Số 7

Phối hợp bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm, Công an, Quân đội, giai đoạn 2006 - 2010

1. Công tác chỉ đạo phối hợp bảo vệ rừng.

a) Trung ương.

Hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức các hội nghị Kiểm lâm toàn quốc với thành phần là cán bộ cốt cán của các Chi cục Kiểm lâm để quán triệt, bàn biện pháp phối hợp; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 và Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng. Tại các hội nghị giao ban cụm của Kiểm lâm hàng năm và các hội nghị chuyên đề về bảo vệ rừng, nội dung phối hợp giữa các lực lượng luôn được đề cập, thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả của sự phối hợp trong các hoạt động bảo vệ rừng.

Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ tổ chức học tập, quán triệt đến tận cán bộ, chiến sỹ các văn bản như: Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004; Luật phòng cháy, chữa cháy; Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Thông tư liên tịch 144/2002/TTLT-BNN-BCA-BQP.

Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã ban hành văn bản chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp với cơ quan kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, các hoạt động kiểm tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã cử lãnh đạo tham gia Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện các biện pháp cấp bách chống chặt phá rừng. Ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm các địa phương trong công tác bảo vệ rừng.

Hàng năm, Cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu); Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục Cảnh sát môi trường (Tổng cục Cảnh sát) tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, chỉ đạo việc thực hiện phối hợp lực lượng trong công tác bảo vệ rừng ở các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm phá rừng, nơi có nguy cơ cháy rừng cao.

Cục Kiểm lâm và Cục cảnh sát môi trường, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã xây dựng và tổ chức ký quy chế phối hợp và triển khai xuống các Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các phòng Cảnh sát môi trường, các đơn vị có liên quan.

Cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Cục Cứu hộ, cứu nạn, Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), Cục Phòng cháy chữa cháy, Vụ Pháp chế, Học viện Cảnh sát (Bộ Công an) trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tham mưu cho lãnh đạo các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức các cuộc diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng ở phía Bắc và phía Nam, mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra hình sự cho kiểm lâm...

b) Địa phương.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương; phê duyệt quy chế, kế hoạch, chương trình phối hợp giữa ba lực lượng.

Các tỉnh nhiều rừng đã xây dựng quy chế hoặc kế hoạch phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự trong công tác bảo vệ rừng; huy động lực lượng trong các hoạt động tuần tra, truy quét chống chặt phá rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các tỉnh đều thành lập, củng cố ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban do lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, Chi cục trưởng Kiểm lâm làm phó trưởng ban thường trực, với sự tham gia của lãnh đạo Công an, Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng; diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng; thành lập các đoàn liên ngành cấp tỉnh, huyện tiến hành kiểm tra, truy quét các trọng điểm phá rừng, khai thác, buôn bán trái phép lâm sản trên địa bàn.

2. Kết quả thực hiện.

a) Về kiểm tra, xử lý vi phạm. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, từ năm 2006 đến hết tháng 4/2010, cả nước đã phát hiện, xử lý 171.985 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó khởi tố hình sự 1.386 vụ, với 1.176 bị can (đã xét xử 164 vụ với 190 bị cáo); tịch thu 179.339,59m3 gỗ (87.428,32m3 gỗ tròn và trên 91.957m3 gỗ xẻ); 40.360 cá thể với trên 254 tấn động vật hoang dã; 68.302 phương tiện, công cụ vi phạm, trong đó có 1.757 ôtô, máy kéo; 10.588 xe máy các loại; 1.298 xe trâu bò kéo; 221 ghe, tàu, thuyền; tổng số tiền thu qua xử phạt, bán lâm sản tịch thu là 860.590.390.000 đồng, nộp ngân sách 717.301.954.000 đồng. Nhìn chung, tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vẫn chưa giải quyết được một cách căn bản, một số nơi tình hình vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn khá gay gắt, tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng phức tạp, từ năm 2007 đến năm 2009 số vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng tăng.

b) Về phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự đã chủ động phối hợp tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng nên các vụ cháy rừng cơ bản được phát hiện và tổ chức lực lượng ngăn chặn kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Đầu mùa khô hàng năm, cơ quan kiểm lâm, công an, bộ chỉ huy quân sự tỉnh đều phối hợp xây dựng phương án chữa cháy rừng cấp tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án chữa cháy rừng cấp huyện, xã; tổ chức các cuộc diễn tập thực hành phòng cháy, chữa cháy rừng ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đến nay đã xây dựng được hàng ngàn tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; xây dựng phương án phối hợp bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn. Các Đồn Biên phòng, đơn vị quân đội, kiểm lâm, Uỷ ban nhân dân xã đã xây dựng các phương án phối hợp bảo vệ rừng trên diện tích rừng được Nhà nước giao khoán bảo vệ; phối hợp lực lượng kiểm tra phòng cháy chữa cháy rừng. Việc phối hợp giữa 3 lực lượng thể hiện điển hình ở vụ cháy rừng tại tỉnh Lào Cai vào trung tuần tháng 2/2010 thiệt hại trên 750ha rừng. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân khu 2, Bộ đội Biên phòng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng (1.744 bộ đội và dân quân tự vệ, 17 xe ô tô các loại, 3 máy bay trực thăng, hàng trăm bình chữa cháy). Vụ cháy rừng xảy ra tại huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La từ ngày 01/3/2010 đến ngày 10/3/2010 thiệt hại trên 100ha rừng tái sinh, Quân khu 2 đã huy động 975 bộ đội và dân quân tự vệ, 10 xe ô tô chở quân tham gia chữa cháy. Sau khi cháy rừng cơ quan điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã khẩn trương vào cuộc, tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra vụ cháy rừng, truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm theo pháp luật.

3. Một số tồn tại, nguyên nhân.

Tình hình bảo vệ rừng còn phức tạp, áp lực còn lớn, rừng còn bị phá; gỗ quý và lâm sản còn bị khai thác trái phép. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực bảo vệ rừng diễn biến phức tạp, gay gắt. Việc sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ còn hạn chế nên chưa trấn áp được đối tượng vi phạm có hành vi manh động, chống đối với số đông.

Một số địa phương, công tác phối hợp giữa các ngành trong xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện chưa đồng bộ và không duy trì thường xuyên, chủ yếu phối hợp theo thời vụ hoặc khi có vụ việc xảy ra. Liên ngành còn ít phối hợp trong việc nâng cao năng lực bảo vệ rừng của các chủ rừng, của từng địa phương và cơ sở. Một số địa phương các cơ quan chức năng chưa thực sự coi phối hợp bảo vệ rừng là nhiệm vụ, trách nhiệm chung, mà việc tham gia chỉ như là sự hỗ trợ đối với kiểm lâm, cử cán bộ tham gia một cách hình thức, chưa đúng thành phần, chưa bảo đảm chất lượng công việc. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong bảo vệ rừng chưa kịp thời, thường xuyên; việc tổ chức truy quét các cá nhân, tổ chức phá hoại rừng hiệu quả chưa cao; công tác quản lý hộ khẩu tại gốc còn yếu đặc biệt là dân di cư tự do trong những năm gần đây; công tác bảo đảm hậu cần cho các đợt truy quét lâm tặc thiếu và bị động.

Việc phối hợp của cơ quan công an, quân sự trong điều tra, xử lý các vụ vi phạm còn chưa kịp thời, kéo dài và thiếu nghiêm minh. Vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất, đùn đẩy trong xử lý vi phạm, nhất là các vụ vi phạm xảy ra có liên quan đến quản lý của quân đội; thiếu những biện pháp phòng ngừa vi phạm có hiệu quả và lâu dài, chỉ dừng ở khâu điều tra, thống kê đối tượng, chưa đi sâu vào các biện pháp theo dõi, quản lý hoặc xử lý đối với những đối tượng ngoan cố, chống đối.

Trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tuần tra kiểm soát lâm sản không đáp ứng được yêu cầu của công việc được giao. Lực lượng quân đội là chủ lực khi tham gia chữa cháy những vụ cháy rừng lớn, nhưng chưa được huấn luyện nghiệp vụ, chưa có trang bị, thiếu kinh phí hoạt động, có khi huy động lực lượng quân đội đi chữa cháy nhưng lại thiếu phương tiện để chuyên chở quân.

Kinh phí cho hoạt động của liên ngành rất hạn chế, lại chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu kiểm lâm chịu trách nhiệm nên gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng để duy trì các lực lượng liên ngành hoạt động thường xuyên, dài ngày.

4. Biện pháp phối hợp bảo vệ rừng trong thời gian tới.

a) Biện pháp chung.

Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên thuộc ngành mình và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng.

Kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng. Củng cố, duy trì hoạt động của các đoàn liên ngành ở địa phương; tiếp tục chỉ đạo, duy trì hoạt động phối hợp thực hiện quy chế, kế hoạch, nhất là ở cấp cơ sở, nơi có điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái phép, di dân tự do và buôn bán gỗ trái pháp luật, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng từ Trung ương đến địa phương.

Thực hiện giao ban liên ngành, định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm và có chế độ khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị trong hoạt động phối hợp liên ngành có thành tích tham gia phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Uỷ ban nhân dân các cấp huy động lực lượng và trang thiết bị của địa phương (hoặc đề nghị lên cấp trên để điều động lực lượng, trang thiết bị khác) phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng trái phép.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp quy hoạch và xác định lâm phận các loại rừng ổn định; xác định ranh giới của từng chủ rừng đang quản lý trên bản đồ và thực địa làm cơ sở triển khai công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, giảm tối đa các diện tích đất lâm nghiệp hiện do các cấp chính quyền cơ sở đang trực tiếp quản lý. Sớm hoàn thành chủ trương giải quyết đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc đang gặp nhiều khó khăn, gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, chương trình định canh định cư, quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án ổn định vùng kinh tế mới, chính sách hưởng lợi để người dân có thu nhập từ sản xuất, sớm ổn định cuộc sống giảm bớt sự lệ thuộc vào thu nhập từ các hoạt động khai thác rừng trái pháp luật...

Rà soát, hệ thống hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng. Sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản có liên quan đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng, chính quyền các cấp và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng của các chủ rừng, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội. Vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng.

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan hướng dẫn và quy định cụ thể về nguồn kinh phí để phục vụ cho hoạt động phối hợp của các ngành trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và chế độ bồi dưỡng cho các lực lượng khác tham gia bảo vệ, chữa cháy rừng.

c) Bộ Công an.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý, bảo vệ có hiệu quả diện tích rừng được giao; công an các tỉnh, thành phố có biện pháp hỗ trợ và phối hợp thường xuyên với lực lượng kiểm lâm trong các hoạt động bảo vệ rừng; lồng ghép chương trình tuyên truyền vì an ninh tổ quốc với bảo vệ và phát triển rừng. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra, nhất là trong các tháng mùa khô.

Công an các địa phương chủ trì việc điều tra nắm chắc các đối tượng “đầu nậu” về phá rừng, khai thác, buôn bán lâm sản trái pháp luật; có biện pháp triệt phá, điều tra xử lý đầu nậu, các băng nhóm, đường dây phá rừng, khai thác, buôn bán gỗ trái phép. Điều tra, xác minh, xử lý nhanh các vụ chống người thi hành công vụ có tổ chức, với đông người tham gia, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này.

Tiếp tục phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức truy quét đối tượng phá rừng, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; quản lý chặt chẽ hộ khẩu tại các vùng có rừng, nhất là đối với các cá nhân chuyên phá rừng trái phép. Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và xử lý dứt điểm các vụ án hình sự trong lĩnh vực bảo vệ rừng còn tồn đọng. Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng một số công tác chuyên môn, nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, điều tra hình sự cho lực lượng kiểm lâm.

d) Bộ Quốc phòng.

Tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý. Chủ động xây dựng kế hoạch huy động lực lượng tập trung giải quyết dứt điểm những điểm nóng về phá rừng trong phối hợp liên ngành. Xây dựng kế hoạch, chương trình huấn luyện, hành quân dã ngoại gắn với công tác bảo vệ rừng, coi bảo vệ rừng là một trong những công tác trọng tâm vì mục đích an ninh quốc phòng.

Huy động các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ tham gia chữa cháy rừng ở những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, chủ động lập kế hoạch huấn luyện và diễn tập dã ngoại tại các khu vực này.

Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định của Chính phủ về công tác phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã và lực lượng kiểm lâm trong bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ rừng và các Thông tư hướng dẫn thực hiện.

5. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Điều 38, Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Củng cố hoạt động thường xuyên của Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tổ chức thực hiện quyết liệt, nghiêm túc Chỉ thị về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển rừng, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật và những cơ quan, chủ rừng, đặc biệt là người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, tiêu cực, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác trái phép, chống người thi hành công vụ. Tổ chức rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp, quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, xử lý nghiêm và kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các xưởng chế biến gỗ sử dụng gỗ bất hợp pháp hoặc cố tình không chấp hành quy định về quản lý, báo cáo thống kê theo quy định hiện hành.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm triển khai quỹ bảo vệ rừng và phát triển rừng ở Trung ương và địa phương để chủ động, giải quyết kịp thời kinh phí cho công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Xem xét tăng mức khoán bảo vệ rừng từ 100.000 đồng/ha/năm lên 300.000 đồng/ha/năm để tạo điều kiện cho người dân có thu nhập từ nhận khoán bảo vệ rừng cũng là biện pháp hạn chế phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.


Số lượt đọc:  5653  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 11:10:37 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH