Số 8

Nâng cao năng lực pháp luật trong bảo vệ rừng ở Thanh Hóa

Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 1.113.473,32ha; trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 628.373,54ha; diện tích có rừng 532.460,91ha. Rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa cơ bản đã có chủ đích thực. Thanh Hóa đã thực hiện thành công Đề án "Đổi mới tổ chức công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa" từ năm 2005. Toàn tỉnh, đã đưa cán bộ kiểm lâm xuống các xã có rừng để tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Kết quả đạt được rất rõ nét nhất là vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở đối với công tác quản lý bảo vệ rừng đã được nâng lên; trách nhiệm quyền lợi của chủ rừng được coi trọng, trách nhiệm của cộng đồng dân cư được đề cao, phát huy có hiệu quả xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng ở thôn bản, khơi dậy sức mạnh của toàn dân trong bảo vệ rừng. Cả hệ thống chính trị đã và đang tham gia quản lý, giám sát công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hoạt động lâm nghiệp đã chuyển từ việc lấy khai thác là chính sang hoạt động bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, công tác bảo vệ và phát triển rừng từng bước được xã hội hóa. Đây là nét sáng tạo nổi bật trong công tác bảo vệ phát triển rừng so với những năm trước 2000. Kiểm lâm Thanh Hóa đã tham mưu xây dựng và thực hiện có hiệu quả 1.924 quy ước bảo vệ rừng ở cộng đồng dân cư thôn bản tại 1.924 thôn bản có rừng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Có thể nói để an ninh rừng ở Thanh Hóa được giữ vững như ngày nay, ngoài việc tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời các văn bản pháp luật của các cấp, các ngành ở Trung ương cũng như địa phương; Thanh Hóa còn tiến hành hàng loạt các giải pháp cả trước mắt và lâu dài; chính vì thế độ che phủ của rừng cũng ngày càng tăng từ 44,2% năm 2006 lên 45,2% năm 2007, đến năm 2009 đạt 46,7%. Mặc dù vậy cũng phải thấy rằng những việc chưa làm được không phải là ít, xin điểm lại một số nét tồn tại chính trong công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian qua. Trước hết là vấn đề nhận thức của các chủ rừng, của nhân dân, chính quyền cơ sở về bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức, có nơi còn phó mặc cho lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng khác, cán bộ cơ sở yếu, nhiều địa phương có diện tích rừng lớn nhưng không có cán bộ chuyên trách về lâm nghiệp. An ninh rừng ở một số địa phương chưa thực sự ổn định, tình trạng khai thác gỗ trái phép nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra ở vùng giáp ranh. Các khu vực còn giàu tài nguyên; khu vực đồng bào Mông di cư tự do phá rừng làm nương rẫy ở các huyện Quan Hóa, Mường Lát và một số địa bàn khác để lại hậu quả nặng nề; nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức độ cao nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời. Một số địa phương miền núi vẫn còn người dân phá rừng làm nương rẫy trái phép; tình trạng sử dụng cưa xăng vào rừng tự nhiên để khai thác trái phép vẫn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương và có nguy cơ tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách của Nhà nước để khai thác gỗ trái phép đã diễn ra ở một số địa bàn trọng điểm. Một số chủ rừng còn để rừng bị khai thác trái phép, gây cháy rừng, có nơi đã trở thành dư luận trên báo chí; việc vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra nhưng chậm được phát hiện ngăn chặn; việc nuôi nhốt động vật hoang dã không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kê khai, đăng ký diễn ra ở một số địa phương nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Số vụ vô chủ không bắt được đối tượng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao nên tính răn đe giáo dục hạn chế. Công tác xử lý vi phạm hành chính có đơn vị thực hiện chưa tốt về trình tự, thủ tục, còn có trường hợp xử lý không đúng khung phạt, để tồn đọng nhiều; một số đơn vị chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của cán bộ pháp chế. Trong thực thi công vụ bảo vệ rừng, khả năng vận động, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, hướng dẫn, giúp đỡ chủ rừng và nhân dân thực hiện bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận công chức kiểm lâm hạn chế, đặc biệt là kiểm lâm địa bàn xã. Khả năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng còn dàn trải, hình thức chưa phong phú, nội dung chưa sâu sắc và thiết thực. Việc hoạt động trực tiếp thi hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng của kiểm lâm trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra hình sự các vụ án thuộc thẩm quyền của kiểm lâm còn nhiều yếu kém, bất cập. Đặc biệt vẫn còn có cán bộ kiểm lâm vi phạm nguyên tắc trong thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại vẫn chưa thật sự được chú trọng, giải quyết chưa dứt điểm, vẫn còn nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo gửi vượt cấp, gửi nhiều ngành, giải quyết rồi nhưng vẫn còn khiếu kiện lại. Việc thực hiện Thông tư số 144 về phối hợp giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ rừng, phối hợp trong bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm, Công an, Quân đội và các cấp, ngành chưa thường xuyên, chưa đồng bộ, chưa có tính chiến lược và kế hoạch; chưa thường xuyên sơ kết đánh giá kết quả công tác phối hợp hàng năm.

Nguyên nhân của những tồn tại nêu trên thì có nhiều, xong những nguyên nhân cần phải kể đến đó là cán bộ công chức kiểm lâm trình độ, năng lực hiểu biết pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là công tác vận động quần chúng, thực thi pháp luật cộng với cơ chế, chính sách về lâm nghiệp chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Một bộ phận công chức kiểm lâm chưa chịu khó học tập, rèn luyện kỹ năng pháp luật và kiến thức xã hội để thừa hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức chưa thường xuyên, chắp vá và thật sự chưa được coi trọng. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm, coi trọng và sử dụng lực lượng pháp chế theo đúng chức năng nhiệm vụ. Một số địa bàn để xảy ra khai thác trái phép kéo dài nhưng cán bộ pháp chế không biết hoặc biết nhưng không báo cáo xử lý kịp thời, thậm chí có nơi còn bưng bít thông tin. Công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho chủ rừng, tuyên truyền phổ biến pháp luật bảo vệ rừng, xử lý vi phạm; công tác thẩm hạch, phát hiện và uốn nắn các sai sót trong lĩnh vực xử lý còn hạn chế, thiếu kịp thời. Cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho hoạt động bảo vệ rừng chưa được đầu tư thỏa đáng; nhận thức về trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của chính quyền cơ sở, chủ rừng và nhân dân còn hạn chế; cơ chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa chính quyền cơ sở, các ngành Công an, Quân đội, Kiểm lâm và lực lượng quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng chưa đồng bộ... Xuất phát từ những nguyên nhân trên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao vị thế của lực lượng kiểm lâm trong việc tham mưu và trực tiếp thừa hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, cần thiết phải đổi mới tư duy nhận thức và năng lực thực thi pháp luật cho công chức kiểm lâm và hệ thống chính quyền cơ sở, chủ rừng, các ngành và nhân dân trong thực thi pháp luật về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Để nâng cao năng lực thực thi pháp luật cần bổ sung biên chế kịp thời cho Kiểm lâm Thanh Hóa đủ chỉ tiêu theo định mức. Kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp hạt, cấp trạm, tổ trưởng kiểm lâm cơ động; thực hiện nghiêm việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ công chức. Kiện toàn cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách ở cơ sở theo hướng ổn định và chịu sự quản lý điều động của ngành. Tăng cường đào tạo kiến thức pháp luật; kỹ năng vận động quần chúng trong bảo vệ và phát triển rừng; kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật bảo vệ và phát triển rừng cho cán bộ công chức kiểm lâm. Việc rèn luyện kỹ năng chuyên nghiệp trong công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng phương án, kế hoạch trong bảo vệ rừng phải hết sức chú trọng. Bảo vệ rừng phải được tiến hành ngay tại gốc, chính quyền các cấp phải thật sự ra tay. Chính vì vậy, để chính quyền có thể làm tròn trách nhiệm của mình thì cần thiết phải tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong điều kiện hiện nay để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên tất cả các lĩnh vực thì việc kỹ năng tham gia điều tra, xây dựng hồ sơ xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản cũng không thể thiếu được cả về mặt hành chính và hình sự. Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng, một lĩnh vực rất khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn rất cao chính vì vậy cũng phải được đổi mới và nâng cao; khả năng tuyên truyền vận động nhân dân, chủ rừng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng; tham gia chỉ đạo công tác chữa cháy rừng, huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng cũng cần phải cải tiến, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền theo hướng chuyên đề, có lồng ghép bằng hình ảnh để nhân dân dễ thấy, dễ nhớ, dễ thực hiện. Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng giai đoạn hiện nay để ngăn chặn kịp thời những hành vi chống đối quyết liệt lực lượng thừa hành nhiệm vụ, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của công dân thì phải tăng cường khả năng sử dụng thành thạo vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, hệ thống thông tin liên lạc. Phương tiện giao thông, luyện tập võ thuật nâng cao thể lực và khả năng phòng vệ, tấn công khi đối tượng chống người thi hành công vụ bảo vệ rừng. Một nội dung cũng không thể thiếu được đó là phải tăng cường cơ sở vật chất, hiện đại hóa dần các trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng phục vụ công tác bảo vệ rừng theo hướng ngày càng chính quy, hiện đại. Để thực hiện được các nội dung trên đây, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau đây:

Một là, củng cố hệ thống tổ chức Kiểm lâm Thanh Hóa, xây dựng Đội phòng cháy chữa cháy rừng theo hướng chuyên trách có hiệu quả; bổ sung biên chế đảm bảo định mức 1000ha rừng/1 cán bộ kiểm lâm;

Hai là, tuyển dụng những công chức kiểm lâm có đủ sức khỏe, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình công tác, có lòng yêu rừng, yêu nghề về công tác tại địa bàn các xã có rừng để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đảm bảo các xã có rừng đều có cán bộ kiểm lâm phụ trách;

Ba là, củng cố lại hệ thống các trạm kiểm lâm cửa rừng, các tổ chốt, các tổ kiểm lâm cơ động, đảm bảo hỗ trợ kiểm lâm địa bàn xã và chính quyền cơ sở bảo vệ rừng tận gốc. Đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi xâm hại rừng; tuyển chọn bổ nhiệm chức danh trạm trưởng từ những cán bộ công chức có sức khỏe, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn, có khả năng tập hợp quần chúng tham gia bảo vệ rừng;

Bốn là, tăng cường hoạt động kiểm lâm cơ động; thành lập các tổ kiểm lâm cơ động, các tổ chốt, đảm bảo ở mỗi đơn vị kiểm lâm huyện có một tổ cơ động từ 3 đến 5 người;

Năm là, xây dựng cơ chế chỉ đạo, điều hành hoạt động của lực lượng thuộc Chi cục Kiểm lâm, UBND các huyện, các xã có rừng; phối hợp các lực lượng trên địa bàn trong bảo vệ rừng, xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng bảo vệ rừng. Kiểm lâm là lực lượng thống nhất trong quản lý bảo vệ rừng, vì vậy nơi nào xảy ra tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép khi được điều động đều phải có nghĩa vụ phối hợp tăng cường để giải quyết vụ việc;

Sáu là, đào tạo và đào tạo lại kiến thức pháp luật cho công chức kiểm lâm, đảm bảo kiểm lâm là lực lượng chuyên trách trong bảo vệ rừng để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ, tiếp tục thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại rừng theo đúng pháp luật. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho kiểm lâm địa bàn, nâng cao năng lực tham mưu cho chính quyền cơ sở để bảo vệ rừng. Nội dung tập huấn chủ yếu là gợi mở vấn đề, tình huống xảy ra, phương pháp xử lý tình huống đó trong thực tiễn sẽ làm người học dễ tiếp thu hơn;

Bảy là, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho kiểm lâm theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đảm bảo cơ động nhanh trong chữa cháy rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng ngay tại gốc một cách kịp thời, có hiệu quả;

Tám là, kiểm lâm phải sử dụng thành thạo vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin vô tuyến điện và các trang thiết bị khác. Thường xuyên luyện tập, huấn luyện võ thuật để rèn luyện sức khỏe, nâng cao bản lĩnh trong đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng;

Chín là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ phát triển rừng.

LÊ QUỐC VIỆT


Số lượt đọc:  1725  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:40:02 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH