Số 3 năm 2008

Quản lý bảo vệ rừng ở Cà Mau

Rừng vùng đồng bằng sông Cửu Long có vai trò rất quan trọng đối với đời sống, kinh tế văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng. Ngoài cung cấp vật liệu xây dựng, chất đốt và các sản vật quý báu cho nhu cầu xã hội, nó còn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu và các ngành công nghiệp khác. Tài nguyên rừng còn tham gia vào việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định dân cư. Cà Mau thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên 169.639ha, trong đó diện tích có rừng trên 100 ngàn hécta. Ngoài những chức năng chung như trên, rừng còn có tác dụng ngăn chặn gió bão, chống xói lở ven biển, ven sông, điều hòa khí hậu, lấn biển, cố định đất mở đường cho nông nghiệp phát triển.

Rừng Cà Mau nằm ở vùng sông ngòi chằng chịt, do đó công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh có 19.797 hộ dân được giao đất, giao rừng, bình quân mỗi hộ từ 5 đến 6ha. Để cụ thể hóa chủ trương giao đất lâm nghiệp của Nhà nước, ngày 12/9/2000, UBND tỉnh Cà Mau ban hành đề án đổi mới tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Theo đó, các đơn vị quản lý rừng đã có phương án điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại các hình thức sản xuất, tổ chức, quản lý, giao khoán đất rừng. Cụ thể, giao khoán theo Nghị định 01/CP 79.705ha, giao đất theo Nghị định 181/CP 19.570ha, công ty lâm nghiệp và ban quản lý 54.155ha. Giao đất giao rừng là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với chủ trương xã hội hóa nghề rừng, chính sách đó đã đi vào thực tiễn cuộc sống, gắn kết nghĩa vụ và quyền lợi của dân trong sự nghiệp phát triển rừng. Tạo công ăn việc làm cho những hộ dân thiếu đất, không có đất, hộ nghèo đến lập nghiệp tại vùng rừng, giảm bớt tình hình căng thẳng về đất đai, góp phần ổn định chính trị xã hội ở địa phương. Chỉ đạo người dân phát triển vốn rừng được giao, giảm nạn cháy rừng hàng năm, đồng thời tạo sự chuyển biến nhận thức của người dân đối với rừng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng.

Phải nắm vững các chủ trương chính sách phát triển lâm nghiệp của Đảng và Nhà nước được ban hành. Trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, tạo điều kiện cho ngành nông - lâm - ngư nghiệp phát triển theo hướng bền vững, phát huy tính chủ động trong quản lý bảo vệ rừng, tạo niềm tin và động lực thực sự đối với đơn vị sản xuất, người làm nghề rừng. Những quy định không phù hợp trong thực tiễn phải được xem xét sửa đổi bổ sung kịp thời, coi công tác giao đất khoán rừng là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong chiến lược tổ chức lại rừng gắn với tổ chức lại sản xuất thực hiện 3 mục tiêu (ổn định tình hình rừng, ổn định sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng rừng).

Công tác tuyên truyền vận động nhân dân và xây dựng vốn rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm có tác dụng lâu dài đến sự nghiệp bảo vệ rừng. Chi cục Kiểm lâm Cà Mau rất chú trọng thực hiện nhiệm vụ này với nhiều hình thức khác nhau nhằm chuyển tải chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân hiểu và cùng thực hiện bảo vệ, phát triển vốn rừng. Xã hội hóa những chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến tận người dân. Chi cục Kiểm lâm chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng truy quét lâm tặc, xây dựng phương án phối hợp với lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuần tra, truy quét phát hiện các vụ vi phạm. Tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ phát triển rừng. Xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm, chú trọng đến phương án phối hợp tuần tra, truy quét với các ngành chức năng có liên quan như: Công an, Quân đội, Biên phòng... tổ chức truy quét các tụ điểm, điểm nóng về vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo đúng quy định.

Về xã hội hóa công tác phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai nhiều hoạt động phòng cháy chữa cháy rừng có hiệu quả như: Xây dựng kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng, tổ chức lực lượng chuyên ngành phòng cháy chữa cháy rừng, mua sắm trang thiết bị chữa cháy rừng. Đặc biệt, đã chủ động phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức thi tìm hiểu Luật phòng cháy chữa cháy, Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về quy định phòng cháy chữa cháy rừng cho các em học sinh và người dân vùng rừng tràm của 2 huyện: U Minh và Trần Văn Thời với hơn 100 thí sinh tham gia và hơn 3 nghìn người dân đến cổ vũ, nhằm để cho người dân hiểu rõ thêm về cách thức quản lý bảo vệ rừng và tác hại của nạn cháy rừng, do đó số vụ vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng năm 2007 giảm rõ rệt. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn đã có sự tham gia chủ động của các ngành, các cấp và đông đảo tầng lớp nhân dân. Chính nhờ sự quyết tâm của các cấp, các ngành với sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ trong mùa khô vừa qua chỉ xảy ra 19 vụ cháy, trong đó có 18 vụ cháy trên đất lâm nghiệp. Tổng diện tích thiệt hại 80,3ha, trong đó có 17,1ha rừng trồng trong các hộ dân, còn lại 63,2ha là đất trảng cỏ và đất rừng sau khai thác. Chi cục Kiểm lâm Cà Mau không ngừng phát huy vai trò đội ngũ kiểm lâm phụ trách địa bàn và bảo vệ rừng các xã. Kiểm lâm địa bàn đã được phân công về từng xã để cùng ở, cùng làm việc, trực tiếp tham mưu Chủ tịch UBND các xã có rừng, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn. Lực lượng này trực tiếp cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp. Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định về kiểm lâm phụ trách địa bàn. Có được kết quả trên chính nhờ sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở Cà Mau đã chuyển biến mạnh mẽ. Thành quả đạt được là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân tạo mối quan hệ gắn kết giữa kiểm lâm, chính quyền địa phương, nhân dân, chủ rừng.

NGUYỄN QUANG CỦA


Số lượt đọc:  1354  -  Cập nhật lần cuối:  27/02/2008 02:34:22 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH