Số 2

Đức Cơ, Gia Lai: Cuộc chiến bảo vệ rừng khu vực biên giới

Đức Cơ là huyện biên giới nằm phía tây tỉnh Gia Lai với tổng diện tích tự nhiên 72.313ha; trong đó diện tích có rừng 19.581ha chiếm 28% diện tích tự nhiên. Rừng tập trung dọc theo tuyến biên giới giữa Việt Nam - Campuchia, một phần rải rác theo tuyến giáp ranh với các huyện Chư Prông - Ia Grai. Trong thời gian qua Chi cục Kiểm lâm Gia Lai, UBND huyện Đức Cơ đã chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng thường xuyên phối hợp, tổ chức nhiều đợt truy quét phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế tình trạng khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép, phát rừng làm nương rẫy và các vi phạm khác về quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn còn xảy ra nhất là ở một số xã giáp ranh biên giới. Nói về phức tạp trong công tác bảo vệ rừng hạt trưởng Nguyễn Đình Khanh dẫn chứng vụ bắt giữ hơn 2 mét khối gỗ ở một xã biên giới. Hôm đó nhận được tin của kiểm lâm địa bàn tại một hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số có tàng trữ gỗ, khi kiểm lâm cùng các cơ quan chức năng tiếp cận bắt giữ đã gặp sự chống đối quyết liệt. Đầu tiên là việc cắt điện toàn bộ khu vực, tiếp đó là hơn 50 người với đủ loại hung khí sẵn sàng tấn công kiểm lâm. Về phía đương sự, ngay khi kiểm lâm tiếp cận, vợ chủ nhà chuẩn bị sẵn một chai thuốc trừ sâu và liều mình. Lúc đó, thay vì thực hiện việc bắt gỗ, cán bộ kiểm lâm lại phải tuyên truyền, giải thích và nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Để bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm Đức Cơ đã tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật, giáo dục cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng được xác định phải thường xuyên và lâu dài. Hạt Kiểm lâm Đức Cơ thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, không mang lửa vào rừng, không khai thác bừa bãi. Tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng được vận dụng bằng nhiều hình thức đến tận các thôn làng, cụm dân cư sống gần rừng. Cùng với tuyên truyền, công tác phòng cháy chữa cháy rừng cũng được coi trọng. Do thời tiết ở Đức Cơ khắc nghiệt, rất khó chịu, mùa khô kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao, diện tích rừng dễ cháy chủ yếu là rừng khộp nhiều. Trên cơ sở theo dõi tình hình trong nhiều năm, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ xác định được 5 vị trí trọng điểm dễ cháy và tiến hành khoanh vùng để có kế hoạch phòng cháy ngay đầu mùa khô hằng năm. Để đảm bảo an toàn lửa rừng, hàng năm Hạt Kiểm lâm Đức Cơ đều tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng, ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các xã, tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng nhằm bảo vệ tài nguyên rừng, hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra. Tại các khu vực trọng điểm cháy luôn bố trí người trực 24/24 giờ trong ngày. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc chủ rừng, UBND các xã làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Hướng dẫn các địa phương, chủ rừng thành lập được 9 ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã. Đặc biệt trong phòng cháy chữa cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ đã thực hiện phương pháp đốt trước có điều khiển rừng tự nhiên nên đã giảm đáng kể nguồn vật liệu gây cháy. Biện pháp này đã được thực hiện và được đánh giá cao. Công tác kiểm tra, truy quét và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng cũng được chú trọng. Hạt Kiểm lâm Đức Cơ tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng, UBND các xã, chủ rừng thường xuyên tổ chức, kiểm tra địa bàn nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển và phát rừng làm nương rẫy. Thành lập tổ liên ngành của huyện thực hiện nhiệm vụ kiểm tra truy quét tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Ngoài việc phạt tiền, tịch thu lâm sản còn tịch thu phương tiện có giá trị lớn bán sung quỹ nhà nước. Trung bình mỗi năm, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ phát hiện và ngăn chặn hàng trăm vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, thu về cho Nhà nước hàng tỷ đồng từ tiền phạt và bán lâm sản, phương tiện tịch thu.

Đức Cơ nằm sườn tây dãy Trường Sơn nên khí hậu rất khắc nghiệt. Những người kiểm lâm địa bàn dãi nắng dầm sương bảo vệ rừng lại càng vất vả hơn. Do là địa bàn biên giới, địa hình rộng, cán bộ kiểm lâm rất dễ lạc sang địa phận rừng Campuchia có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, việc quản lý rừng gắn với địa bàn lại càng quan trọng. Những năm qua, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ đã kiên trì thực hiện phân công kiểm lâm xuống phụ trách địa bàn xã. Thực hiện phương án tăng cường kiểm lâm xuống phụ trách địa bàn xã của tỉnh Gia Lai, Hạt Kiểm lâm Đức Cơ triển khai phân công 9 cán bộ kiểm lâm xuống phụ trách 9 xã và 1 thị trấn. Sau khi triển khai, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đã tham mưu cho chính quyền xã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm và năng lực quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp nói chung, công tác quản lý bảo vệ rừng nói riêng. Các xã có kiểm lâm xuống phụ trách địa bàn, người dân đã có ý thức trách nhiệm hơn với cộng đồng, chủ động bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng, tố giác kịp thời các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, chủ trì phối hợp với các đoàn thể, lực lượng dân quân, du kích, trưởng thôn, già làng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng thực hiện các quy ước bảo vệ rừng ở các thôn làng. Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đã tham mưu cho chính quyền xã xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng cấp xã và phát động được phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng ở địa phương.

Bên cạnh những mặt làm được như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ rừng, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng, ý thức chấp hành pháp luật. Ngăn chặn, hạn chế tình trạng phát rừng làm nương rẫy, khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Một số xã, nhất là ba xã biên giới Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn đã nhận thức được trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, chủ động lồng ghép trong các buổi họp thôn làng nhằm phổ biến các quy định trong công tác quản lý bảo vệ rừng, lợi ích của rừng đối với môi trường sống. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đức Cơ còn bộc lộ nhiều tồn tại cần khắc phục. Đó là, sự phối hợp giữa các ngành liên quan, chính quyền các xã chưa đồng nhất, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tình trạng phá rừng làm rẫy còn xảy ra, mà xuất phát từ nguyên nhân trình độ dân trí thấp. Nhận thức tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sinh thái chưa cao. Đời sống kinh tế của người địa phương khó khăn, giá nông sản, cây công nghiệp cao dẫn đến phát rừng làm nương rẫy và trồng cây công nghiệp, sau đó cho thuê đất, bán đất cho dân từ nơi khác đến và tiếp tục vào rừng phát diện tích mới để canh tác. Việc kinh doanh trái phép gỗ và lâm sản mang lại lợi nhuận rất cao nên nhiều người có tham vọng kiếm sống và làm giàu bằng nghề khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép. Các đối tượng vi phạm chủ yếu là dân từ nơi khác đến, cư trú bất hợp pháp trên địa bàn các xã khi phát hiện không điều tra được đối tượng hoặc đối tượng bỏ trốn khỏi địa bàn. Chủ rừng chưa có biện pháp quản lý bảo vệ rừng dẫn đến hầu hết các vụ vi phạm xảy ra ở lâm phần của mình quản lý nhưng vẫn không biết. Các ngành chức năng, chính quyền các xã chưa làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng, thống kê phân loại đối tượng trên địa bàn xã để đưa ra các biện pháp có hiệu quả, chưa chỉ đạo lực lượng vào cuộc bảo vệ rừng cùng kiểm lâm. Tổ công tác liên ngành chưa duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, sự phối hợp chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. UBND các xã chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng, không có sự kiểm tra giám sát, uốn nắn kịp thời các lực lượng của xã khi làm nhiệm vụ. Các vụ vi phạm nhỏ lẻ, phân tán nên việc thu giữ gặp rất nhiều khó khăn. Số đối tượng buôn lậu dùng phương tiện hết hạn sử dụng, thay đổi tổng thành máy để vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép gây khó khăn trong việc truy bắt, khi phát hiện chúng bỏ cả tang vật, phương tiện để thoát thân.

HÀ BÌNH


Số lượt đọc:  492  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 04:03:44 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH