Số 8

Bảo Lâm làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng

Bảo Lâm (Lâm Đồng) có diện tích hơn 146.300ha đất tự nhiên; trong đó có gần 93.100ha rừng và đất rừng chiếm gần 63,6% diện tíchtự nhiên. Năm 2008, thực hiện Quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng đã chuyển hơn 12.700ha đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp và các loại đất khác phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện Bảo Lâm có 80.308ha rừng và đất rừng trong đó rừng đặc dụng 5.504ha, rừng phòng hộ 9.858ha, rừng sản xuất 64.946ha; rừng và đất rừng nằm rải khắp trên địa bàn 10 xã, thị trấn và tập trung nhiều ở các xã như Lộc Bắc, Lộc Lâm, Lộc Bảo, Lộc Phú, Lộc Tân và xã B'Lá.

Trong những năm qua nhất là từ năm 2005 đến nay, nhận thức về vị trí tầm quan trọng của rừng để phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong chiến lược phát triển kinh tế ngày được nâng cao. Cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng huyện Bảo Lâm đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác bảo vệ và phát huy nguồn lợi từ rừng. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về công tác quy hoạch, huyện đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước khoanh vùng cụ thể các loại rừng, xây dựng kế hoạch bảo vệ phát triển các loại rừng với nhiều hình thức quản lý phù hợp. Hiện nay trên địa bàn huyện có 7 đơn vị chức năng được giao quản lý bảo vệ phát triển tài nguyên rừng gồm Hạt Kiểm lâm, 2 ban quản lý khu vực, 4 công ty, lâm trường và 11 ban quản lý lâm nghiệp các xã có rừng. Lực lượng kiểm lâm đã thực hiện việc đưa kiểm lâm về phụ trách địa bàn các xã trọng điểm nhiều rừng. Từ năm 2005 đến nay UBND huyện Bảo Lâm đã ban hành 65 văn bản liên quan đến công tác bảo vệ rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục vận động ở thôn buôn; tổ chức nhiều hình thức nhân dân tham gia từ cơ sở như hội nghị phòng cháy chữa cháy, bảo vệ rừng ở cấp xã, họp dân tại thôn buôn, xây dựng thực hiện quy ước bảo vệ rừng, ký cam kết đến hộ gia đình thực hiện công tác bảo vệ rừng.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong năm 2008- 2009 và đầu năm 2010 đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền ở thôn buôn với gần 14 ngàn lượt người tham dự, có 26 thôn buôn trong 10 xã có rừng xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Phối hợp với chủ rừng ký cam kết cho 120 hộ dân ở gần rừng không gây cháy, phá rừng. 80% diện tích rừng đã giao cho chủ quản lý, phần lớn diện tích tập trung do các công ty lâm nghiệp, lâm trường; Ban quản lý khu vực quản lý bảo vệ và hợp đồng giao khoán bảo vệ đến tận hộ dân; những năm vừa qua đã giao cho 2.000 hộ - ký nhận bảo vệ chăm sóc gần 40 ngàn hécta trong đó có diện tích rừng do Lâm trường Lộc Bắc, Công ty lâm nghiệp Bảo Lâm, Ban quản lý rừng Lộc Tân, Công ty cổ phần giống nông nghiệp và Ban quản lý rừng Bảo Lâm đã giao hoặc cho thuê 33 tổ chức doanh nghiệp với diện tích hơn 11.100ha. Số ít diện tích còn lại ở những nơi không tập trung... Huyện chỉ đạo các chủ rừng giao cho hộ gia đình theo chương trình dự án 178, 135, dự án bảo vệ và phát triển nông thôn. Đã có 440 hộ và gần 3000ha được giao trong chương trình này.

Khi đưa về được quản lý trực tiếp nhiều đơn vị có diện tích lớn nhưng thực hiện khá tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng như Công ty lâm nghiệp Bảo Lâm có diện tích rừng được giao nằm trên địa bàn 3 xã Lộc Lâm, Lộc Phú, B'Lá và thị trấn Lộc Thắng, đã giao khoán bảo vệ cho 700 hộ với diện tích gần 7.500ha - giao khoán hưởng lợi theo Nghị định 178, 135 cho 40 hộ diện tích hơn 413ha, hộ tự trồng hơn 91ha rừng. Lâm trường Lộc Bắc được giao quản lý hơn 33.600ha trên địa bàn xã Lộc Bắc và Lộc Bảo - Lâm trường đã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng theo các chương trình 135, vốn cây đứng, ký giao bảo vệ cho 885 hộ dân với diện tích gần 20.400ha, Ban quản lý rừng Bảo Lâm quản lý rừng trên địa bàn xã Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Lộc Phú, Lộc Ngãi, một phần diện tích rừng thị trấn Lộc Thắng, xã B Lá - với diện tích được giao là 9.731ha. Đã tổ chức giao cho 107 hộ dân và 4 tập thể diện tích 6.415ha và giao khoán theo Nghị định 178 và chương trình 135... với diện tích 413ha.

Các hộ đã trồng được hơn 230ha rừng, tổ chức cá nhân được Nhà nước giao, thuê đất lâm nghiệp đã có 13 đơn vị trồng rừng với diện tích gần 1.400ha, nhiều đơn vị làm khá tốt và có hiệu quả như Công ty Tân Liên Thành trồng được 318ha; Công ty ván ép Trung Nam 230ha, Doanh nghiệp Thành Phát 188ha, Công ty TNHH Lê Dương 139ha... Không những thực hiện tốt nhiệm vụ trồng rừng, phát triển vốn rừng mà còn làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng các mùa hanh khô, hầu hết các vụ cháy đều được phát hiện kịp thời từ năm 2005 đến nay chỉ xảy ra 2 vụ cháy rừng diện tích 6,35ha mức thiệt hại không đáng kể.

Cùng sự đầu tư qua các chương trình dự án, huyện chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình, các doanh nghiệp nhận đất rừng... trồng rừng từ năm 2005 đến nay trên địa bàn huyện đã trồng được 2.105,95ha rừng, nâng độ che phủ lên 60% mức bình quân toàn huyện. Đồng thời thực hiện khai thác vốn rừng theo kế hoạch mỗi năm trữ lượng khai thác từ rừng 5.000m3 gỗ các loại và hàng vạn ste củi tận dụng, hàng ngàn tấn sản phẩm phụ song mây, tre nứa, lồ ô... tạo nguồn nguyên liệu phát triển tiểu thủ công nghiệp giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập, nâng dần mức sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa; năm 2008 và 2009 giảm được 5% hộ đồng bào dân tộc nghèo, nay còn 30% toàn huyện; 5 xã dân tộc trạm y tế có bác sỹ, trẻ em dưới một tuổi tiêm chủng mở rộng đạt 95%, trẻ trong độ tuổi đến lớp đạt 98%...

Không những chỉ tăng cường công tác quản lý rừng bằng nhiều giải pháp huyện kiên quyết chỉ đạo kiểm tra xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản... Từ năm 2005 đến nay, phát hiện hơn 1.400 vụ vi phạm đặc biệt là đã kịp thời phát hiện và xử lý hơn 420 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp phá rừng với diện tích gần 440ha và hàng trăm vụ khai thác vận chuyển lâm sản trái phép... thu hồi trị giá gần 3,5 tỷ đồng.

Bảo vệ và phát triển vốn rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Bảo Lâm, những năm tới Đảng bộ, Chính quyền và ban ngành của huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về công tác bảo vệ quản lý và phát triển tài nguyên rừng. Hoàn thành cơ bản việc giao đất, giao rừng cho hộ dân, tổ chức doanh nghiệp quản lý bảo vệ. Tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc... phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, phát động toàn dân tham gia bảo vệ phát triển tài nguyên rừng đồng thời thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về rừng. Chỉ đạo đồng bộ, kiên quyết, kịp thời xử lý các vụ vi phạm, nhất là các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Bảo vệ phát triển vốn rừng không chỉ có những lợi ích trước mắt mà còn phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của huyện, tỉnh... góp một phần quan trọng tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá mà còn tạo cảnh quan và môi trường tốt hơn cho sự phát triển và cuộc sống của con người.

TẠ XUÂN LÝ


Số lượt đọc:  820  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:24:28 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH