Số 3

Rừng hoa tớ dảy

ánh bình minh chiếu qua khe vách ván thông làm Giàng Chú Ly tỉnh giấc. Bình minh ở vùng núi đến muộn. Ông nằm yên tận hưởng dư vị ngọt ngào của giấc mơ đêm qua.

Giàng Chú Ly mơ thấy đang đi trong khu rừng già nơi ông thuộc tính nết từng cây gỗ quý. Đôi chân trần chai dầy giẫm lên thảm lá khô, ông thích thú nghe tiếng lá vỡ vụn dưới chân. Trên tầng lá xanh, bầy ong vo ve tìm hoa làm mật, con họa mi cất tiếng hót vút cao vang động cả cánh rừng. Bầy chim ngũ sắc ríu rít trên cành thông. Dòng nước trong xanh cuộn sóng xô vào gờ đá ngời muôn ánh bạc bỗng đổ dốc tung mình thành dòng thác lấp lánh trong nắng muôn sắc cầu vồng. Giàng Chú Ly leo lên con dốc tới khu rừng thông cổ thụ, rừng thông có từ thời ông bà, từ lâu cả bản đã coi là khu rừng thiêng. Mỗi lần tới đây ông lại thấy lòng thư thái lạ lùng. Dưới kia nơi đầu bản là rừng hoa Tớ dảy dịu dàng một mầu hồng đằm thắm. Đây là nơi mỗi độ xuân về, cả bản Mông lại náo hội chơi núi đầu xuân. Bao đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Đâu đây thổn thức tiếng đàn nức trong môi gọi bạn. Thấp thoáng trong rừng hoa Tớ dảy, bóng ô hồng tinh nghịch nghiêng chao như của Seo Mẩy - vợ ông. Ông vùng dậy định chạy tới, bỗng đôi chân đau nhói ngã khuỵu xuống giường gục đầu đau đớn, đôi mắt chứa đầy tiếc nuối và căm hận.

Giàng Chú Ly bị tật không đi lại được đã gần một mùa rẫy. Ông bị bọn người xấu đánh què hai chân, trả thù vì ông nhiều lần ngăn cản không cho chúng khai thác gỗ trái phép, hoặc báo cho cán bộ kiểm lâm thu giữ của chúng nhiều khối gỗ quý.

Giàng Chú Ly năm nay đã hơn năm mươi mùa rẫy. Từ nhỏ, ông đã có thú vui vào rừng dạo chơi tìm tòi, khám phá. Một con chim lạ, một cái cây chưa biết tên đều khiến ông reo lên thích thú. Thấy một cây non đổ gục vì giông bão là ông lại xót xa, nâng niu, chăm bẵm. Khi đến tuổi biết thổi khèn gửi tâm tình đến các cô gái trong hội xuân, ông còn có ý thích áp tai vào cây nghe tiếng lá reo như vẫn cùng gái bản hát qua ống chỉ những bản khâu xìa plềnh (tình ca). Rồi ông bắt quen được với Seo Mẩy, cô gái xinh đẹp nổi tiếng, có giọng hát hay và thêu thùa giỏi nhất bản. Hai người về ở với nhau trọn hai mùa rẫy thì Seo Mẩy mất cùng với đứa con trong lần sinh nở. Sự mất mát quá lớn khiến ông tưởng chừng không gượng dậy nổi. Nếu không có rừng và sự đam mê cháy bỏng từ thủa nhỏ thì không biết đến bao giờ ông mới nguôi ngoai nỗi nhớ thương người vợ hiền yêu quý. Nhiều khi ông lang thang trong rừng cả ngày, thì thầm nói chuyện với cây như nói với người.

Yêu rừng, Giàng Chú Ly càng căm ghét bọn người xấu chuyên phá rừng lấy gỗ. Những cánh rừng bạt ngàn ngày một trơ trụi. Nhiều lần ông ngăn cản bọn chúng nhưng chúng lại gạt ông sang một bên, hăm dọa:

- Thằng già chán sống rồi phải không?

Ông báo cho cán bộ kiểm lâm nhưng không phải lúc nào cũng ngăn chặn hoặc bắt giữ được chúng. Điều làm Giàng Chú Ly đau đớn nhất khi chính dân bản cũng chặt không thương tiếc rừng cây gỗ quý. Ông ngăn thì có người còn quát vào mặt ông:

- Mày bảo tao không chặt gỗ, thế lấy cái gì làm nhà cho tao, cho con cháu tao ở?

Ông bất lực, buồn chán nhưng không biết làm thế nào, một tay ông vỗ không kêu, một cây không thành rừng, ông bà dạy không sai bao giờ.

Ông bị nạn trong một lần đi thăm rừng. Hôm ấy ông đang lần theo một lối đi mới. Nhìn dấu vết để lại ông biết bọn người xấu đêm qua đã vận chuyển một khối lượng lớn gỗ qua đây. Ông hối hả bước lần theo lối đi ngổn ngang cây non bị đè gẫy. Vừa đến khu rừng thông cổ thụ có từ thời ông bà, Giàng Chú Ly đứng chết lặng trước những thân cây bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc. Ông đau đớn gục trên những gốc cây nhựa chảy ứa bầm như máu. Đây đó vẫn còn nhiều khúc gỗ lớn chưa kịp chuyển đi. Bỗng ông đứng bật dậy thét lớn: “Lũ người xấu kia, chúng mày ác như con thú ấy”. Bỗng từ sau các thân cây, năm sáu tên mặt mày hung dữ xuất hiện. Chúng khép chặt vòng vây dồn ông vào giữa. Tên cầm đầu cười sằng sặc chỉ tay vào mặt ông:

- Thằng già kia, chúng tao chờ mày đã lâu rồi. Rừng này đâu phải của riêng mày. Nhiều lần mày đã ngăn cản chúng tao, báo kiểm lâm làm chúng tao thiệt hại bao nhiêu công sức, tiền bạc. Hôm nay chúng tao đánh cho mày chừa cái thói chõ mũi vào việc của người khác.

Giàng Chú Ly quắc mắt:

- Rừng này là của tao, của bản tao. Lũ người xấu chúng mày chỉ thấy cái lợi trước mắt, lông gà không bền than đâu.

Không để cho ông nói hết, chúng lao vào đánh ông những đòn thù. Trước khi ngất đi, ông còn nghe tên cầm đầu thét to:

- Đánh què chân nó cho tao !

Cái tin Chú Ly bị bọn người xấu đánh gẫy chân, cả bản Mông truyền tai nhau. Mọi người đều căm bọn người xấu và áy náy trọng dạ như mắc lỗi cùng ông. Họ đã không cùng ông giữ gìn những cánh rừng của ông bà để lại.

Hè ấy, có một đoàn thanh niên tình nguyện lên bản. Họ ở cùng với dân, giúp dân có lối sống sạch sẽ, văn minh, dạy chữ cho trẻ nhỏ và giải thích cho người Mông trong bản những điều hay, lẽ phải. Cuối đợt, trước khi đoàn sinh viên tình nguyện lên đường về trường tiếp tục học, trưởng bản Mông tổ chức họp bản. Giàng Chú Ly cũng được các sinh viên tình nguyện cõng đến họp. Trưởng bản dõng dạc nói:

- Giàng Chú Ly nó bị bọn người xấu đánh què cái chân rồi. Nó ngăn không cho lũ người xấu phá cái rừng của bản Mông ta. Mấy đứa sinh viên tình nguyện nói đây là rừng đầu nguồn, là lá phổi xanh gì đó, cần phải bảo vệ. Còn tao, tao nói với dân bản thế này: Ngày xưa ông chúng mày chặt cây làm nhà cho bố chúng mày, bố chúng mày chặt cây làm nhà cho chúng mày, bây giờ chúng mày chặt cây làm nhà cho con chúng mày. Ngày xưa rừng nhiều, ít ông bà bố mẹ. Bây giờ thì nhiều con nhiều cháu, cứ chặt cây lấy mãi mà không trồng thì hết mất cây lấy gì mà làm nhà.

Cả bản Mông lắng nghe và đều chịu cái lý của trưởng bản. Mùa xuân ấy, già trẻ, trai gái của bản Mông đều vào rừng trồng cây. Cây giống được trạm giống của huyện hỗ trợ. Mỗi người một cây, nhiều cây thành rừng, ai cũng hiểu hơn cái lý của ông bà dạy.

Giàng Chú Ly đau cái chân không cùng đi trồng cây được, ông lết ra cửa nhìn lên phía rừng xa. Những khoảng trống trơ trụi như mảnh nương hết mầu xói lở bỏ đi hồi còn sống cảnh du canh du cư được phủ lên một mầu xanh non tơ, mưa xuống lộc non mơn mởn. Ông khoan khoái hít một hơi căng đầy lồng ngực, mỉm cười nhẹ nhõm.


Số lượt đọc:  103  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 10:37:34 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH