Số 1+2

Vườn quốc gia Pù Mát mười năm không cháy rừng

Nằm về phía Tây Nam tỉnh Nghệ An, trên sườn đông của dãy Trường Sơn với tổng diện tích 91.113ha. Đây là vườn quốc gia rộng nhất, có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống (trên 110.000 người); Có hệ động thực vật đa dạng, phong phú nhất và có thành tích phòng chống cháy rừng tốt nhất, mười năm không xảy ra cháy rừng

Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn ba huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương (Nghệ An). Các nhà khoa học đã xác định trong vườn có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú nhất và cũng là nơi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khu vực và quốc tế. Với có 42 loài thú lớn, 20 loài thú nhỏ; 295 loài chim, 39 loài dơi, 12 loài thắn lằn, 25 loài rắn, 23 loài ếch, nhái; 82 loài cá; 11 loài rùa; 305 loài bướm ngày, 83 loài bướm sừng, 11 loài bướm Hoàng Đế. Nơi có sự đa dạng về thành phần loài thực vật với nhiều loài đặc hữu. Theo thống kê đến năm 2004, các Nhà khoa học trong và ngoài nước đã tiến hành điều tra, thu mẫu được 2.494 loài thực vật có mạch trong đó có một số loài quý như: pơ mu, sa mu, tuế, phong lan, sao hải nam... và nhiều loài thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ của Việt Nam và Thế giới.

Vườn quốc gia Pù Mát có diện tích rộng, rừng gần như nguyên sinh, giao thông hết sức khó khăn. Nằm trên sườn đông của dãy Trường Sơn, địa hình dốc núi đá cao và nhiều suối sâu, vực thẳm giáp với biên giới Việt – Lào. Dân số trong vùng đông, nằm trên 16 xã của ba huyện miền núi, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái và Đan Lai với trên 11 vạn dân, tập quán canh tác cả ngàn đời nay là phát rẫy, săn bắt động vật rừng, nhất là với trên 3.000 dân Đan Lai có hàng trăm năm nay sống nhờ vào rừng như săn bắt thú rừng, đốt ong lấy mật, khai thác lâm sản đổi lấy lương thực, hàng hóa và làm nương rẫy. Biên chế hơn tám mươi người cả bảo tồn, bảo tàng, nghiên cứu khoa học và sự vụ hành chính. Để giữ được rừng, mười năm không xảy ra cháy rừng Vườn Quốc gia Pù Mát luôn thực hiện tốt các giải pháp sau đây:

Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, dựa vào dân để giữ rừng: Như để chứng minh cho việc làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, dựa vào lực lượng nhân dân để giữ rừng, Ban giám đốc cho chúng tôi đi tham quan về khu bảo tàng, vừa giới thiệu các nguyên mẫu, tiêu bản động, thực vật được lấy mẫu trưng bày giới thiệu cho du khách và các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân. Trong suốt hơn mười năm kể từ khi thành lập, vườn luôn luôn tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động. Trước hết phối hợp với các trường học trong vùng, tổ chức giao lưu tuyên truyền, bằng hình thức văn nghệ, sân khấu hóa... đã lôi cuốn người dân đến xem. Tổ chức sáng tác xung quanh chủ đề quản lý bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái. Hàng tháng, Vườn phối hợp với đoàn thanh niên và các trường học trong vùng xuất bản tập san “Pù Mát xanh” có biên tập, chọn lọc và phát hành hàng trăm bản, phát đến tận các thôn, bản và các trường học trong vùng. Hàng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rừng cho cán bộ từ trưởng thôn bản trở lên. Phòng giáo dục môi trường thường xuyên bám bản, bám làng để tuyên truyền vận động nhân dân, hướng dẫn nhân dân biết trồng cây, con, cơ cấu mùa vụ hợp lý. Giải thích cho nhân dân rõ việc phát rừng làm rẫy, khai thác lâm, đặc sản, săn bắt động vật hoang dã trong vườn quốc gia là hủy hoại tài nguyên rừng, vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, làm tổn hại môi trường sinh thái. Bằng biện pháp kiên trì thuyết phục, giải thích nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu và thực hiện tốt, trong hơn mười năm qua diện tích rẫy trong khu vực vườn quản lý giảm dần và hiện nay cơ bản không còn, nhất là trong vùng lõm. Các xã vùng đệm như Môn Sơn, Lục Dạ, Yên Khê, Chi Khê, Châu Khê, Lạng Khê (huyện Con Cuông) đã chấm dứt việc phát đốt rừng làm rẫy). Việc khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép cơ bản được ngăn chặn. Việc đốt ong lấy mật, săn bắt động vật rừng quý hiếm được đẩy lùi. Nhân dân đã nắm chắc pháp luật, không vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, không đốt rừng làm nương rẫy... đây là nguyên nhân quan trọng để rừng quốc gia Pù Mát ngày càng tốt xanh độ che phủ đạt 98%. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực của vườn mười năm nay đã hết thời “con dao, mồi lửa” nên không có cháy rừng xảy ra.

Thứ hai: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm: Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Pù Mát Vi Văn Thưởng cho biết: Mặc dù lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích quản lý rộng. Hạt đã tham mưu cho Ban giám đốc về bố trí lực lượng kiểm lâm, thành lập 5 trạm kiểm lâm, thường xuyên túc trực, các anh điểm danh cho chúng tôi rõ từng trạm và thường xuyên liên lạc, lập đường dây nóng với các trạm, để có thông tin, kịp thời tăng cường lực lượng cơ động khi có sự cố xẩy ra. Từ Trạm Làng Yên, Pha Lài (Môn Sơn) quản lý vùng rừng Mường Quạ, chú ý theo dõi tốt việc ra, vào rừng của bà con nhất là khi vào rừng của đồng bào Đan Lai. Tuyệt đối theo dõi, không cho người lạ vào khu vực rừng quốc gia. Trạm Thác Kèm (Yên Khê) phải theo dõi và quản lý chặt du khách vào thăm thác Kèm, nhất là thanh niên vào mùa hè, mùa khô hanh nắng nóng. Rồi trạm khe Bu (xã Châu Khê), trạm Khe Thơi (xã Lạng Khê), trạm Tùng Hương (huyện Tương Dương), tùy theo đặc điểm và tính chất thời tiết, để có biện pháp theo dõi và kiểm soát chặt. Để bảo vệ vùng sâu, vùng lõm, các trạm thường xuyên tổ chức cắt rừng kiểm tra, phát hiện việc khai thác lâm, đặc sản rừng, việc đốt ong lấy mật, nhất là mùa khô hanh. Ban giám đốc vườn và các phòng ban thường xuyên có lịch đi kiểm tra, kiểm soát rừng, kịp thời nắm bắt thông tin, có kế hoạch bảo vệ, kịp thời chi viện, ứng cứu khi có sự việc xảy ra. Bên cạnh đó biện pháp xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm: Nhẹ thì khiển trách nhắc nhở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở để tiến hành kiểm điểm trước dân với người vi phạm; Nếu vi phạm pháp luật bảo vệ rừng thì phối hợp với công an huyện, kiểm lâm huyện và xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương để xử lý nghiêm, đưa ra xét xử công khai trước tòa án huyện. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, chính những biện pháp mạnh này với kẻ vi phạm cũng có tác dụng rất lớn để bảo vệ và quản lý rừng tốt hơn.

Thứ ba: Tích cực thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Để thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đảng ủy, Ban giám đốc đã tổ chức cho tất cả mọi cán bộ, công nhân viên chức của đơn vị tham gia học tập đầy đủ các chuyên đề về tấm gương sáng của Bác Hồ. Sau học tập mỗi người viết thu hoạch, có sự góp ý bổ sung của tổ, trạm, công đoàn cơ quan. Mỗi người sau khi học tập có kế hoạch thực hiện, có cam kết thi đua, lấy nhiệm vụ trung tâm là xây dựng đơn vị, quản lý bảo vệ rừng tốt, phát huy hết vai trò trách nhiệm, không để xảy ra cháy rừng tại địa bàn mình phụ trách. Căn cứ vào quy định và chức năng nhiệm vụ của đơn vị để xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, phẩm chất lối sống của cán bộ, đảng viên là công chức, nhân viên. Trên cơ sở nội dung thực hiện cuộc vận động lớn, đồng thời xây dựng nội dung cụ thể học tập, đề ra nội dung 3 xây 5 chống. 3 xây là: Xây dựng cho cán bộ, đảng viên, công chức có lập trường quan điểm vững vàng, nói, viết và làm đúng quan điểm đường lối của Đảng, nói đi đôi với làm, có lối sống lành mạnh, giản dị gần dân, sát nhân dân để tuyên truyền vận động nhân dân; Luôn đề cao trách nhiệm cá nhân, có ý thức tổ chức kỷ luật, có thái độ thẳng thắn, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, không ngừng học tập vươn lên, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng tác phong quần chúng, sâu sát thực tế, đoàn kết thống nhất trong toàn đơn vị, nêu cao tự phê bình và phê bình, phát huy quyền làm chủ, giáo dục động viên mọi người thực hiện tốt mọi chủ trương đường lối, tích cực thi đua quản lý và bảo vệ rừng. 5 chống là: Chống tiêu cực nhận hối lộ, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng, không vi phạm các tệ nạn xã hội; Chống vi phạm kỷ luật lao động, chống uống rượu bia trong giờ làm việc, chống bè phái mất đoàn kết... ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng; Chống phô trương hình thức, báo cáo sai sự thật, lợi dụng mê tín, dị đoan... ảnh hưởng đến nhiệm vụ trung tâm, làm sai pháp luật, ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng; Chống lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai quy định Nhà nước nhất là sai quy định bảo vệ và quản lý rừng; Chống đả kích, vu cáo, xúc phạm, trù dập, trấn áp người tố cáo phê bình góp ý cho mình khi có hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu tiếp tay vi phạm.

Bằng những biện pháp trên nên hơn mười năm qua không có vụ cháy rừng nào xảy ra, rừng Pù Mát ngày càng xanh, trở thành khu sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Pù Mát đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận giữ tốt môi trường sinh thái và trao giải nhất “Môi trường Việt Nam” Với trị giá 20 triệu đồng tiền thưởng. Ngoài các giải thưởng trên, có một giải thưởng to lớn hơn đó là lòng tin của hơn 11 vạn dân các dân tộc thiểu số, sống trong khu vực vườn quản lý, luôn luôn tin yêu và ủng hộ nghe theo cán bộ kiểm lâm, cùng họ giữ cho rừng luôn xanh tươi, bền vững.

PHÙNG VĂN MÙI
Số lượt đọc:  459  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:47:38 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH