. Ngày xưa đã có một chàng trai giết được con trăn ấy, báo thù cho cô gái, giải họa cho làng. Chợt nhiên già nhớ con sông Mơ quá. Già muốn đi ra sông. Bước chân thập thững, già Guốc đi như vô định. Bất ngờ dòng sông hiện ra trước mặt. Nơi bên sông có cây sung già đang cột sẵn chiếc thuyền độc mộc. Đó là chiếc thuyền một đời đã đưa già sang bên kia sông làm rẫy, săn bắn. Già loạng choạng bước xuống thuyền. Dòng nước đang mùa chảy xiết. Con thuyền lắc lư mơ mộng. Già chợt thương con thuyền quá. Nó đã trở nên vô dụng, cô đơn. Chỉ còn dòng sông Mơ là vẫn chở mọi vui buồn của già...

Không ai biết dòng sông Mơ chảy từ bao giờ? Nó trôi về đâu giữa bất tận rừng xanh núi thẳm. Chỉ biết ngày ngày nó mải miết mang nước trôi theo mặt trời, về với A Tâu. Nhiều đời người đã sinh ra, lớn lên bên dòng sông ấy. Cuộc sống của cả làng Mo gắn với dòng sông ấy. Chiều chiều lớn bé, gái trai đều lũ lượt ra bãi đá ven sông ngụp lặn. Những người đàn bà đào hố cát, chắt nước vào bầu, cần mẫn gùi về nhà, chất quanh bếp làm nước ăn.

Đời này nối đời kia, những bà mẹ đến ngày sinh, lặng lẽ một mình ra rừng dựng chòi và đẻ em bé. Những đứa con vừa cất tiếng khóc chào đời, đã được tắm rửa trên dòng sông ấy. Sông ôm lấy đời người từ khi mới lọt lòng mẹ. Nước sông đổ vào ghè thành rượu. Một đời người uống nước sông ấy, lớn lên ai cũng biết ca hát, ai cũng biết xoang, biết gõ chiêng, biết đánh đàn tơ rưng. Đi đâu cũng nhớ men rượu cần. Sông Mơ làm nên cái nếp ấm êm của làng.

Già Guốc không còn nhớ từ bao giờ, hình bóng con sông, những cánh rừng già đã khắc ghi trong tâm hồn máu thịt. Những đêm hội cồng chiêng, những bếp lửa kể khan nồng nàn say đắm. Từ nhỏ, già đã rất mê nghe người già kể khan. Có khi nghe thâu đêm, nghe liền nhiều đêm. Lớn lên, về già, lại đem những câu chuyện ấy ra kể cho lũ nhỏ lớp sau nghe. Đời người, đời sông cứ như dòng chảy, mãi quyện vào nhau. Già rưng rưng thương cho dòng sông. Không biết khi hết rừng, dòng sông ấy có còn chảy!

***

Nhìn qua đám lá sung, già Guốc đoán chừng mặt trời đã sang chiều. Giờ này, con bé H'Noanh đã về với đất. Cuối cùng nó cũng được thanh thản đến với A Tâu, cõi vĩnh hằng yên ả.

Đang mãi chìm vào hoài niệm, bỗng dưng già Guốc thấy con thuyền bất ngờ rời khỏi gốc cây sung đại thụ. Nó dập dềnh đưa già trôi theo dòng sông, đuổi theo mặt trời chiều. Nằm ngửa, nhìn lên trời, già cảm thấy mặt trời chạy rất nhanh, con thuyền chở già cố lao theo mãi. Trong già tràn ngập nguồn cảm xúc bất tận. Cuối cùng cũng có ngày con thuyền gắn bó một đời, tưởng đã trở nên vô dụng, lại chở già đi. Trôi mãi. Trôi mãi... Trôi theo mặt trời tới miền bất tận. Già Guốc nửa mê, nửa tỉnh. Trong cơn mê, già sung sướng cất cao giọng khan quen thuộc. Bài khan ấy, có cả A Chứ, có cả H'Noanh tội nghiệp!...

PHẠM ĐỨC LONG


Số lượt đọc:  134  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:48:11 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH