Số 1+2

Sử dụng đất lâm nghiệp ở Bắc Giang hiện trạng và giải pháp

Bắc Giang là tỉnh miền núi, hiện có 166.609ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp (chiếm 43,5% diện tích đất tự nhiên của tỉnh). Quy hoạch cho rừng phòng hộ là 20.958ha (12,6%); rừng đặc dụng là 13.023ha (7,8%); rừng sản xuất là 132.628ha (79,6%). Hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã phù hợp với kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt. Các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, được Nhà nước giao đất, giao rừng đều quản lý sử dụng đúng mục đích. Diện tích đất quy hoạch cho rừng sản xuất tăng lên tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế huy động mọi nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp. Thực tế cho thấy hiện nay ngoài các giá trị về bảo tồn và môi trường, thì rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhất là rừng trồng bằng các loại giống mới, đầu tư theo phương thức thâm canh, cho thu nhập kinh tế cao, làm cho phong trào trồng rừng trong nhân dân ngày càng phát triển mạnh. Nhìn chung rừng giao cho các hộ gia đình được quản lý, bảo vệ tốt ít bị cháy phá. Trong những năm gần đây do nhu cầu về gỗ nguyên liệu trên thị trường tăng cao, gỗ rừng trồng được giá, dễ tiêu thụ đã khuyến khích các hộ gia đình đầu tư vốn, nhân lực vào trồng, chăm sóc bảo vệ rừng. Bên cạnh những mặt tích cực, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn những tồn tại. Đó là việc bàn giao diện tích rừng và đất lâm nghiệp giữa các chủ quản lý sau rà soát quy hoạch 3 loại rừng chưa kịp thời (ở Sơn Động); một số nơi chưa phân định rõ ranh giới giữa đất rừng phòng hộ, đất rừng của các tổ chức với đất sản xuất của nhân dân, một số người dân địa phương phá rừng tự nhiên trái phép để trồng rừng kinh tế. Diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng diện tích đất của toàn tỉnh (43,5%), nhưng tỷ trọng kinh tế lâm nghiệp trong GDP rất thấp; hơn 132 nghìn hécta rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho rừng sản xuất chưa đem lại hiệu quả kinh tế tương xứng với tiềm năng của nó. Các hộ gia đình, cá nhân chiếm một diện tích rất lớn (90.629,3ha, chiếm 54,4%) nhưng nhìn chung diện tích đất này chưa được sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Cụ thể, có 22.160,7ha rừng tự nhiên chưa được phép khai thác; 27.388ha cây ăn quả trồng trên đất lâm nghiệp là nơi có độ dốc lớn, đất xấu, điều kiện chăm sóc không thuận lợi, thị trường tiêu thụ khó khăn nên hiệu quả kinh tế rất thấp; trong hơn 26 nghìn hécta rừng trồng thì có hơn 19 nghìn hécta rừng trồng bằng nguồn vốn của Chương trình 327 và của Dự án 5 triệu hécta rừng, mặc dù đã chuyển sang rừng sản xuất nhưng đến nay vẫn chưa được phép khai thác, còn lại là gần 6 nghìn hécta diện tích rừng non chưa khai thác được. Đối với diện tích hơn 21 nghìn hécta rừng và đất lâm nghiệp hiện do UBND các xã đang trực tiếp quản lý hiệu quả kinh tế lại càng thấp, rừng và đất rừng không được quản lý bảo vệ chặt chẽ; ngoài ra còn hơn 16 nghìn hécta đất đồi núi chưa sử dụng (không được quy hoạch cho lâm nghiệp) cũng chưa được sử dụng để phát huy hiệu quả kinh tế. Sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong quản lý sử dụng đất lâm nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu thống nhất. Có sự khác nhau rất lớn về số liệu hiện trạng quản lý sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên Môi trường, từ đó gây nhiều khó khăn, bất cập trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

Để phát huy tiềm năng về đất lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp. Đó là, khẩn trương cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng theo kết quả rà soát 3 loại rừng đã được phê duyệt, đồng thời cắm mốc ranh giới rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức kinh tế, các ban quản lý rừng. Trong quá trình cắm mốc cần xem xét để điều chỉnh những diện tích đất quy hoạch chưa phù hợp, hoặc những diện tích giao cho các tổ chức quản lý nhưng không phù hợp với thực tế ở địa phương. Triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng, giao ngay diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý cho hộ gia đình, cá nhân để đất và rừng có chủ thực sự; rà soát cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tạo điều kiện cho chủ rừng sản xuất kinh doanh theo chế độ chính sách hiện hành. Quy hoạch đưa vào sử dụng hơn 16 nghìn hécta đất đồi núi chưa sử dụng để tránh lãng phí đất. Hướng dẫn, khai thác hợp lý rừng trồng phòng hộ, đặc dụng trồng bằng nguồn vốn của Chương trình 327 và Dự án trồng mới 5 triệu hécta rừng nay đã được quy hoạch là rừng sản xuất để thu hồi sản phẩm, tránh gây thất thoát vì hiện nay nhiều diện tích rừng đã đến tuổi thành thục; tận dụng đất cho chu kỳ trồng rừng mới. Triển khai dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008-2015, nhằm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, phủ xanh toàn bộ diện tích đất trống đồi núi trọc phát huy tiềm năng đất sẵn có của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường trong sản xuất kinh doanh lâm nghiệp. Nhà nước đã có chính sách cho phép cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, nhưng trên địa bàn tỉnh mới quan tâm đến cải tạo rừng tự nhiên của các tổ chức kinh tế. Thời gian tới cần quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân cải tạo diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng khoanh nuôi thành rừng, đã được cấp có thẩm quyền giao đất để trồng rừng phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp sớm rà soát khuyến khích và có chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích cây ăn quả trồng trên đất lâm nghiệp có hiệu quả thấp sang trồng rừng kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động khuyến lâm để hỗ trợ nhân dân giống, vốn, kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích cây ăn quả trồng trên đất lâm nghiệp đang cho thu hoạch ổn định thì chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với loài cây trồng và mục đích sử dụng đất thực tế. Ngành nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường cần sớm thống nhất các tiêu chí, nội dung để thống kê, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp từ đó thống nhất số liệu về rừng và đất lâm nghiệp làm cơ sở tham mưu cho chính quyền địa phương trong quản lý sử dụng đất. Với thế mạnh và tiềm năng sẵn có ở địa phương và sự quan tâm chỉ đạo chỉ đạo kịp thời của các cấp chính quyền ở địa phương, kinh tế lâm nghiệp của Bắc Giang sẽ phát triển, đem lại những hiệu quả to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường.

HÀ MINH QUÝ
Số lượt đọc:  3010  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:56:08 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH