Số 3

Kịch bản: Diễn tập chữa cháy rừng

Diễn tập chữa cháy rừng là một trong những hoạt động nghiệp vụ có tính thực tiễn cao trong các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Nó giúp cho việc vận dụng, thực tế hóa các tình huống trong phương án PCCCR, vì thế vừa có tác dụng cho công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy, vừa huấn luyện cho các lực lượng chữa cháy các cấp làm quen với việc chữa cháy rừng. Với kinh nghiệm tham gia các cuộc diễn tập chữa cháy rừng, tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc đề cương khi xây dựng kịch bản diễn tập chữa cháy rừng. Hy vọng, nội dung này giúp cho các đồng nghiệp có thể tham khảo khi xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập chữa cháy rừng.

A - Mục đích, yêu cầu.

I. Mục đích.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân dân địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng .

- Nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng các cấp, khi xảy ra cháy rừng tổ chức nhanh chóng dập tắt đám cháy, không để cháy lớn xảy ra.

- Kiểm tra phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quân đội, Kiểm lâm, việc huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng.

II. Yêu cầu.

- Tình huống cháy rừng xảy ra trong diễn tập phải sát thực tế và đáp ứng phương án chữa cháy rừng ở địa phương.

- Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các lực lượng tham gia diễn tập, đại biểu tham dự và tài sản, tính mạng, sức khỏe của nhân dân, trật tự an toàn xã hội trong khu vực diễn tập.

- Đảm bảo tính khẩn trương, kịp thời, triệt để, liên tục, chặt chẽ trong quá trình tổ chức, điều hành, chỉ huy chữa cháy.

- Các thao tác và kỹ thuật cơ bản chữa cháy rừng đảm bảo đúng, chính xác. Sự phối hợp giữa các lực lượng, phương tiện nhuần nhuyễn. Thông tin liên lạc thông suốt, dễ nghe, dễ nhận.

Trước khi diễn tập, cần lập ban chỉ huy diễn tập và phân công nhiệm vụ cho các thành viên và xây dựng kế hoạch diễn tập, tài chính.

B - Thời gian diễn tập.

Thời gian diễn tập có thể sau hội nghị tổng kết công tác PCCCR của địa phương hoặc sau đợt tập huấn nghiệp vụ về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tuy nhiên nên bố trí triển khai vào đầu mùa cháy rừng.

C - Hiện trường diễn tập.

I. Chọn hiện trường.

Hiện trường diễn tập chữa cháy được chọn phải đảm bảo:

- Là nơi có nguy cơ cháy cao, có khả năng dễ xảy ra cháy rừng thường xuyên;

- Các yếu tố hiện trường như: loại thực bì, địa hình đảm bảo đại diện nhất cho khu vực, lập địa của địa phương. Ngoài ra, để buổi diễn tập được đông đảo người tham gia trực tiếp và đến dự, có khả năng huy động đa dạng về lực lượng, phương tiện và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia, cần lưu ý một số yếu tố sau:

- Có đường giao thông cho phép các loại xe cơ giới vận chuyển máy móc, thiết bị và lực lượng đến địa điểm chữa cháy.

- Gần nguồn nước và có khu tập kết cho các đại biểu quan sát diễn tập chữa cháy.

- Cách xa khu dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn cho nhân dân khu vực xung quanh.

II. Công tác chuẩn bị ngoài hiện trường.

Sự lựa chọn hiện trường cần đáp ứng đồng thời nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan nên đôi khi vị trí lựa chọn có những tiêu chí không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc chuẩn bị thêm ngoài hiện trường là cần thiết và phải chú trọng với những nội dung công việc sau:

- Phát dọn đường băng chống cháy lan. Chú ý đảm bảo tuyệt đối không cho cháy lan vào rừng; tốt nhất trước khi diễn tập, dùng máy bơm phun nước trên đường băng bao quanh khu diễn tập.

- Bổ sung thêm vật liệu (nếu cần).

- Trong một số trường hợp do lịch diễn tập đã sắp xếp nhưng điều kiện thời tiết không thuận lợi cho quá trình cháy, có thể bổ sung thêm vật liệu cháy khác và dầu diezel. Lưu ý không được dùng xăng.

- Tu sửa đường giao thông, chuẩn bị nơi tập kết của ban chỉ huy và các đại biểu tham dự.

- Thông báo với nhân dân trong vùng, báo cáo chính quyền địa phương, kiểm lâm và cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sở tại (cùng với việc mời tham gia và tham dự diễn tập).

III. Bố trí các tình huống cháy trong diễn tập.

Bố trí các tình huống cháy là khâu đặc biệt quan trọng quyết định thành công của buổi diễn tập. Tùy thuộc quy mô của buổi diễn tập, số máy móc, thiết bị và lực lượng được huy động để bố trí các tình huống cho phù hợp.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có thể bố trí tối thiểu 3 tình huống cháy như sau:

- Điểm cháy thứ nhất - dự kiến đây là tình huống cháy lan từ khu vực canh tác vào rừng... Diện tích đám cháy nhỏ (khoảng 50-100m2). Tốc độ lan tràn chậm, chiều cao ngọn lửa nhỏ hơn 1,5m; đám cháy này dự kiến bố trí với tình huống huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ, phương pháp dập thủ công.

- Điểm cháy thứ hai - dự kiến một trong hai tình huống: Đám cháy cách xa đám cháy thứ nhất (tùy thuộc hiện trường được chọn) và do một nguồn lửa khác gây ra. Hoặc đám cháy do đám cháy thứ nhất phát triển mở rộng (vượt tầm kiểm soát của tổ chữa cháy thủ công tại chỗ). Lúc này cùng với đám cháy thứ nhất tạo nên một đám cháy có cường độ và chiều cao ngọn lửa lớn hơn.

Đám cháy dự kiến với tình huống huy động lực lượng và phương tiện tăng cường. Có thể là thủ công hay cơ giới tùy thuộc và quy mô diễn tập và điều kiện thực tế về lực lượng, phương tiện, trang bị của địa phương.

Diện tích đám cháy dự kiến là 200-300m2. Tổng diện tích cả hai đám cháy dự kiến khoảng 500m2. Nên bố trí đám cháy theo dải để các lực lượng chữa cháy dễ bố trí đội hình khi tác nghiệp.

- Điểm cháy thứ ba: Đám cháy này thực chất là do 2 đám cháy thứ nhất và thứ hai phát triển mở rộng, có cường độ và chiều cao ngọn lửa rất lớn, không thể dùng dụng cụ thủ công chữa cháy trực tiếp (vượt tầm kiểm soát của tổ chữa cháy thủ công tại chỗ). Đám cháy dự kiến với tình huống huy động lực lượng và phương tiện cơ giới tăng cường; sử dụng cả biện pháp chữa cháy trực tiếp và biện pháp chữa cháy gián tiếp.

D- Phương tiện, thiết bị và lực lượng.

I. Phương tiện, thiết bị.

Tùy điều kiện thực tế về trang thiết bị hiện có ở địa phương, quy mô diễn tập để huy động và phân công cụ thể cho các đơn vị tham gia diễn tập bố trí. Các loại phương tiện, thiết bị có thể huy động trong diễn tập gồm:Phương tiện, thiết bị máy móc huy động của đơn vị nào thì người sử dụng, điều khiển chữa cháy do đơn vị đó đảm nhiệm.

II. Lực lượng.

a. Lực lượng chữa cháy được huy động gồm: Kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng, các tổ đội các thôn bản, dân quân, nhân dân địa phương.

2. Đại biểu tham dự.

Lãnh đạo chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan, các cơ quan được huy động lực lượng, phương tiện.

Các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình.

3. Phân công lực lượng chữa cháy theo các đội, tổ chữa cháy. Tất cả các lực lượng tham gia đều được phân tổ, có tổ trưởng và nhiệm vụ cụ thể.

a. Lực lượng chữa cháy tại chỗ bao gồm: lực lượng sở tại, dân quân, nhân dân từ các xã, đơn vị lân cận. Lực lượng này do kiểm lâm viên địa bàn làm đội trưởng, biên chế thành 3 -5 tổ chữa cháy thủ công, mỗi tổ biên chế từ 8-12 người.

b. Lực lượng kiểm lâm cơ động và PCCCR được tổ chức thành một đội chữa cháy cơ giới, gồm 2 tổ:

- Tổ cơ giới số 1: sử dụng máy bơm trực tiếp

chữa cháy.

- Tổ cơ giới số 2: sử dụng máy thổi gió, cưa xăng, máy cắt thực bì có nhiệm vụ làm đường băng (chữa cháy gián tiếp).

Lực lượng này có thể bổ sung thêm một số biên chế từ lực lượng của các đơn vị chủ rừng được huy động.

c. Lực lượng quân đội được huy động tổ chức thành đội riêng, do chỉ huy của lực lượng tự chia tổ và phân công cụ thể các thành viên trong đội.

d. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp (cảnh sát phòng cháy, chữa cháy) sử dụng xe chữa cháy chuyên dùng và dụng cụ phương tiện chữa cháy theo xe, được sử dụng tăng cường khi đám cháy có nguy cơ lan rộng.

e. Cứu thương, hậu cần.

Gồm một xe cấp cứu, dụng cụ, phương tiện cấp cứu và các bác sỹ, y tá biên chế theo xe.

Lực lượng hậu cần đảm nhận công tác chuẩn bị, phục vụ âm thanh, nước uống... cho đại biểu và những người tham gia diễn tập.

Phân công một bộ phận (từ 1-2 người) phụ trách việc châm lửa.

E- Tổ chức diễn tập chữa cháy.

I- Thời gian.

- Thời gian bắt đầu từ .... giờ ngày .... tháng ......năm ...

- Thời gian kết thúc .....giờ ngày...... tháng ........năm ..

Tất cả các lực lượng, thiết bị huy động tham gia diễn tập chữa cháy đều được tập trung tại điểm tập kết quy định vào lúc .... giờ ngày.....tháng.... năm ...… (trước khi diễn tập 1 giờ) để điểm danh, phân công, triển khai nhiệm vụ đến tổ, nhóm và từng cá nhân, do chỉ huy các đội phân công.

II- Địa điểm tập kết của các đội chữa cháy.

Việc bố trí địa điểm tập kết của các lực lượng tham gia diễn tập cần lưu ý cho phù hợp, sát thực tế, dễ quan sát và đảm bảo an toàn, nhanh. Cần chỉ rõ đường tiếp cận cho từng lực lượng cụ thể theo địa hình diễn tập.

Ví dụ: Lực lượng chữa cháy tại chỗ:Tổ số 1 tập kết tại đường mòn vào hiện trường diễn tập, cách điểm cháy thứ nhất .....m, tiếp cận phía Tây chữa cháy trực tiếp bằng dụng cụ thủ công. Tổ số 2 tập kết tại chân đồi phía Đông hiện trường diễn tập, cách điểm cháy thứ nhất .....m, tiếp cận phía Đông, chữa cháy trực tiếp bằng dụng cụ thủ công.

III- Chỉ huy diễn tập.

Chỉ huy trưởng diễn tập là đồng chí Trưởng ban chỉ huy PCCCR của cấp tổ chức diễn tập. Các thành viên khác trong ban chỉ huy do chỉ huy trưởng quyết định và phân công công việc, bao gồm: phụ tá chiến thuật, hậu cần, thông tin, thiết bị phương tiện...

IV. Chuẩn bị trước khi diễn tập.

- Kiểm tra các thành phần, lực lương, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, phương tiện chỉ huy, dụng cụ châm lửa, vật liệu và nhiên liệu dẫn lửa.

- Quán triệt nội dung, quy chế, thông tin, hiệu lệnh, phương án tác chiến, thời gian và tiến trình cụ thể của buổi diễn tập.

- Phân công nhiệm vụ và địa điểm cho các lực lượng, tổ đội.

- Quy định vị trí các đám cháy, hướng tiến công dập lửa (bên trái, bên phải, đầu đám cháy), khu vực chữa cháy bằng sơ đồ và ngoài hiện trường, tín hiệu, cờ hiệu, hiệu lệnh

- Các tổ đội, phương tiện tập kết tại vị trí được

Phân công.

Trước khi diễn tập 01 ngày, phải tổ chức diễn tập thử ít nhất 01 lần (không đốt lửa) để các lực lượng tham gia làm quen với hiện trường, huấn luyện các thao tác và khẩu lệnh. Đặc biệt các phương tiện, máy móc, thiết bị phải được vận hành, chạy thử để khắc phục những thiếu sót, hạn chế tối đa các sự cố, đảm bảo vận hành tốt khi diễn tập chính thức.

V. Tác chiến diễn tập chữa cháy rừng.

Trong quá trình tham gia diễn tập chữa cháy rừng, tất cả mọi lực lượng và khách tham quan đều phải tuân theo sự ra lệnh và điều động của Chỉ huy trưởng.

Đúng ... giờ, ngày ... tháng ... năm ....., Ban chỉ huy diễn tập chữa cháy rừng, các vị đại biểu và khách tham quan có mặt tại khu vực trung tâm chỉ huy để khai mạc diễn tập.

Tình huống 1.

- Đúng ... giờ, ngày .. tháng ... năm...., chỉ huy trưởng ra lệnh: “Buổi diễn tập chữa cháy rừng bắt đầu”.

Bộ phận phát hỏa châm lửa tại điểm cháy thứ nhất, điểm đám cháy này là do phát dọn, đốt thực bì để canh tác gần rừng đã cháy lan khỏi khu vực và gây cháy ra rừng trồng đã thành thục, hướng cháy từ phía “Bắc” phát triển sang hướng “Nam”.

Sau khi phát cháy được khoảng 10 phút (khói bụi đã bốc lên đủ quan sát), nhân dân địa phương nơi gần nhất báo động bằng kẻng (hoặc kiểm lâm địa bàn bắn 3 phát súng AK). Lực lượng chữa cháy cơ sở chủ động chữa cháy, đồng thời báo cáo về Ban chỉ huy diễn tập bằng máy bộ đàm. Chỉ huy trưởng nhận báo cáo, hội ý ban chỉ huy để nhận định tình hình, xử lý thông tin, thống nhất phương án tác chiến và ra lệnh chữa cháy bằng máy bộ đàm:

Lệnh số 1: “Điều động đội chữa cháy số 1 khẩn trương vào hiện trường chữa cháy. 3 tổ trực tiếp dập lửa; 2 tổ khống chế đám cháy”.

Tình huống 2.

Do tình hình thời tiết khô hanh, VLC nhiều, ngọn lửa bốc cao ngoài tầm kiểm soát của lực lượng thủ công. Lúc này đám cháy phát triển mạnh (hoặc xuất hiện một đám cháy do nguồn lửa khác). Lực lượng chữa cháy hiện trường tiếp tục chữa cháy, đồng thời thông báo về ban chỉ huy đề nghị tăng cường lực lượng.

Lệnh số 2: “Điều động đội chữa cháy chuyên ngành vào tham gia chữa cháy”. Khoảng 10 phút từ khi có lệnh các đội chữa cháy chuyên ngành phải có mặt tại hiện trường và bắt đầu chữa cháy. Tổ cơ giới 1 dùng máy bơm tham gia chữa cháy trực tiếp, tổ cơ giới 2 dùng cưa xăng, máy cắt thực bì cắt tạo đường băng chống cháy lan.

Lệnh số 3: Điều động đơn vị bộ đội gần nhất (tên cụ thể) tăng cường chữa cháy. Sau 10-15 phút, đơn vị bộ đội được huy động có mặt tại hiện trường và tham gia chữa cháy trực tiếp. Lưu ý, căn cứ địa hình, vị trí để cụ thể hóa câu lệnh, xác định rõ đường tiếp cận và hướng chữa cháy của từng lực lượng được huy động.

Tình huống 3.

Trong quá trình chữa cháy, có 1 đồng chí trong tổ thủ công bị thương (do ngọn lửa cháy tạt vào người, ngạt khói,...). Đồng chí tổ trưởng báo về ban chỉ huy. Chỉ huy trưởng ra lệnh điều động lực lượng cứu thương và thực hiện tình huống cứu người bị nạn. Sau thời gian chữa cháy ban đầu, tình hình đám cháy diễn biến phức tạp, đám cháy không khống chế được mà có nguy cơ cháy lan trên quy mô rộng. Lực lượng chữa cháy hiện trường thông tin về Ban chỉ huy đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện.

Lệnh số 4: Để quyết định dập tắt đám cháy đồng chí Chỉ huy trưởng lệnh: “Điều động lực lượng cảnh sát PCCC tăng cường chữa cháy tại ...”. Sau 5-10 phút, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với xe chữa cháy chuyên dụng có mặt và tham gia chữa cháy. Lúc này, chỉ huy trưởng có mặt tại hiện trường và đôn đốc các lực lượng tham gia chữa cháy.

Lệnh số 5: Khoảng ... giờ, đám cháy cơ bản được dập tắt, Chỉ huy trưởng lệnh: “Tiếp tục dập tàn lửa các đám cháy còn âm ỉ. Tuyệt đối không để sót nguồn lửa tại hiện trường. Khoảng 20 đến 30 phút sau đó, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Ban chỉ huy diễn tập cử người đi kiểm tra hiện trường lần cuối, sơ bộ đánh giá mức độ thiệt hại và giao cho các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra cháy rừng, đề xuất biện pháp xử lý. Sau khi kiểm ra hiện trường, xác định đã bảo đảm an toàn tuyệt đối, toàn bộ lực lượng chữa cháy tập trung tại trung tâm chỉ huy diễn tập để đánh giá rút kinh nghiệm quá trình diễn tập chữa cháy rừng và bế mạc.

VI. Giả định tình huống phụ trong diễn tập.

1. Tình huống tàn lửa từ nơi diễn tập do gió bốc lên bay sang khu rừng lân cận và gây ra đám cháy khác. Trường hợp này, sau khi đám cháy tại nơi diễn tập được dập tắt, ban chỉ huy để lại một bộ phận thu gom và dập hết tàn lửa, các lực lượng tham gia diễn tập được huy động chữa cháy đám cháy lan.

2. Trường hợp trong khi diễn tập, khu vực hoặc địa phương lân cận xảy ra cháy rừng. Tùy thuộc vào quy mô đám cháy và yêu cầu tăng cường lực lượng của địa phương lân cận, ban chỉ huy có thể quyết định điều động một lực lượng của diễn tập ứng cứu.

Kịch bản diễn tập này chỉ mang tính chất giới thiệu chung nên nhiều phần sẽ không phù hợp với từng yêu cầu cụ thể của từng nơi. Đặc biệt quy mô khác nhau sẽ có những tình huống, phương án khác nhau. Hy vọng đây là những thông tin giúp các địa phương, đơn vị có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình xây dựng kịch bản và tổ chức diễn tập chữa cháy rừng.


Số lượt đọc:  10789  -  Cập nhật lần cuối:  03/04/2009 11:18:27 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH