Số 4

Tỷ phú "heo rừng" Trần Đức Quốc

Tình cờ gặp qua sự giới thiệu của anh bạn Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng tôi tiếp xúc với Trần Đức Quốc, chủ trang trại Nhất Trung Sơn. Khởi nghiệp năm 2006 khi 28 tuổi, đến nay anh đã có ngơi bạc tỷ. Trần Đức Quốc là con người năng động vừa là chủ trang trại, là “bác sĩ thú y”, là tài xế xe đi thu gom rau củ quả, thức ăn thừa tại các chợ đầu mối, khu công nghiệp về cho đàn heo của mình. Anh là doanh nghiệp trẻ thành đạt, một nông dân thời đổi mới biết cách làm giàu.

Cơ ngơi bạc tỷ.

Bạc tỷ với một với một ông chủ trẻ, điều đáng nói hơn là cách anh làm giàu trên vùng đất khô cằn bằng nghề nuôi heo rừng - một nghề mới toanh - quả là thành tích phi thường của Trần Đức Quốc. Thành quả này là cả quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ suốt ba năm qua với sự đột phá bằng cách gây nuôi, cung cấp heo rừng giống. Theo lời Trần Đức Quốc, đầu năm 2006 khi còn là nhân viên ngân hàng anh tình cờ đọc được tin ở Bình Phước đã nhân giống thành công loài heo rừng hoang dã. Vốn là người nhanh nhạy và năng động, Quốc nghĩ thời buổi hiện nay khi kinh tế khá giả thì việc thưởng thức món ngon vật lạ từ thiên nhiên là đòi hỏi chính đáng. Vì thế ý tưởng lập trang trại nuôi heo rừng hình thành ngay trong đầu mặc dù anh chưa một lần tận mắt thấy heo rừng ra sao.

Quốc xin nghỉ việc và bắt tay vào công cuộc làm giàu theo hướng đó. Để thực hiện được công việc cần phải có chuồng trại, con giống... Quốc rao bán lô đất mà mình dành dụm mua trước đó lấy tiền thực hiện hoài bão. Hơn một tuần lặn lội khắp vùng bán sơn địa Hòa Ninh, cuối cùng Quốc đã chọn mua được một triền đồi rộng 3,2ha nằm sâu dưới chân núi Bà Nà (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đầy lau lách và cỏ gai với giá 312 triệu đồng. Chia tay người thân nơi phố thị (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) ngày ngày Quốc lên rừng vỡ đất lập trang trại. Đất không phụ công người, sau hơn ba tháng vất vả cả vùng lau lách cỏ gai đã thành hình của một trang trại quy mô. Cùng với làm chuồng trại, Quốc vào Bình Phước tìm đến địa chỉ cơ sở nuôi heo rừng mua 30 con heo giống thế hệ F1 (11 con đực và 19 con cái) với giá 106 triệu đồng.

Từ đó đến nay, đàn heo này đã sản sinh ra hàng trăm con heo giống cung cấp cho các tỉnh trong cả nước. Chỉ tính trong năm 2008, trang trại này đã bán ra thị trường hơn 200 con heo rừng giống (mỗi con khoảng 10-15kg) với giá 270.000 đồng/kg, trang trại của Quốc đã thu về khoảng hơn 700 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh xa xôi như Sơn La, Yên Bái, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hà Nội,… đã tìm đến Trần Đức Quốc để mua con giống và tư vấn thành lập trang trại. Nhiều người theo gương Quốc đã trở thành tỷ phú. Để phát triển rộng thị trường, theo chỉ dẫn của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm thành phố Đà Nẵng, Quốc tham gia câu lạc bộ gồm 8 tỉnh thành phát triển nông nghiệp và đô thị (Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Vĩnh Long). Tháng 4/2007, Quốc được chọn đi báo cáo điển hình tại một hội thảo ở Hà Nội, sau đó là rất nhiều lần được tham dự các buổi hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, nhờ vậy việc chăn nuôi phát triển trang trại thuận lợi hơn.

Theo chỉ dẫn của Quốc, chúng tôi được thị sát chuồng nuôi, nào là nơi nuôi heo bố mẹ, nơi nuôi heo con, nơi nuôi heo chuẩn bị xuất chuồng, tất cả đều quy củ. Với trang trại rộng 3,2ha đã cải tạo, vài trăm con heo các loại, xe ô tô tải, cùng hệ thống chuồng trại trị giá hàng tỷ đồng. Thế nhưng với Quốc anh còn nhiều dự định lớn hơn, sắp tới với nguồn vốn vay ưu đãi có hỗ trợ lãi xuất của Chính phủ, anh dự kiến mở rộng quy mô trang trại không chỉ dừng ở việc chăn nuôi heo rừng, trồng cỏ voi, mà còn phát triển nuôi gà Hơ Mông. Với anh, những gì đạt được là mồ hôi và công sức trong suốt những năm qua, thế nhưng điều lớn nhất là anh đã có một nghề, một chiếc cần câu để anh có thể câu được những con cá lớn hơn.

Hành trình gian nan.

Nhớ lại thời kỳ đầu mới lập trang trại Quốc kể: Đang là nhân viên an ninh kiêm lái xe cho Ngân hàng Phương Đông, nhiều lần chở hàng quá cảnh sang Lào, thu nhập lúc đó của Quốc nhiều người mơ cũng không có. Chính vì thế nên khi bỏ nghề lên núi lập trang trại không ít người cho rằng Quốc đang “có vấn đề!”, một thanh niên trai tráng chưa vợ có công việc ổn định ở thành phố lại đùng đùng bỏ việc lên núi ngày ngày cuốc đất lập trại, những người thân nhất cũng không đồng ý, thậm chí còn bàn lùi. Thế nhưng đó chỉ là ban đầu, vấn đề nguồn vốn cũng khá căng thẳng, gần nửa tỷ đồng đầu tư ban đầu khá gian nan, ngoài phần tích lũy của Quốc anh phải vay mượn nhiều nơi. Nếu không có nghị lực thì chắc chắn không thể có cơ ngơi trang trại như hôm nay.

Từ một người ngoại đạo, để nuôi được heo rừng Quốc phải học hỏi rất nhiều. Ngoài internet, sách, báo, tài liệu hướng dẫn, Quốc trực tiếp đến các trang trại đã và đang nuôi heo rừng tìm hiểu kinh nghiệm. Heo rừng là động vật hoang dã nên không thể áp dụng phương pháp chăn nuôi như heo nhà. Từ việc làm chuồng trại, phân loại theo tuổi, cho ăn và vệ sinh là cả một quá trình học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Dù cẩn thận nhưng có lúc heo vẫn đổ bệnh, lúc đó Trần Đức Quốc lại là một “bác sĩ thú y” tại gia chữa trị cho đàn lợn nhà mình. Thế nhưng vất vả nhất là những lúc phải thức canh lợn sinh, những hôm mưa to gió lớn, thôi thì đủ cả. Heo rừng mang thai khoảng 120 ngày, bằng kinh nghiệm tách đàn sớm nên mỗi năm mỗi nái đều cho hai lứa heo giống. Hiện ở trang trại Nhất Trung Sơn, ngoài vợ, Quốc thuê thêm 2 công nhân chuyên chăm sóc cho đàn heo rừng. Cứ ba ngày một lần, Quốc lái xe tải về chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng), tới các nhà hàng, khu công nghiệp thu mua gom thực phẩm thừa về chăn nuôi heo. Nhờ vậy lợi nhuận của trang trại càng tăng lên.

Trong quá trình phát triển trang trại Quốc luôn tìm tòi học hỏi để vượt qua những thời khắc vô cùng nguy hiểm. Quốc nhớ lại, tháng 8 năm 2007 dịch heo tai xanh hoành hành khu vực miền Trung, trong đó Quảng Nam, Đà Nẵng là vùng trọng điểm dịch. Đàn heo của Quốc lúc đó lại rất nhiều, chưa xuất bán được. Nếu dịch heo tai xanh viếng thăm trang trại của anh thì cả cơ ngơi bạc tỷ của anh sẽ tan thành mây khói. Quốc như ngồi trên đống lửa, anh huy động tất cả mọi người có mặt tại trang trại hàng ngày phun thuốc tiêu độc khử trùng, áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch. Ngay luôi vào trang trại Quốc cho treo tấm băng rôn “Hiện nay dịch heo tai xanh đang lan rộng nên quý khách thông cảm tham quan vào dịp khác”. Thế là thành công, đàn heo của trang trại không bị dịch bệnh, lại bán được giá cao nên Quốc trúng lớn. Hiện nay, dịch heo tai xanh đang xuất hiện tại Quảng Nam và đang có nguy cơ lan sang các vùng lân cận. Tuy không chủ quan nhưng với kinh nghiệm có được Quốc hy vọng dịch bệnh sẽ không gây hại cho trang trại của mình.

Những vấn đề phát sinh.

Heo rừng, có nguồn gốc từ rừng vì thế việc gây nuôi phải tuân theo quy định của Nhà nước về gây nuôi động vật hoang dã. Lúc đầu Quốc không hiểu điều đó, thấy người ta gây nuôi mình cũng làm theo. Đến khi làm ra sản phẩm, bán cho các tỉnh khác thì Quốc bị ách lại, bị phạt 5 triệu đồng, lúc đấy anh mới hiểu ra và liên hệ với các cơ quan chức năng xin được chăn nuôi heo rừng hợp pháp. Rất may, tất cả heo giống Quốc mua đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và không thuộc diện bị cấm. Được cán bộ Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng hướng dẫn, giúp đỡ, Quốc hiểu hơn về trách nhiệm thực hiện các quy định của Nhà nước về chăn nuôi động vật rừng hoang dã. Quốc thầm cám ơn các cán bộ kiểm lâm đã đồng hành cùng anh trong qua trình chăn nuôi. Một lần có người từ Kon Tum lặn lội về trang trại của Quốc nhưng không phải mua heo rừng giống, mà là nhờ Quốc làm giúp giấy phép vận chuyển heo rừng. Anh ta sẵn sàng trả cho Quốc 10 triệu đồng một giấy phép, thế nhưng Quốc thẳng thừng từ chối và không hợp tác với anh ta. Quốc biết, hiện nay một số người lợi dụng săn bắt động vật hoang dã trái phép trong đó có heo rừng để thu lợi bất chính. Tiếp tay cho hành vi này là những người vận chuyển chúng về các đô thị lớn bán cho các thượng đế. Quốc tâm niệm, nếu chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi tương lai lâu dài thì đâu còn là Nhất Trung Sơn, cái tên mà anh kỳ vọng từ ngày đầu khởi nghiệp với mong muốn sẽ là trang trại lớn nhất vùng núi miền Trung.

Để việc chăn nuôi heo rừng giống thành công thì vấn đề giống bố mẹ là rất quan trọng. Quốc ý thức rất rõ vấn đề này nên ngay từ ngày đầu thành lập trang trại Quốc đã chú ý phân dòng để tạo ra những con giống tốt. Hiện nay ở nước ta việc chăn nuôi heo rừng chưa thành phong trào, chỉ là tự phát ở một số hộ dân. Vì thế chưa tạo ra thị trường cho người chăn nuôi heo rừng. Việc gây giống, chọn giống heo rừng chưa được chú trọng. Những cơ sở quy mô nhỏ dễ dẫn tới thoái hóa giống. Một vấn đề liên quan đến việc chăn nuôi heo rừng ở nước ta là một số cơ sở nhập giống heo Thái Lan (gần như heo thả rông của đồng bào miền núi) về gây nuôi lẫn với heo rừng và đánh lừa người tiêu dùng nên gây khó khăn cho việc phát triển nghề này. Quốc đi theo hướng khác. Anh không gây nuôi giống heo Thái Lan vì giống này nhiều mỡ, khách hàng ít chuộng. Qua quá trình gây nuôi heo rừng Quốc nhận thấy heo rừng chỉ đẻ mỗi lứa khoảng 5 con, trong khi heo tộc (giống heo lưng võng, da đen trũi) đẻ hơn chục con mỗi lứa. Quốc nảy sinh ý định phối thử nghiệm 2 giống heo này. Nghĩ là làm, Quốc mua một con heo tộc cho phối với heo rừng. Ngày heo đẻ, Quốc háo hức ngồi chờ trong niềm vui sướng khi có đến 9 chú heo con lọt lòng mẹ. Giống heo rừng lai heo tộc có thịt được người ăn ưa chuộng, thịt giữ được độ giòn của heo rừng nhưng lại rất mềm. Quốc liền mua thêm 5 con heo tộc để phối tiếp. Lần lượt, các cơ quan, nhà hàng tìm lên mua và kết quả là Quốc lại thiếu heo lai để bán. Thành công trong nuôi heo rừng lai đã mở ra cho Quốc thêm một hướng chăn nuôi mới cung cấp heo rừng thịt. Kế hoạch công việc không bao giờ chịu dừng trong suy nghĩ. Để thực hiện được việc này Quốc đã trồng thêm mấy sào sắn, chuối cho heo ăn. Ngoài chức năng cho bóng mát, cây chuối tạo độ ẩm cao trong đất tạo nguồn giun là loại thức ăn mà heo rừng rất thích.

Hiện trang trại Nhất Trung Sơn của Quốc được các nhà quản lý đánh giá là trại nuôi heo rừng lớn nhất khu vực miền Trung. Heo giống của trang trại thường không đủ xuất cho khách hàng ở các địa phương. Với phương châm bảo hành sản phẩm đến cùng nên dù giá heo rừng cao hơn hẳn so với các cơ sở khác nhưng vẫn nhiều người tìm đến. Khách hàng đến với trang trại Nhất Trung Sơn không chỉ được tư vấn, mua heo giống chất lượng với đầy đủ các giấy tờ pháp lý mà còn được đích thân chủ trang trại vận chuyển đến tận nơi hướng dẫn cách gây nuôi. Vừa qua, Quốc vinh dự được thay mặt cho hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Đà Nẵng đi dự Hội thảo quốc gia tại Viện Chăn nuôi. Anh đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen và chứng chỉ của huyện, thành phố và Viện Chăn nuôi... vì đã có những thành tích cao trong việc nuôi dưỡng và phát triển đàn heo rừng. Như vậy, sau hơn 3 năm lăn lộn có lúc thăng, lúc trầm, đến nay chủ trang trại trẻ ấy đã thu được hàng tỷ đồng từ bán heo rừng giống và thực sự nổi tiếng với cái tên “Tỷ phú heo rừng”. Đây thực sự là một điển hình tiên tiến của thành phố Đà Nẵng, dám nghĩ, dám làm cần được khuyến khích, nhân rộng.

Nguyễn Gia Lâm


Số lượt đọc:  4182  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 10:12:53 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH