Số 4

Cây cọc rào (Ratropha curcas): Nguồn nguyên liệu sản xuất diesel sinh học

Tên khoa học: Jatropha curcas.L

Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Tên khác: Cây diesel, Dầu mè, Ngô đồng, Dầu lai, Đậu cọc rào

Tên tiếng anh: Physic nut

Đặc điểm nhận biết

Cọc rào là cây bụi, vỏ xám nhẵn, có nhựa màu hơi ngà, loãng. Cây thường cao 3- 5m, trong các điều kiện thích hợp cây có thể cao 8- 10m. Lá rộng xanh hoặc xanh nhạt, 3- 5 lá đối nhau xoắn ốc quanh trục. Cuống lá 6- 23cm. Cụm hoa ở nách lá, hoa đơn tính và hoa cái thường to hơn hoa đực, ra hoa vào mùa hè. Cây thụ phấn nhờ côn trùng, đặc biệt là ong mật. Quả hình thành vào mùa đông khi có sự rụng lá hoặc hình thành quả trong năm nếu có độ ẩm tốt và nhiệt độ thích hợp tương đối cao. Mỗi cụm hoa cho khoảng 10 bầu quả. Vỏ quả hình thành sau khi hạt trưởng thành và thịt quả khô. Hạt trưởng thành sau khoảng 2- 4 tháng khi vỏ quả chuyển từ xanh sang vàng. Hạt có vỏ hơi đen, hình thuôn dài. Cây sinh trưởng và có thể khai thác trong vòng 30- 40 năm.

Điều kiện sống.

Theo vùng khí hậu, cọc rào thấy ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nóng, mặc dù sống tốt ở vùng nhiệt độ thấp và có thể chịu lạnh nhẹ. Nhu cầu nước rất thấp và có thể chịu hạn trong một thời gian dài bằng cách rụng lá để giảm lượng thoát hơi nước. Cọc rào cũng thích hợp cho ngăn chặn xói mòn đất và rửa trôi cát. Thích hợp với độ cao 0- 500m, nhiệt độ trung bình: 20- 280C, lượng mưa trung bình 300- 1.000mm. Sinh trưởng trên đất thoát nước và thoáng khí, thích nghi với vùng đất khó canh tác do nghèo dinh dưỡng. Trên đất nặng, sự hình thành rễ giảm. Cọc rào sinh trưởng ở hầu khắp các nơi, thậm chí trên cả đất sỏi, đất cát và đất mặn. Chúng có thể sinh trưởng tốt trên đất đá nghèo ngay cả trên vách núi đá. Cọc rào là loài có khả năng thích nghi rộng nhưng tiềm năng sinh trưởng của chúng thể hiện ưu thế nhất trên đất khô và nghèo kiệt.

Phân bố.

Đến nay vẫn chưa biết chính xác nguồn gốc, nhưng được cho là có nguồn gốc từ Mexico và trung Mỹ, sau đó được chuyển sang châu Phi, châu á và hiện nay đã trở thành loài cây phổ biến trên toàn thế giới. ở Việt Nam, cọc rào có mặt từ rất sớm, mọc nhiều ở những vùng núi, chủ yếu được người dân trồng để làm hàng rào.

Cây cọc rào là loài cây đa tác dụng; hạt được sử dụng làm nguyên liệu cung cấp cho công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học (biofuel). Kết quả thử nghiệm cho thấy cứ 1ha cây cọc rào sẽ cho 1.000-3.000 lít dầu diesel sinh học. Dầu diesel ép ra từ quả của cây có thể dùng trực tiếp cho các động cơ diesel mà máy vẫn hoạt động tốt (Du, 2006). Gần đây hãng Hàng không Niuzilân đã thành công trong việc sử dụng dầu sinh học chiết suất từ hạt cây cọc rào làm nhiên liệu cho máy bay. Tất cả các bộ phận của cây cọc rào đều có ích như làm phân bón, lấy gỗ, làm than gỗ, làm thuốc. Hạt cây cọc rào sau khi ép sẽ cho 60% bã chứa chứa 20% protein có thể dùng làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp rất tốt, mỗi tấn có thể bán với giá 1 triệu đồng. Trong Từ điển cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam có viết: Nhựa mủ cây cọc rào được dùng ngoài để trị vết thương, cầm máu, chữa bỏng, bệnh ngoài da; dịch ép lá bôi ngoài chữa trĩ; dầu hạt trị bệnh da, thấp khớp, đau dây thần kinh hông, liệt..., các bộ phận còn lại của cây như thân, ngọn, lá, vỏ, rễ, nhựa... đều có thể dùng để làm thuốc trị bệnh: cầm máu, nhuận tràng (nhựa cây); trĩ phù, rắn cắn (rễ cây); trị bệnh sốt rét, bạch cầu (lá cây). Cọc rào là cây chịu hạn, có thể trồng trên các vùng đất khô cằn, là loài cây rất thích hợp cho việc cải tạo và phủ xanh những vùng đất hoang hóa.

Trên thế giới, các nghiên cứu về cây cọc rào trong việc cung cấp nguyên liệu cho công nghệ sản xuất biofuel đã được thực hiện tại các nước như, úc, ấn Độ, Trung Quốc... Nghiên cứu về các ứng dụng dược liệu của cây cọc rào như thành phần trong thức ăn kiêng (Makkar và Becker, 1999), đặc tính chống virus, chữa mụn cơm (Marroquin và Blanco, 1997), làm liền sẹo, hoạt tính chống nấm, chống virus, chống HIV (Matsuse, Lim và cộng sự 1999). Nghiên cứu về các thành phần hóa sinh của cây và hạt cọc rào như hoạt tính esterase và lipase (Staubmann và Ncube, 1999), lectin (Aregheore và Makkar, 1998); tính chất tẩy (Fagbenro, Oyibo, 1998); hoạt chất enzym (Carnicelli và Brigotti, 1997), đồng thời cũng có nhiều công trình nghiên cứu độc tính, thành phần các chất trong tinh dầu cây cọc rào. Các kỹ thuật về nhân giống và gây trồng cây cọc rào như nuôi cấy mô (Sardana, Batra và cs, 1998), phát sinh hình thái và tái sinh trong nuôi cấy in vitro (Pletsch và Charlwood, 1997), nhân hom, gieo hạt, mật độ trồng (Satish, 2004).

Hiện nay cây cọc rào được gây trồng dưới 2 hình thức phổ biến là trồng phân tán và trồng rừng tập trung trên diện rộng: Brazil, ấn Độ và gần đây là Trung Quốc cũng là nước đang phát triển mạnh cây cọc rào với diện tích trồng dự kiến hàng triệu hécta. ở nước ta, cây cọc rào được nhân dân trồng phân tán, chủ yếu để làm hàng rào. TS Lê Võ Định Tường (Phân viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên Hồ Chí Minh), đã nghiên cứu khảo nghiệm các dòng giống cây cọc rào có xuất xứ ấn Độ tại các tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận. Năm 2007 đại diện của Công ty Ecocacbon của Pháp thỏa thuận với UBND tỉnh Thanh Hóa về dự án trồng cây cọc rào với diện tích ban đầu 10 ngàn hécta trên các vùng đất gò đồi hoang hóa của tỉnh Thanh Hóa. Hiện đang tiến hành nghiên cứu thử nghiệm nhỏ về loài cây này tại Thường Xuân và Như Thanh, Thanh Hóa. Các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, Sở Khoa học Công nghệ Sơn La đã có kế hoạch cho việc trồng thử nghiệm cây cọc rào trên các vùng đất hoang hóa. Ngoài ra còn trồng thử nghiệm 5 ha cây cọc rào tại Đắc Hà Kon Tum. Thu hái quả chín, lấy hạt tươi (chưa phơi) từ cây cọc rào của người dân trồng làm hàng rào tại Thạch Thành, Thanh Hóa, Cơ quan kiểm lâm vùng II đã thử nghiệm ép thủ công thu được lượng dầu thô đạt khoảng 37%.

Một số ưu điểm của cây cọc rào. Năng suất dầu thu được trên 1ha lớn do cây có khả năng tạo hạt có hàm lượng dầu cao, rải vụ tốt. Có thể trồng trên những vùng có lượng mưa thấp (500mm/năm) và có vấn đề về đất. Những vùng có lượng mưa cao hơn hoặc được tưới nước thì năng suất đạt được còn cao hơn. Vì thế có thể trồng ở hầu khắp các vùng, có thể sinh trưởng được trên vùng đất hoang hóa, sa mạc khi có sự hỗ trợ về nước tưới. Cọc rào là cây dễ gây trồng, sinh trưởng tương đối nhanh và mạnh mẽ. Có thể sinh trưởng được trên các loại đất thuộc lưu vực sông, độ màu mỡ kém, đất thoái hóa, đất bỏ hoang, đất trống hoặc các vùng đất khác như dọc theo các kênh, đường cao tốc, làm hàng rào, đất khô cằn và bán khô cằn, và thậm chí trên đất nhiễm mặn. Vì những đặc điểm đó, nó có thể được sử dụng để cải tạo các vùng đất thoái hóa hoặc nhiều vùng đất khác nhau. Hạt dễ thu hái, do thu hái sau mùa mưa và do đặc điểm cây thấp. Cây cọc rào không làm thức ăn cho động vật. Do hàm lượng N cao nên được làm nguồn dinh dưỡng cho cây trồng. Cây cho năng suất 0,4 tấn hạt/ha/năm trong năm đầu tiên, tăng lên 5 tấn hạt/ha/năm sau 3 năm. Cây bắt đầu cho sản lượng hạt cao từ năm thứ 2 trở đi. Nhiều bộ phận khác nhau của cây có giá trị về dược liệu vỏ cây chứa tanin, hoa hấp dẫn ong mật và do đó cây có tiềm năng cho tạo mật ong. Vì là thực vật, một phần do sinh trưởng nhanh cọc rào sẽ hấp thụ cácbon từ khí quyển, dự trữ trong các mô sống và tích lũy trong phần cacbon của đất, do đó đây là loài rất thân thiện với môi trường. Có thể tạo cây con từ hạt sau 3 tháng hoặc bằng giâm hom. Nhân hom bằng cành dễ dàng và đạt được sự sinh trưởng nhanh. Cây trồng không yêu cầu khắt khe về loại đất, trồng cấy, chăm sóc, thu hái đều thuộc lao động giản đơn.

Phát triển trồng rừng cây cọc rào sẽ đáp ứng được 2 yêu cầu cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học trên quy mô lớn, phủ xanh và cải tạo những vùng đất hoang hóa nghèo kiệt khó khai thác. Bên cạnh đó cây cọc rào còn có thể trở thanh đối tượng tiềm năng cho trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch (A/R-CDM). Cơ quan kiểm lâm vùng II đã trực tiếp nhân giống và thử nghiệm tạo cây giống các xuất xứ AD- N; AD- B; AD- 2; AD- TL4; AD- 1; Bt 607 và đã tạo được khoảng 3 vạn cây con từ các lô hạt giống nói trên đồng thời tiến hành thu hái hạt giống trên địa bàn Thạch Thành, Thanh hoá về tạo giống. Do hạt giống thu hái được ít nên chúng tôi đã tạo cây giống băng cành (hom), lượng cây giống bằng hạt và hom trên đã được trồng thử nghiệm trong đề tài: “xây dựng đường băng xanh cản lửa góp phần bảo vệ rừng cho các tỉnh Bắc Trung bộ” tiến hành trồng thử nghiệm trên 4 điểm: Hà Trung - Thanh Hóa, Bài Sơn - Đô Lương - Nghệ An, Bến Hải - Quảng Trị và Phong Điền -Thừa Thiên Huế, hiện đang trong quá trình theo dõi, chăm sóc và bảo vệ.

Nguyễn Văn Hạnh


Số lượt đọc:  3572  -  Cập nhật lần cuối:  16/04/2009 11:03:41 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH