Số 8

Cần có cơ chế quản lý hợp lý để bảo vệ rừng

Năm 2010, tình hình cháy rừng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đi đến hồi kết, bởi hiện tại thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp. Chưa hết, chưa tổng kết nhưng trước mắt đã cho thấy số vụ cháy trong mùa khô năm nay đã tăng gấp ba lần cùng kỳ năm trước, tuy thiệt hai về rừng là không đáng kể do được ứng cứu kịp thời theo phương châm bốn tại chỗ nhưng qua đó cũng cho thấy những bất cập nảy sinh xuất phát từ công tác quản lý và tổ chức thực thi các biện pháp bảo vệ rừng.

Tại hội nghị rút kinh nghiệm về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2009 - 2010, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Các vụ cháy trong mùa khô năm nay là rất đáng báo động về cung cách quản lý, cần phải rút kinh nghiệm và coi đó là bài học thật cần thiết. Trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, rừng chủ yếu tập trung tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Đây vốn là khu rừng cấm được nâng cấp thành khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên mười một ngàn hécta. Tên gọi được nâng cấp nhưng bộ máy hoạt động dù có đổi tên gọi, hình thành thêm các phòng chức năng cho “xứng tầm” nhưng những con người làm công tác quản lý và trực tiếp bảo vệ thì vẫn không có gì thay đổi... có khác chăng là được “giăng” thêm các trạm bảo vệ ở ven rừng; do vậy việc tổ chức quản lý và bảo vệ chắc chắn còn có những khó khăn một phần do lịch sử để lại và phần nào đó ở góc độ trách nhiệm cũng cần được đặt ra. Trong diện tích trên bốn ngàn hécta được gọi là khu phục hồi sinh thái, từ những năm chín mươi trở lại đây đã giao khoán cho trên hai trăm hộ gia đình và cá nhân làm chủ có tính chất ổn định để thực hiện mục đích khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới theo các văn bản hướng dẫn của Nhà nước ở từng thời điểm cụ thể. Đây còn là vùng rừng căn cứ trong hai cuộc kháng chiến, sau đó là cả một thời gian dài thiếu sự quản lý, bị xâm lấn, bị chặt phá... Hiện trạng còn lại chủ yếu là da beo cần phải được trồng mới, trồng bổ sung các loài cây phù hợp với lập địa để nâng độ che phủ và thực hiện các biện pháp lâm sinh khác với mục đích làm giàu rừng để rừng thực sự đúng với ý nghĩa là rừng đặc dụng bảo tồn đa dang sinh học phục vụ nghiên cứu khoa học và tái tạo môi trường, cảnh quan. Khi thực hiện giao khoán, chủ rừng đã giao kèo cho hộ nhận khoán được thực hiện việc trồng cây rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp trên cùng diện tích. Qua thời gian thực hiện, một số tổ chức và cá nhân đã chấp hành tốt việc trồng và chăm sóc trên diện tích nhận khoán, kết hợp tốt việc sản xuất nông nghiệp (trồng cây nông nghiệp ngắn ngày) với trồng rừng, nhiều diện tích rừng trồng cây gỗ lớn đã thực sự thành rừng. Tuy nhiên cũng có những hộ không thực hiện đúng hợp đồng, không trực tiếp sản xuất, lợi dụng danh nghĩa để cho thuê, mướn đất trồng thuần loại cây nông nghiệp, sang nhượng hợp đồng trái quy định làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ. Những việc này lẽ ra cần phải được xem xét, chấn chỉnh kịp thời để hộ nhận khoán thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng. Thế nhưng, chỉ vì số ít các hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng mà trong mùa mưa 2009 chủ rừng đã viện dẫn các văn bản pháp luật để cấm toàn bộ các hộ nhận khoán không được trồng xen cây mỳ vào diện tích đã trồng cây gỗ lớn. Hậu quả là số hộ dân nhận khoán bị tước bỏ quyền lợi, họ đã không thực hiện phần nghĩa vụ chăm sóc và phòng cháy trên diện tích rừng trồng. Đất bỏ hoang, cỏ dại che lấp phần diện tích rừng trồng từ 3 đến 5 năm tuổi và cạnh tranh toàn bộ trên những diện tích trồng cây gỗ lớn đã thành rừng. Khi ban hành việc cấm không cho sản xuất nông nghiệp trên diện nhận khoán, chủ rừng chưa có những biện pháp cụ thể, tích cực, chủ động tạo kinh phí để đầu tư thực hiện việc chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng ở những diện tích dân bỏ hoang, những diện tích rừng trồng đã hết thời kỳ đầu tư chăm sóc để tránh gây ra cháy làm thiệt hại đến rừng, cháy và thiệt hại trên những diện tích rừng trồng này là điều không tránh khỏi.

Việc áp dụng các văn bản pháp luật để thực thi công tác quản lý bảo vệ rừng là hoàn toàn đúng đắn, nhưng áp dụng thế nào cho hiệu quả lại phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của của người quản lý. Để tránh lập lại tình trạng trên, thiết nghĩ, người quản lý các cấp cần rút kinh nghiệm, tuyệt nhiên không nên máy móc, áp đặt, chủ quan duy ý chí, mà cần phải áp dụng cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từng điều kiện cụ thể và thiết thực đảm bảo cho người nhận khoán gắn bó với rừng, yên tâm đầu tư cho sản xuất và làm giàu rừng, yêu rừng như chính những mảnh vườn của họ mới mong rừng phát triển ổn định và bền vững.

NGUYỄN XUÂN THỦY


Số lượt đọc:  138  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:27:19 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH