Số 7

Hiệu quả phối hợp bảo vệ rừng giữa Kiểm lâm và Dân quân tự vệ

Sa Thầy là huyện miền núi của tỉnh Kon Tum, có diện tích tự nhiên trên 240 ngàn hécta. Trong đó, diện tích đất rừng gần 170 ngàn hécta (chiếm trên 70%), đất thổ cư và nông nghiệp chiếm gần 30%. Dân số toàn huyện trên 40 ngàn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 57%. Mặt bằng dân trí thấp, đời sống kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế người dân còn dựa chủ yếu vào rừng và đất rừng để sinh sống nên tình trạng người dân thường xuyên xâm hại rừng để khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy còn phổ biến, do vậy mà huyện Sa Thầy luôn được xem là "điểm nóng" về tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, từ năm 2009 tình hình vi phạm có chiều hướng giảm, đó là sau khi chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và dân quân tự vệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Khắc Sương, phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy cho biết: Để triển khai chủ trương này, Hạt Kiểm lâm và Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã phối hợp xây dựng phương án phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng. Phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đối với lực lượng kiểm lâm, có trách nhiệm, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng và vận động nhân dân bảo vệ rừng; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; đôn đốc, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án bảo vệ rừng; tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng... chủ động phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ tổ chức tuần tra, truy quét các điểm nóng về khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy trái phép; trao đổi, cung cấp thông tin về quản lý, bảo vệ rừng, về nghiệp vụ chuyên môn thường xuyên, kịp thời cho Ban Chỉ huy quân sự địa phương để có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

Ban Chỉ huy Quân sự địa phương, có trách nhiệm, nhiệm vụ giáo dục cán bộ, chiến sỹ, lực lượng dân quân tự vệ chấp hành nghiêm Luật bảo vệ và phát triển rừng; tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm hại rừng và tài nguyên rừng; xây dựng phương án bảo vệ rừng; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có phẩm chất đạo đức tốt, vững mạnh mọi mặt để tham gia tích cực cùng với lực lượng kiểm lâm tuần tra, truy quét các đối tượng xâm hại rừng; cùng với lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng...

Quá trình phối hợp lực lượng liên ngành đã thực hiện được 30 cuộc truy quét, phát hiện 26 vụ vi phạm (20 vụ phá rừng làm nương rẫy (thiệt hại trên 5 ha rừng); 5 vụ mua, bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép trên 7,5m3 gỗ các loại; 1 vụ khai thác gỗ trái phép với trên 4m3). Tình trạng xâm hại rừng của các đối tượng đã giảm đi rất nhiều, nhất là những điểm nóng trước đây lâm tặc thường hay khai thác gỗ trái phép; nhân dân địa phương hay phát rừng làm nương rẫy và những nơi thường bị xâm canh bất hợp pháp của người dân sống dọc đường biên giữa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai với huyện Sa Thầy, Kon Tum. Đặc biệt, đối với những vụ vi phạm mà đối tượng tỏ ra hung hãn, không chấp hành các quy định của pháp luật thì việc có mặt đầy đủ của hai lực lượng đã ngăn chặn kịp thời và giải quyết có hiệu quả các hành vi vi phạm.

Đánh giá hiệu quả phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với lực lượng dân quân tự vệ trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở địa phương, ông Rơ Chăm Klỷ, chủ tịch UBND xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy cho biết: Từ khi thực hiện quy chế phối hợp này, nhờ làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát nên tình hình vi phạm trên địa bàn đã giảm đi rõ rệt, nhất là đối với những "điểm nóng" trước đây người dân thường hay khai thác lâm sản, phát rừng làm nương rẫy trái phép. Đặc biệt, sau khi chính quyền địa phương và cơ quan kiểm lâm tạo điều kiện cho lực lượng dân quân tự vệ của xã được nhận khoán rừng để quản lý, bảo vệ (mỗi người được nhận bình quân 29ha) thì tình hình vi phạm của người dân địa phương đã giảm đi rõ rệt. Kết quả này có được là nhờ mỗi thành viên đã tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình, họ hàng chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng. Hơn nữa, xuất phát từ lợi ích của họ được hưởng trong việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nên họ có trách nhiệm cao hơn.

Anh Rơ Chăm Thành, xã đội trưởng dân quân tự vệ xã Ya Tăng tâm sự: Mặc dù việc phối hợp giữa dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc hạn chế tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, như địa bàn rộng, địa hình rừng núi hiểm trở, phương tiện đi lại và chế độ cho công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng dân quân tự vệ hầu như không có gì, chỉ được nhận tiền bồi dưỡng cho những chuyến đi tuần tra với 20 ngàn đồng cho mỗi người mỗi ngày nên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc. Mong muốn của anh em dân quân tự vệ là chính quyền và các cơ quan chức năng các cấp cần quan tâm hỗ trợ đầy đủ phương tiện, điều kiện làm việc và chế độ thỏa đáng cho công tác tuần tra, kiểm soát rừng của lực lượng dân quân tự vệ, để qua đó có thể động viên về mặt tinh thần và hỗ trợ một phần vật chất cho anh em yên tâm, tích cực hơn nữa cùng với lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Lê Văn Châu
Số lượt đọc:  702  -  Cập nhật lần cuối:  24/11/2010 11:08:06 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH