Số 4

Giữ rừng Tam Đảo trong thế phát triển du lịch sinh thái

Tam Đảo có tới 14.822ha rừng, chiếm hơn 49% diện tích đất rừng Vĩnh Phúc, trong đó có 12.421ha rừng đặc dụng. Tam Đảo là huyện giàu tài nguyên rừng nhất nhưng lại là huyện nghèo nhất tỉnh Vĩnh Phúc (điển hình là xã Đạo Trù có tới 4.900ha rừng nhưng tỉ lệ đói nghèo có thời kỳ lên tới hơn 60%).

Mỗi khi đói kém người dân ở đây thường kéo nhau lên rừng khai thác lâm sản và đốt rừng làm rẫy. Nếu không có lực lượng kiểm lâm và chính quyền tích cực ngăn chặn thì vấn nạn này dễ có nguy cơ bùng phát. Mấy năm nay do chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, chăn nuôi gieo trồng các cây con giống mới cho năng suất cao lại phát triển thêm nhiều ngành nghề phụ lúc nông nhàn... nên phá rừng đã giảm hẳn.

Muốn giảm đói nghèo phải phát triển kinh tế rừng đúng hướng, vì vậy tất cả diện tích rừng đều có chủ. Nhiều cán bộ đảng viên đã tự nguyện nhận trông coi hàng trăm hécta rừng ở những nơi khó bảo vệ nhất.

Hạt Kiểm lâm huyện Tam Đảo có 9 người, trung bình mỗi người chịu trách nhiệm bảo vệ hơn 2.000ha rừng. Để bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm đã tích cực tuyên truyền tới từng hộ dân nơi địa bàn mình phụ trách. Hàng năm, Hạt Kiểm lâm Tam Đảo đã mở hàng chục lớp tập huấn về phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng. Phân phát hàng nghìn tờ rơi, kẻ vẽ gần 100 áp phích, biển báo, bảng nội quy... Đến nay đã có hơn một nghìn gia đình ký cam kết không đốt rừng làm nương rẫy, không theo lâm tặc phá rừng, không thả trâu bò lên rừng phá cây... Do vậy, rừng ở đây mấy năm nay đã phát triển xanh trở lại, nhiều nơi rất rậm rạp yên tĩnh. ở Tam Đảo còn có nhiều xóm bản dân tộc thiểu số đang sống trong rừng hoặc sát bìa rừng, gây tác hại nhất là nạn cháy rừng thường xảy ra. Được chính quyền và các đoàn thể hưởng ứng từ mấy năm nay, Hạt Kiểm lâm Tam Đảo đã xây dựng được lực lượng bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng khá mạnh với 36 đội dân phòng chữa cháy rừng gồm 435 người có đầy đủ dụng cụ.

Các đội xung kích còn được trang bị ống nhòm, ôtô, máy bơm, máy bộ đàm, cưa xăng... cộng với 1.040 thanh niên dân quân sẵn sàng chữa cháy. Khi đám cháy có nguy cơ lan rộng thì toàn dân ra ứng cứu vì nhà ai cũng có phần rừng của mình trong đó. Toàn huyện đã xây dựng được 15 chòi canh lửa rừng, có chòi cao bằng sắt thép trị giá gần 200 triệu đồng và một trạm theo dõi báo cháy với đầy đủ máy móc chuyên dùng, kịp thời thông báo theo từng cấp độ cháy. Xây dựng và bảo trì thường xuyên các đường băng cản lửa trong đó có 10km băng xanh và 37,5km băng trắng. Nhờ vậy, các vụ và thiệt hại do cháy rừng hàng năm đã giảm, thiệt hại về vật chất không đáng kể.

Để xóa đói giảm nghèo, huyện Tam Đảo đang phát triển mạnh về du lịch với sự đa dạng. Từ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng đến du lịch công vụ, giải trí, mạo hiểm... tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người, giảm hẳn số người lên rừng khai thác lâm sản. Toàn huyện có 4 khu nghỉ mát, tham quan lớn với hàng trăm khách sạn nhà nghỉ. Mỗi năm thu hút hàng triệu khách. Tới đây ngành du lịch còn phát triển thêm hàng trăm điểm vui chơi giải trí với cả mạng lưới giao thông dịch vụ... điều đó có thể sẽ xâm hại đến nhiều diện tích rừng và tác động xấu đến rừng nguyên sinh. Đây cũng là thử thách rất lớn đối với Kiểm lâm Tam Đảo trước xu thế phát triển kinh tế đa dạng của địa phương.

Để bảo vệ và phát triển rừng, kịp thời bù vào các diện tích cây bị mất. Mới đây Hạt Kiểm lâm Tam Đảo đã xây dựng thêm Trạm Kiểm lâm ở xã Đạo Trù rộng 300m2. Trụ sở của Hạt cũng mở rộng khuôn viên 1.000m2 để có thể ươm cây giống. Hỗ trợ và động viên nhân dân tích cực trồng rừng, nhanh chóng phủ xanh đất trống, trồng thật nhiều cây phân tán ở các bản làng, trường học. Toàn huyện đã có gần 50 vườn ươm của tư nhân mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu cây giống bản địa. Nhanh chóng bù lại diện tích rừng đã nhượng lại cho ngành du lịch dịch vụ. Mấy năm nay, năm nào huyện Tam Đảo cũng trồng thêm được từ 300 đến 400ha rừng tập trung và hàng chục vạn cây phân tán. Đã có hàng chục gia đình tạo dựng được khu vườn cảnh, sản xuất và kinh doanh cây hoa cảnh, mỗi năm bán ra hàng nghìn chậu phong lan các loại, tránh nạn vào rừng khai thác bừa bãi. Toàn huyện đã trồng thêm hàng vạn cây tre bát độ lấy măng, hàng trăm hécta su su lấy ngọn... cung cấp đặc sản cho du khách.

Việc bảo vệ các loài thú quí hiếm cũng được toàn dân chú trọng. Vừa qua, Hạt Kiểm lâm Tam Đảo đã xử lý nghiêm những người cố tình vào rừng săn bắt. Đã tịch thu 3 con dúi, 5 con cá cóc, hủy các con thú nhồi, các bình rượu ngâm ong, bìm bịp... Tích cực tuyên truyền bằng tờ rơi, băng rôn, băng ghi âm phát trên loa đài ở mọi nơi mọi lúc để du khách không mua các động vật quí hiếm của rừng, để ai cũng có ý thức bảo vệ rừng. Khách tham quan du lịch tới đây thấy dân sở tại yêu quí rừng họ càng nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên hơn.

Dương Văn Lãm


Số lượt đọc:  389  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 10:37:10 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH