Số 8

Cộng đồng quản lý rừng ở Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế nằm ở khu vực miền Trung Việt Nam và thuộc vùng cảnh quan Trung Trường Sơn. Đây là khu vực được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá có giá trị đa dạng sinh học rất cao và nhiều tiềm năng. Ngoài một số loài đặc hữu như gà lôi lam mào trắng, sao la, trong những năm gần đây đã phát hiện thêm 10 loài mới cho khoa học như rắn nước môi trắng, các loài lan hài, và nhiều loài côn trùng chưa có tên trong danh lục.

Cũng như các tỉnh khác, tài nguyên rừng Thừa Thiên Huế đang đứng trước thực trạng bị khai thác, sử dụng quá mức cả hợp pháp lẫn phi pháp và có nguy cơ suy giảm về số lượng và chất lượng. Trước tình hình đó, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, từ việc nghiên cứu và ban hành các chính sách, chiến lược, đến tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, hay thực thi pháp luật lâm nghiệp... Đặc biệt, chú trọng đến việc huy động cộng đồng cùng tham gia vào công tác bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi các quy định của Nhà nước còn bỏ ngỏ vấn đề chủ thể tham gia quản lý tài nguyên của cộng đồng địa phương, Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn xây dựng thí điểm các mô hình hợp tác quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương từ khâu xây dựng kế hoạch đến việc triển khai ngoài hiện trường.

Có thể nói, việc lập kế hoạch hoạt động cũng như xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn tài nguyên thiên nhiên từ trước đến nay chủ yếu do các cơ quan chức năng triển khai, đặc biệt là do nhóm nhỏ các thành viên chủ chốt thực hiện với tính chất áp đặt từ trên xuống. Đây là cách tiếp cận khá cứng nhắc và đã bộc lộ nhiều điểm yếu trong thời gian qua.

Với thí điểm xây dựng kế hoạch hoạt động bảo tồn tài nguyên có sự tham gia của cộng đồng tại một số vùng trọng điểm ở các khu rừng đặc dụng, Thừa Thiên Huế đã xây dựng mô hình điểm về “Thỏa thuận chia sẻ tài nguyên tại vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã” và “Quy chế quản lý tài nguyên vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền”.

Để hình thành nên những thỏa thuận và quy chế này, ban quản lý các khu rừng đặc dụng đã tổng hợp ý kiến đóng góp của ban ngành liên quan, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, và đặc biệt chú trọng đến những tâm tư, nguyện vọng cũng như lợi ích thiết thực của cộng đồng người dân địa phương thông qua các buổi tiếp xúc cộng đồng, họp thôn hay hội thảo các cấp. Với 2 mô hình thí điểm này, người dân địa phương đã góp tiếng nói của mình vào việc xây dựng kế hoạch hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trên cơ sở đảm bảo tính pháp lý đã được quy định và phần nào đáp ứng nhu cầu sử dụng tài nguyên của người dân, cụ thể ở đây là tài nguyên rừng.

Một sáng kiến khác của lực lượng Kiểm lâm Thừa Thiên Huế chính là xây dựng thành công loại hình “Hội bảo tồn thiên nhiên” tại các xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Đây là một loại hình khá mới mẻ trong cả nước, được các tổ chức hoạt động bảo tồn quan tâm nhằm hướng đến giải quyết mâu thuẫn của hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát huy vai trò của người dân địa phương trong quản lý bền vững nguồn tài nguyên này. Hội bảo tồn thiên nhiên đã được tổ chức IUCN, WWF hợp tác triển khai một số hoạt động truyền thông và tin tưởng tiếp tục hỗ trợ kinh phí cũng như tư vấn trong thời gian qua.

Cấp độ bảo tồn cảnh quan vùng, Chi cục Kiểm lâm đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình làng sinh thái ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Mô hình này là kết quả từ sự mong đợi của người dân vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền nhằm tìm ra một lối sống bền vững dựa trên thái độ và cách tiếp cận, xử sự thân thiện với môi trường. Qua đó, mỗi thành viên trong cộng đồng thôn bản có trách nhiệm thực hiện các quy định của thôn để hướng tới bảo tồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Làng sinh thái là một mô hình tổng hợp gồm nhiều loại hình hoạt động trình diễn về công tác quản lý và sử dụng tài nguyên theo hướng bền vững trên cơ sở dựa vào cộng đồng. Mọi hoạt động đều hướng đến xây dựng một cơ chế bảo tồn theo phương thức tiếp cận quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng và được xem như là chính sách thay đổi trong việc huy động nguồn lực trong dân. Tuy chỉ mới triển khai trong phạm vi nhỏ, nhưng cũng đã chứng tỏ cho các nhà hoạch định chính sách cấp huyện, xã thấy rõ vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Cộng đồng địa phương bắt đầu được khuyến khích tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tài nguyên. Nếu như trước đây họ chỉ tham gia các hoạt động này với tính chất thụ động như chỉ là người dẫn đường hay giúp việc, thì hiện nay một số người dân địa phương có năng lực đã được huy động tham gia các đợt khảo sát như là một nhà nghiên cứu thực thụ. Đây là một bước tiến lớn trong hoạt động khảo sát hiện trường nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Một số nhóm hộ nhận rừng đã có thể tham gia đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng ở khu vực rừng được Nhà nước giao. Qua đó, họ có thể nắm bắt được giá trị thực tế của khu vực rừng đã nhận, đồng thời chủ động đưa ra kế hoạch quản lý một cách chính xác và hiệu quả nhất.

Ngoài ra, cộng đồng cũng đã tham gia khảo sát các loài lâm sản ngoài gỗ sau khi được các chuyên gia tập huấn các kỹ năng liên quan. Một nhóm người dân địa phương tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã tổ chức đánh giá, kiểm kê các loài cây thuốc và lâm sản ngoài gỗ khác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Qua đó cho thấy, nếu kết hợp những kiến thức bản địa của người dân địa phương và những tiến bộ của khoa học thì kết quả thu được sẽ cao hơn rất nhiều.

Với các hoạt động nghiên cứu đa dạng sinh học đòi hỏi những kỹ thuật, kỹ năng cao như đánh giá vùng phân bố các loài động vật, hay xác định số lượng cá thể các loài động vật biểu trưng, người dân địa phương đã bắt đầu tham gia và có những đóng góp đáng kể trong thành quả thu được. Có thể kể đến trường hợp điển hình của nhóm hộ dân ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã góp sức trong việc phát hiện và ghi lại dấu chân của cá thể hổ trưởng thành vào năm 2003. Một ví dụ khác là 3 nhóm hộ dân ở vùng đệm Vườn quốc gia Bạch Mã đã tổ chức giám sát hệ thống bẫy ảnh vào năm 2009 sau khi được tập huấn các kỹ năng về sử dụng bẫy ảnh, la bàn, máy ảnh và máy định vị GPS. Những kết quả khảo sát hiện trường do nhóm cộng đồng này mang lại đã góp phần vào cơ sở khoa học cho việc hình thành Khu bảo tồn Sao La.

Tuy chưa đánh giá toàn diện hiệu quả quản lý tài nguyên với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, nhưng với những biểu hiện bên ngoài cùng với việc giảm thiểu các hành vi xâm hại tài nguyên thiên nhiên tại 2 khu rừng đặc dụng ở Thừa Thiên Huế, có thể nói cộng đồng địa phương là lực lượng góp phần tích cực cho thành quả chung của ngành lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua.

NGUYỄN QUANG HÒA ANH


Số lượt đọc:  971  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:37:33 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH