Số 1+2

Tết cổ truyền của người Dao Thanh Hóa

Thanh Hóa, người Dao, hay còn gọi là người Mán, người Giáo, cư trú trên những dãy núi cao tại các huyện Mường Lát, Ngọc Lặc và Cẩm Thủy. Người Dao Thanh Hóa có hai nhóm Dao quần chẹt và Dao tiền. Dao quần chẹt sinh sống chủ yếu tại huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc; Dao tiền ở vùng cao Mường Lát (xã Quang Chiểu và Pù Nhi).

Người Dao có nhiều nét văn hóa đặc sắc của con người vùng cao, trong đó lễ, tết là quan trọng nhất trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng trước kia cũng như hiện nay.

Tết cổ truyền của người Dao diễn ra cùng dịp với Tết Nguyên đán của người Việt, thường sớm hơn nửa tháng và kết thúc tương tự. Vào những ngày giáp Tết (tháng 12 âm lịch) dân bản tập trung tại nhà trưởng bản hoặc một nhà nào đó theo phiên để cùng nhau tiến hành "Tết Nhảy". Tết Nhảy này, người ta khua chuông, gõ trống, phất cờ, hát hò và nhảy múa.

Quãng 29-30 tháng chạp, các thầy cúng lần lượt đến từng nhà để hành lễ, trừ tà, đuổi ma, dán bùa lên xà cửa, ngăn không cho cái xấu, cái ác đột nhập vào trong.

Đêm giao thừa, người Dao cắm hương trước nhà, dẫn lối cho vong hồn ông bà về ăn Tết (người Dao phải di cư nhiều lần đến nhiều địa điểm khác nhau, nên lễ này rất quan trọng để có thể liên hệ với tổ tiên) và cắm hương ở cạnh bếp để cầu mong năm mới có nhiều thứ được nấu ở đây.

Đúng giao thừa, các gia đình tấp nập ra suối múc nước, vẫn là chỗ lấy nước mọi ngày, được mọi người trân trọng cất lên bàn thờ, còn bao nhiêu để rửa tay chân, mặt mũi, coi đó là điều lành báo hiệu sự no ấm, hạnh phúc của tương lai. Trong các nhà, vị trưởng lão nhâm nhi rượu nóng. Họ lắng nghe ngoài trời xem con vật gì cất tiếng kêu trước nhất lúc đầu năm mới. Họ lầm rầm khấn nguyện, mong là con cú mèo chứ đừng là con quạ ô hay lũ chuột quái ác vì theo quan niệm của người Dao, con cú mèo là biểu hiện của sự xum vầy, tươi tốt, bình yên.

Sớm mùng một, lúc trời còn tối, một người trong nhà thường là trai tráng, khỏe mạnh, tay cầm đuốc, tay cầm dao chạy ra ngoài ngõ rồi chạy quay vào trong nhà, chém vào không khí, miệng hô hoán "đuổi nốt con ma cuối cùng" ra khỏi nhà mình. Sau đó, xúm xít chuẩn bị buổi cơm cúng đầu tiên năm mới. Gia đình người Dao là gia đình nhiều thế hệ (đa đại đồng đường) do vậy, có bao nhiêu cặp vợ chồng thì cũng có bấy nhiêu mâm cỗ để bái vọng bấy nhiêu cho hương hồn họ ngoại (người đã có công sinh thành những người con dâu cho gia đình mà chưa có dịp đền đáp).

Bàn thờ của người Dao bắt buộc phải có hai cành đào đỏ và mận trắng. Nếu không có hoa thực thì phải làm bằng giấy thay vào.

Bánh tết của người Dao hình tròn, dài như một ống tre ngắn, tầm bắp tay người lớn. Bánh được gói bằng lá dong nan và lá chuối, được gọi là bánh dầy.

Gia đình người Dao nào cũng có một con lợn, thậm chí là một con lợn to. Các món ăn được chế biến đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn hợp khẩu vị của khách là người dân tộc khác. Thịt chủ yếu là ướp muối để ra giêng đồng bào ăn dần.

Trong những ngày Tết, những người phụ nữ Dao luôn mặc quần áo truyền thống, hoa văn phong phú, đầy sức quyến rũ, thể hiện bản sắc văn hóa tộc người và tính chịu thương chịu khó của thiếu nữ Dao. Ngày Tết đã thực sự hấp dẫn trí tuệ và đạo đức. Mỗi gia đình người Dao thường có vài cặp câu đối Tết dán ở hai gian chính diện và hai bên cửa ra vào. Đó là chữ người Dao tự viết lấy và viết tặng nhau bằng mực tàu trên giấy đỏ, nét chữ đã thảo theo mẫu tự Nôm - Dao nội dung phong phú, ý tưởng cao siêu.

Ngày nay, trong những ngày tết, người Dao Thanh Hóa vẫn còn giữ nhiều truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều nét văn hóa đã mai một. Do vậy chúng ta cần bảo lưu, giữ gìn sắc thái văn hóa tộc người nói chung và lễ tết của người Dao nói riêng nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng ngày càng phát triển.

HOÀNG NGỌC TÀI


Số lượt đọc:  270  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 09:13:32 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH