Số 3

Phòng cháy, chữa cháy rừng Vườn quốc gia Chư Mom Ray

Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tổng diện tích 56.434ha, gồm 56 tiểu khu trải rộng ở 7 xã của huyện Sa Thầy và 3 xã của huyện Ngọc Hồi; có 36km đường biên giới giáp với nước Campuchia. Vườn quốc gia Chư Mom Ray có vị trí, vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội; điều hòa khí hậu của cả vùng Tây Nguyên và các tỉnh của Lào và Campuchia; phục vụ nghiên cứu khoa học và đảm bảo an ninh quốc phòng. Rừng Chư Mom Ray có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại 7 hệ sinh thái rừng chính là rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và 5 hệ sinh thái rừng phụ là loại rừng trảng cỏ cây bụi. ở đây tập trung nhiều loài thú móng guốc quý hiếm và thú ăn thịt, như bò tót, sơn dương, mang Trường Sơn, nai, hổ, gấu, báo... và nhiều loài linh trưởng quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng Chư Mom Ray còn có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn cho thủy điện Sê San, Yaly; cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho tỉnh Kon Tum, Gia Lai và một số tỉnh của Campuchia.

Những năm qua Vườn quốc gia Chư Mom Ray luôn nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện và các cơ quan chức năng của tỉnh; sự phối hợp chỉ đạo, quản lý hiệu quả giữa hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, với tinh thần trách nhiệm cao khắc phục khó khăn của cán bộ, nhân viên đã hạn chế rất nhiều vụ xâm hại rừng của các đối tượng đến khai thác tài nguyên rừng, phát đốt rừng làm nương rẫy. Nhờ thực hiện tốt công PCCCR ngay từ đầu mùa khô, như xây dựng kế hoạch, chủ động phương án PCCCR của từng năm, nên đã hạn chế rất nhiều vụ cháy rừng. Mùa khô 2007-2008, Vườn quốc gia Chư Mom Ray chỉ xảy ra hai vụ cháy rừng với diện tích 6ha lau lách, cỏ tranh (tại điểm nóng có nguy cơ cao dễ cháy).

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, như diện tích rừng lớn, rừng hỗn giao tre nứa, thảm cỏ, lau lách nhiều; tiếp giáp với Lào, Campuchia nên bị ảnh hưởng bởi nắng nóng, gió khô, hạn hán kéo dài cộng với thời tiết diễn biến bất thường; dân cư nhiều, đời sống còn phụ thuộc nhiều vào rừng như thu hái lâm sản, săn bắt thú rừng, làm nương rẫy... nên tình hình xâm hại rừng và nguy cơ cháy rừng luôn thường trực ở mức cao. Về chủ quan, bình quân mỗi người phải phụ trách khoảng 1.312ha rừng; phương tiện và kinh phí đầu tư còn rất hạn chế, nhất là kinh phí cho công tác PCCCR. Mùa khô năm 2007-2008, kinh phí được cấp cho công tác PCCCR ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray là 100 triệu đồng, thì mùa khô năm 2008-2009 chỉ còn 80 triệu đồng. Với mức kinh phí đầu tư cho công tác PCCCR như hiện nay, công tác này gặp rất nhiều khó khăn, không đủ kinh phí để trang trải cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCCR.

Để nâng cao khả năng và hiệu quả công tác PCCCR, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ nhân viên Vườn quốc gia Chư Mom Ray rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân địa phương sống ở vùng đệm. Cần thay đổi nhận thức và hành động để không còn tư tưởng phụ thuộc vào rừng, có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế "thoát ly rừng", nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống no đủ. Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng từ Trung ương đến tỉnh, huyện cần có sự quan tâm cụ thể, thiết thực hơn nữa thông qua việc đầu tư về con người, cơ sở vật chất, kinh phí...


Số lượt đọc:  300  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 11:08:19 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH