Số 2

Vua vườn đồi

Cuối năm 1994, Nguyễn Đức Thuận nghỉ hưu sau ngót 30 năm công tác trong quân đội tại Học viện Hậu Cần. Khoác ba lô về quê Hưng Yên để xây dựng kinh tế khi đầu hai thứ tóc nhưng ông rơi vào hoàn cảnh bế tắc vì không có đất để thực hiện ước mơ ấy. Trong khi đó, quê của vợ (Thanh Sơn, Phú Thọ) đất lại chưa được sử dụng hiệu quả, nhiều nơi vẫn bỏ hoang rất lãng phí. Ông nhiều lần về đây, quan sát rất kỹ và không biết từ bao giờ một kế hoạch được vạch ra. Sau nhiều năm mưu sinh với vô số nghề, tằn tiện gom góp từng đồng lương hưu, năm 2000 ông đem toàn bộ số tiền có được lặng lẽ lên xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ mua đất. Mọi việc xong xuôi ông mới chính thức trình bày kế hoạch lên quê vợ để lập nghiệp.

Nghĩ lại quãng thời gian đầu đi khai hoang, ông Thuận ngậm ngùi: "Nếu không có nghị lực và niềm tin vào quyết định của mình thì tôi đã bỏ cuộc. Lúc ấy vất vả trăm đường, mọi thứ ban đầu đều là con số không". Xây tạm ngôi nhà ba gian xiêu vẹo trên khoảng đất trống, qua mấy lần đào giếng mới có được nước dùng cho sinh hoạt, sau đó mới nghĩ chuyện làm kinh tế. Điều làm ông chật vật nhất là nguồn vốn vay hạn chế, đang lúc khó khăn thì vợ ông lại phải mổ não vì ung thư. Khó chồng lên khó, những dự định ban đầu đều phải gác lại để chữa bệnh cho vợ. Hơn một năm trời gia đình ông mới thoát khỏi cảnh lao đao. Bắt tay vào cải tạo khu đất bạc màu, cằn cỗi ông cặm cụi ươm cây cau con để bán và gây trồng 2 vạn cành hoa trà my. Năm 2001, nguồn thu từ cây cau đem lại cho ông 30 triệu đồng, riêng hoa trà my thắng lớn với hơn 60 triệu. Với số vốn có được ông mua thêm 7ha đất, đưa vào trồng nhiều thứ cây ăn quả và cây cảnh có giá trị. Khu vườn đồi bạc màu trước kia nhờ bàn tay và khối óc người lính năm xưa nay đã trải màu xanh tít tắp. Trong tay ông giờ đã có 6ha chè, 800 cây cam, 700 cây quất, 2,5 vạn gốc trà my và 3.000 cây hoa hải đường chủ yếu phục vụ vào dịp tết.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn, ông Thuận tự hào giới thiệu chi tiết về thành quả của mình. Về cam ông thu lứa đầu tiên với 8 tấn quả, dự tính năm 2009 có thể thu được 15 tấn, 2ha quất thế đã được ông chăm sóc và uốn nắn đến dịp tết năm tới sẽ có giá trị không dưới 100 triệu đồng. Tài sản mà ông Thuận tâm đắc nhất là hàng nghìn cây hoa hải đường đang kìm hoa chờ xuân tới, trong đó có những cây khách hàng trả tiền triệu mà ông chưa đồng ý bán. Năm 2007, riêng nguồn thu từ cây cảnh ông Thuận đã thu lãi ròng 80 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 2 mẫu ao thả cá thịt sẽ thu hoạch vào cuối năm và hàng vạn cây giống các loại được xuất ra thị trường hàng tháng. Trang trại của ông thường xuyên tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động của địa phương với thu nhập ổn định.

Chủ tịch UBND xã Thắng Sơn, ông Đinh Văn Hoàn vui vẻ cho biết: "Ông Thuận là cá nhân lao động xuất sắc nhất huyện nhiều năm liền. Nhờ có ông mà bà con nơi đây mới biết cách biến đồi rừng xanh trở lại, làm giàu trên vùng đất bạc màu, điều mà trước đây không ai ngờ tới. Ông còn là hội viên đóng góp tích cực cho sự phát triển của hội cựu chiến binh và hội nông dân xã".

Câu chuyện về cuộc đời và kỳ tích biến đồi trọc bạc màu thành khu trang trại chăn nuôi, trồng trọt có giá bạc tỷ mà ông Thuận kể với chúng tôi cũng có vị chát như chén nước chè xanh và ngòn ngọt như những trái cam chín mọng. Có được cơ ngơi như này hôm nay, ông Thuận cũng nếm trải nhiều đắng cay, thất bại nhưng ý trí của người lính đã giúp ông đứng vững và vươn lên làm giàu. Nhiều gia đình học cách làm của ông đến nay cũng có cuộc sống đầy đủ, no ấm. Chia tay ông Thuận, chúng tôi hướng lên quả đồi rộng xanh mướt cây cối, mảnh đất cằn giờ đã thay da đổi thịt, thành quả đó là nhờ những người như ông Nguyễn Đức Thuận.

HOÀNG BIỂU


Số lượt đọc:  95  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 04:02:28 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH