Số 3

Phòng cháy, chữa cháy rừng ở Tam Đường

Tam Đường là huyện vùng thấp của tỉnh Lai Châu, tổng diện tích tự nhiên 68.736,97ha. Rừng là nguồn tài nguyên quý giá có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, có giá trị rất lớn về môi sinh, môi trường, gắn liền với đời sống của nhân dân các dân tộc. Địa bàn rộng, địa hình đa dạng, phức tạp, độ dốc lớn, bị chia cắt nhiều, giao thông đi lại khó khăn. Toàn huyện có 13 xã và thị trấn, 145 bản, 46.271 nhân khẩu, với 12 dân tộc cùng chung sống, hạ tầng cơ sở, trình độ phát triển kinh tế xã hội ở mức độ thấp, trên 80% dân số sống bằng nông nghiệp tập trung ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, sản xuất của nhân dân còn mang tính tự cấp, tự túc. Nạn phát rừng làm rẫy vẫn còn xảy ra, việc sản xuất nương rẫy là một đặc thù tất yếu khách quan để đảm bảo mưu sinh và an ninh lương thực của nhân dân, song lại là nguy cơ gây ra cháy rừng, phá rừng, đây là bất cập và là áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng. Từ đặc điểm trên công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được sự quan tâm. Hàng năm, Tam Đường đều tổ chức ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng với bảo lâm ở các xã vùng trọng điểm, chỉ đạo lực lượng này hoạt động có hiệu quả ở địa bàn xã, thường xuyên đôn đốc hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt quy ước bảo vệ rừng. Thành lập và duy trì hoạt động của 142 tổ xung kích bảo vệ và chữa cháy rừng với 1.646 tổ viên, 1 đội xung kích chữa cháy rừng cấp huyện 100 người, tổ chức hội nghị phòng cháy, chữa cháy rừng cấp huyện, phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp. Xây dựng kế hoạch kiểm tra trong mùa khô hanh hàng năm. Làm tốt công tác tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng bằng nhiều hình thức. Năm 2007, năm 2008 đã tổ chức 285 lượt hội nghị thôn bản cho 11.990 lượt người dân, thông qua các hội nghị trên đã tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng giữa các hộ dân bản và trưởng bản, tuyên truyền cho đối tượng là học sinh, duy trì các bảng tuyên truyền trực quan. Tăng cường sự phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát, tuần tra rừng giữa các lực lượng và kiểm lâm địa bàn xã, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Bố trí 14 cán bộ kiểm lâm địa bàn ở 13 xã, thị trấn. Bố trí kinh phí (65 triệu đồng) để các xã, thị trấn mua sắm dụng cụ cấp cho các tổ xung kích chữa cháy rừng thôn bản gồm dao phát 1,481 con, giày vải 824 đôi, cuốc xẻng 100 cái, găng tay 50 đôi, đèn pin 40 cái. Chỉ đạo triển khai hệ thống chỉ huy điều hành và cơ chế quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2008.

Mùa khô năm 2007 đã xảy ra 12 vụ cháy vào rừng tự nhiên và rừng trồng làm thiệt hại 164,8ha, gồm 15.4ha rừng tự nhiên, 149,4ha rừng trồng, nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng là do vi phạm đốt dọn thực bì làm nương rẫy chiếm trên 80%, một số vụ xảy ra do tranh chấp đất đai, vùng chăn thả gia súc, mâu thuẫn trong dân cư dẫn tới đốt rừng gây cháy lan. Đã xử lý 3 vụ, truy tố 3 bị cáo. Nhìn chung các vụ cháy rừng đều được phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời góp phần hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân cần quan tâm hơn nữa đến công tác này, phải xác định đây là trách nhiệm của toàn xã hội, hình thành phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật về rừng tới tận người dân. Phát huy vai trò của chính quyền cấp xã, trưởng các thôn bản. Chuyển từ tư duy kinh tế tự cấp tự túc sang tư duy kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, người dân tự giác phát triển kinh tế đồi rừng. Đảm bảo sự bình đẳng giữa mọi người và mọi tầng lớp xã hội đối với cơ hội được tham gia giải quyết, tiếp nhận thông tin, quyền được hưởng lợi ích, tôn trọng những kinh nghiệm truyền thống bản địa về quản lý, bảo vệ rừng. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của các cấp chính quyền địa phương, tăng cường trách nhiệm của các chủ rừng. Trên cơ sở phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm xác định vùng trọng điểm, chủ động lập kế hoạch huấn luyện, diễn tập, tổ chức thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, thực hiện chế độ cảnh báo nguy cơ cháy rừng, thông tin báo cáo kịp thời. Đầu tư nguồn lực, mua sắm các dụng cụ, phương tiện chữa cháy, thông tin liên lạc, xây dựng các công trình phòng cháy tại các vùng có nguy cơ cao về cháy rừng, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho cấp cơ sở. Tiếp tục thực hiện chủ trương giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp để rừng thực sự có chủ, kết hợp mở rộng mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp người dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ trên mảnh đất được giao, tạo động lực thúc đẩy phát triển rừng. Cần cơ chế chính sách có sức hấp dẫn, khuyến khích những người nhận rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người nhận rừng, lợi ích của cộng đồng dân cư trong vùng, người dân là người làm chủ những cánh rừng của mình. Thực hiện mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng càng tốt thì lợi ích của người dân càng tăng. Tăng cường sự phối hợp trong tuần tra rừng, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ và phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng của huyện Tam Đường đạt 45% vào năm 2010.


Số lượt đọc:  641  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 11:11:54 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH