Số 2

Rừng Cam Lâm xanh trở lại

Năm về phía Tây Bắc của huyện Con Cuông (Nghệ An), xã Cam Lâm có diện tích tự nhiên 6.200.83ha, dân số có 496 hộ với trên 3.000 khẩu, gần 100% là đồng bào dân tộc Thái. Là xã vùng cao, vùng sâu đặc biệt khó khăn, diện tích đất bằng sản xuất ít. Toàn xã có 5 bản, sống rải rác ven các chân núi. Diện tích đất sản xuất ít cộng với tập quán canh tác nương rẫy đã ăn sâu cả ngàn đời của bà con dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, Cam Lâm trở thành điểm nóng trong việc phát rừng trái phép làm nương rẫy, đặc biệt có 3 bản là bản Cai, bản Cam và bản Bạch Sơn. Mặc dù huyện đã phân bổ chỉ tiêu rẫy được phát, kiểm lâm và phòng nông nghiệp huyện đã đến tận nơi giao, nhưng vì địa bàn phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên hàng năm có từ 50 - 100 hộ dân vi phạm phát rẫy sai hoặc tăng thêm diện tích. Hai năm gần đây huyện đã kiên quyết chỉ đạo, các ngành chức năng bám cơ sở, kiểm tra gắt gao, xử lý nghiêm những hộ vi phạm, nên việc phát rừng làm rẫy ngoài chỉ tiêu đã chấm dứt. Vụ rẫy năm 2009, huyện cho phép bà con được phát 30ha vùng luân canh, nhờ chỉ đạo sát, giao tận nơi. Đảng ủy ra nghị quyết, ủy ban nhân dân xã xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu. Các thôn bản tổ chức cho bà con ký cam kết không vi phạm. Mặt khác để đảm bảo đủ lương thực cho nhân dân, xã vận động bà con tận dụng hết các hốc, chọ khai hoang mở rộng diện tích lúa nước hai vụ, tận dụng hết diện tích đất đồi vệ để trồng ngô, lạc, đậu. Các bản Liên Hồng, bản Cống không giao chỉ tiêu rẫy nhưng bà con đã tận dụng triệt để đất bằng, đưa giống mới có năng suất cao vào gieo trồng vẫn đảm bảo đủ lương thực. Mùa rẫy năm 2009, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền vận động, xã Cam Lâm củng cố lại Ban phòng cháy chữa cháy rừng, mỗi bản có 1 tổ phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức hòm phiếu tố giác người vi phạm, nhất là việc phát rẫy trái phép, nên vụ rẫy năm nay không có ai vi phạm. Bên cạnh việc làm tốt việc quy hoạch vùng phát rẫy, Đảng ủy tổ chức vận động người dân tích cực trồng rừng, vùng rẫy năm trước, năm sau phải trồng lại rừng, đưa cây keo lai và cây mét vào trồng, ai không trồng sẽ bị thu hồi đất giao cho hộ khác và không được giao diện tích phát rẫy mới. Trong xã đã có những mô hình trồng rừng nguyên liệu, tổ chức phát triển chăn nuôi đàn gia súc cho thu nhập khá như hộ ông Hà Văn Thắng ở bản Cống, ông Ngân Văn Vĩnh ở bản Liên Hồng... nên bà con tích cực làm theo. Năm 2008, và 6 tháng đầu năm 2009, toàn xã đã trồng mới trên 50ha rừng nguyên liệu giấy. Toàn bộ trên 5.000ha rừng tự nhiên được giao tận các hộ để quản lý khoanh nuôi, bảo vệ. Hiện tượng khai thác lâm sản trái phép đã được ngăn chặn.

Gặp chúng tôi tại hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân, đồng chí Lộc Văn Trung. bí thư Đảng ủy khoe: Năm nay Cam Lâm không còn bị huyện phê bình về phát rẫy nữa. Toàn bộ rừng Cam Lâm được quản lý bảo vệ nghiêm ngặt, rừng ngày càng tốt xanh, cuộc sống của bà con ngày một no đủ hơn, nhân dân ngày càng đoàn kết, gắn bó, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

PHÙNG VĂN MÙI


Số lượt đọc:  115  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 04:12:14 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH