Số 8

Nắng to càng lo phòng lửa...

Người ta thường vẫn bảo Đức Thọ là đất có võ nghệ cao cường vừa chống chọi với thủy thần lại ngăn chặn được hỏa tặc . Chả thế mà nhìn về Đức Thọ đã thấy mát mắt với đồng xanh, sông xanh và rừng xanh. Theo tôi nghĩ ba xanh này trường tồn và phát triển đều được nhen nhóm từ ý thức của cộng đồng. Giữa cái nắng hè chói chang năm nay, tôi trở lại Đức Thọ và đi theo dấu chân các chiến sĩ kiểm lâm để phần nào hiểu thêm trách nhiệm bảo về rừng trong những ngày cao điểm của các anh .

Nếu nói diện tích về rừng thì huyện lúa này không nhiều bằng Hương Sơn, Hương Khê, nhưng cũng không phải là ít. Toàn huyện hiện tại có hơn 3.183ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có 120ha rừng phòng hộ xung yếu và hơn 3.063ha rừng sản xuất được phân bổ 12 xã .

Một nét đặc thù của Đức Thọ là ở đây không có những cánh rừng nguyên sinh đại ngàn của thiên tạo mà chỉ có những cánh rừng nhân tạo. Những cánh rừng thông được trồng cách đây ba bốn thập kỷ với những cánh rừng bạch đàn, keo lá tràm được tỏa mầm chắc khỏe tạo nên "lá phổi xanh" đưa lại cho người dân địa phương về một môi trường sinh thái trong lành .

Anh Thành, hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đức Thọ bảo "Cứ nhìn vào diện tích rừng trồng, toàn những loại cây dễ bắt lửa cả, do vậy chúng tôi phải biết lo xa, phòng xa. Nói thật với anh ngăn "giặc lửa" chỉ độc nhất ngành kiểm lâm làm sao mà ngăn nổi mà phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân. Dân mà không ý thức được chuyện này thì kiểm lâm có ngồi trên chòi canh suốt đêm cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ". Tôi ngẫm lại câu nói của anh, thật đúng là con người từng trải về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Thực tế trên đất Hà Tĩnh này, ở đâu ý thức dân bảo vệ rừng yếu thì ở đấy mùa nắng nóng thường có nguy cơ cháy rừng cao. Đức Thọ bây giờ có gần 500 chủ rừng là hộ gia đình, vấn đề bảo vệ rừng đỡ phức tạp hơn khi chưa có chủ nhưng những mâu thuẫn hàng ngày vẫn tiếp tục nảy sinh và không ai lường trước được hậu họa xảy ra.

Điều mà chủ rừng lo và hạt kiểm lâm cũng lo đó là mâu thuẫn giữa những gia đình được nhận đất trồng rừng, bảo vệ rừng và những người không có rừng. Sự ghen ăn, ghét ở của những người biết xây dựng vốn gia đình từ cây và những kẻ không làm được về việc này. Mâu thuẫn từ lời ăn tiếng lại, từ sự suy nghĩ quá ích kỷ là họ làm rừng họ sẽ giàu hơn mình, họ sẽ khinh mình và thế là lửa bén vào những chủ hộ có rừng bất ngờ lúc nào không hay. Có khi là lảng bảng hoàng hôn, có khi lúc đốt rừng vào lúc nửa đêm. Người "gắp lửa bỏ vào rừng" thâm hiểm bằng một que hương nhỏ tiềm ẩn trong nắm cỏ khô để thiêu trụi hàng chục hécta rừng. Câu chuyện này khi xảy ra công an vào cuộc cũng khó lòng tìm ra thủ phạm. Vậy là phòng lửa phải bắt tay vào cái phòng "mâu thuẫn" cá nhân.

Muốn xóm làng đùm bọc "thương nhau chín bỏ làm mười", công tác phòng chóng cháy lại bắt đầu từ việc dân chủ bình đẳng trong cấp đất, giao khoán cho các chủ hộ. Từ nhiều năm nay các địa phương có rừng ở Đức Thọ đã có những cơ chế chính sách rất cụ thể, phù hợp với lòng dân nên rất ít xảy ra mâu thuẫn. Trút được mâu thuẫn trên là trút được nguy cơ tiềm ẩn cao nhất trong mùa nắng .

Tôi hỏi anh Thành: Người ta thường bảo học sinh thường là thủ phạm của cháy rừng có đúng không?

Anh Thành nói: "Chuyện ấy là chuyện muôn năm, bởi đối tượng học sinh thường rất hiếu động, mùa nóng lại là dịp các em nghỉ hè. Bao nhiêu cái hấp dẫn cuốn hút các em, chẳng hạn như đi đốt ong, săn bắt rùa hay nhóm lửa nướng sắn, nướng khoai. Các em vô tư lắm, các em đốt rừng cháy mà không hiểu công sức và mồ hôi gom góp lại, thế là tiền tỷ của tài nguyên bỏng cháy thành than. Vì vậy hạt kiểm lâm phải tích cực phối hợp với ngành giáo dục Đức Thọ, giáo dục các em về ý thức bảo vệ rừng"

Vừa nói anh Thành vừa mở tủ đưa cho tôi một tập tài liệu. Tôi liếc mắt, vô số bản cam kết của các em học sinh nhỏ tuổi về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Năm học 2009-2010, Đức Thọ đã tổ chức tuyên truyền được 21 trường (trung học cơ sở và tiểu học) có gần 1.000 em học sinh tham gia.

Bao giờ cũng vậy công việc muốn đạt được hiệu quả hạt phải thực hiện công việc đầu tiên là phối kết hợp với phòng giáo dục và tổ chức đoàn thanh niên, rồi triển khai công văn liên ngành về những nội dung cụ thể truyền đạt cho từng trường một. Trường học phải xem công tác bảo vệ rừng là một trong những tiêu chí thi đua của từng giáo viên và học sinh. Hầu như chuyện bảo vệ rừng ở Đức Thọ đã ăn sâu vào tiềm thức các thầy hiệu trưởng. Hiệu trưởng có trách nhiệm lớn với rừng thì công việc triển khai học tập và phổ biến các nội dung cấp trên ban hành đều được thực hiện một các nghiêm túc, lớp nào cũng được tham gia học. Nhiều trường học còn dành phần thưởng cho những học sinh phát hiện được những thủ phạm đốt rừng. Đặc biệt, xã Thượng Đức còn chủ động mời cán bộ kiểm lâm Đức Thọ cùng với cán bộ chính quyền 2 xã nói chuyện chuyên đề về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Từ những buổi nói chuyện như thế đã giúp cho các em hiểu sâu sắc thêm, nếu mất rừng cuộc sống và môi trường dân sinh sẽ nguy hiểm đến mức nào và ý thức sớm bảo vệ rừng chính là bảo vệ "ngôi nhà xanh" của cả cộng đồng

Một cán bộ kiểm lâm Đức Thọ cho biết, phương tiện hiệu quả và gần gũi dân nhất đấy là tổ tuyên truyền lưu động để thông báo từng ngày, từng giờ diễn biến của thời tiết và nguy cơ cháy rừng. Đường vào những xã có rừng gồ ghề khúc khuỷu. Với một phương tiện rất đơn giản một chiếc xe máy đặt trước là chiếc loa với những dụng cụ truyền dẫn điện để phát ra âm thanh lớn như bình ắc quy, pin đèn các anh đã rong ruổi hết ngày này sang ngày khác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, các anh như một người lính xung kích vào trận đánh. Họ mang theo bi đông nước để uống và mang theo cơm nắm để ăn. Trưa nắng trong tiếng ve sầu sôi réo rắt bà con vẫn nghe rõ tiếng của tổ kiểm lâm cơ động vọng tới từng nhà. Nghe những lời nhắc nhở và động viên ấy, buộc họ phải có ý thức một công dân giữ tài nguyên rừng. Giáo dục công tác bảo vệ rừng bắt đầu từ mỗi gia đình. Không chỉ nhà trường giáo dục con mà bố mẹ cũng biết giáo dục con biết làm những công việc gì có ích nhất trong những ngày hè. Tránh xa bệnh chủ quan khi làm đất, đốt cỏ khô, lên rừng không mang theo bật lửa để hút thuốc lào, thuốc lá.

Khó nhọc lắm tôi mới bám được sát gót các anh kiểm lâm Đức Thọ để tận mắt thấy các anh đứng chót vót trên chòi canh lửa. Người đàn ông mặc sắc phục kiểm lâm đang làm nhiệm vụ bảo tôi "Ngồi trên này bọn em giơ ống nhòm lên là thấy được tất cả. Những vùng rừng có sóng thì chỉ cần phát hiện làn khói kịp thời là thông tin được ngay về hạt. Nếu không phủ sóng cũng có xe máy báo kịp thời cho chính quyền sở tại. Thông tin về sự cố cháy rừng có thể kịp thời, mọi lúc mọi nơi ". Tôi được biết không chỉ có các anh ở chòi canh mà mùa nóng năm năm nay hạt kiểm lâm đã ký hợp đồng với một số người dân trực canh gác lửa rừng trên địa bàn toàn huyện tại các điểm trực cháy. Mọi công việc phòng chống cháy rừng đều được tập huấn cho 115 cán bộ và chủ rừng ở các xã. Các học viên đều được trang bị kiến thức phòng cháy, phương án chỉ huy, phương án huy động nguồn lực. Rồi công việc thiết kế hệ thống đường băng. Năm 2010, đã xây dựng được 25,5km đường băng cản lửa (trong đó làm mới 8,5km sửa chữa đường băng cũ 17km).

Không chỉ chuyện muôn thuở đều làm đường băng cản lửa, đốt thực bì, chuyện nói cho dân biết, bàn cho dân hiểu mà cuộc chế ngự lửa còn là mặt trận nóng bỏng và quyết liệt. Rừng xanh đang ngút nắng, rừng xanh đang nghe những bước chân kiểm lâm đến với rừng...

PHAN THẾ CẢI


Số lượt đọc:  113  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:28:47 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH