Số 2

Quản lý bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn được thành lập năm 2002, với diện tích tự nhiên 15.048ha, thuộc địa phận xã Xuân Sơn và một phần các xã (Kim Thượng, Xuân Đài, Đồng Sơn, Tân Sơn, Lai Đồng), huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vườn quốc gia Xuân Sơn được phân thành ba khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 9.099ha; phân khu phục hồi sinh thái 5.737ha; phân khu dịch vụ hành chính 212ha) và vùng đệm 18.639ha. Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, giáp với tỉnh Hòa Bình và Sơn La. Giao thông thuận lợi, cách Hà Nội 120km và Việt Trì 80km. Điểm đặc biệt ở Xuân Sơn là sự biến đổi biên độ nhiệt, có sự thay đổi bốn mùa trong ngày. Thời tiết ở đây rất thuận lợi cho việc nghỉ dưỡng. ở đây hiện có 9 thôn đang sinh sống, với 615 hộ, 2.771 nhân khẩu, chủ yếu người Dao và người Mường. Các hộ dân được xếp vào diện nghèo, thu nhập bình quân các hộ gia đình khoảng 700 nghìn đồng mỗi năm và là một trong 61 huyện nghèo cả nước.

Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc vùng đa dạng sinh học cao nhất Việt Nam. Về thực vật có 180 họ, 680 chi, 1.217 loài - trong đó có 40 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Cây làm thuốc có 665 loài và 132 loài quả hoặc rau ăn được. Về động vật, đã thống kê được 880 loài: 79 loài thú (29 loài có trong sách đỏ), 182 loài chim, 71 loài bò sát và lưỡng cư. Xuân Sơn được đánh giá như một bảo tàng sống lưu giữ và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của miền Bắc Việt Nam. Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích lớn rừng kín thường xanh gần như nguyên sinh trên núi đá vôi và núi đất, là nơi sinh sống của nhiều loài chim, thú quí hiếm. Đây là mẫu rừng nguyên sinh độc đáo hiếm hoi còn lại của rừng miền Bắc Việt Nam. Vườn quốc gia Xuân Sơn được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh sắc kỳ vĩ làm say đắm lòng người như các hang động, thác nước (hang Lạng dài 7km, hang Thổ Thần, hang Na, thác Bạc, thác Ngọc).

Nằm trong khu vực quần thể các danh lam thắng cảnh, như di tích lịch sử như Đền Hùng, Vườn quốc gia Tam Đảo, Ba Vì; Vườn quốc gia Xuân Sơn sẽ là một mắt xích trong tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn của du khách. Những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là diện tích rừng trên núi đá vôi và những hang động độc đáo, những núi đá thiên tạo cùng sự đa dạng về thực vật rừng tựa như một “Thạch lâm xanh”. Khung cảnh đó được tô điểm bởi những loài hoa, âm thanh của nước chảy, tiếng kêu của các loài chim, thú và côn trùng chắc chắn sẽ hấp dẫn rất lớn đối du khách. Du khách còn được khám phá những nét văn hóa độc đáo của người Mường, Dao là những dân tộc đại diện của vùng trung du Bắc bộ.

Vườn quốc gia Xuân Sơn là một trong 30 vườn quốc gia của Việt Nam không tổ chức hạt kiểm lâm. Công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra rừng được giao cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Người dân địa phương vẫn thường gọi là lượng 5 không (không lâm phục; không công cụ hỗ trợ; không vũ khí; không chế tài xử lý vi phạm và không chế độ ưu đãi nghề). Tuy nhiên, không vì thế mà công tác quản lý, bảo vệ rừng bị coi nhẹ. Điều này được thể hiện là rừng được bảo vệ tốt, độ che phủ tăng từ 56% (2002) lên 72% (2008), số lượng và chất lượng rừng trồng được tăng lên. Hệ sinh thái rừng được cân bằng, rừng bảo vệ được sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Với sự đoàn kết và quyết tâm của cả tập thể, sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và người dân, trong thời gian tới chắc chắn việc bảo vệ Vườn quốc gia Xuân Sơn sẽ phát triển một cách bền vững, không vì lý do không có tổ chức kiểm lâm.

PHẠM VĂN LONG


Số lượt đọc:  210  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 04:00:04 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH