Số 3

Một số kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy rừng ở Đồng Nai

Rừng Đồng Nai có vai trò to lớn trong phòng hộ môi trường, giữ đất, giữ nước, hạn chế thiên tai, dự trữ nguồn gen, phục vụ du lịch chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, an ninh quốc phòng. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng, các cấp chính quyền, các ngành, chủ rừng, nhân dân thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, rừng ở Đồng Nai được bảo vệ tốt. Liên tục trong 3 mùa khô 2005-2006, 2006-2007, 2007-2008, Đồng Nai không xảy ra cháy rừng. Qua tổng hợp chúng tôi đã đúc rút được một số kinh nghiệm.

Quan tâm của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành. Nhiều năm trước đây công tác phòng cháy chữa cháy rừng được xem là nhiệm vụ của kiểm lâm và chủ rừng. Hiện nay công tác này nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, có qui chế, kế hoạch hoạt động và phương án tác chiến chữa cháy rừng. UBND 9 huyện thành lập Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. 38 xã trọng điểm có nhiều rừng thành lập Ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. 11 chủ rừng thành lập Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng. Việc quan tâm của các xã có rừng là tín hiệu tốt nhằm thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Một điển hình là xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc quản lý 356ha núi Chứa Chan tổ chức phòng cháy chữa cháy nắm chắc hiện trạng rừng vẽ sơ đồ 250 hộ dân có rừng rẫy trên núi; cất dấu can nước trên các hốc đá để dự trữ chữa cháy; huy động dân ở lại rừng 3 ngày phát 2,5ha đường ranh cản lửa, đốt 30ha trảng cỏ trước mùa khô; tổ chức 3 tổ thanh niên xung kích chữa cháy 110 người; tổ chức 1 đội cơ động chữa cháy 12 người nòng cốt là xã đội và công an. Công tác phối hợp giữa các ban ngành, chính quyền địa phương và các chủ rừng thể hiện trách nhiệm của từng sở ban ngành theo qui chế, huy động tất cả nguồn lực nhằm thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng đúng tiến độ. Giải quyết nhanh và điều tra xử lý các vụ cháy. Quan tâm đầu tư kinh phí mùa khô 2007-2008 đầu tư 7.536.000.000 đồng, mùa khô 2008-2009 đầu tư 8.626.000.000 đồng.

Quản lý, bám sát địa bàn. Ban chỉ huy tỉnh, huyện phân công từng thành viên phụ trách địa bàn cụ thể, theo dõi chỉ đạo báo cáo kịp thời cho trưởng ban chỉ huy. Hạt Kiểm lâm phân công kiểm lâm địa bàn phụ trách từng xã, chủ rừng. Các chủ rừng phân công phân trường, trạm chốt phụ trách từng địa bàn; phân trường, trạm chốt phân công cán bộ, nhân viên, lực lượng bảo vệ rừng phụ trách từng địa bàn nhỏ hơn. Do được phân công trong mùa khô diện tích rừng của tỉnh được canh gác toàn diện. Việc phân công địa bàn nâng cao được trách nhiệm của người được phân công, có chia ca trực, có sổ giao ca. Người phụ trách địa bàn nắm thông tin hiện trạng rừng phụ trách, hiểu rõ các trọng điểm dễ cháy, điểm nóng về dân cư có thể gây cháy mà đưa ra kế hoạch tuần tra, ưu tiên luân kỳ tuần tra các trọng điểm. Trong khi tuần tra mang theo dụng cụ chữa cháy như bình xịt đeo vai, dao phát xử lý ngay các đám cháy nhỏ mới phát sinh, báo cháy nhanh các đám cháy vượt quá tầm kiểm soát của người tuần tra. Kết hợp tuần tra với tuyên truyền nhắc nhở hướng dẫn người dân sử dụng lửa an toàn, tuyên truyền khách vãng lai khách du lịch.

Quản lý lửa rừng. Sử dụng lửa là tập quán là nguồn sống người dân sống gần rừng, do nhu cầu dùng lửa nấu nướng, xử lý thực bì trồng trỉa, nấu nướng khi đi du lịch, đốt ong, săn bắt thú rừng. Việc quản lý lửa rừng đúng mục đích an toàn trong mùa khô của người dân gần rừng là ngăn chặn tác nhân chính gây cháy rừng. Việc ngăn chặn nguồn lửa gây cháy rừng được giao cho kiểm lâm phụ trách địa bàn. Nhiệm vụ của người phụ trách địa bàn nắm được trong địa bàn phụ trách của mình có bao nhiêu hộ dân sinh sống, bao nhiêu hộ dân có diện tích rẫy trong rừng và giáp rừng cần xử lý thực bì trước mùa khô để tuyên truyền hướng dẫn cho họ việc đốt lửa xử lý thực bì như làm đường ranh cản lửa, thời điểm đốt, báo cho người phụ trách địa bàn để phối hợp chuẩn bị thiết bị chữa cháy, cùng tham gia với người dân. Khi đốt xong cùng người dân kiểm tra kỹ hiện trường không còn nguồn lửa có thể gây cháy trở lại và cháy lan vào rừng. Kiểm tra ngăn chặn săn bắt thú rừng, đốt ong, đốt tìm vật liệu hạn chế nguồn lửa rừng nguy hiểm. Ngăn chặn nguồn lửa do khách vãng lai, khách du lịch hướng dẫn tuyên truyền, nhắc nhở khi tuần tra gặp đối tượng này. Ngăn chặn nguồn lửa do đối tượng thường xuyên phá rừng bị lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm bắt giữ vì hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Các đối tượng này tìm cách đốt rừng để trả thù. Cử người theo dõi sát các đối tượng này để chủ động đối phó các tình huống gây cháy.

Vận động tuyên truyền. Công tác tuyên truyền vận động thực hiện thường xuyên ở các cụm dân cư các xã gần rừng, trong rừng có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và đây cũng là lực lượng tích cực chữa cháy. Để thực hiện được công tác này chính quyền địa phương các cấp, lực lượng kiểm lâm, chủ rừng tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức 103 hội nghị tuyên truyền tại các cụm dân cư với 2.867 người dân tham gia; thông tin lưu động, phát loa công cộng hàng ngày tại 38 xã, áp phích băng rôn biểu ngữ 833 cái, bảng cấm lửa 803 biển, ký cam kết 7.880 bản. Người dân nhận thức được tầm quan trọng của rừng sẽ cùng với chủ rừng, chính quyền địa phương giữ rừng. Thể hiện người dân tích cực tham gia vào các tổ đội quần chúng, tổ thanh niên xung kích chữa cháy rừng 201 tổ quần chúng, thanh niên xung kích tham gia chữa cháy rừng với 1.317 người; nhận được nhiều tin báo cháy của nhân dân để xử lý kịp thời các vụ cháy. Các chủ rừng thành lập tổ cộng đồng phòng cháy, chữa cháy rừng tự quản của các cụm dân cư trong rừng. Tổ tự quản quản lý cháy rừng tại cụm dân cư, phân công tuần tra, nhắc nhở người dân tự giác trong việc dùng lửa và sẵn sàng tham gia chữa cháy cùng với chủ rừng; tham gia tuần tra hợp đồng cùng với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng. Huy động sức dân trong công tác chữa cháy. Trong điều kiện phương tiện dụng cụ chữa cháy của các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm chưa đầy đủ . Các chủ rừng, hạt kiểm lâm vận động huy động phương tiện, thiết bị, dụng cụ có thể chữa cháy được trong dân như xe cải tiến chở nước, máy bơm, bình xịt đeo vai, cào cuốc để huy động khi xảy ra cháy rừng.

Công tác kiểm tra. Công tác kiểm tra được chú trọng bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện thường xuyên đúng tiến độ, đúng phương án. Cấp tỉnh kiểm tra cấp huyện. Cấp huyện kiểm tra các xã, chủ rừng. Chủ rừng kiểm tra các phân trường, chốt trạm, chốt trạm kiểm tra người phụ trách địa bàn. Căn cứ lịch trực chỉ huy, trực tuần tra tại chỗ, trực chòi canh, kiểm tra đột xuất công tác trực kiểm soát việc bỏ trực dẫn đến phát hiện cháy không kịp thời gây ra cháy lớn. Qua kiểm tra kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng cần điều chỉnh.

Ký cam kết. Tổ chức phong trào thi đua, ký cam kết không để xảy ra cháy rừng. UBND xã ký cam kết với UBND huyện. Phân trường ký cam kết với ban quản lý rừng phòng hộ. Ký cam kết với các hộ dân giáp rừng, nội dung ký cam kết không gây cháy rừng, tham gia tích cực trong công tác chữa cháy. Việc ký cam kết nâng cao được trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Đào tạo, tập huấn. Trong 3 năm, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp Trường đại học Lâm nghiệp cơ sở 2 mở 4 lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao kiến thức cho đối tượng là đội cơ động và phòng cháy, chữa cháy; tổ cơ động chữa cháy của các hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn; tổ đội chữa cháy của các chủ rừng; cộng tác viên lâm nghiệp xã với 276 người tham gia. Tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ chỉ huy chữa cháy cho các đối tượng là thành viên ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng các huyện, các xã gần rừng, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng chủ rừng với 56 người tham gia. Việc nâng cao kiến thức giúp cho cán bộ chủ chốt cập nhật bổ sung kiến thức giúp công tác phòng cháy chữa cháy nâng cao chất lượng. Bên cạnh những kết quả khả quan còn có những khó khăn trong thời gian tới cần giải quyết là công tác tuyên truyền về hình thức, nội dung chưa phong phú, cần nghiên cứu nâng cao hơn nữa để đạt hiệu quả. Khi cháy lớn rừng tự nhiên chưa có giải pháp chữa cháy khả thi. Phương tiện thiết bị chữa cháy chưa hiện đại đáp ứng yêu cầu chữa cháy rừng. Lực lượng chữa cháy cần chuyên nghiệp hóa, tinh nhuệ, được thử thách. Trong các năm tiếp theo nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dự báo, phân vùng trọng điểm cháy rừng; nghiên cứu áp dụng phương tiện dụng cụ phù hợp chữa cháy lớn ở rừng tự nhiên.


Số lượt đọc:  1769  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 11:14:23 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH