Số 3 năm 2008

Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng, 5 năm bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới

Rừng đặc dụng Phong Nha - Kẻ Bàng được thành lập năm 1986 diện tích 5.000ha, năm 1993 chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích 41.132ha. Tháng 12/2001 nâng hạng lên Vườn quốc gia với diện tích 85.754ha. Tại phiên họp thứ 27, ngày 3/7/2003 tổ chức UNESCO đã biểu quyết công nhận Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí: địa mạo, địa chất và thảm thực vật. Hạt Kiểm lâm là đơn vị trực thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, biên chế 95 người. Ngày đầu thành lập, Hạt Kiểm lâm tiếp nhận từ Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình 12 người, còn lại được tuyển chọn mới. Hầu hết cán bộ kiểm lâm trẻ, tốt nghiệp các trường trung cấp và đại học, một số có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự. 6 năm thành lập Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thì 5 năm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị là bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng và vận động nhân dân 9 xã vùng đệm không phá rừng. Đây là một việc hết sức khó khăn, phức tạp; diện tích rừng rộng, hiểm trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có 85.754ha là rừng tự nhiên, độ che phủ rừng chiếm 93,8%; trong đó có 64.844ha là rừng nguyên sinh chưa, hoặc ít bị tác động của con người. Theo đánh giá của các nhà khoa học Phong nha - Kẻ bàng đứng đầu về giá trị bảo tồn so với các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam.

Gần 47 nghìn dân vùng đệm bao quanh Vườn, dân trí, điều kiện kinh tế rất thấp, sự hiểu biết về pháp luật hạn chế. Cuộc sống gắn chặt với rừng hàng bao đời nay. Do đó công tác quản lý bảo vệ rừng của kiểm lâm vô cùng gian nan vất vả. Người dân luôn nhòm ngó và muốn biến tài nguyên rừng thành của riêng họ, một số cán bộ chính quyền thôn, xã còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Kiểm lâm tuy đông nhưng trẻ tuổi đời và non tuổi nghề, kinh nghiệm chưa nhiều... Người dân tộc và dân công giáo có tập quán sinh nhiều con, nhưng diện tích đất canh tác hoa màu ít nên đời sống của họ rất khó khăn đây chính là tác nhân đe dọa tài nguyên rừng. Những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng 5 năm qua Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được bảo vệ chu đáo, năm sau tốt hơn năm trước. Số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng giảm dần. Với phương châm bám rừng và bám dân. Bám rừng là bảo vệ rừng tận gốc; bám dân là bố trí cắt cử những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có khả năng làm công tác dân vận về tận thôn, bản bằng tâm tư, tình cảm, bằng việc làm cụ thể cảm hóa họ, cùng tham gia bảo vệ rừng. Thực tế, muốn bảo vệ được rừng thì người thực thi nhiệm vụ ngoài việc quyết tâm, nghị lực và phải dùng cái "tâm" của người giữ rừng, xác định rõ công tác bảo vệ rừng không có ranh giới phân định. Tài nguyên rừng là đối tượng mà người dân tìm kế sinh nhai, là miếng cơm manh áo. Phải làm sao để dân hiểu, dân nghe, dân ủng hộ và không vào rừng khai thác lâm sản. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, cán bộ kiểm lâm và nhân dân Quảng Bình rất phấn khởi, vui mừng. Để được công nhận di sản đã khó khăn, nhưng bảo vệ được di sản càng khó khăn bội phần. Chính vì thế cán bộ kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng luôn xác định bảo vệ rừng, vận động tuyên truyền xã hội hóa công tác này là nhiệm vụ hàng đầu. Để bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm không chỉ dũng cảm, khéo léo linh hoạt mà còn phải biết vận động nhân dân cùng bảo vệ rừng. Rừng chỉ được bảo vệ khi mọi người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Một khó khăn là 2/3 tổng số dân của 5 xã vùng đệm theo Công giáo, đời sống chủ yếu dựa vào rừng. Muốn họ không vào rừng khai thác lâm sản, bẫy bắt động vật, đào bới đất đá... ngoài sự nỗ lực bảo vệ ngăn chặn ở cửa rừng của lực lượng kiểm lâm, thì công tác phối kết hợp với cha xứ, ban hành giáo của các nhà thờ được đặt lên hàng đầu. Định kỳ Hạt Kiểm lâm cùng kiểm lâm địa bàn về thăm hỏi, đặt vấn đề giải quyết các vướng mắc, nguyện vọng đề đạt của bà con giáo dân. Tại các buổi giảng đạo, cha xứ thường lồng ghép, nhắc nhở bà con giáo dân không phá rừng, không săn bắt động vật hoang dã, không cản trở công tác bảo vệ rừng của kiểm lâm. Trước đây còn là khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều lần bà con giáo dân đã huy động hàng trăm người chống lại lực lượng kiểm lâm, công an. 5 năm trở lại đây việc bà con giáo dân kích động, tụ tập đông người để cản trở kiểm lâm thực thi nhiệm vụ không còn. Những vụ vi phạm nhỏ lẻ vẫn còn xảy ra nhưng năm sau giảm so với năm trước. Chính các cha xứ đã nhận thấy công tác bảo vệ rừng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là nhiệm vụ của các cán bộ kiểm lâm mà là nhiệm vụ của toàn dân trong đó có những người dân công giáo. 5 năm sau ngày đón nhận bằng Di sản thiên nhiên thế giới, một thời gian không dài, nhưng kết quả đạt được đáng phấn khởi. Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng lớn mạnh về mọi mặt, rừng Phong Nha - Kẻ Bàng ngày một xanh, độ che phủ rừng tăng dần, động vật hoang dã đông hơn về số lượng và thành phần loài. Đó chính là cơ sở để Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, UBND tỉnh Quảng Bình, cùng các ngành liên quan đã hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận thêm tiêu chí về đa dạng sinh học. Thành quả đó là "chứng chỉ' công nhận kết quả bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng 5 năm qua.

PHAN HỒNG THÁI


Số lượt đọc:  1032  -  Cập nhật lần cuối:  27/02/2008 02:28:48 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH