Số 1+2

"Lâm tặc" trở thành triệu phú trồng rừng

Những năm sáu mươi của thế kỷ 20, ông Tăng Đức theo bố mẹ từ xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy chạy lũ vỡ đê về xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Gia đình đóng trại dưới chân núi Lưỡi Hái. Năm 1961, Lâm trường Tam Thắng bước vào giai đoạn khai thác mở rộng, núi Lưỡi Hái trở thành kho gỗ, Đức xin vào làm công nhân khai thác, tuổi trẻ đã giúp Đức xông pha và từ công nhân Đức sang làm lâm tặc khi nào thật khó cắt nghĩa. Chặt phá mãi, núi Lưỡi Hái dần thành đồi trọc. Năm 1989, chiến dịch khai thác kết thúc, lâm trường không có tiền trả công và đã gán cho Đức chiếc xe "Zin khơ", chiếc xe không làm anh đổi đời mà lại làm gia đình anh ngày càng khó khăn hơn.

Năm 1995-1996 của thế kỷ 20, rừng Lưỡi Hái cơ bản phá xong, diện tích lúa nước đã ít lại không đủ nước. Người dân trong vùng đua nhau lên núi phát cỏ dại làm nương. Giữa lúc đó huyện triển khai dự án 327, Lâm trường tiến hành giao đất, giao rừng cho người dân, nhưng chẳng mấy ai dám nhận. Họ lo ngại cũng đúng, đồi núi loang lổ cỏ dại với những vạt nương nham nhở không một bóng cây to thế thì làm sao có rừng mà nhận. Vả lại buồng cau, trái chuối nhà mình còn không giữ được nữa là cây trên rừng.

Nhận thấy đây là cơ hội làm kinh tế có nhiều triển vọng, anh Đức làm hợp đồng nhận chăm sóc bảo vệ 224ha rừng đầu nguồn theo chương trình dự án 327 và 75ha rừng của lâm trường, kết hợp với đất thuê, mượn của người dân quanh vùng, hơn 500ha đất rừng thuộc quyền gia đình anh quản lý. Đất có nhưng không thể bắt tay vào trồng rừng khi bà con vẫn canh tác lúa nương. Đợi bà con thu hoạch xong, anh Đức xuống lâm trường mua 2,5 tạ hạt bồ đề về vãi trên vùng đất mới. Những vạt núi trọc dần được phủ xanh đã mang lại niềm phấn khích không chỉ cho riêng gia đình anh Đức mà cả người dân quanh vùng. Năm 1996, những người đố kị đã phá mất của anh 29 vạn cây bạch đàn giống, được nhân dân trong xóm, xã ủng hộ phối hợp với cơ quan điều tra đã tìm ra thủ phạm.

Để bảo vệ và phát triển rừng, anh thuê 4 gia đình dọn vào ở sâu trong rừng. Tại nơi ở, các hộ đã khai hoang được hơn 10 mẫu ruộng trồng lúa nước. Anh bỏ tiền ra mua máy cắt cỏ, máy phun thuốc trừ sâu, máy cày,... Mỗi gia đình được giao 3-4 mẫu ruộng và vài con bò giống. Nhân lực được thuê trồng rừng là người địa phương đặc biệt là những người hay phá rừng. Nhờ vậy, nhiều năm liền, không xảy ra hiện tượng phá rừng. Rừng được chăm sóc bảo vệ tốt đã phục hồi nhanh chóng. Hiện nay "rừng ông Đức" được đánh giá là có trữ lượng , chất lượng gỗ tốt nhất trên địa bàn huyện. Rừng đầu nguồn được bảo vệ, tái sinh, các loài động vật hoang dã quý hiếm xuất hiện trở lại ngày một nhiều. Hiệu quả nhất từ việc bảo vệ rừng mang lại là sự xuất hiện dồi dào của mạch nước ngầm. Vài năm trước đây rừng cạn kiệt, người dân quanh vùng lao đao vì thiếu nước sản xuất. Mọi người còn nhớ rất rõ vào vụ cấy, người người, nhà nhà phải mò mẫm dậy từ nửa đêm gà gáy đê canh nước ruộng của nhà mình vì sợ bị tháo trộm. Hiện tượng đó nay đã chấm dứt. Các nguồn thu từ rừng của ông Đức ngày một nhiều. Đàn bò sinh sản hàng trăm con và diện tích rừng sản xuất đến tuổi khai thác đem lại cho ông đều đặn 500 đến 600 triệu đồng mỗi năm.

Năm 2005, trong lần lên xã Yên Hương, ông thấy phần lớn đất rừng được giao vẫn bỏ trống. Có hộ dân nhận đến gần 100ha từ năm 1997 đến nay vẫn bỏ hoang. Tìm hiểu kỹ ông được biết đất bỏ hoang là do người dân thiếu vốn. Không đành lòng trước nguồn tài nguyên lớn như vậy bị bỏ phí, ông bàn với lãnh đạo xã thông báo cho mọi người hình thức liên kết trồng rừng. Theo đó ông bỏ toàn bộ vốn đầu tư cây giống, phân bón, công trồng, bảo vệ, hướng dẫn kỹ thuật... đến khi khai thác sẽ ăn chia sản phẩm. Với vốn bỏ ra trên hai trăm triệu đồng, đến nay ông đã có thêm 80ha rừng trồng tại xã Yên Hương. Rất nhiều hộ dân đang tìm đến ông xin tham gia liên kết.

HOÀNG BIỂU
Số lượt đọc:  450  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:42:55 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH