Số 2

Thăm tết đảo xa

Từ Côn Sơn thuyền ta vượt sóng ra khơi, mang trong tim tình yêu người lính kiểm lâm, đi giữ rừng bằng ghe máy.... Những ca từ đầu tiên của bài hát “Hành khúc kiểm lâm Côn Đảo” của cố nhạc sĩ Xuân An đã thôi thúc tôi có một chuyến đến với Côn Đảo vào những ngày cuối năm để tìm hiểu về công tác, cuộc sống của những người “lính” kiểm lâm tại đảo xa. Sóng biển, gió chướng (gió mùa Đông - Bắc) những ngày cuối tháng 12 làm cho con tàu mang số hiệu BV 0152 của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo lắc lư mạnh. Với công suất 290 mã lực, con tàu đang từ từ chinh phục những ngọn sóng bạc đầu để tiến dần về hướng các đảo hòn Tre lớn, hòn Tre nhỏ, hòn Cau, hòn Bảy cạnh, hòn Tài nơi có các Trạm Kiểm lâm đang đóng quân. Đây là chuyến công tác để đi thăm, chúc tết, tiếp tế lương thực, thực phẩm, rau xanh, nước ngọt, báo chí cho những người đang ngày, đêm bám trụ trên các hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Côn Đảo để bảo vệ màu xanh của rừng, biển. Sau gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được đảo hòn Tre lớn, chiếc tàu chưa kịp thả neo thì đã nghe tiếng reo, hò vui mừng của những chiến sĩ kiểm lâm át cả tiếng sóng. Vì thời tiết xấu, gần cả tháng nay tàu tiếp tế mới đến được các đảo nhỏ. Đối với các chiến sĩ kiểm lâm ở các đảo nhỏ, cứ mỗi lần có tàu tiếp tế trong mùa biển động là cả một niềm vui lớn, nhất là chuyến tàu gần tết. Đối với các đảo nhỏ xung quanh đảo Côn Sơn vào mùa gió chướng là khó khăn nhất, mùa này biển động mạnh rất khó tiếp tế lương thực, thực phẩm kể cả nước ngọt. Tàu vừa buông neo thì thân tàu lắc lư càng mạnh, chiếc ca nô phao được thả xuống nhưng rất khó khăn cho các “thủy thủ” kiểm lâm ráp máy vào vì từng đợt sóng nhô lên, hụp xuống làm mất thăng bằng. Trong chuyến đi này phải mất gần 20 phút chiếc ca nô bằng phao mới “tăng bo” chúng tôi vào bờ của hòn Tre lớn. Do sóng quá to nên khi gần vào bờ thì cả người, lương thực trên ca nô bị hất tung lên. Đón chúng tôi ngay tại bãi cát là Trạm trưởng Trần Thái Bình. Các cán bộ kiểm lâm hớn hở và bắt tay chúng tôi, nhìn màu da sạm nắng và gió biển của các chiến sĩ kiểm lâm tôi thầm nghĩ “màu xanh của biển, màu xanh của rừng xanh bao nhiêu thì màu da của các anh đen đúa và sạm nắng, gió bấy nhiêu”. Một chiếc bàn được dọn ra với ít củ kiệu, dưa hành, bánh tét, mứt và vài ly rượu. Trạm trưởng Bình tuyên bố “hôm nay mình ăn tết sớm vậy” những tiếng cười, tiếng chúc mừng, tiếng cụng ly làm cho buổi “tiệc” tuy đơn sơ nhưng thật ấm cúng tình người. Thời gian trôi đi rất nhanh, chúng tôi phải chia tay với những chiến sĩ kiểm lâm trên hòn Tre lớn vì còn phải đi các trạm kiểm lâm khác. Con tàu lại chồm lên sóng bạc đầu theo hướng Bắc đi về hòn Tre nhỏ. So với một số trạm thì Trạm Kiểm lâm hòn Tre Nhỏ là khó khăn nhất, bởi đây là một trong những nơi mới được thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu nhiều, điều kiện sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Tàu đến nhưng chúng tôi không thể vào được vì sóng biển lớn mà đảo thì không có bờ cát, chỉ có vách đá dựng cheo leo. Sóng đập từng đợt vào vách đá làm tung bọt trằng xóa, cố gắng lắm các “thủy thủ” kiểm lâm mới tiếp tế được lương thực, thực phẩm cho Trạm. Đến tới Trạm mà chúng tôi phải chúc tết các chiến sĩ kiểm lâm trên đảo hòn Tre nhỏ bằng những cái vẫy tay chào nhau. Tàu tiếp tục hành trình đến mũi Đông - Bắc để qua hòn Cau, sóng biển ở khu vực này càng mạnh hơn, gió rít từng cơn như đồng tình với sóng, con tàu lắc lư mạnh chồm lên trên đầu ngọn sóng rồi hụp xuống chân sóng liên tục theo từng đợt. Mặc dù là người đã quen đi biển nhưng tôi vẫn không chịu nổi với những lượn sóng như vậy. Càng gần hòn Cau sóng càng lớn, một rồi hai lượn sóng bắt đầu phủ lên mũi tàu, thuyền trưởng đã cố gắng nhưng không thể nhích tàu lên được đành cho tàu xuôi sóng chạy về hướng đảo Bảy Cạnh. Tôi hỏi một kiểm lâm viên trên tàu “Nếu biển động kéo dài, không tiếp tế được thì anh, em kiểm lâm lấy gì đón tết?” giọng của một kiểm lâm trả lời: "có gì thì đón tết bằng cái ấy anh ơi! Hơn nữa, tụi này cũng quen rồi vì năm nào vào mùa này cũng vậy thôi, mùa biển động mà”, mải nói chuyện mà tàu đến đảo Bảy Cạnh lúc nào không hay. Bảy cạnh là hòn đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Côn Sơn. Tài nguyên rừng, biển ở đây rất đa dạng và phong phú với các hệ sinh thái rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô, rừng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới nguyên sinh với những loài sinh vật đặc hữu, quý, hiếm, có bãi biển cát trắng hoang sơ là nơi đẻ trứng của các loài rùa biển... Những chiến sĩ kiểm lâm nơi đây hy sinh những niềm vui đời thường, xa gia đình, người thân trong dịp xuân về, tết đến để nâng niu, bảo vệ, giữ gìn màu xanh cho quê hương. Có đến đây mới hiểu được những công việc rất thầm lặng nhưng hết sức cao quý và có nghĩa cho đời. Tàu về đến cầu cảng du lịch Côn Đảo. Biển ở vịnh Côn Sơn không còn như ở hòn Tre lớn, Tre nhỏ, hòn Cau, biển đã êm dịu và hiền hòa hơn nhưng trong lòng tôi vẫn dậy sóng, cầu mong sao những ngày cuối năm biển thật êm, để có thêm một chuyến tàu tiếp tế nữa đến với các anh kiểm lâm đang công tác tại các đảo nhỏ, chia sẽ cùng các anh những khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường ngày. Cầu chúc các anh đủ sức khỏe, vượt qua khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của Côn Đảo và của Việt Nam.

TRẦN HUỲNH BẢO NAM


Số lượt đọc:  190  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 03:58:56 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH