Số 3 năm 2008

Bảo tồn đa dạng sinh học ở Kon Tum

Bảo tồn đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng. Đa dạng sinh học cần phải được bảo tồn nhằm giữ cho sinh quyển ở trạng thái cân bằng. Điều này có tác động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn các yếu tố có hại và phát huy các yếu tố có lợi cho hoạt động của tự nhiên cũng như của con người. Đa dạng sinh học giúp cho việc tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, phát triển nguồn giống cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra còn có những giá trị tiềm ẩn khác của đa dạng sinh học chưa được con người biết đến.

Theo số liệu thống kê diện tích đất lâm nghiệp Kon Tum là 787.098,3ha và 130.278,2ha đất trống có thể đưa vào sản xuất nông lâm nghiệp. Toàn tỉnh có 622.976,6ha rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ khoảng 53.571.025m3 gỗ và 1,9 tỷ cây tre nứa, độ che phủ của rừng 67,88% (lớn nhất nước). Một số lâm sản dưới tán rừng có giá trị kinh tế và dược liệu cao như: gió bầu, sâm ngọc linh, sa nhân, nhựa thông, song mây, bông đót, mã tiền, vạng đắng, hoàng đằng, ngũ gia bì, hà thủ ô... Kon Tum có 3 khu rừng đặc dụng (Vườn quốc gia Chư Mom Rây; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; rừng đặc dụng Đăk Uy). Các khu rừng đặc dụng này rất phong phú và đang dạng về số lượng, chủng loại là nơi chứa nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm như: hổ, hươu vàng, công... Rừng Kon Tum không những là nguồn cung cấp lâm sản to lớn phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, mà còn có vai trò quan trọng duy trì sự cân bằng sinh thái, bảo vệ, chống xói mòn đất, bảo vệ và điều hòa nguồn nước cho công trình thủy điện, thủy lợi lớn như Yaly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Pleikrông. Theo ước tính, hiện nay rừng Kon Tum có khoảng 508 loài cây, 352 loài động vật có xương sống. Môi trường sống của các loài động vật, thực vật rất phong phú tạo nên nhiều sinh cảnh khác nhau. Tuy được đánh giá có tính đa dạng cao về sinh học, song những năm gần đây tính đa dạng sinh học đã bị giảm sút đáng kể, sự giảm sút này là do các nguyên nhân:

Sự khai thác quá mức: Sự khai thác quá mức một nguồn tài nguyên dẫn đến làm mất khả năng tái tạo của nguồn tài nguyên hoặc tái tạo không đủ để khai thác. Đó là khi nguồn tài nguyên được sử dụng ở tỷ lệ vượt quá tỷ lệ thay thế của nguồn tài nguyên ấy. Nhằm thỏa mãn các nhu cầu của cuộc sống, hoạt động săn bắn, bẫy bắt các loài động vật hoang dã ngày càng tăng. Việc săn bắn, bẫy bắt quá mức là nguyên nhân thứ hai sau nguyên nhân mất nơi cư trú và là nguyên nhân quan trọng dẫn đến các loài động vật bị tuyệt chủng.

Sự tàn phá các sinh cảnh: Sinh cảnh bị hủy diệt hoặc thoái hóa làm mất đi nơi cư trú của các loài động vật. ý thức trách nhiệm của một bộ phận nhân dân chưa cao cùng với việc khai thác rừng, phá rừng trái phép và các hoạt động đốt nương rẫy không đúng kỹ thuật để lửa cháy lan vào rừng, nhiều khu vực rộng lớn đã bị khai hoang để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về nhu cầu sản xuất nương rẫy của nguời dân. Điều này đã tác động rất lớn đến tính phong phú của các loài động, thực vật và vi sinh vật dẫn đến sự suy giảm tính đa dạng sinh học, đe dọa tuyệt chủng của nhiều loài.

Sự gia tăng dân số: Sự gia tăng dân số một cách đáng báo động đã tạo ra sức ép ngày một tăng lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi ngày càng nhiều không gian sống, tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên. Sức ép này đặc biệt mạnh tại hầu hết các huyện trong tỉnh nơi dân số sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và cuộc sống trước mắt của họ phụ thuộc trực tiếp vào nguồn thiên nhiên này.

Sự nhập nội các loài ngoại lai: Có thể phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái và ảnh hưởng đến các quần thể động vật, thực vật bản địa. Những kẻ xâm chiếm này có thể ảnh hưởng bất lợi cho các loài bản địa do quá trình sử dụng các loài bản địa làm thức ăn, làm nhiễm độc chúng, cạnh tranh với chúng hoặc giao phối với chúng.

Với những lợi ích to lớn mà đa dạng sinh học mang lại ngay từ bây giờ chúng ta cần có những biện pháp nhằm bảo vệ đa dạng sinh học như: Tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong nhân dân để cùng tham gia bảo vệ rừng; Ngăn chặn phá rừng để bảo vệ môi trường sống của các loài động, thực vật; Hạn chế việc khai thác bừa bãi các loài động, thực vật đặc biệt là các loài quý hiếm; Thực hiện việc ký cam kết, xây dựng quy ước quản lý bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư kết hợp với việc giao, khoán rừng đến hộ gia đình và cá nhân; Xây dựng các vườn thực vật, vườn quốc gia, các khu bảo tồn... để bảo vệ các loài động vật, thực vật trong đó có các loài quý hiếm; Cấm buôn bán và xuất khẩu các loài động vật, thực vật quý hiếm;Thực hiện tốt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020.

Muốn làm tốt những biện pháp trên không chỉ đơn độc một ngành, một cấp nào đó mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Dựa trên sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với chính quyền, các cấp, các ngành và đoàn thể, thực hiện tốt các chiến lược cụ thể trong từng giai đoạn. Đặc biệt là các chính sách mà Đảng và Nhà nước chăm lo cho đồng bào, cộng đồng dân tộc. Đồng thời thực hiện tốt các chiến lược phát triển lâm nghiệp trên địa bàn như: phủ xanh đất trống đồi núi trọc nhằm tăng diện tích rừng, khoanh nuôi những khu rừng tái sinh sau nương rẫy cũ, giao khoán quản lý bảo vệ cho từng hộ dân và tổ chức..

PHẠM DỤC TÚ


Số lượt đọc:  1922  -  Cập nhật lần cuối:  27/02/2008 02:26:58 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH