Số 3

Na Rì với "cuộc chiến" bảo vệ rừng giáp ranh

Khó khăn cho người giữ rừng, thuận lợi cho lâm tặc.

Na Rì có 74.760,6ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong đó có hơn 14.000ha rừng núi đá. Đặc biệt có 2.730ha rừng núi đá liền kề với chiều dài gần 70km trải dài ở 5 xã Liêm Thủy, Xuân Dương, Dương Sơn, Hảo Nghĩa, Cư Lễ giáp ranh với huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Đây là rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đang được bảo vệ. Gỗ nghiến là loài thực vật đặc hữu của vùng.

Rừng núi đá địa hình chia cắt mạnh, độ dốc cao xa khu dân cư, giao thông chia cắt nên di chuyển rất khó khăn với hàng trăm đường mòn cùng quốc lộ 279 thông sang tỉnh Lạng Sơn là các tuyến đường chủ yếu của lâm tặc vận chuyển lâm sản trái phép. Đồng bào ở các xã giáp ranh là dân tộc Dao, Tày, Nùng còn nghèo khó, trình độ dân trí chưa cao, cuộc sống dựa vào rừng như phát rừng làm rẫy, khai thác lâm sản và các sản phẩm thu hái từ rừng. Việc khai thác gỗ nghiến làm nhà, làm thớt bán qua Lạng Sơn chuyển sang Trung Quốc mang lại lợi nhuận rất cao nên không tránh khỏi bị các đầu nậu lôi kéo dẫn đến khai thác rừng trái phép. Kiểm lâm Na Rì mỏng, 16 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn trên tổng số biên chế 21 người quản lý bảo vệ 74.760,6ha rừng và đất lâm nghiệp. Phương tiện trang thiết bị thiếu và cũ nát không đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý bảo vệ rừng. Hạt được trang bị 01 xe ôtô Uoát nhưng đến nay đã hết hạn lưu hành.

Chính quyền các xã có rừng chưa thực sự vào cuộc, nhiều nơi trên 50% hộ trong thôn tham gia khai thác gỗ trái phép, đây là nguyên nhân để chính quyền không dám mạnh tay, vì toàn người trong làng, xã. Tất cả những lý do trên cho thấy sự bất lợi nghiêng về phía lực lượng kiểm lâm, còn lâm tặc thì khai thác và tận dụng triệt để do vậy rất khó kiểm soát và ngăn chặn dứt điểm.

Gian nan “cuộc chiến” giữ rừng.

Tình trạng khai thác gỗ nghiến trên vùng rừng núi đá giáp ranh luôn được coi là vùng trọng điểm “vùng nóng” gây bức xúc tại địa bàn huyện Na Rì nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung. Từ nhiều năm nay tình hình khai thác gỗ nghiến bùng phát mạnh, hàng loạt cây gỗ nghiến bị cắt hạ khai thác trộm gây thiệt hại tới tài nguyên rừng. Các đối tượng khai thác ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ, tết, những ngày thời tiết xấu... Phương tiện khai thác là cưa máy khi khai thác và vận chuyển đều canh gác chặt chẽ và thông tin bằng điện thoại di động hoặc bằng bộ đàm, khi phát hiện có lực lượng tuần tra sẽ báo động để kịp thời tháo chạy. Nếu phát hiện kiểm lâm ít, chúng sẽ liều lĩnh tấn công.

Trước tình hình ngày càng nghiêm trọng cấp ủy, chính quyền huyện Na Rì đã có văn bản phê bình Đảng ủy và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã để xảy ra phá rừng. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng. Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì đã tích cực tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng nhiều phương án, kế hoạch chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động tấn công truy quét, triệt phá các tụ điểm, ổ nhóm lâm tặc. Thành lập các tổ chốt chặn tuần tra các khu rừng trọng điểm hay xảy ra khai thác gỗ trái phép. Tháng 12 năm 2007 và 10 tháng đầu năm 2008 đã tổ chức được 429 lượt tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép với trên 4.500 lượt người tham gia. Tham mưu thông báo “vùng nóng” đình chỉ tất cả các hoạt động xâm hại tới tài nguyên rừng trái phép tại khu rừng trên núi đá, nghiêm cấm người không nhiệm vụ đi vào “vùng nóng”. Tham mưu tổ chức hội nghị kiểm lâm các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên bàn biện pháp bảo vệ rừng giáp ranh, đặc biệt đã tham mưu thống nhất được giữa Uỷ ban nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn và huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn cùng các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm, các xã giáp ranh của hai huyện thành lập hai tổ chốt liên ngành bảo vệ rừng giáp ranh trên cơ sở sáp nhập địa điểm tại thôn Thạch Lùng, xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức ký cam kết không phá rừng với gần 300 hộ dân thuộc các xã giáp ranh.

Sau khi triển khai hàng loạt các biện pháp mạnh, quyết liệt hiệu quả đã thể hiện rõ. Cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng đã ý thức vai trò trách nhiệm bảo vệ rừng. Không còn tình trạng chặt cây đổ hàng loạt. Không còn tình trạng dùng xe máy vận chuyển thớt cục tập trung ở các đầu mối giao thông, tổ chốt chặn đóng quân góp phần ngăn chặn có hiệu quả việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong khu vực giáp ranh.

Tuy nhiên tình trạng khai thác trộm nhỏ lẻ và người vác bộ qua các đường mòn xuyên rừng vẫn lén lút diễn ra chưa ngăn chặn được dứt điểm. Năm 2008, Hạt Kiểm lâm Na Rì đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính gần 100 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tịch thu gần 50m3 gỗ các loại, xử phạt gần 100 triệu đồng. Khởi tố 01 vụ với 01 đối tượng, phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì khởi tố 08 vụ với 05 đối tượng đã truy tố 04 vụ bằng 04 đối tượng, hiện tại đang điều tra 04 vụ. Những kết quả đạt được nêu trên cũng chỉ phản ánh ở mức độ khiêm tốn đối với lâm sản thiệt hại. Tất cả các biện pháp đã triển khai cũng chỉ là tình thế cấp bách tạm thời, chưa có tính lâu dài và ổn định bền vững.

Máu của kiểm lâm đã đổ.

Để đạt được kết quả trên máu của kiểm lâm đã đổ. Chỉ tính 05 tháng gần đây đã có 11 kiểm lâm bị lâm tặc tấn công, bị thương khi làm nhiệm vụ hoặc khi truy đuổi lâm tặc. Trong 11 chiến sỹ bị thương thì 03 chiến sỹ là Tô Hữu Phách, Mai Thanh Sang, Trương Bằng Giang bị thương hai lần. Đồng chí Phách hai lần bị lâm tặc phá hủy chiếc xe máy duy nhất dùng làm phương tiện đi lại, đồng chí Sang và Toàn đều bị gãy tay khi thi hành nhiệm vụ, đồng chí Hưởng bị lâm tặc ném đá tới tấp vào mái ngôi nhà thuê cho vợ con ở. Vào 23 giờ ngày 15/11/2008, đồng chí Trương Bằng Giang đi xe máy từ Trạm Kiểm lâm Xuân Dương lên tổ chốt thôn Nà Dăm đã phát hiện 2 đối tượng đi hai xe máy trở 8 cục thới nghiến mặc dù chỉ một mình đồng chí đã lập tức truy đuổi, hai đối tượng hoảng sợ bỏ chạy do lúng túng đã tự va quệt vào nhau và ngã. Sau khi ngã, chúng lập tức đứng dậy dùng đá tấn công đồng chí Giang trước khi chạy thoát. Đồng chí Giang đã phải nằm viện điều trị dài ngày.

Giải pháp bảo vệ rừng giáp ranh.

Có thể nói “cuộc chiến” giữ rừng giáp ranh ở Na Rì với muôn vàn gian khó vẫn chưa có hồi kết. Cấp uỷ, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của huyện đã chỉ đạo ra quân quyết liệt và đã có rất nhiều biện pháp mạnh song mới hạn chế, chưa ngăn chặn được dứt điểm. Để bảo vệ rừng cần tiếp tục tăng cường và đổi mới kể cả hình thức, nội dung công tác tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng sâu rộng trong quần chúng nhân dân những xã giáp ranh. Tăng cường sự phối hợp giữa Kiểm lâm, Công an, Quân đội và chính quyền địa phương hơn nữa. Chủ động tấn công truy quét triệt phá các đường dây, ổ nhóm khai thác, vận chuyển gỗ trái phép liên tục.

Về lâu dài toàn bộ khu rừng núi đá phải lập dự án trình cấp có thẩm quyền giao cho người dân quản lý, đồng thời phải có cơ chế chính sách hưởng lợi phù hợp để người dân có cái ăn khi tham gia bảo vệ rừng được giao. Có chính sách hỗ trợ cho người tham gia bảo vệ rừng nhất là ở địa phương, ổn định đời sống cho nhân dân sống gần rừng, tạo công ăn việc làm phát triển kinh tế - xã hội, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế… xóa đói giảm nghèo nâng cao đời sống của người dân thì mới hạn chế được tình trạng khai thác gỗ trái phép khu vực rừng giáp ranh.


Số lượt đọc:  401  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 11:06:52 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH