Số 1+2

Kinh tế gò đồi ở Thanh Hóa

Thanh Hóa là một trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên 11.106,8km2, chiếm 3,37% diện tích tự nhiên của cả nước. Tổng diện tích lâm nghiệp 629.100ha, trong đó đất chưa có rừng 117.585ha và phần lớn nằm ở vùng gò đồi. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Khoa học công nghệ, thì khái niệm vùng đồi được hiểu là “Một dải chuyển tiếp giữa vùng núi cao với vùng đất phù sa đồng bằng ven biển, bao gồm những đồi bát úp xen kẽ với bản làng và đồng ruộng mà thường gọi là vùng bán sơn địa hoặc gồm những ngọn đồi thoai thoải liền kề nhau có nơi kéo dài đến sát biển và thường có độ cao từ 25-300m so với mặt biển, có độ dốc trung bình 25-30 độ”.

Như vậy vùng gò đồi là một vùng sinh thái chứ không phải là vùng hành chính, và mặc dù còn những tiêu chí khác, nhưng khái niệm gò đồi được hiểu gần với khái niệm đất trống đồi núi trọc (ĐTĐNT), các chính sách về lâm nghiệp đối với diện tích ĐTĐNT là cách thức đối xử của chúng ta với vùng kinh tế gò đồi, một tiềm năng còn rất lớn của kinh tế lâm nghiệp.

Thanh Hóa là tỉnh sớm có nhiều chính sách phát triển kinh tế vùng đồi. Đặc biệt các chương trình đầu tư của Trung ương về phát triển kinh tế lâm nghiệp như 327, 661..., các dự án đầu tư nước ngoài phần lớn tập trung cho phát triển lâm nghiệp trung du. Các chính sách này đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi. Độ che phủ của rừng tăng nhanh, thu hẹp diện tích ĐTĐNT từ 268.000ha xuống 117.000ha vào năm 2007. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân miền núi được cải thiện rõ rệt, nhiều hộ gia đình giàu lên từ kinh tế rừng, kinh tế trang trại. Họ gắn bó thiết tha với rừng và đang tích cực đầu tư để làm giàu một cách ổn định vững chắc từ chính vốn rừng và đất đai mà họ có trong tay.

Tuy nhiên quá trình thực hiện, các dự án đã bộc lộ một số nhược điểm làm cho hiệu quả đầu tư không đạt được như mong muốn. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa đặt người dân vào vai trò trung tâm khi tham gia các quyết định của cộng đồng. Lợi ích thực sự cuối cùng của Nhà nước và của người nông dân chưa thống nhất, gắn với nhau, người dân tham gia các dự án chưa phải là người chủ thật sự.

Mấy năm gần đây, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường (cũ) đã đầu tư cho Thanh Hóa Dự án xây dựng mô hình kinh tế lâm nông kết hợp trên vùng gò đồi nghèo khó xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy. Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã tạo được các mô hình trình diễn về kinh tế tổng hợp vùng gò đồi gồm cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây nông lâm kết hợp và chăn nuôi để phát huy tối đa tiềm năng đất đai. Mở rộng diện tích có rừng từ 990ha lên 1.320ha đạt độ che phủ 43% trong đó có 230ha cây ăn quả tập trung, góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Đào tạo được một đội ngũ kỹ thuật viên tại chỗ cho trưởng thôn và các hộ nông dân, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho gần 600 lượt người, đặc biệt là người Dao. Khi Dự án kết thúc người nông dân có kiến thức làm ăn, tự mở rộng và phát triển kinh tế vùng đồi một cách ổn định. Đến nay Dự án Cẩm Châu vẫn có một giá trị lý luận và thực tiễn về phát triển lâm nghiệp cộng đồng.

Trong quá trình theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp vùng gò đồi, kết hợp trực tiếp chỉ đạo Dự án Cẩm Châu, chúng tôi thấy cần khắc phục một số nhận thức về khai thác sử dụng vùng đồi Thanh Hóa và các chính sách phát triển. Trước hết xét về khía cạnh môi trường sinh thái thì không phải tất cả diện tích ĐTĐNT đều phải bắt buộc trồng lại rừng. Trồng rừng tập trung sẽ tạo được một sản lượng hàng hóa lớn thuần chủng, nhưng hiệu quả phòng hộ và cản dòng chảy thì rừng trồng kém xa rừng tự nhiên, ngay cả khi so sánh với rừng phục hồi chưa có trữ lượng. Từ đó việc trồng rừng mới phải được xem xét rất cẩn trọng cả về qui mô hàng năm và loài cây trồng. ở Thanh Hóa từ nhiều năm qua khi triển khai các dự án 327, 661… Sở Nông nghiệp và PTNT đã không cho phép các chủ dự án trồng rừng vào trạng thái thực bì nhóm Ic. Đây là một chủ trương đúng đắn và khoa học, bởi vì chỉ cần bảo vệ tốt thì sau 3-5 năm các trạng thái thực bì này dễ dàng chuyển thành rừng, nhanh hơn trồng rừng. Sau giao đất lâm nghiệp ở các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Lang Chánh, Thường Xuân và nhiều địa phương khác, song song với giải pháp trồng rừng mới, cần chú trọng đến khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và thực tế rừng khoanh nuôi ở Thanh Hóa đang được coi là một thế mạnh để phát triển rừng kinh tế ở vùng núi đồi.

Khi thực hiện chủ trương cải tạo rừng sản xuất, vấn đề đặt ra hiện nay là chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng đang manh nha tự phát ở nhiều xã nhưng chưa được các cấp chính quyền quan tâm, đặc biệt là phần diện tích đang tạm giao cho UBND xã quản lý. Nông dân tự chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt được giao theo Nghị định 02/CP sang trồng các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế như keo, trám, luồng... Nhiều hộ gia đình ở Xuân Thái, Phúc Đường huyện Như Thanh, Lương Nội huyện Bá Thước, Thành Vân huyện Thạch Thành, Cẩm Thành huyện Cẩm Thủy và nhiều địa phương khác trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi hoặc xin UBND xã cho phép chuyển một phần diện tích đất lâm nghiệp được giao khoanh nuôi bảo vệ sang trồng rừng kinh tế. Về quản lý, thì việc tự động chuyển đổi này là trái qui định pháp luật, nhưng về kinh tế và xã hội nó phản ảnh một thực trạng bức xúc hiện nay ở vùng nông thôn miền núi thấp, và đặt ra yêu cầu nghiên cứu thực tiễn về sử dụng đất lâm nghiệp vùng đồi. Hiện nay Sở Nông nghiệp và PTNT đang được UBND tỉnh giao lập phương án cải tạo rừng sản xuất đến năm 2015. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các huyện rà soát và thống nhất lựa chọn phương án cải tạo 133.000ha trình UBND tỉnh, trong đó ĐTĐNT chủ yếu ở vùng đồi 78.000ha, và chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng trồng kém hiệu quả 45.000ha. Thực hiện Phương án này sẽ có hàng chục vạn hộ nông dân miền núi tham gia, chắc chắn sẽ tạo ra một thay đổi căn bản trong quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp bền vững, hiệu quả. Một vấn đề khác là qui hoạch phát triển vùng, ổn định đầu ra sản phẩm sao cho người nông dân yên tâm, chung thủy với cây trồng và chính sách phát triển vĩ mô của nhà nước.

Khi thực hiện dự án Cẩm Châu, chúng ta đã trồng được 230ha cây ăn quả tập trung. Người dân đã tự bỏ vốn trồng thêm hàng trăm hécta cây ăn quả phân tán trong vườn rừng, tạo ra một vùng cây ăn quả lớn, trù phú, nhưng do không có đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh, có năm giá nhãn rớt xuống chỉ còn 1.500đồng/kg. Nhà nước chưa đầu tư xây dựng hoặc liên kết xây dựng nhà máy chế biến nên năm 2006, 2007 dân Cẩm Châu đã chặt gần 2.000 gốc nhãn, vải để trồng luồng và quay lại sản xuất lương thực vì ngô sắn đang có giá cao. Những cây nhãn còn lại trên đồi cũng bị tỉa thưa cành nhánh sát đến ngọn. Họ không quan tâm đến năng suất cây ăn quả mà nghĩ làm sao rút đất ra cho sản xuất lương thực càng nhiều càng tốt. Rõ ràng bài toán cây ăn quả vùng đồi vẫn loanh quanh chưa có định hướng phát triển bền vững, cũng như trong nông nghiệp với cây mía, cây dứa, cà phê hoặc bò sữa... người dân dễ mất phương hướng chạy theo thị trường ngắn hạn, nhưng chính họ cũng không biết là thị trường đó có được bảo đảm vững chắc trong tương lai hay không.

TRẦN TẤT TIẾN


Số lượt đọc:  727  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:58:40 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH