Số 1+2

Quản lý rừng ở Malaysia

Theo Hiến pháp liên bang Malaysia, đất đai, tài nguyên rừng cũng như các loại tài nguyên thiên nhiên khác thuộc chủ quyền Nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý đất đai, lãnh thổ thuộc chủ quyền từng bang. Nếu Liên Bang muốn lập những khu vực riêng (thí dụ sân bay Kuala Lumpur, khu vực thủ đô hành chính mới, khu công nghệ cao...) thì Chính phủ Liên Bang phải mua đất của bang.

Liên Bang đã lập quy hoạch đất từ những năm 1960, đã xác định lâm phận ổn định gồm những diện tích đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên dành cho việc kinh doanh gỗ và lâm sản lâu dài. Lâm phận ổn định được phân làm 4 loại chính là rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng giải trí và rừng nghiên cứu giáo dục.

Tất cả những khu rừng ở trên độ cao 1.000mét đều xếp loại rừng phòng hộ. Cục trưởng Cục lâm nghiệp Malaysia có thể phân chia các loại rừng chi tiết hơn theo Điều 10, Luật lâm nghiệp Malaysia (sau đây gọi là Luật số 313 năm 1984). Rừng bảo tồn cũng do lâm nghiệp quản lý (nằm trong rừng phòng hộ), vườn quốc gia do Cục bảo vệ động vật hoang dã và Vườn quốc gia thuộc Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường quản lý.

Chính sách lâm nghiệp tổng quan của Malaysia (năm 1978, bổ sung năm 1992) bao gồm 8 vấn đề: Cơ sở pháp lý; Trồng rừng; Nông lâm kết hợp; Sản phẩm ngoài gỗ; Lâm nghiệp cộng đồng; Bảo tồn đa dạng sinh học; Những giá trị khoa học đặc biệt của rừng; Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp;

Cục lâm nghiệp Malaysia thành lập từ năm 1901. Văn bản pháp luật đầu tiên về lâm nghiệp có từ năm 1884. Luật Lâm nghiệp hiện hành là Luật 212 năm 1984, đã sửa đổi, bổ sung năm 1993 theo hướng: Tăng cường xử phạt đối với các hành vi phá rừng và khai thác lâm sản bất hợp pháp (tăng mức phạt tiền tối đa từ 5.000RM lên 500.000RM, tăng mức phạt tù tối đa từ 4 năm lên 14 năm); tăng cường phối hợp với quân đội trong bảo vệ rừng (ngành lâm nghiệp có quyền yêu cầu quân đội tham gia giúp đỡ bảo vệ rừng tại những khu vực nhất định)... Cục lâm nghiệp bán đảo Malaysia có 1 tổng giám đốc, 2 phó tổng giám đốc, 9 phòng nghiệp vụ (Quản lý rừng, Thiết kế rừng, Công nghiệp rừng, Phòng các chức năng đặc biệt, Đào tạo, Kế hoạch, Kinh tế lâm nghiệp, Lâm sinh, Trồng rừng) và 11 sở lâm nghiệp của các bang trên bán đảo. Sở lâm nghiệp bang Sabah, Sở lâm nghiệp bang Xarawak có thẩm quyền tương đối độc lập so với Cục lâm nghiệp Malaysia. Cục trưởng Cục lâm nghiệp quản lý cán bộ lâm nghiệp có trình độ đại học trở lên (tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động,...). Đối với cán bộ lâm nghiệp dưới trình độ đại học do Sở lâm nghiệp bang quản lý (số người này phải mặc đồng phục khi làm việc).

Để phối hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, Liên Bang đã thành lập Hội đồng lâm nghiệp quốc gia do phó thủ tướng làm Chủ tịch, các ủy viên là Cục trưởng Cục lâm nghiệp, lãnh đạo các bộ liên quan như Nông nghiệp, Ngoại thương, Nội thương, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Tài chính, đại diện Hội đồng lâm nghiệp các bang... Các chính sách quan trọng về lâm nghiệp đều phải được hội đồng xem xét thông qua. Tại các bang có luật pháp, chính phủ, sở lâm nghiệp, các cơ quan hành chính khác và hội đồng lâm nghiệp của bang (do thủ hiến bang đứng đầu).

Việc khai thác rừng tự nhiên hoàn toàn do Nhà nước quản lý theo các kế hoạch điều chế đã được xác định. Phương pháp khai thác là chặt chọn theo đường kính (trên 40cm đối với cây không phải là họ dầu và trên 45cm đối với cây họ dầu, trường hợp các loại cây quý hiếm thì phải nâng đường kính khai thác chọn lên cấp đường kính 60cm hay cao hơn). Khi khai thác phải tiến hành điều tra trước khai thác, bài cây. Số lượng các cây thuộc lớp kế cận (đường kính 30cm đến 45cm) phải trên 32 cây/ha. nếu không đủ phải chừa lại những cây đường kính trên 45cm; nếu trữ lượng được tính dưới 28m3/ha thì không được khai thác rừng. Sau khi khai thác cũng phải điều tra lại rừng và theo dõi trong luân kỳ khai thác 30 năm. Rừng sau khai thác phải được Cục hoặc sở lâm nghiệp tổ chức tu bổ, vệ sinh rừng, phục hồi rừng, làm giàu rừng, điều tra đánh giá thế hệ cây kế cận... Rừng trồng của các chủ rừng: Nếu khai thác để dùng trong nhà thì không phải xin phép. Nếu khai thác với mục đích thương mại thì phải thiết kế khai thác và xin phép cơ quan quản lý rừng.

Trong việc bảo vệ rừng, xử phạt những hành vi tái phạm (vi phạm lần 2 thì phải ra tòa và chịu phạt ít nhất 1 năm tù). Khuyến khích vật chất thỏa đáng cho người phát hiện (thông báo cho cơ quan lâm nghiệp) cũng như cán bộ lâm nghiệp có thành tích bảo vệ rừng.

Các bang có quyền giao đất, cho thuê đất, cho thuê rừng theo lệnh của thủ hiến bang. Nói chung không giao khu rừng lớn cho công ty. Chỉ có hai công ty được thuê đất và rừng với diện tích lớn hơn 150.000ha để tổ chức các khu chế biến công nghiệp gỗ hoàn chỉnh từ khâu cung cấp nguyên liệu, chế biến xuất khẩu.

Có 3 cách thuê rừng: Ký hợp đồng lâu dài với các công ty lớn; đấu thầu cho thuê rừng để khai thác gỗ; các hợp đồng cho thuê đất để trồng rừng với các diện tích nhỏ. Khi trúng thầu khai thác rừng, phải ký hợp đồng thỏa thuận với cơ quan quản lý rừng về các công việc được làm, trả tiền thuê đất trong thời gian sử dụng cho việc khai thác gỗ (thuế tài nguyên rừng) và phí phục hồi rừng. Phí phục hồi rừng 10RM/m3 và thuế tài nguyên rừng được nộp vào quỹ phát triển rừng của bang (quỹ này được xây dựng từ năm 1974) dùng để chi cho việc tu bổ, phục hồi rừng, trồng rừng mới... Nếu quỹ phát triển rừng không đủ chi phí cho các hoạt động lâm sinh theo luật định thì chính quyền bang sẽ bù đắp ngân sách từ các khoản thu khác để cho công việc này. Sản lượng gỗ khai thác năm 2000 của Malaysia đạt hơn 2,8 triệu mét khối gỗ xẻ (tương đương 4 triệu mét khối gỗ tròn) gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng. Trong số những diện tích khai thác rừng, ngoài các diện tích chặt chọn theo phương án điều chế còn có các diện tích rừng khai thác trắng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

ĐỖ DUY TỐN - TRỊNH ĐỨC HUY


Số lượt đọc:  640  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 09:20:01 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH