Số 6

9 năm thực hiện khoán bảo vệ rừng mùa khô tại Quảng Trị

Thực hiện Thông tư 12/1998/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/1998 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội về việc hướng dẫn chế độ đối với người được cấp xã hợp đồng làm công tác bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô và quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị về việc xác định các tháng mùa khô, các vùng trọng điểm dễ cháy rừng và các suất khoán bảo vệ rừng như vậy mùa cháy rừng ở tỉnh Quảng Trị từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm 62 vùng trọng điểm dể cháy rừng và hợp đồng 76 suất khoán bảo vệ rừng, mức khoán từ 400.000đồng/người/tháng - 450.000đồng/người/tháng để thực hiện các nội dung trên.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô và chỉ đạo các hạt kiểm lâm, trạm kiểm lâm triển khai thực hiện. Các hạt kiểm lâm đã làm việc với UBND các xã nằm trong vùng trọng điểm dễ cháy rừng để quán triệt những văn bản, quy định của Nhà nước và của tỉnh liên quan đến công tác khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô; bàn bạc và thống nhất với UBND xã về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và tiêu chuẩn để lựa chọn người được nhận khoán bảo vệ rừng, sự phối kết hợp giữa người được nhận khoán với kiểm lâm địa bàn và UBND xã. Những người được hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng phải là: Người ở tại xã, phường thuộc vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Có uy tín đối với cộng đồng, có tinh thần trách nhiệm và gắn bó với rừng. Có trình độ văn hóa từ phổ thông cơ sở trở lên. Có kinh nghiệm và năng lực trong công tác bảo vệ rừng. Có sức khỏe tốt và tuổi đời từ 20-55 tuổi. Có điều kiện gia đình thuận lợi và ưu tiên những người có phương tiện xe máy và phương tiện thông tin liên lạc về quản lí, chỉ đạo.

UBND xã có trách nhiệm ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô đối với từng cá nhân, đăng ký hợp đồng khoán với Hạt Kiểm lâm sở tại, giám sát bên nhận khoán thực hiện theo đúng hợp đồng. Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm lập kế hoạch kinh phí, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ rừng. Hàng tháng tổ chức trực báo và thanh toán tiền khoán cho người được nhận khoán theo hợp đồng đã ký kết. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp v?i UBND xã kiểm tra, giám sát các suất khoán bảo vệ rừng. Người được nhận khoán có trách nhiện thực hiện theo đúng quy chế khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô của UBND tỉnh. Hàng tháng tham gia trực báo tại Hạt Kiểm lâm để báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ (bằng văn bản)và thanh toán tiền khoán.

Qua 9 năm thực hiện đội ngũ những người nhận khoán bảo vệ rừng đã làm tốt công tác: Tham mưu cho UBND xã trong công tác bảo vệ rừng-PCCCR; thường xuyên tuần tra, kiểm soát những người hoạt động trong rừng; những ngày nắng nóng luôn có mặt tại điểm trực đã quy định hoặc trên chòi canh gác lửa rừng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều; phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ cháy rừng ở địa bàn mình phụ trách cho UBND xã, kiểm lâm địa bàn. Phối hợp với kiểm lâm địa bàn tham mưu cho UBND xã xây dựng 41/62 phương án PCCCR. Phát hiện kịp thời 35/98 vụ cháy rừng. Tham gia xác minh truy tìm thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng 98 vụ. Tham gia truy quét các tụ điểm phá hoại rừng và buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép 25 đợt. Cung cấp hàng trăm thông tin cho các cơ quan chức năng đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép phối hợp tổ chức họp dân ở thôn, bản để tuyên truyền 450 cuộc.

Đánh giá kết quả công tác khoán bảo vệ rừng qua 9 năm cho thấy: Việc lựa chọn các suất khoán bảo vệ rừng đều có sự bàn bạc thống nhất giữa Hạt Kiểm lâm và UBND xã nên các suất được xã hợp đồng khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô đảm bảo tiêu chuẩn đặt ra. Hàng tháng các Hạt Kiểm lâm đều tổ chức trực báo với những người được hợp đồng bảo vệ rừng để nắm bắt tình hình và triển khai một số công việc cần làm trong tháng tới đồng thời nhắc nhở những người chưa hoàn thành nhiệm vụ. Các suất khoán bảo vệ rừng mặc dù mức trợ cấp còn thấp nhưng với tinh thần trách nhiệm đã thực hiện tốt nhiệm vụ: Phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ cháy rừng, tham mưu cho UBND xã xây dựng phương án bảo vệ rừng -PCCCR, thường xuyên tuần tra ở trong rừng, thực hiện nghiêm túc trực gác trên chòi canh (ở những xã có bố trí chòi canh), tích cực tham gia các vụ chữa cháy rừng, cung cấp thông tin có giá trị cho lực lượng kiểm lâm đấu tranh ngăn chặn những hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Ngoài các tháng mùa khô được hợp đồng khoán và có phụ cấp, các tháng còn lại trong năm các nhân viên vẫn thường xuyên phối hợp với kiểm lâm địa bàn để làm tốt công tác bảo vệ rừng; các suất khoán bảo vệ rừng thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ rừng là cầu nối giữa lực lượng kiểm lâm với chính quyền địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại. UBND xã là người ký hợp đồng bảo vệ rừng cho xã nhưng chưa quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng mà giao cho lực lượng kiểm lâm chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Một số suất khoán bảo vệ rừng mới được hợp đồng 1 năm (25 người) nên chưa có nghiệp vụ và kinh nghiệm trong công tác bảo vệ rừng, một số suất có kinh nghiệm lại kiêm nhiệm nhiều công việc khác nên thiếu nhiệt tình và trách nhiệm. Công tác tuần tra kiểm soát trong rừng chưa thường xuyên; thông tin báo cáo thiếu kịp thời; chưa nắm chắc được tình hình diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn mình phụ trách. Các suất khoán bảo vệ rừng đều chưa có chuyên môn nghiệp vụ về công tác bảo vệ rừng, khả năng tuyên truyền vận động còn hạn chế (đối với các suất khoán có tuổi đời ít). Do kinh phí khoán thấp nên đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ. Một số xã có điều kiện địa hình phức tạp, xa trung tâm huyện, diện tích rừng nhiều nhưng chỉ được bố trí 01 suất khoán bảo vệ rừng nên rất khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao (các xã miền tây Vĩnh Linh, ĐaKrông, Hướng Hóa). Một số suất khoán thiếu trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác (6/71 suất ) nên chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết.

Để thực hiện tốt công tác khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô trong những năm tới cần triển khai tốt các giải pháp. UBND xã cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của những người được xã hợp đồng bảo vệ rừng. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã rà soát, đánh giá lại các tiêu chuẩn của những người đã hợp đồng để hợp đồng tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo: Trực báo tháng tại Hạt Kiểm lâm, báo cáo tuần, tin báo... Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng. Bổ sung thêm suất khoán bảo vệ rừng ở các xã vùng sâu, vùng xa, có diện tích rừng lớn (trên 5000ha). Cần trang cấp quần áo bảo hộ và biển hiệu cho lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát ở trong rừng, những xã có chòi canh gác lửa rừng phải phân công người trực gác trên chòi đảm bảo thời gian quy định.

CAO DUY HỒNG


Số lượt đọc:  364  -  Cập nhật lần cuối:  24/09/2009 02:59:39 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH