Số 6

Lấy lại tên họ

Đôi mắt long lanh như biết nói, mái tóc đen dài óng mượt, da trắng như bông bưởi. Huyền dạy mẫu giáo ở lâm trường đã được 7 năm. Tất cả các cháu trong lớp Huyền đều gọi là “con”. Nhưng đã 29 tuổi Huyền lại chưa có một đứa con cho riêng mình. Ngày ngày lên lớp, Huyền bế ẵm, chăm chút, dạy “các con” múa hát, làm quen với thiên nhiên, với bảng chữ cái... Thật bận rộn, nhưng mà vui. Nhưng cứ tối đến, chống vắng và cô đơn vô cùng. Không hiểu số phận ra sao, hai mối tình đã đến với Huyền nhưng rồi lại tan biến như những bọt bèo. Niềm khao khát được làm mẹ theo bản năng trong cơ thể rừng rực của Huyền ngày càng trở lên mãnh liệt.

Thời gian trôi nhanh, Huyền khao khát một tình yêu. Nhưng cuộc đời có một quy luật khắc nghiệt. Những gì mình muốn lại cứ như trốn chạy. Hai năm sau, tối tối và vào những ngày chủ nhật, mấy người đàn ông chết vợ, vợ bỏ và mấy người trai tân tuổi đã ngoài tứ tuần hay đến phòng ở của Huyền trò chuyện. Họ ăn mặc lịch sự, đầu chải bóng mượt, thơm nức. Họ nói với Huyền những lời dịu ngọt... Một năm sau mọi người bỗng nhiên thấy bụng Huyền ngày một to ra. Thời ấy việc một người con gái “không chồng mà chửa” là một tội lớn. Trên đường đến lớp Huyền bắt gặp những ánh mắt như kim châm, nghe bao lời dè bỉu, khinh miệt. Phòng hành chính (nơi quản lý Huyền) rồi công đoàn, hội phụ nữ cơ quan thay phiên nhau đưa Huyền ra kiểm điểm, trong các cuộc họp, Huyền gần như không thấy một đôi mắt nào nhìn Huyền thông cảm. Họ kết tội Huyền: Hư hỏng, vi phạm đạo đức làm ảnh hưởng đến mọi người, đến cơ quan. Họ ngọt nhạt dỗ dành, chán lại quát tháo, đe dọa bắt Huyền phải nói ra người bố của đứa bé sắp ra đời là ai. “Là ai? Sao mà họ ngây thơ và nhẫn tâm thế nhỉ” 32 tuổi, nửa đời người rồi chứ đâu còn là đứa trẻ nít” Huyền thầm nghĩ. Và cuộc họp nào Huyền cũng im lặng. Sự im lặng cũng là một câu trả lời. Nhưng không ai chịu hiểu cho. Bực quá, có lần trong một cuộc họp, Huyền mỉm cười nói rằng: Tôi không ngủ với ai cả. Một đêm nằm mơ, có người rất đẹp trai từ trên trời xuống và âu yếm gọi tôi là vợ... thế là tôi có thai. Con tôi có người bố là một hoàng tử ở trên trời. Cứ như thế Huyền làm cho mọi người nổi cáu: “Này! Đây là cuộc họp nghiêm túc. Cô đừng có đùa, đừng có diễu cợt chúng tôi. Không tự giác khai ra cô sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc đấy”. Họ nói và họ làm gần như vậy. Sau 2 tháng nghỉ đẻ, Huyền bị “cách chức” giáo viên mẫu giáo đi làm công nhân chăn trâu ở đội chăn nuôi xa lâm trường độ 15 cây số! Từ đấy, ngày ngày dù nắng, dù mưa, dù trời giông bão, gửi con ở nhà trẻ xong, mặc bộ quần áo bảo hộ dày cộp, bạc phếch, đầu đội chiếc nón lá cũ, rách, Huyền cầm cái roi tre lùa đàn trâu lên đồi cho ăn.

Huyền đặt tên cho con là Tuyết Nhung. Một cái tên không có họ, càng lớn lên Tuyết Nhung càng xinh xắn. Có thể nói Huyền không quan tâm đến mọi chuyện: Sự vất vả, cực khổ trong cuộc sống, sự dèm pha... Huyền sung sướng vì đã có một đứa con gái - một cục vàng, một quả núi lớn để Huyền tựa vào. Đêm đêm ôm Tuyết Nhung vào lòng Huyền mỉm cười mãn nguyện.

Huyền đã sống như thế được 5 năm. Trong năm năm ấy mọi người trong cơ quan vẫn không quên chuyện cũ, vẫn lặng lẽ dò xét, để ý xem bố của Tuyết Nhung là ai. Nhưng họ hoàn toàn thất vọng vì không một ai đáng nghi vấn cả.

Hai năm sau Huyền xin nghỉ việc một lần và vào Nha Trang ở với người bác họ, tự kiếm sống bằng việc buôn bán. Huyền không muốn con mình lớn lên trong nỗi mặc cảm, sự dè bỉu của người đời. Hôm Huyền đi chỉ có một vài người bạn gắn bó ở cơ quan đưa tiễn.

Vào Nha Trang, Huyền tần tảo buôn bán nuôi con học hành... 15 năm sau, ở tuổi 54 bỗng nhiên Huyền mắc bệnh hiểm nghèo: Ung thư vú giai đoạn cuối. Nhưng trước mặt con Huyền vẫn luôn mỉm cười. Chỉ khi con đến trường Huyền mới trằn trọc suy nghĩ và lo, buồn cho số phận, tóc Huyền bạc nhanh từng ngày, người gầy rộc đi. Tuyết Nhung đã là sinh viên văn khoa năm thứ 3 của Trường đại học sư phạm Huế. Điều Huyền lo sợ nhất không phải là cho sự sống của mình mà là đứa con. Tuyết Nhung sẽ bơ vơ, cô đơn, lấy ai nương tựa! Sau nhiều đêm suy nghĩ Huyền quyết định viết một bức thư, toàn văn như sau:

“Anh Trần Hải yêu quý!

Dù ít hơn em 4 tuổi, nhưng em được gọi Hải bằng anh. Vô cùng cảm ơn anh đã cho em một đứa con. Dù cho muôn vàn cực khổ, đắng cay, sự chế diễu, dèm pha, khinh bỉ của mọi người em đã gửi trọn lời hứa với anh để anh lấy vợ và phấn đấu trong công tác. Suốt 7 năm ở ngoài đó, em nuôi con một mình. Anh chưa hề cho em một hộp sữa, gói bánh, bộ quần áo. ở ngoài đó và cả khi vào trong Nam anh chưa đến thăm em, an ủi động viên em dù chỉ một lần. Nhưng em không hề trách anh một lời. Em biết anh phải làm một điều mà anh không muốn. Qua bạn bè em biết: Từ một trung cấp lâm nghiệp, anh đã cố gắng học tập, phấn đấu trở thành thạc sỹ, một Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Và hơn tất cả là có một gia đình ấm êm, ụanh phúc. Em mừng lắm!

Tuyết Nhung của chúng mình bây giờ xinh như một đóa hoa, hiện đang là sinh viên đại học. Tương lại phía trước của con thật ngời ngời. Nhưng mấy năm nay, sức khỏe của em ngày một kém, ốm đau luôn. Nếu chẳng may em mất đi, Tuyết Nhung sẽ bơ vơ giữa cuộc đời. Đó là điều em đêm ngày trăn trở. Em nghĩ đã đến lúc em phải trả lời câu hỏi của con: “Bố con là ai hả mẹ? Em muốn con có một chỗ dựa tinh thần. Ngoài ra em còn muốn anh cho con một cái họ mà khi đặt tên cho con em đã cố ý để trống. Tên con sẽ là: Trần thị Tuyết Nhung. Việc thêm họ này, trong thời đổi mới của đất nước, em nghĩ, các cơ quan tư pháp, sau khi nghe anh tâm sự, trình bày chắc sẽ thông cảm và giúp đỡ. Kỳ nghỉ hè này, em cho con ra gặp bố. Chắc anh cũng muốn và mong mỏi được nhìn thấy con. Anh nói với chị Quyên rằng: Đây là chuyện đã thuộc về quá khứ, rằng em xin anh, em tự nguyện, anh không có lỗi gì cả, chắc chị sẽ thông cảm. Kính chào anh và gia đình. Em: Huyền”.

Hai ngày sau, cầm bức thư dán kín có địa chỉ người nhận rõ ràng. Tuyết Nhung lên tàu ra Bắc tìm bố. Và cũng đúng 2 ngày sau, Tuyết Nhung gọi điện về cho mẹ: “Con đến Chi cục Kiểm lâm gặp bố, xem xong thư, bố nhìn con với nụ cười rạng rỡ. Bố đàng hoàng giới thiệu con với mọi người: “Đây là Trần thị Tuyết Nhung - con gái tôi vừa ở trong Nam mới ra”. Rồi bố dẫn con đi thăm cơ quan. Buổi chiều bố đưa con về nhà. Bố chậm rãi nói với dì Quyên rằng: Anh lấy em năm 1986. Ngày ấy, với bây giờ là ngày xưa rồi. Chuyện của anh với Huyền là chuyện trước cả “ngày xưa” những 3 năm. Rồi bố đưa thư của mẹ cho dì xem. Xem rồi, trầm ngâm một lúc lâu, dì Quyên âu yếm vuốt tóc con rằng, dì rất mừng có thêm một cô con gái xinh đẹp, rằng con sẽ là chỗ dựa, chăm lo cho 2 em học hành. Mẹ ơi! Con sung sướng và hạnh phúc quá!”.

Đặt điện thoại lên bàn Huyền thở phào nhẹ nhõm. Rồi không kìm nén được xúc động, Huyền khóc. Nước mắt lặng lẽ chảy tràn trên đôi gò má nhăn nheo...

HOÀNG BIỂU


Số lượt đọc:  190  -  Cập nhật lần cuối:  24/09/2009 02:46:05 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH