Số 1+2

"Rỉ máu" rừng Mũi Cà Mau

Từ căn nhà làm việc của các chuyên gia nghiên cứu, nằm lọt thỏm trong phân khu hành chính dịch vụ Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nhìn ra phía sau là vạt rừng dày đặc, xanh thẳm. Có lẽ khu rừng này vừa mới thực hiện công tác lâm sinh nên trông thật đẹp mắt. Những thân cây đước hơn chục tuổi thẳng đứng nối dài, hệ sinh thái rừng ngập mặn khu vực này gần như còn nguyên vẹn. Nhưng ở phía xa hơn, bên trong ruột rừng và những khu vực rừng giáp với các tuyến dân cư; rừng đang bị “rỉ máu” vì sự tàn phá của con người.

Rừng chưa bình yên

Anh Nguyễn Chí Lâm, cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đưa chúng tôi đi sâu vào ruột rừng. Từ Trạm kiểm lâm Cái Đôi rẽ vào kinh xáng Cái Đôi một bên là ranh giới của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, bên kia là địa phân của Công ty lâm nghiệp Ngọc Hiển quản lý có tuyến dân cư sinh sống dưới tán rừng. Sự bố trí dân cư sinh sống xen kẽ trong ruột rừng như thế đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Vì cuộc sống mưu sinh người dân ven rừng đã lén lút vào rừng để chặt phá cây rừng và khai thác các loài thủy sản dưới tán rừng trái phép. Cách Trạm kiểm lâm Cái Đôi hơn 2km thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, hôm chúng tôi đến một vạt rừng cập mé kinh xáng đã bị người dân chặt phá lỏm chỏm, chỉ cách vài trăm mét là có một lỏm rừng bị người dân đốn đi, cành, ngọn cây rừng còn để đó tứ tung; thậm chí có khu vực cây rừng bị chặt phá còn nằm ngổn ngang chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Thắng, Quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau bức xúc: “Thời gian gần đây tình trạng người dân xâm hại đến tài nguyên rừng quốc gia xảy ra khá phổ biến. Dọc theo tuyến kinh xáng Xẻo Đôi, khu vực xã Đất Mũi, Viên An, Cồn Cát, Trảng Sáo là những khu vực trọng điểm cây rừng bị chặt phá. Tuy diện tích bị thiệt hại không lớn, nhưng cây rừng bị chặt phá rải rác ở nhiều khu vực trong lâm phần Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Và tình trạng phá rừng còn diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý”.

Anh Võ Duy Phước, cán bộ kỹ thuật Hạt kiểm lâm Ngọc Hiển vừa đi khảo sát thực tế tình hình phá rừng ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau khẳng định: Rừng quốc gia Mũi Cà Mau đang bị người dân chặt phá rải rác ở nhiều khu vực, nhưng phổ biến nhất là ở khu vực Xẻo Còng Cọc, khu vực phía sau khu dân cư Xẻo Cạn và Rạch Cái Đôi giáp với Ban quản lý rừng phòng hộ Đất Mũi. Thủ đoạn phá rừng là chặt ở mỗi khoảnh rừng chỉ vài chục cây, rồi hôm sau dịch chuyển sang khu vực khác nên lực lượng kiểm lâm rất khó phát hiện và xử lý. Hơn nữa, dưới tán rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, nhất là khu vực ven biển người dân thường xuyên vào rừng bắt vọp, ốc len, cua, ba khía... làm phá vỡ tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi cư trú của các loài sinh vật ở vùng ven biển.

Kiểm lâm bó tay

Theo Anh Nguyễn Văn Thắng, Quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, sở dĩ tài nguyên rừng bị tàn phá là do dân cư sinh sống trong vùng lõi và trong ruột rừng Vườn quốc gia khá lớn, gần 2.000 hộ. Phần lớn là dân nghèo và dân di cư tự do từ các nơi khác đến chỉ biết bám vào tài nguyên rừng, biển để sinh sống. Hơn nữa địa bàn rộng chạy dài từ rạch Trương Phi đến cửa Bảy Háp, hơn 80km, sông rạch chằng chịt, khi nước lớn lên xuồng ghe dễ dàng len lỏi vào rừng, nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm mỏng. Tháng 7 vừa qua, nguồn vốn đầu tư dự án 661 bị cắt, nên kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng ít đi, Hạt kiểm lâm phải thu hẹp lại bộ máy hoạt động, từ 10 trạm kiểm lâm xuống còn 6 trạm nên khả năng quản lý rừng bị thu hẹp lại.

Cái khó nhất hiện nay là hình thức phá rừng của người dân rất đa dạng, phức tạp. Đa số họ vận chuyển cây rừng bằng bè. Mỗi bè như thế khoảng một chục cây đước, hai đầu được cột vào can nhựa hay thùng thả trôi dưới sông, nếu kiểm lâm đi tuần phát hiện những bè cây như thế cũng chẳng làm được gì họ, bởi không bắt được quả tang họ vận chuyển cây rừng trái phép. Một số khác thì vận chuyển bằng cách bè cây theo xuồng, nếu gặp kiểm lâm chỉ cần một động tác chặt dây bè cây cho chìm xuống nước. Cứ thế mỗi ngày qua đi rừng quốc gia Mũi Cà Mau lại bị tàn phá nhiều hơn. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm thì chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn.

Lò than trái phép lại bùng phát

Nằm cách phía sau UBND xã Đất Mũi không xa là khu dân cư Xẻo Cạn, nơi đây có gần 100 hộ dân sinh sống, chủ yếu là dân di cư tự do, đời sống của họ còn gặp nhiều khó khăn. Nơi đây nằm trên lâm phần Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Mấy tháng nay ở khu vực này lại bùng phát tình trạng dân hầm than trái phép. Anh Đỗ Thanh Nhiệm, Trạm trưởng, Trạm Kiểm lâm Cái Đôi bức xúc: “Hôm trước lực lượng kiểm lâm vào tận khu dân cư này phá dỡ 21 lò than, khi lực lượng rút đi chỉ vài ngày sau họ xây lại lò than khác. Và mới tuần rồi, chúng tôi tiếp tục phá dỡ thêm 16 lò than nữa, nhưng tình hình cũng không giảm cho mấy. Cái khó cho lực lượng kiểm lâm là họ xây dựng lò than ngay bìa rừng, khi kiểm lâm đến kiểm tra phá dỡ thì không có hộ dân nào nhận là chủ lò than, nên không thể xử phạt được. Còn các lò than khác được xây dựng xen kẽ trong khu dân cư khi lực lượng vô đầu xóm thì chủ nhà bỏ đi mất nên cũng không thể làm gì được, cùng lắm là đập bỏ lò than xây dựng trái phép. Nhưng vài ngày sau họ sẽ làm lại và tiếp tục phá rừng để hầm than, công tác quản lý địa bàn gặp rất nhiều khó khăn”.

Theo anh Đỗ Thanh Nhiệm, biện pháp đập bỏ lò than xem ra không hiệu quả. Vì đa số dân cư nơi đây đều nghèo khó, họ chỉ biết bám vào tài nguyên rừng và khai thác các loài thủy sản dưới tán rừng để sinh sống. Khi nguồn lợi tự nhiên cạn kiệt dần thì họ chuyển sang hầm than để kiếm sống. Nếu chúng ta đập vỡ nồi cơm của họ thì bằng cách này hay cách khác họ sẽ làm lại để kiếm sống. Biện pháp cần làm là tổ chức sắp xếp lại các tuyến dân cư sinh sống ven rừng, tạo công ăn việc làm cho họ. Đến khi nào cuộc sống của người dân ven rừng, ven biển này ổn định thì khi đó hệ sinh thái rừng ngập mặn Vườn quốc gia Mũi Cà Mau mới được bình yên.

NGÔ ĐỨC TOÀN
Số lượt đọc:  271  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:41:42 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH