Số 4

Thác đá thờ

Qua nhiều lần làm nương, khu rừng Đá đen gần như cây không thể mọc được, phủ lên nó là lớp lau, chét, mua, sim và cỏ lông lợn. Mấy ngày mưa dầm dề, thác Đá thờ đón nước từ nhiều nơi đổ về càng xối mạnh. Nước về nhiều làm con suối dưới chân thác không đủ sức chứa tràn ra hai bên. Nước chảy tràn lan làm cho cánh đồng ngô của bản người Dao cạnh đó không mọc lên được. Có năm mưa nhiều dân bản chỉ biết đứng nhìn nước trắng xóa cả cánh đồng, để lại trên đồng toàn cát, đá, sỏi. Năm nào nhà nước cũng phải trợ cấp cứu đói cho bản này. Chung quy cũng chỉ tại rừng bị phá. Trưởng bản Triệu Văn Quan nói với Hạt trưởng Kiểm lâm huyện:

- Dân bản khổ nhiều vì lũ quét. Cúng ma mãi mà cái nước chẳng chịu tha, chỉ dân bản bỏ đi thôi. Cán bộ giúp bản ta đi!

Câu nói của trưởng bản làm hạt trường Hoàng Luyến trăn trở nhiều đêm không ngủ. Tốt nghiệp khoa khai thác gỗ trường Đại học Lâm nghiệp, ngoài kiến thức về xe, máy Luyến còn được học thiết kế cầu đường lâm nghiệp, hồ đập nhỏ. Anh đã từng chứng kiến nhiều lần mưa to thác Đá thờ gây hại cho người dân và rồi chính anh lại cùng các ban ngành của huyện đưa gạo, muối về cứu trợ. Mỗi lần như vậy Hoàng Luyến lại càng thấu hiểu nỗi khổ của dân bản, nhận thức được sự khắc nghiệt của thiên tai, thời tiết. Quê hương Luyến cũng ở một vùng cao tỉnh khác nhưng không đến nỗi phải khó nhọc như ở nơi này. Xử lý cái thác nước là việc đơn giản. Kiến thức học ở trường của bản thân và sự hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ huyện đủ khả năng bắt thác Đá thờ phải theo ý mình, nhưng “lực bất tòng tâm” bởi cơ chế quản lý và kinh phí. Muốn bắt thác Đá thờ phục vụ con người phải đầu tư vào đấy bạc tỷ, mà bạc tỷ thì huyện chẳng có, cán bộ kiểm lâm và thủy lợi chẳng có tiền mà chỉ có kiến thức khoa học. Là huyện miền núi nên vấn đề bảo vệ rừng được coi trọng. Chính vì vậy, uy tín của Hạt kiểm lâm được nâng cao, hầu hết các vấn đề liên quan đến bảo vệ rừng, chống xói lở đất... lãnh đạo huyện đều tham khảo ý kiến và nhiều lần giao nhiệm vụ đó cho Hạt kiểm lâm thực hiện, dù cho chưa thật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Hoàng Luyến còn đang trăn trở chưa biết làm cái gì trước, cái gì sau thì bí thư huyện ủy cho gọi anh lên tham khảo ý kiến: Cậu có phương án gì xử lý cái thác nước ở bản Nga Hoàng không vậy?

- Có chứ ạ!

- Theo cậu thì phải làm thế nào đây?

- Báo cáo anh! Muốn giải quyết triệt để cái thác Đá thờ bây giờ phải xây dựng ở đó một công trình đầu mối, vừa phát điện, vừa lấy nước cải tạo đồng ruộng. Tại công trình đầu mối ta đặt một tuốc bin phát điện lấy điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Nghe Hoàng Luyến nói vậy, Bí thư huyện ủy phấn chấn:

- Hay, một phương án hay. Nhưng... kinh phí thì lấy đâu ra để làm?

- Anh trực tiếp báo cáo với tỉnh và làm việc với Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chắc chắn các đồng chí ấy sẽ ủng hộ!

Bí thư huyện ủy gật đầu rồi ông quay sang nói với Hoàng Luyến:

- Cậu về bàn với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập cho mình dự án, chuẩn bị thật chu đáo, hôm này tớ và cậu cùng lên tỉnh.

Bí thư, chủ tịch huyện và Hoàng Luyến ôm dự án lên tỉnh báo cáo xin đầu tư xây dựng công trình thủy lợi thác Đá thờ. Nghe lãnh đạo huyện trình bày, Bí thư tỉnh ủy tỏ ra rất phấn khởi:

- Hay lắm! xây dựng được công trình thủy lợi ở chỗ này là hợp với ý Đảng, lòng dân. Mấy lần đi qua đây gặp phải cơn mưa to, nước tràn ngập cả đường, xe tớ phải chờ cả giờ nước rút mới qua được. Tớ đã nghĩ là có cách gì ngăn cái thác lại để khỏi phải chờ lâu mất việc lắm.

Bí thư tỉnh ủy nói vậy làm những người có mặt khấp khởi mừng thầm. Chủ tịch huyện phụ họa:

- Thưa anh! Làm công trình này là chúng ta bắn một mũi tên đạt ba mục đích: Ngăn không cho dòng nước chảy tràn lan gây hại; biến cánh đồng xóm Nga Hoàng thành hai vụ và phát điện phục vụ sinh hoạt cho bà con nhân dân.

- Thì tớ ủng hộ hoàn toàn rồi còn gì?

Dứt lời, Bí thư tỉnh ủy đến bên bản vẽ công trình, chỉ chỉ, chỏ chỏ một lúc rồi quay lại:

- Kinh phí xây dựng hết bao

nhiêu nhỉ?

- Dạ! Trên dưới hai tỷ đồng.

- Gay rồi! Với kinh phí đầu tư như thế này thì...

- Trung ương phân cấp lại rồi ạ!

- Thôi được! Bây giờ các cậu làm việc với đồng chí chủ tịch và các ngành chức năng, nói là tớ đã đồng ý chủ trương. Uỷ ban và các ngành

tính toán tìm giải pháp giúp huyện. Thế nhé!

Thầy trò Hoàng Luyến lại gõ cửa các nơi theo gợi ý của Bí thư tỉnh ủy, ở đâu họ cũng nhận được câu trả lời: “Bí thư đã có ý kiến, các đồng chí cứ để dự án đây cho chúng tôi nghiên cứu sẽ trả lời cụ thể bằng văn bản”. Thầy trò Hoàng Luyến trở về huyện để chờ ý kiến cơ quan chức năng chứ biết làm thế nào được khi cơ chế nhà nước qui định như vậy (!)...

Và cũng thật may cái gì đến đã đến. Dự án công trình thác Đá thờ được tỉnh đưa vào là một trong những công trình trọng điểm của Chương trình 135. Nhận được tin này các đồng chí lãnh đạo huyện và cán bộ chuyên môn, trong đó có Hoàng Luyến vui sướng không cầm được nước mắt. Bà con người Dao ở bản Nga Hoàng vui sướng đến nỗi nhiều nhà mổ lợn, mổ gà ăn mừng. Họ vui vì sắp tới họ không còn cảnh phải nhìn nước phá hoại đồng ruộng, không phải khuân đá, xúc cát sỏi đổ đi mỗi khi mùa mưa về, không còn cảnh du cư, đốt rừng làm nương rẫy nữa. Trưởng bản Triệu Văn Quan còn vui hơn, ông nói với Hoàng Luyến:

- Mày giúp bản tao ngăn được cái ma nước ở thác Đá thờ, tao ơn mày suốt đời, tao có đứa con gái đang học đại học nông nghiệp, mày thích nó tao cho mày đấy!

Hoàng Luyến lúng túng trước lời nói của trưởng bản. Anh chỉ vâng dạ cho qua chuyện. Hoàng Luyến biết Triệu Thị Mơ, cô gái Dao nết na một thời gian dài ở trường dân tộc nội trú huyện nói tiếng phổ thông rất sõi. Mơ là cô gái xinh xắn, da trắng, đánh bóng bàn rất hay, có lần anh thua Mơ đậm mà chẳng hiểu vì sao? Cô còn là người hát rất hay của trường dân tộc nội trú... Ông Quan nói vậy làm anh không khỏi suy nghĩ, người Dao đã nói là làm, không bao giờ thất hứa. Trong mắt Hoàng Luyến Mơ là một cô gái xinh đẹp, có kiến thức, nết na, thùy mỵ, chẳng có gì đáng để anh từ chối cả...

Dự án công trình đầu mối Đá thờ được tỉnh chỉ định thầu cho một công ty xây dựng dưới xuôi đảm nhiệm. Tốc độ xây dựng nhanh, chỉ trong thời gian hơn tám tháng đã hoàn thành giai đoạn một, mười tám tháng hoàn thành giai đoạn hai, và hai bốn tháng hoàn thành toàn bộ công trình. Công trình thực hiện được mục đích đề ra.

Hôm khánh thành công trình, phát biểu trước quan khách dự lễ khánh thành, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện nói: “Có được công trình này trước hết là chủ trương đúng đắn của Chính phủ dành vốn để đầu tư vào vùng sâu, vùng xa. Sự ưu tiên của tỉnh, huyện cũng như công lao không nhỏ thuộc về Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà người đứng đầu là Hạt trưởng Hoàng Luyến”. Hôm đó dân bản đến đông lắm, mọi người đều vui khi bản Nga Hoàng đang đổi đời. Triệu Thị Mơ về nghỉ hè, cô cũng có mặt ở buổi lễ khánh thành, Mơ thẹn thùng khi ông chủ tịch huyện nói đến Hoàng Luyến. Cái thẹn thùng của người con gái Dao duyên dáng lạ thường. Trưởng bản Triệu Văn Quan nói trước mọi người:

- Tất cả người Dao ở bản này cũng như ở tỉnh, ở huyện biết ơn Nhà nước nhiều lắm, công trình này sẽ giúp dân bản có cơm ăn, áo mặc, có nhà, có điện thắp sáng như hôm nay. Mình biết ơn cán bộ Hoàng Luyến nhiều, mình nói với mọi người là cho nó con gái Triệu Thị Mơ đấy. Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay hào hứng. Hoàng Luyến đỏ mặt không nói lên lời.

Một năm sau khi Triệu Thị Mơ tốt nghiệp đại học cũng là lúc lễ cưới của hai người được tổ chức. Đám cưới đơn giản mà rất vui, thắm đượm tình yêu thương nồng nàn. Bí thư huyện ủy, chủ tịch huyện, nhiều bạn bè là cán bộ cơ quan huyện đến dự. Trong ngày vui ấy Mơ hỏi Luyến:

- Vì sao anh lại yêu em và cưới em làm vợ?

- Chỉ tại cái thác Đá thờ!...

- Cái thác Đá thờ?

Rồi Mơ đấm thùm thụp vào lưng Luyến nũng nịu:

- Em bắt đền anh đấy!...

Sau lời phát biểu của chủ tịch huyện là lời phát biểu của bí thư đảng bộ xã Triệu Văn Xuân, ông nói:

- Thật là một tình yêu chân thành, hạnh phúc tràn trề. Người Dao, người H'Mông, người Kinh và cả dân tộc Việt Nam đều là anh em một nhà..

Truyện ngắn của Hoàng Biểu


Số lượt đọc:  121  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 10:09:43 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH