Số 3 năm 2008

Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh thi đua lập thành tích mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam

Chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973-21/5/2008), ngay từ đầu năm 2007, Chi cục Kiểm lâm đã phát động đợt thi đua sâu rộng trong lực lượng kiểm lâm với các chỉ tiêu thi đua cụ thể thiết thực, phù hợp với thực tiễn. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm. Ngay từ đầu năm, Chi cục đã tổ chức Đại hội Công nhân viên chức để bàn các giải pháp mang tính đột phá so với các năm trước, những giải pháp chính để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng, kiểm tra, kiểm soát gỗ và lâm sản, tổ chức hướng dẫn việc gây nuôi động vật hoang dã, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh hại rừng... Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng lực lượng kiểm lâm ngày càng vững mạnh, trong sạch đáp ứng được nhiệm vụ và yêu cầu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các chỉ tiêu thi đua, nhiệm vụ cụ thể và thời gian hoàn thành được giao đến từng cá nhân, tập thể; toàn Chi cục có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối kết hợp với các cơ quan đơn vị trên địa bàn và các tỉnh giáp ranh, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ của mọi tổ chức và cá nhân đối với lực lượng kiểm lâm thành phố để tạo nên sức mạnh tổng hợp, thống nhất trong việc bảo vệ rừng, chống buôn lậu, bảo vệ môi trường. Coi trọng việc đào tạo và đào tạo lại để lực lượng kiểm lâm vững mạnh toàn diện (đức, tài), luôn đáp ứng được nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao. Xây dựng lực lượng cộng tác viên về bảo vệ rừng và chống buôn bán trái phép lâm sản, xây dựng bản đồ trọng điểm cháy rừng nhất là rừng trồng tự túc của dân, lập danh sách các tụ điểm phá rừng, buôn bán gỗ, lâm sản và động vật hoang dã trái phép. Do có nhiều giải pháp thích hợp nên phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ công chức kiểm lâm đã được thực hiện tốt trong năm 2007. Cán bộ công chức kiểm lâm Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo như tuyên truyền miệng cho hàng chục nghìn lượt người sinh sống gần vùng rừng và sản xuất kinh doanh có liên quan đến rừng, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đối với các chủ rừng và các hộ sản xuất dưới tán rừng, gần rừng, trên 3.000 nhà hàng, quán ăn, phát hàng chục nghìn tờ bướm tuyên truyền, các văn bản pháp luật quy phạm pháp luật về lâm nghiệp đều được photocopy và phát đến tận tay tổ chức và cá nhân có liên quan để thực hiện đúng quy định nhà nước. Phối hợp với các Quận, Huyện tổ chức mở các lớp tập huấn về các quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ và gây nuôi động vật hoang dã, kiểm tra kiểm soát lâm sản cho hàng trăm người. Quy ước trong cộng đồng dân cư được niêm yết tại trụ sở thôn, ấp và phát đến tận hộ gia đình. Phối hợp với các cơ quan thông tấn để kịp thời đưa các tin về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn hàng chục lần trong năm; các bảng tuyên truyền, biển báo cấp cháy rừng cũng được đặt trên các trục giao thông, bìa rừng. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức của cộng đồng về công tác bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao rõ rệt. Công tác bảo vệ rừng, giao đất khoán rừng đến các hộ gia đình được đẩy mạnh. Việc tổ chức, bố trí 100% kiểm lâm địa bàn đảm bảo mọi lô, khoảnh, tiểu khu rừng đều có chủ được chú trọng. Phối hợp tốt với chính quyền địa phương các đơn vị vùng giáp ranh để bảo vệ rừng, truy quét các tụ điểm phá rừng. Tổ chức hội nghị giao ban các đơn vị giáp ranh mỗi quí một lần. Trong năm 2007, đã thực hiện bảo vệ tốt diện tích trên 36.000ha tại Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Quận 9, đặc biệt là bảo vệ tốt Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được quan tâm. Trong năm 2007, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu ban hành Chỉ thị về tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô, thành lập Ban chỉ huy bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cấp thành phố kèm theo quy chế và phân công nhiệm vụ từng thành viên. Xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng cấp thành phố, các huyện có rừng đều thành lập ban chỉ huy bảo vệ rừng, phòng cháy rừng cấp huyện. Tổ chức tổng diễn tập chữa cháy rừng cấp thành phố huy động trên 750 người tham gia, bao gồm lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các quận, huyện, chủ rừng... Do làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy nên trong năm 2007, trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng. Công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản và động vật hoang dã được quan tâm chỉ đạo. Chi cục Kiểm lâm phối kết hợp với các lực lượng, đặc biệt là công an, quản lý thị trường, bộ đội, hải quan, chính quyền địa phương kịp thời truy quét, phát hiện và ngăn chặn việc buôn bán gỗ, lâm sản và động vật hoang dã, đã bắt giữ 283 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tịch thu hàng trăm khối gỗ, hàng nghìn kilôgam động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài động thực vật quý hiếm như: cẩm lai, gõ đỏ, trắc, sơn huyết, gấu, hổ... Chuyển giao 7 vụ sang công an để khởi tố hình sự, thu nộp ngân sách hàng tỷ đồng. Công tác kiểm tra nguồn gốc gỗ nhập xưởng và đóng búa kiểm lâm gỗ nhập khẩu cũng được thực hiện tốt, hàng nghìn mét khối gỗ nhập khẩu đã được đóng búa kiểm lâm, tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ phát triển và thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần vào việc thúc đẩy mặt hàng xuất khẩu gỗ Việt Nam. Công tác quản lý gây nuôi và cứu hộ động vật hoang dã được Chi cục Kiểm lâm thực hiện đồng bộ. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND thành phố ban hành quyết định quy định về quản lý và an toàn các hoạt động nuôi, vận chuyển cá sấu và động vật hoang dã nguy hiểm và chỉ thị tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã trên địa bàn Thành phố; xây dựng chương trình phát triển cá sấu đến năm 2010. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm tổ chức, cá nhân gây nuôi và phát triển động vật hoang dã, trong đó có nhiều mô hình gây nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi cá sấu (trên 130.000 con), trăn, nhím và các loài bò sát với số lượng hàng nghìn con, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều ngành nghề mới cho nông dân, giúp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cho người dân. Chi cục Kiểm lâm đã chủ động phối hợp kiểm tra, phổ biến kịp thời các quy định của Nhà nước trong việc gây nuôi động vật hoang dã, đặc biệt là chú trọng đến vệ sinh môi trường, điều kiện an toàn chuồng, trại (nhất là các loài thú dữ như cá sấu, gấu...), hạn chế tối đa việc thú nuôi sổng chuồng, tổ chức tốt việc đăng ký gây nuôi, cấp giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định... Việc cứu hộ các loài động vật hoang dã bị tịch thu cũng được chú ý. Trạm cứu hộ động vật hoang dã tại Củ Chi được xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả. Năm 2007, hàng trăm cá thể động vật quý hiếm đã được thả về môi trường tự nhiên tại các khu rừng: Nam Cát Tiên, Cúc Phương, Cần Giờ, U Minh Thượng (Kiên Giang), Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh). Công tác xây dựng lực lượng kiểm lâm; chuyển ngạch lương kiểm lâm 100% theo tiêu chuẩn quy định; thực hiện các chế độ (trang phục, phù hiệu, phụ cấp ưu đãi...); công tác cải cách hành chính được tập trung tạo bước chuyển biến mới. Năm 2008, năm mà toàn lực lượng Kiểm lâm Việt Nam ra sức nỗ lực thi đua lập thành tích cao nhất kỷ niệm ngày thành lập ngành. Kiểm lâm thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được các năm trước, thực hiện thật tốt chức trách nhiệm vụ của mình, quyết tâm góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát triển màu xanh cho tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, đẹp.

NGUYỄN ĐÌNH CƯƠNG


Số lượt đọc:  1197  -  Cập nhật lần cuối:  27/02/2008 02:38:57 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH