Số 4

Thực trạng, giải pháp bảo tồn linh trưởng Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu vực địa hình đặc trưng cho sự chuyển tiếp từ vùng Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam bộ. Tổng diện tích tự nhiên 26.032ha, trong đó rừng tự nhiên 25.516ha chiếm 98% tổng diện tích tự nhiên. Phần lớn diện tích là sinh cảnh rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng hỗn giao gỗ lồ ô, rừng lá rộng nửa rụng lá. Đây là các kiểu rừng nhiều tầng tán, hỗn loài, đa dạng về thành phần loài thực vật rừng, đặc biệt là các loài cây cho quả làm thức ăn cho các loài linh trưởng. Bên cạnh đó Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn liền kề với khu rừng bảo tồn thiên nhiên của tỉnh Mundukiri Campuchia (rộng hơn 50.000ha) và lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông với diện tích hơn 40.000ha). Với điều tự nhiên như trên, nơi đây được coi là một trong những vùng sinh cảnh thích hợp cho các loài linh trưởng. Các nhà khoa khoa học đã ghi nhận được ở đây 8 loài trong tổng số 25 loài linh trưởng Việt Nam (chiếm 32%). Đặc biệt trong số đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, đặc hữu Đông Dương đang được sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới như: chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), voọc bạc (Trachypithecus. Sp) là những loài đặc hữu đông dương được IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và sách đỏ Việt Nam liệt vào mức tuyệt chủng cấp (CE) cấp cực kỳ nguy cấp cần được bảo tồn khẩn cấp. Vượn đen má vàng (Nomascus leucogennys) loài nguy cấp (cấp EN), cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) loài sẽ nguy cấp (VU), 5 loài linh trưởng trên đây được xếp vào nhóm loài động vật rừng nhóm IB theo Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ rừng Việt Nam. Các loài linh trưởng; khi đuôi lợn (Macaca leonina), khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), khỉ mặt đỏ (Macaca acrtoides) là những loài xếp vào cấp sắp nguy cấp, gần bị đe doạ (VU, LR) và xếp vào nhóm IIB. Tuy được coi là khu vực phân bố quan trọng của các loài linh trưởng ở Việt Nam, nhưng cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu điều tra, đánh giá số lượng quần thể, thành phần loài, phân bố, tập tính các loài linh trưởng gây không ít khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát, theo dõi cũng như đề xuất các biện pháp bảo tồn.

Săn bắn, bẫy bắt các loài linh trưởng diễn ra khá phổ biến bởi người dân sống gần rừng cũng như những thợ săn di cư từ phía Bắc vào. Số liệu báo cáo của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bù Gia Mập những năm 2004 - 2007 cho thấy săn bắn, bẫy bắn linh trưởng chủ yếu sử dụng vào làm thuốc (nấu cao khỉ, cu li làm thuốc..), làm cảnh (nuôi nhốt), làm thức ăn, buôn bán trao đổi với các vùng khác. Người dân quanh Vườn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, trình độ nhận thức, sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Việc xây dựng đường tuần tra biên giới phục vụ an ninh quốc phòng đã chia cắt sinh cảnh sống, vùng phân bố, tạo điều kiện thuận lợi cho thợ săn xâm nhập rừng để săn bắn, bẫy bắt động vật rừng nói chung và linh trưởng nói riêng. Khả năng của cán bộ kiểm lâm cũng như cán bộ kỹ thuật còn hạn chế trong việc quản lý, tuần tra bảo tồn các loài linh trưởng. Việc kiểm soát các loại súng săn, vũ quân dụng vùng biên giới rất khó khăn.

Để bảo vệ, bảo tồn các loài linh trưởng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập một cách hữu hiệu cần có sự quan tâm của UBND tỉnh Bình Phước, các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, chính quyền địa phương các xã vùng đệm. Trước mắt, cần tập trung điều tra, đánh giá số lượng quần thể, phân bố, thành phần loài linh trưởng làm cơ sở dữ liệu cho việc giám sát, theo dõi cũng như đề xuất các biện pháp bảo vệ hữu hiệu. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn, quản lý bảo vệ linh trưởng đến các tầng lớp nhân dân. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ kỹ thuật, kiểm lâm về kỹ thuật điều tra, ghi nhận, giám sát, tổ chức tuần tra thực thi pháp luật có hiệu quả để bảo tồn các loài linh trưởng một cách hiệu quả nhất. Xây dựng các đề xuất, dự án nhỏ, kêu gọi sự hợp tác đầu tư của các tổ chức bảo tồn trong và ngoài nước để tạo nguồn kinh phí bảo tồn các loài linh trưởng, đặc biệt là các loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao. Công tác bảo tồn linh trưởng hiện nay của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đang gặp rất nhiều khó khăn cả về kinh phí, năng lực quản lý lẫn chính sách bảo tồn rất cần sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, đặc biệt là các hội khoa học, Sở Khoa học công nghệ tỉnh Bình Phước, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế.

Nguyễn Đại Phú


Số lượt đọc:  1249  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 01:16:37 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH