Số 8

10 năm hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng ở Phú Thọ

Thực hiện chủ trương về hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu và xác định ở tỉnh Phú Thọ mùa khô được tính từ đầu tháng 10 năm trước đến đầu tháng 4 năm sau. Toàn tỉnh có 146 vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng và thực hiện ký kết 139 suất hợp đồng làm công tác chuyên trách bảo vệ rừng, mức hợp đồng 1.800.000đồng/người/năm để thực hiện các nội dung trên.

Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ đã tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 12/1998/TT-BLĐTBXH, mẫu hợp đồng và chỉ đạo các hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm triển khai thực hiện. Các hạt kiểm lâm đã làm việc với UBND các xã nằm trong vùng trọng điểm dễ cháy rừng để quán triệt những văn bản, quy định của Nhà nước và của tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Bàn bạc và thống nhất với UBND xã về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và tiêu chuẩn để lựa chọn người hợp đồng bảo vệ rừng, sự phối kết hợp giữa người được nhận hợp đồng với kiểm lâm địa bàn và UBND xã. Những người được nhận hợp đồng bảo vệ rừng phải là người thường trú tại địa phương, thuộc các xã, thị trấn có diện tích rừng xung yếu dễ cháy, là người trong độ tuổi lao động, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, có sự hiểu biết và uy tín đối với cộng đồng, có tinh thần trách nhiệm và gắn bó với rừng. UBND xã có trách nhiệm lựa chọn, ký hợp đồng với người làm công tác chuyên trách bảo vệ rừng và giám sát thực hiện theo đúng hợp đồng. Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Hàng tháng tổ chức họp giao ban, trực báo (duy trì thông tin liên lạc) và thanh toán tiền hợp đồng cho người được nhận hợp đồng theo hợp đồng đã ký kết. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND xã kiểm tra, giám sát các suất hợp đồng bảo vệ rừng. Người được nhận hợp đồng có trách nhiện thực hiện theo đúng quy chế hoạt động và hợp đồng bảo vệ rừng đã ký. Phải thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra các khu rừng, các khu vực trọng điểm, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Khi phát hiện có cháy rừng xảy ra phải kịp thời thông báo cho các cấp chính quyền, kiểm lâm và huy động lực lượng tổ chức chữa cháy rừng, tham gia các cuộc họp giao ban để đánh giá kết quả công tác và phân công nhiệm vụ trong việc kiểm tra, tuần tra rừng, cảnh báo cháy và trực PCCCR nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng...

Đánh giá kết quả công tác của lực lượng cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng qua 10 năm cho thấy: Việc lựa chọn những người hợp đồng bảo vệ rừng đều có sự bàn bạc thống nhất giữa Hạt Kiểm lâm và UBND xã, nên khi họ được xã hợp đồng làm chuyên trách bảo vệ rừng đảm bảo tiêu chuẩn đặt ra. Hàng tháng, các Hạt Kiểm lâm đều tổ chức họp giao ban với những người được hợp đồng bảo vệ rừng để nắm bắt tình hình và triển khai một số công việc cần làm trong tháng tới, nhắc nhở những người chưa hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi người hợp đồng bảo vệ rừng, mặc dù mức trợ cấp còn thấp (tính trung bình cả năm là 150.000đồng/người/tháng) nhưng với tinh thần trách nhiệm đã thực hiện tốt nhiệm vụ: Tham mưu cho Chủ tịch UBND xã trong công tác bảo vệ rừng - PCCCR, xây dựng và thực hiện 159/159 phương án bảo vệ rừng - PCCCR, phát hiện và báo cáo kịp thời 28 vụ cháy rừng, tham gia xác minh truy tìm thủ phạm gây ra 35 vụ cháy rừng. Thường xuyên tuần tra ở trong rừng, thực hiện nghiêm túc trực gác tại các chốt canh, trên chòi canh, tích cực tham gia các vụ chữa cháy rừng, cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng kiểm lâm đấu tranh ngăn chặn những hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, phối hợp tổ chức họp dân ở thôn, bản để tuyên truyền được 285 buổi. Do là người dân địa phương, nên lực lượng bảo vệ rừng hiểu phong tục tập quán và tiếng nói rất có trọng lượng với người dân. Một số xã vùng sâu, vùng xa như Xuân Sơn, Thượng Cửu, Trung Sơn phần lớn bà con là người dân tộc Dao, Mường họ rất ít hoặc không nói tiếng Kinh thì những người làm công tác bảo vệ rừng sẽ là phiên dịch viên, làm cầu nối giữa kiểm lâm với đồng bào. Hiện nay, số cán bộ kiểm lâm biết và nói được tiếng dân tộc ở Phú Thọ còn hạn chế.

Theo quy định tại Thông tư 12 thì người hợp đồng chỉ làm việc và nhận phụ cấp trong 6 tháng mùa khô/năm, song thực tế ở hầu hết các xã những đồng chí hợp đồng đã phải làm việc trong suốt cả 12 tháng mà quyền lợi không được hưởng thêm nhưng đã hoàn thành tốt công việc được giao. Cán bộ hợp đồng vẫn thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn để làm tốt công tác bảo vệ rừng. Từ thực tế thực hiện Thông tư 12 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cho thấy: Việc tăng cường lực lượng bảo vệ rừng mùa khô là một chủ trương rất đúng hướng trong công tác bảo vệ rừng, trước hết là lực lượng bảo vệ rừng được tăng cường, chính những người hợp đồng bảo vệ rừng là nòng cốt trong việc giúp chính quyền xã và kiểm lâm xây dựng lực lượng quần chúng bảo vệ rừng ở cơ sở, chuyển tải những thông cần thiết trong lĩnh vực bảo vệ rừng, PCCCR tới người dân. Người hợp đồng bảo vệ rừng đã giúp kiểm lâm địa bàn tiếp cận tốt hơn trong việc vận động nhân dân bảo vệ rừng và thực thi công tác bảo vệ rừng trên địa bàn được phân công. Người hợp đồng bảo vệ rừng là cánh tay đắc lực của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Giải quyết được khâu cơ bản về cán bộ giúp việc cho chủ tịch xã trong lĩnh vực lâm nghiệp, vì hiện nay ở cấp xã chưa có cán bộ lâm nghiệp chuyên trách. Mối quan hệ giữa kiểm lâm địa bàn với cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân càng gắn bó mật thiết hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn đó là: Một số xã có địa hình phức tạp, xa trung tâm huyện, diện tích rừng nhiều như (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập 8.891,2ha; xã Thu Cúc, huyện Thanh Sơn 8.198,6ha...) nhưng vẫn chỉ có 01 suất hợp đồng, do vậy người được hợp đồng bảo vệ rừng khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Phụ cấp chi trả hàng tháng quá thấp nên chưa khuyến khích được người hợp đồng bảo vệ rừng nâng cao hiệu quả công việc.

Một số tồn tại: UBND xã là nơi ký hợp đồng bảo vệ rừng nhưng chưa quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng mà giao cho lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Một số xã mới thay đổi cán bộ hợp đồng bảo vệ rừng nên chưa có nghiệp vụ và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng, một số đồng chí có kinh nghiệm thì lại kiêm nhiệm nhiều việc, do vậy hiệu quả công việc chưa cao. Công tác tuần tra kiểm soát trong rừng chưa thường xuyên; thông tin báo cáo thiếu kịp thời; chưa nắm chắc được tình hình diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn mình phụ trách. Các suất hợp đồng bảo vệ rừng đều chưa có chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo vệ rừng, PCCCR, khả năng tuyên truyền vận động còn hạn chế. Cũng còn cán bộ hợp đồng chưa hoàn thành nhiệm vụ như: Chưa nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, PCCCR; chưa tích cực, thường xuyên tuần tra rừng; việc nắm bắt địa bàn chưa chặt chẽ vẫn để xảy ra tình trạng phát đốt thực bì không theo đúng quy định gây ra cháy rừng. Một số cán bộ hợp đồng vi phạm hợp đồng nên đã bị chấm dứt hợp đồng và thay thế người khác.

Để sử dụng hiệu quả cán bộ hợp đồng làm chuyên trách công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô trong những năm tới chúng tôi nhận thấy cần triển khai tốt các giải pháp sau: UBND xã cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của những người được xã hợp đồng bảo vệ rừng. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã rà soát, đánh giá lại các tiêu chuẩn của những người đã hợp đồng để hợp đồng tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, họp giao ban, báo cáo tuần, tin báo... Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng nhận hợp đồng bảo vệ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, trực gác lửa rừng tại các trạm, chòi canh đảm bảo thời gian quy định. Do diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở các xã chênh lệch rất lớn, vì vậy cần quyết định số định suất hợp đồng bảo vệ rừng cho mỗi xã khác nhau tương ứng với diện tích rừng. Tối đa có thể 3 định suất đối với những xã có diện tích rừng lớn, ở các xã vùng sâu, vùng xa (trên 5000ha). Nên quy định mức phụ cấp theo hệ số, mức thấp nhất cũng bằng mức tiền lương tối thiểu (hệ số 1) cho 1 tháng và cho hợp đồng cả 12 tháng vì thực tế diễn biến thời tiết phức tạp, tháng nào cháy rừng cũng có thể xảy ra. Cần trang cấp quần áo bảo hộ và biển hiệu cho lực lượng nhận hợp đồng bảo vệ rừng. Từ những thực tế trên, Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ đã đưa ra một số chính sách đãi ngộ đối với lực lượng hợp đồng bảo vệ rừng mùa khô như tổ chức ký hợp đồng cả năm, giao thêm việc tham mưu thực hiện phát triển rừng trên địa bàn (bố trí kinh phí 6 tháng còn lại từ nguồn khuyến lâm dự án 661); trang bị quần, áo, mũ cho các đồng chí hợp đồng bảo vệ rừng để phục vụ công việc.

TRẦN NGỌC CƯỜNG


Số lượt đọc:  497  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 01:38:53 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH