Số 2

Bảo vệ rừng giáp ranh ở Bắc Kạn

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, nằm ở trung tâm vùng đông bắc Việt Nam, có địa giới hành chính phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng; phía Nam giáp tỉnh Thái Nguyên; phía Đông giáp tỉnh Lạng Sơn và phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 485.941ha, bao gồm 8 huyện, thị xã. Diện tích đất lâm nghiệp 388.049ha chiếm 80% tổng diện tích đất tự nhiên, độ che phủ của rừng là 55,7%. Toàn tỉnh có gần 20 nghìn hécta rừng giáp ranh, tập trung nhiều ở các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Chợ Mới. Kiểm lâm Bắc Kạn có 184 cán bộ công chức, 107 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn 122 xã, phường, thị trấn. Tình hình quản lý bảo vệ rừng ở các khu vực giáp ranh những năm qua rất phức tạp, các vụ vi phạm có chiều hướng gia tăng. Đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để thực hiện hành vi vi phạm. Chúng khai thác gỗ bằng cưa máy, vận chuyển bằng nhiều phương tiện (xe khách hai đáy, hai mui, dùng biển số giả, kết gỗ chìm thành bè vận chuyển trên sông, suối), sử dụng giấy tờ gỗ hợp pháp quay vòng nhiều lần. Hành vi thực hiện chủ yếu vào ban đêm, ngày nghỉ; khi bị kiểm tra thì tìm cách mua chuộc, chống đối, kích động người dân, thuê “đầu gấu” chống trả. Sự cố gắng, nỗ lực của kiểm lâm trong kiểm tra, ngăn chặn nên số vụ vi phạm bị phát hiện tăng lên. Từ đầu năm 2009 đến hết tháng 11/2009 đã phát hiện và lập biên bản 1.172 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, tăng 191 vụ so với cùng kỳ năm 2008. Đã xử phạt hành chính 1.094 vụ, chuyển khởi tố hình sự 16 vụ với 25 bị can, đưa ra xét xử 7 vụ với 13 đối tượng. Lâm sản tịch thu gồm 1.958m3 gỗ tròn các loại, tăng 264m3 so với cùng kỳ năm 2008. Tịch thu 5 ô tô, 1 công nông, 141 xe máy, 37 cưa xăng và 8 khẩu súng săn. Tổng số tiền thu nộp ngân sách gần 4,3 tỷ đồng. Đáng chú ý là tình hình chống người thi hành công vụ diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm. Hai vụ sau là điển hình của hành vi chống người thi hành công vụ. Vụ thứ nhất xảy ra ngày 16/6/2009, Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới nhận được tin báo có một số lượng gỗ nghiến đuợc cất giấu sau khu nhà của ông Nguyễn Văn Cần ở xã Quảng Chu. Hạt Kiểm lâm Chợ Mới phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động số 2 và UBND xã Quảng Chu tiến hành kiểm tra số gỗ trên. Sau khi xác định số lượng gỗ trên không có chủ, tổ kiểm tra đã lập biên bản tịch thu 36 thanh gỗ nghiến, tương ứng với 1,32m3 gỗ xẻ. Trong khi cơ quan chức năng đang tiến hành lập biên bản thì xuất hiện một nhóm, khoảng 30 người dân trong thôn do Nông Văn Quốc là trưởng thôn Đèo Vai 2 cầm đầu đến cản trở, hành hung cán bộ trong tổ kiểm tra, nhằm tẩu tán số gỗ đang bị thu giữ. Chúng xô ngã đồng chí Hà Đức Hũa, trưởng. Nông Văn Quốc còn ôm đồng chí Phạm Đức Tựu, phó ban lâm nghiệp xã Quảng Chu để con trai là Nông Văn Toàn khống chế anh Tựu, gây khó khăn cho tổ công tác. Vụ án đã được xét xử công khai lưu động tại địa phương, với mức phạt 21 tháng tù giam cho 2 bố con trưởng thôn. Vụ thứ hai xảy ra ngày 10/11/2009 tại xã Nông Thịnh, huyện Chợ Mới. Khi cán bộ kiểm lâm cùng với chính quyền xã đang kiểm tra việc khai thác gỗ trái phép tại thôn Nà ỏ thì bị 1 đối tượng cầm dao đuổi, anh Đặng Xuân Chiến kiểm lâm địa bàn bị đối tượng chém liên tục 3 nhát. Hậu quả bị đứt 2 ngón ở cánh tay phải. Đối tượng đã bị lực lượng cảnh sát điều tra bắt tạm giam để điều tra xử lý theo pháp luật. Những vụ việc chống người thi hành công vụ nêu trên đã cho thấy sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật của các đối tượng vi phạm khi bị lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm minh thì có thể nhiều cán bộ kiểm lâm phải đổ máu để bảo vệ màu xanh đất nước.

Thực tế công tác quản lý bảo vệ rừng giáp ranh ở Bắc Kạn gặp phải nhiều khó khăn. Về phía chính quyền, ngành chức năng chưa tích cực vào cuộc. Kiểm lâm, chính quyền địa phương, các ngành chức năng phối hợp chưa thường xuyên liên tục, có lúc còn chậm, nhất là trong việc điều tra hoàn chỉnh hồ sơ đưa các vụ vi phạm ra xử lý hình sự. Lực lượng kiểm lâm mỏng, yếu về nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, xuống cấp. Theo thống kê chưa đầy đủ tại Bắc Kạn có khoảng gần 2.000 cưa máy các loại, riêng huyện Na Rì chiếm khoảng 50%. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu quản lý công cụ này. Vấn nạn phá rừng giáp ranh Bắc Kạn xảy ra có nhiều nguyên nhân. Đó là nhu cầu sử dụng gỗ nghiến làm khuôn cửa, dạng thớt cục, làm hàng mỹ nghệ cao cấp là rất lớn, giá cả thường tăng cao đem lại nhiều lợi nhuận nên đã kích thích người dân khai thác rừng trái phép. Một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa thiếu ruộng để sản xuất nông nghiệp nên còn dựa vào rừng để mưu sinh. Cấp ủy chính quyền một số xã chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của mình về công tác quản lý bảo vệ rừng. Việc thực thi chính sách lâm nghiệp còn thiếu chặt chẽ, một số chính sách chưa phù hợp cần phải điều chỉnh, một số chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ chưa phát huy tác dụng răn đe.

Theo dõi việc bảo vệ rừng giáp ranh ở Bắc Kạn nhiều năm, chúng tôi thấy công tác này còn nhiều tồn tại. Trước hết là số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng chưa giảm, nạn khai thác vận chuyển gỗ trái phép xảy ra tại các khu vực giáp ranh diễn ra rất phức tạp, nhiều nơi trở thành điểm nóng. Các đầu nậu chuyên buôn bán lâm sản trái phép vẫn chưa bị điểm mặt, chỉ tên đầy đủ để có giải pháp ngăn chặn, xử lý. Để bảo vệ rừng giáp ranh Bắc Kạn thời gian tới cần thực hiện triệt để một số giải pháp. Trước hết phải tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, điều động, bổ sung cán bộ kiểm lâm cho các đơn vị khu vực trọng điểm xảy ra phá rừng trái phép. Chỉ đạo cán bộ kiểm lâm bám sát địa bàn được phân công, kịp thời nắm bắt thông tin về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, tổ chức lực lượng kiểm tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Thành lập các chốt đặt tại các khu vực trọng yếu để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép và đề nghị cho lập các trạm quản lý trên các tuyến đường như ở Nà Tàn, Cư Lễ, Ân Tình, Lủng Pảng, Cường Lợi (huyện Na Rì); Bó Pe, Bình Trung (huyện Chợ Đồn); Yên Đĩnh (huyện Chợ Mới). Về lâu dài cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về công tác bảo vệ rừng, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Tham mưu xây dựng các đề án, dự án nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, giúp họ ổn định cuộc sống.

NGUYỄN TIẾN DŨNG


Số lượt đọc:  449  -  Cập nhật lần cuối:  14/04/2010 04:07:15 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH