Số 4

Tin hoạt động

Gia Lai: Tập huấn nghiệp vụ pháp chế cho công chức kiểm lâm. Ngày 02/3/2009, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Cục Kiểm lâm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế cho gần 60 công chức kiểm lâm của văn phòng Chi cục, các hạt, Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng. Giảng viên là trưởng phòng thanh tra pháp chế của Cục Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai. Sau 10 ngày tập huấn, các học viên đã được cập nhật, tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, cách xử lý tình huống với hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ chuẩn bị chu đáo, giảng dạy tận tình, tổ chức kiểm tra chu đáo nên các học viên đã cơ bản nắm được yêu cầu đề ra. Kết thúc khóa học Cục Kiểm lâm đã khen thưởng cho 4 học viên có thành tích xuất sắc trong quá trình tập huấn.

Trương Vũ Cường

Phát hiện 14 loài cau dừa quý hiếm tại vườn quốc gia Núi Chúa. Các chuyên gia của Viện Sinh thái - Tài nguyên sinh vật Việt Nam và Vườn thực vật New York (Mỹ) vừa phát hiện 14 loài cau dừa, có tên khoa học là Licuala (Palmae) thuộc nhóm thực vật quý hiếm tại Vườn quốc gia Núi Chúa (Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận). Trong đó một số loài thuộc các chi Pinanga, Pletocomia lần đầu tiên được phát hiện, đặc biệt là 3 dạng khác nhau của loài Areca triandra, Caryota mitis và hai loài Licuala. Các loài cau dừa nói trên được tìm thấy tại hai địa điểm vùng cát ven biển và khu vực núi đá cao nhất của vườn quốc gia này.

Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch hành động đa dạng sinh học về rừng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Bản kế hoạch này đã được ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành ngày 11/12/2008 với mục tiêu bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học về rừng; Sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên rừng; Kiểm định và ngăn chặn các loại sinh vật lạ xâm nhập;Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đa dạng sinh học (ĐDSH) và an toàn sinh học; Cộng đồng các địa phương tham gia quản lý và bảo tồn ĐDSH về rừng, nhất là tại các khu rừng đặc dụng. Bản kế hoạch cũng định hướng đến năm 2020 với một số chỉ tiêu như phục hồi, phát triển và sử dụng bền vững ĐDSH về các nguồn gen, các loài sinh vật và hệ sinh thái rừng của Thừa Thiên Huế; quản lý an toàn sinh học có hiệu quả, góp phần cùng Chính phủ thực hiện các cam kết quốc tế về ĐDSH và an toàn sinh học mà nước ta là thành viên; Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế chính sách, các văn bản quy định của tỉnh liên quan đến việc thực thi pháp luật của Nhà nước về quản lý ĐDSH và an toàn sinh học ở Thừa Thiên Huế; Hoàn thiện hệ thống tổ chức các khu rừng đặc dụng của tỉnh, phục hồi ít nhất được 50% các hệ sinh thái rừng tự nhiên, tiêu biểu, nhạy cảm đã bị xuống cấp, phá hủy. Thông qua 5 hành động cụ thể đã quy định chức năng, nhiệm vụ cho từng cơ quan phối hợp thực hiện cùng Chi cục Kiểm lâm, Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những tỉnh tham gia hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học với hiệu suất cao.

Nguyễn Quang Hòa Anh

Hoa đỗ quyên được nhân giống thành công. Các nhà khoa học vừa ứng dụng thành công việc thuần dưỡng và nhân giống để bảo tồn loài hoa đỗ quyên (Rhododendron, Azalea) tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Đây là một trong những loài hoa cảnh rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Loài hoa này thích hợp ở vùng núi Tam Đảo có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, ở độ cao từ 800m trở lên, rất khó di thực và thuần dưỡng khi đưa ra khỏi vùng phân bố tự nhiên. Hoa đỗ quyên có giá trị kinh tế rất cao, mỗi chậu hoa cảnh có giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Vườn quốc gia Tam Đảo đang có kế hoạch nhân giống để cung cấp cho nhân dân quanh vùng trồng trên diện rộng.

Thanh Hóa sơ kết 5 năm vận động nhân dân bảo vệ rừng. Vừa qua, ủy ban mặt trận tổ quốc và Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã sơ kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng 2003-2008. Việc phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR giữa ủy ban mặt trận tổ quốc với kiểm lâm là một chương trình có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả. Trong 5 năm qua, mặt trận tổ quốc đã mở 52 lớp tập huấn chuyên đề về công tác PCCCR cho trên 2000 lượt người tham gia; tổ chức cho trên 60 ngàn lượt hộ gia đình ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; tổ chức kiểm điểm 243 đối tượng thường xuyên có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng; in ấn phát hành 200 nghìn thư kêu gọi về bảo vệ rừng... Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ và phát triển rừng của nhân dân được nâng lên rõ rệt, an ninh rừng cơ bản ổn định theo hướng bền vững, không còn các tụ điểm, điểm nóng về phá rừng, khai thác, buôn bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Các vụ vi phạm được nhân dân phát hiện, tố giác với chính quyền, kiểm lâm đã được xử lý.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập: Lâm tặc xông vào trạm chém kiểm lâm: Lúc 22h30' ngày 9/4/2009, trong lúc lực lượng kiểm lâm Trạm bảo vệ rừng số 1 Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) đang ngủ thì bất ngờ bị một nhóm lạ mặt (khoảng 6 tên) đi trên 2 xe gắn máy mang theo hung khí tấn công. Mặc dù đã được trang bị vũ khí nhưng do không kịp phản ứng nên kiểm lâm viên Dương Quang Hùng đã bị nhóm lạ mặt chém đứt lìa cánh tay và bị thương nặng vùng đầu, máu ra nhiều. Gây án xong, nhóm người lạ mặt lên 2 xe máy tẩu thoát, anhDương Quang Hùng được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Phước Long, xã Bù Gia Mập đã có mặt kịp thời, xác minh, lấy lời khai để điều tra, làm rõ. Theo kết quả điều tra ban đầu, các đối tượng này đều là người địa phương, đang sinh sống tại xã Bù Gia Mập. Ngay sau khi bị lâm tặc chém kiểm lâm viên Dương Quang Hùng được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Bình Phước cấp cứu lúc 2h30' ngày 10/4/2009. Các bác sĩ ở bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, nối cánh tay cho nạn nhân. Sau 3 giờ phẫu thuật, êkíp mổ đã phải truyền 6 đơn vị hồng cầu cho nạn nhân (tương đương 4 lít máu), nối được 2 xương và 2 động mạch chủ. Theo các bác sĩ, do nạn nhân bị thương nặng nên cần được theo dõi đặc biệt và sẽ tiếp tục phẫu thuật để nối lại các gân và dây thần kinh nếu sức khỏe nạn nhân hồi phục.

Đồng Nai: 310 cơ sở nuôi động vật hoang dã được cấp phép. Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 310 cơ sở nuôi động vật hoang dã được cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng gồm 19 loài với 39.069 cá thể. Để ngăn chặn và kịp thời xử lý các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát tại các nhà hàng, các chợ, địa điểm bến cảng.

Đắk Lắk: voi rừng khuấy đảo nhà dân. Thời gian gần đây, đàn voi rừng hơn 50 con đã về phá hoại hoa màu tại xã biên giới Ia R'vê, huyện Ea Súp. Người dân địa phương đã làm mọi cách để xua đuổi nhưng đàn voi vẫn lân la gần vùng dân cư, gây tổn thất kinh tế đáng kể. Năm 2008 có 2 đàn voi gồm 18 con về tại địa bàn thôn 7 và thôn 12, sau đó lại có thêm một đàn voi 36 con voi về vùng thôn 1 kiếm ăn. Các đàn voi nhập lại với nhau thành đàn 54 con cùng hoạt động trên một phạm vi khá rộng thuộc địa bàn thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 5. Nhiều con voi còn vào sát khu dân cư và chỉ cách nhà dân khoảng 100 mét ăn chuối, làm cho bà con phải sơ tán. Lo ngại đàn voi tấn công, nhiều người dân không dám lên rẫy sản xuất hay vào rừng kiếm củi.

Ninh Thuận: Công bố cụm thác nước độc đáo tại Tân Tiến. Cụm thác nước vừa được các cán bộ Công ty Lâm nghiệp Tân Tiến phát hiện tại khu rừng thuộc xã Phước Tân, huyện vùng cao Bác ái, giáp tỉnh Lâm Đồng. Cụm thác được đặt tên Piago, còn gọi theo tiếng đồng bào Raglai (cư dân chủ yếu của huyện này) là Chapanh. UBND tỉnh Ninh Thuận đang có kế hoạch bảo vệ vùng rừng nguyên sinh và cụm thác Piago để phát triển du lịch sinh thái. Cụm thác gồm thác chính thẳng đứng có độ cao 50m, mặt ngang rộng gần 30m, quanh năm nước đổ trắng xóa. Cách thác chính khoảng 600m là hai thác nhỏ hơn, cao trên 20m, rộng khoảng 15m. Cụm thác Piago cùng với hệ thống suối, lạch và cây rừng tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp, ấn tượng.

Kiên Giang: Bắt giữ, thả về rừng hơn 100kg động vật hoang dã. Vườn Quốc gia U Minh Thượng vừa tiếp nhận trên 100kg động vật hoang dã gồm càng đước, rùa, le le... Sau khi thuần dưỡng khỏe mạnh, số động vật này được thả hết về rừng. Đáng chú ý, trong số động vật hoang dã trên có 9 con càng đước mỗi con có trọng lượng từ 8-10kg và 60 con le le, trọng lượng khoảng 0,5kg/con nằm trong nhóm động vật và loài chim quí hiện còn rất ít tại các khu rừng và đầm lầy ở Kiên Giang. Số động vật hoang dã trên do lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ trên các chuyến xe vận chuyển qua địa phận 2 huyện Tân Hiệp và U Minh Thượng. Biết là loài động vật hoang dã thuộc loại cấm săn bắt, mua bán, giết thịt nên không ai thừa nhận là chủ nhân của lô hàng này.

Thái Nguyên: Thuê phá rừng phòng hộ để đào vàng. Vừa qua, UBND huyện Võ Nhai đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, cảnh sát môi trường đình chỉ mọi hoạt động khai thác vàng trái phép tại lô rừng phòng hộ của gia đình ông Triệu Văn Kinh, đã được cấp sổ đỏ với tổng diện tích 19,2ha. Trước đó, tại địa điểm này ông Kinh, đã thuê máy xúc, máy ủi và hơn 40 người dựng lán trại và mở đường vào khai thác vàng trái phép trên diện tích 0,5ha.

Quảng Nam: Kiểm lâm lại đổ máu. Ngày 26/2/2009, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, phát hiện một xe khách 12 chỗ vận chuyển gỗ trái phép trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Hai kiểm lâm viên là Lê Đức Tuân và Bùi Quang Vũ đã sử dụng xe U-oát truy bắt. Chạy được một quãng, lâm tặc dùng ô tô 7 chỗ chạy theo nhằm cản đường lực lượng kiểm lâm. Truy đuổi hơn 10km, từ bến Giằng đến thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, xe của kiểm lâm bị chèn ép rớt xuống lề đường làm hai kiểm lâm viên bị thương nặng. Sau đó, cả hai xe của bọn lâm tặc vượt trạm kiểm soát tẩu thoát.

Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi bàn giao cho Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng Cúc Phương cá thể voọc chà vá chân xám. Việc bàn giao được thực hiện vào ngày 03/3/2009. Đây là cá thể voọc đực, nặng khoảng 6kg. Cá thể voọc này do ông Đặng Đình Cương, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi tự nguyện giao nộp. Được biết trong lần công tác tại huyện Nghĩa Hành, ông Cương phát hiện một số người dân chuẩn bị giết thịt cá thể này, biết là loài động vật quý hiếm ông đã vận động người dân giao nộp lại. Voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Loài này chỉ phân bố tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ, giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên. Đây là cá thể voọc chà vá chân xám thứ 5 được chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng Cúc Phương.

Nguyễn Đại
Số lượt đọc:  351  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 10:04:20 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH