Số 2

Lễ cúng hồn lúa của người Vân Kiều

Tộc người Vân Kiều là cư dân có mặt sớm nhất ở vùng Trường Sơn từ Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Hiện trên địa bàn miền núi Quảng Trị có đến 68.423 người dân tộc Vân Kiều và Pa Cô, trong đó 70% là người Vân Kiều sinh sống. Tín ngưỡng nguyên thủy của người Vân Kiều là thờ đa thần, quan niệm của họ về mọi vật đều có linh hồn.

Cha - Đôi, lễ ăn cơm năm mới hay cúng hồn lúa của người Vân Kiều ở các huyện miền núi Quảng Trị diễn ra hàng năm là nét đặc trưng của người dân trồng lúa trên nương rẫy, một phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống gắn liền với người dân từ bao đời nay. Mỗi năm sau vụ thu hoạch, lễ cúng hồn lúa (Cha - Đôi) được người dân Vân Kiều chào đón và chuẩn bị công phu, mặc dù nghi lễ không thịnh soạn như những lễ hội khác song trong làng người dân coi đây là dịp để tạ ơn các thần linh đã phù hộ, cưu mang họ. Thần trong Cha - Đôi là thần Lúa. Thường thường vào khoảng tháng 10 âm lịch, khi thu hoạch xong mùa lúa rẫy, người Vân Kiều chuẩn bị lễ cúng như làm các loại bánh từ lúa gạo, mổ lợn, gà, rượu trắng và hoa quả. Những nơi có điều kiện còn mổ trâu, bò và tổ chức liên tục mấy ngày, đêm, mọi gia đình trong thôn đều tổ chức cúng. Ngoài các sản vật bày biện trên mâm cỗ, người dân còn dùng cây tre dài cỡ 1m, phía ngọn được chẻ ra và tượng trưng cho cây hương và một nắm bông lúa cắm lên bàn thờ. Trước khi cúng hồn Lúa, người lớn tuổi nhất trong nhà và thường là phụ nữ vì họ gắn bó với việc sản xuất mang gùi lên rẫy cắt một nắm lúa được giữ lại làm lễ vật mang về nhà tượng trưng là rước hồn Lúa về. Huyết các loài vật như: trâu, gà, lợn giết mổ để cúng được bôi lên cây hương bằng tre. Nội dung lời cung là tạ ơn thần linh, tổ tiên đã phù hộ, che chở họ trong vụ mùa vừa qua; cầu xin được tiếp tục mưa thuận, gió hòa và thắng lợi trong vụ lúa sắp tới. Cúng xong mọi người ngồì quây quần thành vòng tròn ăn uống trò chuyện bàn luận chuyện làm ăn và cầu mong vụ lúa tới bội thu. Cũng như một số tộc người khác, tộc người Vân Kiều đã trải qua những năm tháng dài cuộc sống du canh, du cư, thói quen của họ là cất trữ của cải trong rẫy, khi cần mới lấy về mà không sợ mất. Cộng đồng người Vân Kiều có đức tính quý báu là trung thành và thật thà không bao giờ đụng chạm đến của cải của người khác. Nếu trong bản có người phạm phải thì bị khai trừ ra khỏi cộng đồng. Với đức tính quý báu đó nên từ xưa đến nay tộc người Vân Kiều bao giờ cũng sống đoàn kết với nhau thành một khối thống nhất và không có áp lực nào chia rẽ được họ. Lễ cúng thần lúa còn được tổ chức tập trung theo thôn, bản và thường được kéo dài 2-3 ngày, mọi người trong thôn, bản đến dự, ăn uống, múa hát. Trong các đêm vui như vậy, trai gái cùng một phụ nữ cao tuổi sẽ trình bày điệu múa cắt lúa rẫy sôi động. Vì trong tâm thức mọi người cho rằng: Nữ thần này có mặt trong cây, bông và hạt lúa. Hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Vân Kiều là trồng lúa rẫy, nguồn thu nhập lương thực chủ yếu trong năm. Vì vậy lúa được xem là sản vật quý và thần lúa được xem là phúc thần. Lễ cúng hồn lúa (CHA - ĐÔI) là nét độc đáo văn hoá tinh thần của người Vân Kiều ở miền núi Quảng Trị, đang góp phần làm đa dạng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Vân Kiều trên dãy Trường Sơn.

CAO ĐĂNG VIỆT (ST)


Số lượt đọc:  227  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 04:01:47 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH