Số 8

Nương rẫy và sản xuất nương rẫy ở Vĩnh Thạnh

Huyện Vĩnh Thạnh nằm ở phía tây của tỉnh Bình Định, có diện tích đất tự nhiên là 72.251ha, tiếp giáp với thị xã An Khê và huyện KBang của tỉnh Gia Lai và các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và An Lão của tỉnh Bình Định. Với tổng diện tích đất có rừng là 47.366,4ha, trong đó 43.889,5ha rừng tự nhiên và 3.467,9ha rừng trồng, độ che phủ của rừng là 65,1%. Trong 27.932 nhân khẩu thì có 8.078 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 29% dân số của huyện và sinh sống hầu hết ở các xã trong huyện.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã thi công nhiều công trình thủy lợi, thủy điện như: Hồ chứa nước Định Bình, thủy điện Trà Xom, thủy điện Vĩnh Sơn 5,... làm thu hẹp đất sản xuất của nhân dân, tác động lớn đến công tác quản lý rừng và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện. Thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn; Quyết định số 1592/QĐ-TTg, ngày 12/10/2009, của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đời sống khó khăn, trong đó định mức tối thiểu cho mỗi hộ là 0,25ha đất ruộng lúa nước một vụ, hoặc 0,15ha đất ruộng lúa nước hai vụ, hoặc 0,5ha đất nương rẫy,... Nhằm đáp ứng nhu cầu về đất canh tác cho nhân dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đảm bảo việc định canh, định cư lâu dài, khắc phục tình trạng thiếu đất sản xuất, ngăn chặn việc du canh, du cư và xâm hại đến tài nguyên rừng. Thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Tài nguyên và Môi trường thống kê, rà soát quỹ đất của từng địa phương, tổ chức khảo sát và tham mưu cho UBND huyện đề xuất cấp có thẩm quyền quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp cho những hộ dân tái định cư thiếu đất sản xuất. Việc khảo sát, quy hoạch được thực hiện chặt chẽ, có sự phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm với các ngành chức năng của huyện Vĩnh Thạnh, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và Công ty Lâm nghiệp Sông Côn, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại về rừng, giảm thiểu thiệt hại môi trường và phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, đảm bảo khi khai hoang nhân dân sản xuất có hiệu quả. Kết quả năm 2006, đã tham mưu đề xuất UBND huyện lập thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chuyển mục đích 81,5ha đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp cấp cho một số hộ dân tái định cư khu vực Suối Cát thuộc xã Vĩnh Sơn, khu vực thôn M9, M10 thuộc xã Vĩnh Hòa và làng Hà Rơn, thị trấn Vĩnh Thạnh. Năm 2009, tiếp tục quy hoạch chuyển mục đích sử dụng 32,76ha đất lâm nghiệp tại khu vực Lò Than phục vụ đất sản xuất cho 2 làng tái định cư Konlókpok và Hà Rơn của thị trấn Vĩnh Thạnh. Việc kiểm tra, giám sát khai thác tận dụng gỗ, củi và đốt dọn khai hoang cũng được Hạt Kiểm lâm thực hiện chặt chẽ. Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm khai hoang đúng phạm vi ranh giới, tận dụng gỗ, củi trong khai hoang hiệu quả, không để lợi dụng việc khai hoang để khai thác gỗ trái phép, quá trình đốt dọn thực bì tuân thủ đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy và không để xảy ra cháy rừng. Chính nhờ làm tốt công tác tham mưu, đề xuất quy hoạch đất sản xuất cho nhân dân nên đã kịp thời hạn chế tình trạng phá rừng trái phép để làm nương rẫy trên địa bàn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc khai hoang không phù hợp với kỹ thuật canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số, dẫn đến phần lớn diện tích khai hoang được cấp cho đồng bào vẫn còn bị bỏ hoang, không canh tác được. Với tập quán phá rừng làm rẫy vẫn còn tồn tại, nên năm 2009, trên địa bàn huyện đã xảy ra 62 vụ phá rừng trái phép để làm nương rẫy, diện tích thiệt hại là 12,94ha; 6 tháng đầu năm 2010, xảy ra 16 vụ phá rừng trái phép để làm nương rẫy, diện tích thiệt hại là 5,07ha. Nguyên nhân chủ yếu là: một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức chưa cao, sản xuất nương rẫy mang tính luân canh, không cố định; hầu hết các xã, thị trấn chưa có quy hoạch sử dụng đất bền vững, công tác khuyến nông, khuyến lâm đạt hiệu quả chưa cao; việc sử dụng đất của nhân dân không hợp lý, một số diện tích đất quy hoạch để trồng cây lương thực nhưng lại trồng cây công nghiệp; việc xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện làm cho một số diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hẹp, trong khi đó dân số ngày càng tăng, sản xuất không đáp ứng đủ về nhu cầu lương thực; giá cả một số mặt hàng nông sản, lâm sản tăng cao, kích thích người dân địa phương phá rừng để lấy đất canh tác; việc tìm hiểu nắm bắt phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế; đối tượng phá rừng làm rẫy ngày càng tinh vi, phá rừng theo hình thức “da báo”, thực hiện vào ban đêm, sử dụng máy cưa cầm tay để chặt hạ cây rừng, trong khi đó công tác tuần tra, kiểm tra rừng của kiểm lâm địa bàn, của các chủ rừng còn thiếu thường xuyên, nên chưa phát hiện ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm; công tác xử lý vi phạm đối với những trường hợp phá rừng làm rẫy còn nhiều bất cập, đối tượng không có tiền nộp phạt, việc cưỡng chế phá bỏ hoa màu, buộc trồng lại rừng trên diện tích vi phạm không được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền xã nên đối tượng vi phạm vẫn tiếp tục sử dụng trái phép trên diện tích vi phạm; bên cạnh đó, một số đối tượng lợi dụng chính sách miền núi, tái định cư để phá rừng giành đất canh tác, hoặc để được đề bù khi có dự án xây dựng thủy điện. Trong thời gian đến, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đề ra một số giải pháp để ngăn chặn tình trạng phá rừng làm rẫy trên địa bàn, cụ thể là:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp với các ngành, hội, đoàn thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung, hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và nhận thức của người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm lâm địa bàn phải thường xuyên tiếp cận dân, gần gũi với dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào.

Thứ hai, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng; phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng trái phép; nâng cao trách nhiệm của đội ngũ kiểm lâm địa bàn, của các chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng.

Thứ ba, các cấp, các ngành nhanh chóng triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển sản xuất, giao rừng, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, để người dân có thu nhập ổn định, gắn bó quyền lợi và trách nhiệm người dân trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân canh tác bền vững trên đất nương rẫy, kết hợp với việc quy hoạch, sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, đáp ứng nguồn lương thực ổn định, tại chỗ cho người dân địa phương.

Thứ năm, đối với các dự án xây dựng thủy lợi, thủy điện làm ảnh hưởng đến đất canh tác của nhân dân, đề nghị không nên thực hiện đền bù bằng tiền mà phải quy hoạch đất sản xuất để bù lại diện tích đã được chuyển mục đích sử dụng, để người dân có đất canh tác ổn định, lâu dài.

Thứ sáu, xử lý kiên quyết đối với những trường hợp vi phạm phá rừng trái phép, hoặc lợi dụng chính sách dân tộc, tái định cư để phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép để làm rẫy hoặc sang nhượng.

NGÔ HỮU NIÊN


Số lượt đọc:  385  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:32:12 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH