Số 6

Phát hiện bò tót bằng bẫy ảnh tại Quảng Trị

Được sự hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ tư vấn tổ chức WWF, tháng 9/2008 Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã tiến hành đặt bẫy ảnh và phát hiện 3 cá thể bò tót (Bos gaurus) tại vùng rừng huyện Hướng Hóa.

Bò tót là loài thú lớn trong bộ móng guốc ngón chẵn. Thân dài 2,5-3m, trọng lượng khoảng 1 tấn. Nơi sống của bò tót là rừng già thường xanh, rừng khộp, rừng hỗn giao, rừng thứ sinh địa hình tương đối bằng phẳng ở độ cao 500-1.500m so với mặt biển. Sống thành từng đàn 5-10 con (có đàn tới 20-30 con), đôi khi cũng gặp những cá thể sống đơn lẻ lẫn với đàn bò rừng. Tại Châu á, bò tót phân bố tại ấn Độ, Nê pan, Mianma, Trung Quốc, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Malaixia và Việt Nam.

Thời gian gần đây những hoạt động khảo sát, nghiên cứu đa dạng sinh học tại Quảng Trị do WWF và Chi cục Kiểm lâm phối hợp được đẩy mạnh. Trong khuôn khổ tài trợ của dự án Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (BCI), tháng 8 năm 2008, dự án đã tổ chức tập huấn, đào tạo cho công chức kiểm lâm về kiến thức, kỹ năng ngoại nghiệp, xác định sinh cảnh sống và phương pháp đặt bẫy ảnh đối với bò tót. Sau đó nhóm khảo sát đã đặt 9 bẫy ảnh tại các tiểu khu khác nhau trong khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Kết quả ngay trong lần thu thập ảnh đầu tiên tại vị trí đặt bẫy, máy đã ghi lại được hình ảnh của 3 cá thể bò tót. Mặc dù bò tót đã được công nhận từ rất lâu ở khu vực này và gần đây nhân dân trong vùng có nhiều thông tin báo cho kiểm lâm địa bàn, nhưng đây là lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh của chúng.

Bò tót được xác định có tại Quảng Trị từ rất lâu thông qua các dấu vết như sừng bò ở trong dân, qua lời kể của người dân địa phương đi rừng... Vào năm 2006, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện 1 cá thể bị chết do mắc bẫy tại tiểu khu 820 xã Ba Lòng, huyện Đakrông. Xác định được tầm quan trọng của loài động vật quý hiếm này, chúng tôi đã tổ chức cho công chức kiểm lâm thực hiện nhiều đợt khảo sát nhằm xác định sự hiện diện, vùng phân bố, số lượng cá thể để có các biện pháp bảo vệ phù hợp. Với nhiều nỗ lực như phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức điều tra tại các vùng sinh cảnh nghi có bò tót xuất hiện, tổ chức tuyên truyền vận động người dân địa phương không săn bắn, khi phát hiện báo cho cơ quan chức năng, đồng thời đặt giải thưởng cho những người có công phát hiện, chụp được ảnh bò tót. Đến nay, việc chụp được ảnh của 3 cá thể bò tót là một tin đáng mừng. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo vệ được những cá thể bò tót này đang là nỗi trăn trở của lực lượng kiểm lâm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thiết lập một khu vực để bảo vệ đàn bò tót tại đây. Để làm được điều này rất cần sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính... của các nhà khoa học, các cơ quan, các tổ chức trong và ngoài nước, những người quan tâm đến công tác bảo tồn, để loài bò tót được tồn tại và phát triển một cách ổn định trong sinh cảnh của chúng.

NGUYỄN NHẬT AN


Số lượt đọc:  266  -  Cập nhật lần cuối:  24/09/2009 02:56:39 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH