Số 3

Tin hoạt động

Phát hiện và thu giữ vụ cất giấu động vật hoang dã ở Hà Nội. Ngày 07/01/2009, Cục Kiểm lâm phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường, Viện sinh thái tài nguyên sinh vật kiểm tra và khám nơi cất giấu động vật hoang dã của Cấn Thị Hoa, sinh năm 1967, thường trú tại cụm 12, thôn Nam, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều loại động vật rừng, sản phẩm của chúng, đã bị giết và được ngâm tẩm. Theo Viện sinh thái tài nguyên sinh vật (xác định bằng phương pháp quan sát), trong số động vật phát hiện gồm 118 hổ mang chúa (Ophiophagus hannah), 01 mèo rừng (Prionailurus (Felis) bengalensis), 01 trăn gấm (Python reticulatus), 02 trăn đất (Python molurus); 02 thùng tê tê Java (Manis Javanica), 04 thùng kỳ đà các loại (Vanarus.Sp), 01 thùng rùa các loại và 02 đầu gấu ngựa (Ursus - Selenarctor - thibetanus) cùng 01 chi và 01 tảng da gấu ngựa. Toàn bộ các loài động vật hoang dã đã chết được ngâm trong bình, thùng đựng chất lỏng có mùi cồn (rượu). Số tang vật trên được niêm phong đưa về Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và kỹ thuật bảo vệ rừng Sóc Sơn bảo quản theo quy định. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý theo quy định pháp luật.

Đội Kiểm lâm đặc nhiệm

Kon Tum: Di dân tự do và phá rừng làm rẫy. Theo báo cáo của chính quyền địa phương xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2008 đến nay, trên địa bàn xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có 25 hộ dân tộc Mường di cư tự do đến địa bàn xã dựng nhà, phát rừng để trồng sắn và cao su. Đã có khoảng trên 70ha đất rừng bị các hộ dân này khai phá trái phép. Chính quyền địa phương đã vận động các đối tượng trở về quê sau khi cho thu hoạch xong vụ sắn đã trồng trên diện tích đất rừng bị khai phá trái phép.

Lê Văn Châu

WWF xây dựng 2 dự án bảo tồn sinh thái tại Huế. Ngày 16/12/2008, hội thảo tổng kết và đánh giá kết quả của dự án "Hành lang xanh" do World Bank tài trợ diễn ra tại Thừa Thiên Huế. Bên cạnh việc quy hoạch khu bảo tồn mới cho sao la, trong hơn 4 năm qua dự án còn giúp mở rộng Vườn quốc gia Bạch Mã, quản lý cháy rừng, chống buôn bán động vật hoang dã và đa dạng sinh học. Tiến sĩ Chris Dickinson, cố vấn trưởng dự án "Hành lang xanh" cho rằng, khu vực này cần tiếp tục được can thiệp kịp thời. WWF đang lên kế hoạch xây dựng 2 dự án nhằm tiếp tục phát triển những kết quả bảo tồn đã đạt được. Trong đó dự án "chống buôn bán động thực vật hoang dã tại vùng cổ chai" sẽ tăng cường thực thi pháp lý để bảo vệ các loài khỏi sự buôn bán bất hợp pháp. Dự án "Phát triển mây tre bền vững" do ủy ban châu Âu tài trợ sẽ thiết lập hệ thống sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Dự án "Hành lang xanh" được bắt đầu tháng 6/2004 do WWF Việt Nam - Tiểu vùng sông Mekong và Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế thực hiện. Mục đích của dự án là bảo vệ và duy trì các khu vực rừng có tính đa dạng sinh học cao của cảnh quan rừng từ Thừa Thiên Huế đến biên giới Lào.

Phát hiện 11 loài mới tại Thừa Thiên Huế. Chúng bao gồm phong lan, bướm, rắn và ba loài thực vật khác, tất cả đều chỉ có duy nhất tại rừng nhiệt đới Trường Sơn và lần đầu tiên được biết đến trên thế giới. Các loài này được tìm thấy năm 2005-2006 ở tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có 1 loài rắn, 2 loài bướm, 5 loài phong lan và 3 loài thực vật khác. Các nhà khoa học vẫn đang kiểm tra 10 loài thực vật khác bao gồm 4 loài phong lan, nhưng có nhiều khả năng cũng là các loài mới với khoa học. Loài rắn vừa được phát hiện - loài rắn nước môi trắng - thường sống dọc theo các con suối nơi chúng bắt ếch và các con vật nhỏ khác. Loài này có thể dài đến 80cm, có một sọc màu trắng - vàng rất đẹp chạy dọc theo đầu và những đốm đỏ trên toàn thân. Các loài bướm nằm trong số tám loài đã được phát hiện kể từ năm 1996. Trong đó, loài bướm nâu - một loài bướm có thói quen bay nhanh như tên bắn - thuộc chi Zela, loài kia là một chi mới của phân họ Satyrinae. Các loài thực vật mới khác bao gồm loài tỏi rừng có hoa gần như màu đen. Họ hàng của loài này là những loài cây trồng trong nhà và thể chịu đựng được điều kiện ánh sáng rất thấp. Và một loài mới được phát hiện là hoa arum có hoa màu vàng rất đẹp. Loài arum có lá hình phễu bao xung quanh bông hoa. Tất cả các loài này đang bị đe dọa bởi nạn khai thác gỗ và săn bắn trái phép và nạn khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, và các quyền lợi phát triển xung đột nhau.

Nhân viên Lâm trường Buôn Ja Wầm bị lâm tặc tấn công. Tổ tuần tra 6 người của Lâm trường Buôn Ja Wầm, huyện Cư M'gar (tỉnh Đăk Lăk) tối 2/1/2009 đã bắt quả tang 5 cộ bò kéo đang vận chuyển gỗ trái phép tại tiểu khu 550. Khi áp giải tang vật, những người áp tải bất ngờ bị khoảng 10 người chặn đường tấn công tới tấp bằng dao rựa, gậy gộc, bình xịt hơi cay. Tổ tuần tra cố gắng chống đỡ nhưng do ít người và bị động bởi hơi cay, cũng như những hành động hung hăng, nguy hiểm và liều lĩnh của bọn lâm tặc nên bị thất thế. Lâm tặc chỉ tháo chạy khi lực lượng công an xã Ea Kiết có vũ trang vào ứng cứu. Trong cuộc hỗn chiến, ông Nguyễn Kim Nhật, nhân viên lâm trường, bị thương nặng nhất với nhiều vết chém vào đầu, mặt, phải đưa đi cấp cứu. Hiện trường để lại là 12 hộp gỗ cà chít với khối lượng 2,3m3, 2 cộ bò và 2 con bò kéo. Cách đây 9 tháng, đã có 4 nhân viên Lâm trường Buôn Ja Wầm bị lâm tặc tấn công phải vào bệnh viện cấp cứu.

Phát hiện và thu giữ động vật hoang dã trái phép. Vào lúc 23 giờ ngày 12/01/2009, Đội Kiểm lâm cơ động - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang phối hợp với Đội tuần tra giao thông - Công an tỉnh Hậu Giang, Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra xe khách biển số 53N - 5758 do lái xe Lê Văn Tỵ điều khiển trên quốc lộ IA ngang qua địa bàn huyện Châu Thành A, Hậu Giang, đã phát hiện trên xe vận chuyển trái phép động vật hoang dã gồm rắn hổ đất, hổ trâu, dọc dưa 30,5 kg; chim én, cu xanh 1.200 con. Theo lời khai của lái xe Lê Văn Tỵ thì số động vật hoang dã được thuê chở từ thành phố Cà Mau đến TP Hồ Chí Minh. Các cơ quan chức năng đang lập hồ sơ xử lý.

Nguyễn Vĩnh Phúc

Đà Nẵng giải thể Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Ngày 13/1/2009, UBND TP Đà Nẵng quyết định đã giải thể, sáp nhập Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân vào Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu để tạo sự chặt chẽ trong công tác bảo vệ rừng. Quyết định này nhằm khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất trong công tác quản lý, bảo vệ rừng giữa các đơn vị liên quan, gây ra tình trạng phá rừng thông kéo dài tại các tiểu khu 4 và 9 của rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Sau khi giải thể, toàn bộ cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Hải Vân sẽ được sáp nhập vào Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu. Trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu thành lập 7 tổ kiểm tra nhằm truy quét lâm tặc tại các khu rừng thuộc huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và Sơn Trà, các khu vực rừng giáp ranh với Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Lực lượng liên ngành lập trạm chốt chặn tại cửa rừng nhằm ngăn chặn tình trạng lâm tặc lợi dụng những ngày Tết vào rừng khai thác lâm sản trái phép.

Số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2008 tại Bình Định giảm. Năm 2008, Kiểm lâm Bình Định đã phối hợp tổ chức trên 600 đợt kiểm tra, truy quét tại các khu rừng trọng điểm, phức tạp về phá rừng, khai thác trái phép lâm sản trên địa bàn tỉnh; phát hiện, xử lý 797 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng (giảm 120 vụ so với năm 2007). Có 220 vụ mua bán, cất giữ, vận chuyển trái phép lâm sản; 41 vụ khai thác rừng trái phép; 55 vụ phá rừng (trong đó, có 47 vụ phá rừng để làm rẫy); 06 vụ vi phạm các quy định về thủ tục chế biến, vận chuyển lâm sản; 04 vụ mua bán, vận chuyển trái phép động vật rừng hoang dã; và 471 vụ vi phạm khác. Lâm sản, phương tiện tịch thu gồm 405m2 gỗ các loại; 5 tấn than hầm; 21,8 ster củi; hơn 100kg động vật rừng, hoang dã gồm nhiều loài như khỉ, chồn, rắn, kỳ đà, cầy hương…; 01 ô tô, 02 xe độ chế, 120 xe gắn máy, 50 xe đạp, 20 máy cưa xăng… Tổng số tiền thu là 5.008.424.660 đồng, gồm 734.045.660 đồng tiền xử phạt hành chính và 4.274.379.000 đồng tiền bán lâm sản, phương tiện tịch thu.

Huỳnh Ngọc Bảo


Số lượt đọc:  269  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 10:11:06 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH