Số 3

Kiểm lâm địa bàn với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng

Từ năm 2000, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tân Trào đã đưa cán bộ kiểm lâm về phụ trách địa bàn xã, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân các xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời trực tiếp tuần tra kiểm soát rừng tận gốc để phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ rừng và thực hiện dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng.

Nhìn chung cán bộ công chức kiểm lâm khi về phụ trách địa bàn xã đã có nhiều cố gắng, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng và phát triển vốn rừng. Ký cam kết bảo vệ rừng từ hộ gia đình đến thôn, xã. Hộ gia đình ký cam kết với trưởng thôn, trưởng thôn ký cam kết với chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ký cam kết với chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân và của chính quyền trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Xây dựng kế hoạch, phương án quản lý bảo và phát triển rừng cho từng giai đoạn, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm để chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả theo nội dung phương án đã đề ra. Theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp để có phương án hoạch định các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng trước mắt cũng như lâu dài. Kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trên địa bàn. Hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng qui định của pháp luật.

Tổ chức lực lượng và phối hợp tuần tra kiểm soát rừng tự nhiên, rừng trồng 327; 661, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên để ngăn chặn các hành vi khai thác, chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy trái phép. Hàng năm tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng theo chương trình 661 theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện và Ban chỉ đạo, điều hành trồng rừng của tỉnh theo kế hoạch, thực hiện chức năng khuyến lâm đảm bảo qui trình kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức kiểm lâm địa bàn cấp xã, cán bộ công chức kiểm lâm đã có nhiều biện pháp tích cực để tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn xã, góp phần đáng kể bảo vệ diện tích rừng hiện có, khoanh nuôi bảo vệ diện tích rừng tự nhiên thành rừng chu kỳ 2001 đến 2005 được trên 400ha, hàng năm tổ chức trồng mới theo nguồn vốn dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng, ngoài ra đã tuyên truyền vận động nhân dân tự bỏ vốn trồng rừng trên diện tích đất được giao trên 400ha. Có được những kết quả kể trên là do sự lãnh đạo của UBND huyện Sơn Dương, Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang, sự phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự cố gắng rất lớn của cán bộ công chức kiểm lâm địa bàn xã. Phần lớn đã bám, nắm địa bàn các xã để quản lý, bảo vệ rừng và vận động nhân dân trồng rừng. Tuy nhiên, vùng giáp ranh vẫn còn hiện tượng lén lút vào rừng tự nhiên để khai thác gỗ, hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy trái phép. Vì vậy đòi hỏi phải có lực lượng đủ mạnh, nhiệt tình, tâm huyết với công tác quản lý bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra kiểm soát rừng tận gốc, những khu rừng xa xôi hẻo lánh, không có vòng ngoài (mặc dù đã có quy chế phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh với các đơn vị khác) để bắt giữ, xử lý vi phạm thì mới ngăn chặn được các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng. Việc huy động lực lượng ở các xã tập trung ngăn chặn còn hạn chế, vì nếu làm thường xuyên thì địa phương không đảm bảo được kinh phí, chế độ cho những người tham gia. Do đó cán bộ kiểm lâm địa bàn xã vừa tham mưu, thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn xã, vừa phải tập trung cho công tác tuần tra kiểm soát để bảo vệ rừng. Vì nhiệm vụ, nhiều cán bộ kiểm lâm đã bám địa bàn để làm việc không kể ngày đêm, ngày nghỉ, lễ tết. Đánh giá về những kết quả đạt được, chúng tôi thấy rằng việc đưa cán bộ kiểm lâm về phụ trách địa bàn cấp xã, chịu sự điều hành của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và Hạt trưởng Kiểm lâm là đúng đắn, trong giai đoạn hiện nay kiểm lâm phụ trách địa bàn xã là rất cần thiết. Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã tổ chức thực hiện theo chuyên môn nghiệp vụ và đúng quy định của pháp luật, tham mưu cho chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, tổ chức các biện pháp, đa dạng hóa các nội dung tuyên truyền để bảo vệ và phát triển rừng. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã có đầy đủ thẩm quyền để huy động lực lượng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khi xảy ra phá rừng, cháy rừng ở địa phương.

Tuy nhiên để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, cán bộ công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn phải có chuyên môn nghiệp vụ về khoa học kỹ thuật lâm nghiệp, có uy tín, biết tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, tập hợp các lực lượng để tuyên truyền, ngăn chặn các hành .vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn xã. Nắm vững được các chế tài để tham mưu cho Uỷ ban nhân dân xã xử lý nghiêm, đúng pháp luật các đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Như vậy, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã phải thực sự là nòng cốt trong sự nghiệp quản lý bảo vệ rừng ở địa phương, đòi hỏi có sự lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền cấp xã, tăng cường và thường xuyên đôn đốc chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân bảo vệ rừng. Xây dựng các trạm kiểm lâm ở các cụm xã, những nơi thường có đầu mối giao lưu khai thác vận chuyển lâm sản, những nơi cửa rừng có nhiều người qua lại hay có tác động đến rừng, vừa làm chốt chặn, vừa là nơi ăn nghỉ, sinh hoạt cho kiểm lâm và thuận tiện cho cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, đồng thời tập hợp được lực lượng để tuần tra kiểm soát rừng và kịp thời bắt giữ xử lý được đối tượng vi phạm, nhất là khu vực giáp ranh.

Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong công tác bảo vệ rừng, đề nghị cấp trên quan tâm cấp kinh phí trang bị phương tiện, dụng cụ như chó nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ để kịp thời bắt giữ xử lý đối tượng vi phạm. Có chính sách cho phép các xã được xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng để có kinh phí phục vụ cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức kiểm lâm địa bàn xã, nhằm nâng cao năng lực công tác các mặt cho cán bộ công chức kiểm lâm khi tham mưu cho các xã thực hiện nhiệm vụ. Nhà nước sớm ban hành văn bản cho lực lượng kiểm lâm, trong đó có kiểm lâm địa bàn xã được hưởng chế độ thâm niên công tác, có như vậy sẽ động viên, khuyến khích cán bộ kiểm lâm tích cực hơn nữa trong công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.


Số lượt đọc:  3236  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 10:46:37 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH