Số 8

Bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Không chỉ ở nước ta mà ở rất nhiều nước trên thế giới, rừng luôn được coi là tài sản quý giá cần bảo vệ và giữ gìn nghiêm ngặt. Từ xa xưa ông cha ta cũng đã rất coi trọng việc bảo vệ và gìn giữ nguồn tài nguyên này. Trong sách giáo khoa của các bậc học, những bài học về tầm quan trọng của rừng và sự cần thiết phải chăm sóc và bảo vệ rừng luôn là điều được khẳng định và nhắc nhở. Nạn phá rừng đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, dẫn đến những thảm họa như bão lụt, lũ quét lũ ống, lở đất, xói mòn đất, làm thay đổi khí hậu bất thường, sinh ra nhiều loại dịch bệnh... Bảo vệ rừng vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi thiết thân của mọi người dân nhất là cộng đồng dân cư vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Để rừng ngày càng tốt tươi không những về mặt diện tích che phủ mà cả chất lượng rừng, cần có những biện pháp hữu hiệu. Vấn đề đặt ra ở đây là cần có sự góp sức của cả hai phía: Nhà nước và nhân dân. Nhà nước phải có những chính sách mới phù hợp nhằm thúc đẩy bảo vệ rừng và phát triển bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về giá trị của rừng đối với cuộc sống của họ để họ tích cực tham gia vào việc bảo vệ rừng và trồng rừng. Bởi vì rừng không chỉ cung cấp những nguyên vật liệu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày mà còn là nền tảng của sản xuất, là văn hóa trong cuộc sống của đồng bào.

Gần đây, Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương xã hội hóa nghề rừng và để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã có quyết sách mạnh mẽ trong việc huy động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia vào quá trình xã hội hóa nghề rừng theo hướng bền vững, Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ra ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Mô hình giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, hưởng lợi đã giúp bà con có thêm việc làm, tăng thu nhập để ổn định đời sống. Khi lợi ích gắn với rừng, thì đồng bào có trách nhiệm bảo vệ và phục hồi rừng tốt hơn. Điều đáng nói hơn, giao rừng cho đồng bào cũng đồng nghĩa với việc khôi phục nhiều tập quán tốt đẹp trong sản xuất và đời sống, khôi phục ý thức “làm chủ” đối với rừng của mỗi người dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết của mọi người dân, gắn trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo vệ rừng với người dân để người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng. Tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế, sinh thái của rừng, khích lệ người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Cho đến nay trong nhận thức của phần lớn người dân thì rừng được coi như kho tài nguyên. Người ta không nghĩ rằng, với tính chất của tài nguyên tái tạo, rừng thực sự là một tư liệu sản xuất vô cùng quý giá, là nhà máy khổng lồ sản xuất liên tục các loại lâm sản khác nhau. Thiết nghĩ, kỷ luật nghiêm minh, đời sống no ấm, giáo dục ý thức tốt và tuyên truyền tới người dân là những giải pháp hữu hiệu cho sự nghiệp bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên rất quý của dân tộc.

Thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông lâm nghiệp. Hiện nay một số địa phương chưa có quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, diện tích rừng cũng như diện tích đất dành cho phát triển lâm nghiệp nói chung thường bị xâm lấn để chuyển thành các loại đất khác. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất ổn định kết hợp với giao đất, giao rừng sẽ làm cho mọi diện tích đất lâm nghiệp đều có chủ cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cộng đồng tham gia vào bảo vệ và phát triển rừng.

Xây dựng biện pháp ngăn chặn di dân di cư tự do vào lấn chiếm rừng để canh tác. Dân số tăng lên trong những năm gần đây được người dân địa phương xác định như một nguyên nhân quan trọng nhất làm suy giảm diện tích và chất lượng rừng. Vì vậy, cần có biện pháp ngăn chặn di dân tự do vào phá rừng làm nương rẫy và cần có quy hoạch sắp xếp ổn định các khu dân cư.

Để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn các xã cần phải xây dựng hệ thống tổ chức quản lý lâm nghiệp ở cấp xã nhằm tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng theo quy định của Nhà nước.

Củng cố và xây dựng các tổ chức cộng đồng liên quan đến quản lý bảo vệ và phát triển rừng ở cấp xã. Các tổ chức xã hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, các tổ chức Đảng, Đoàn, Thanh niên… có vai trò rất lớn trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước góp phần ổn định xã hội, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất phát triển. Đối với bà con vùng đệm hoạt động bảo vệ và phát triển rừng có liên quan chặt chẽ với các tổ chức cộng đồng. Cộng đồng tích cực tham gia quản lý các nguồn tài nguyên khi có các giải pháp thích hợp thì cộng đồng chính là lực lượng động viên hỗ trợ, giám sát và thậm chí cả cưỡng chế các thành viên thực hiện những chính sách Nhà nước về quản lý tài nguyên. Ngược lại khi những giải pháp, những chính sách quản lý tài nguyên không thích hợp thì họ trở thành lực lượng cản trở, thậm chí đối lập với Nhà nước trong hoạt động quản lý tài nguyên. Vì vậy, các giải pháp quản lý tài nguyên rừng cần phát triển theo hướng kết hợp giữa hoạt động bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng với hoạt động sản xuất để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thống nhất được lợi ích người dân với lợi ích quốc gia trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân của hiệu quả quản lý bảo vệ rừng chưa cao là thiếu sự phối hợp tốt giữa các lực lượng kiểm lâm, biên phòng và lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên cùng một địa bàn. Vì vậy, cần có sự phối hợp tốt hoạt động, để thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ chung vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Các cấp chính quyền, các chủ rừng phải xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hoạt động và phương án bảo vệ rừng từng năm, từng giai đoạn trên phạm vi địa phương mình quản lý. Các chủ rừng cần chú trọng tăng cường lực lượng và trang thiết bị đủ mạnh để bảo vệ rừng, đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả đối với diện tích rừng đã được giao. Lực lượng kiểm lâm cũng cần phải được củng cố và đổi mới hoạt động nhằm làm tốt công tác tham mưu giúp chính quyền cơ sở xây dựng và triển khai các phương án, biện pháp, kế hoạch bảo vệ rừng. Duy trì và tổ chức hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng có hiệu quả. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách về hưởng lợi của người dân từ rừng. Các biện pháp bảo vệ rừng phải được xây dựng trên cơ sở gắn với các hoạt động phát triển rừng và hướng tới cộng đồng.

Hệ thống các biện pháp bảo vệ rừng đang được áp dụng hiện nay và vẫn phát huy hiệu quả tốt đó là tuyên truyền, quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, nhất là đất lâm nghiệp, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật, xây dựng và thực hiện tốt các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo giai đoạn và theo từng năm, làm tốt chính sách giao đất, giao rừng kết hợp chặt chẽ với khuyến nông khuyến lâm. Thực hiện tốt các dự án về xóa đói giảm nghèo, về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Làm tốt công tác phối kết hợp giữa 3 lực lượng kiểm lâm, quân đội và công an trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Một phương án bảo vệ rừng có tính khả thi, hợp lý và hiệu quả chính là biết lợi dụng nhiều yếu tố, kết hợp với nhiều bên tham gia, phương thức hoạt động đa dạng, chủ động, phù hợp với hoàn cảnh từng vùng, từng khu vực. Muốn vậy, phải xác định được các vùng trọng điểm, các điểm nóng về vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, về cháy rừng… để có phương án cụ thể. Các công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng cần được đầu tư xây dựng sao cho phù hợp với chiến lược thực hiện công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, chữa cháy rừng mang tính chuyên nghiệp, kịp thời ứng phó và xử lý mọi tình huống xảy ra. Lực lượng này có sự phối hợp từ nhiều ngành như Kiểm lâm, Quân đội, Công an và chính quyền địa phương.

Các giải pháp kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng như trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, nông lâm kết hợp. Cần nghiên cứu chọn loại cây trồng phù hợp và đáp ứng được lợi ích kinh tế cũng như môi trường của Vườn quốc gia. Nên chọn cách trồng rừng hỗn giao để phòng cháy, thử nghiệm và ứng dụng kỹ thuật xây dựng băng xanh cản lửa và các kỹ thuật tiến bộ khác trên nguyên tắc các vùng rừng tập trung được quy hoạch hợp lý và khoa học. Đối với các khu rừng cần phục hồi phải tiến hành chăm sóc, phát dây leo tạo điều kiện để rừng sinh trưởng và phát triển nhanh, mặt khác làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng. Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho công tác chữa cháy rừng dần dần thay thế phương pháp thủ công hiện đang áp dụng. Nghiên cứu các vật liệu xây dựng thay thế gỗ từ rừng tự nhiên. Khuyến khích việc sử dụng các loại sản phẩm đó để từng bước thay đổi thói quen sử dụng gỗ và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ rừng tự nhiên. Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống của các cộng đồng dân tộc liên quan đến hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.

Gắn trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn của các cấp chính quyền và đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo vệ rừng. Tăng cường sự phối hợp có hệ thống, có kế hoạch với các lực lượng liên quan để tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động về xâm hại tài nguyên rừng. Dựa vào nhân dân để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Với công tác phòng cháy chữa cháy rừng, phải quán triệt phương châm phòng là chính, chữa cháy kịp thời và hiệu quả. Có chính sách khen thưởng và động viên kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ rừng. Song cơ bản nhất vẫn là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển kinh tế xã hội, sử dụng rừng và hưởng lợi từ rừng một cách bền vững và có hiệu quả lâu dài, có như vậy mới mong hạn chế và ngăn chặn được tình trạng phá rừng trái phép, xâm hại tài nguyên rừng hiện nay.

Trang bị cho các nhân viên kiểm lâm các thiết bị hiện đại để ngăn chặn kịp thời các vụ cháy rừng do thiên nhiên (hạn hán, sấm sét), con người gây ra…

Xây dựng quy ước bảo vệ phát triển rừng là một chính sách phù hợp với việc đổi mới cơ chế quản lý theo hướng xã hội hóa nghề rừng, nó phát huy vai trò tự nguyện và tính dân chủ trong dân, được cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở quan tâm, ủng hộ và nó mang lại lợi ích thiết thực, làm cho mọi người phấn khởi khi tham gia bảo vệ rừng, nhất là sau khi được giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng theo Quyết định 134,178 của Chính phủ. Nghị định số 163 về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Tập quán tốt đẹp của đồng bào được phát huy, trong đó vai trò già làng, trưởng bản được coi trọng và từ đó thúc đẩy cộng đồng luôn quan tâm và phát triển rừng.

NGUYỄN THỊ THIM


Số lượt đọc:  543  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:33:27 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH