Số 1+2

Kiểm lâm địa bàn Cao Bằng lực lượng bảo vệ rừng tận gốc hiệu quả

Cao Bằng là tỉnh miền núi, 9/13 huyện có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc với 311km. Diện tích tự nhiên 672.462,1ha, trong đó diện tích có rừng 329.762ha, độ che phủ rừng là 49%. Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm 84,83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trước năm 1994 độ che phủ rừng chỉ còn là 14%. Từ năm 1994, Cao Bằng đã thực hiện giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. 10 năm, từ năm 1994 đến năm 2004 toàn tỉnh giao được 314.483ha cho 57.423hộ gia đình và 308 đơn vị, chiếm 55,12% đất lâm nghiệp của toàn tỉnh.

Cao Bằng có 199 xã, phường, thị trấn, trong đó 198 xã, phường, thị trấn có rừng và đất chưa sử dụng được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp. Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 570.506ha trong khi biên chế kiểm lâm toàn tỉnh chỉ có 145 người, mỏng so với quy định. Là tỉnh miền núi có hạt kiểm lâm xa trung tâm tỉnh tới 180km như huyện Bảo lâm. Nhiều xã xa trung tâm huyện hàng trăm kilômét, có xã phải đi bộ 20-30km vì không có đường ô tô đến trung tâm xã. Với thực tế như vậy, không phân công kiểm lâm địa bàn thì rất khó bảo vệ rừng tận gốc và xã hội hóa công tác bảo vệ rừng. Để thực hiện chủ trương này, Chi cục Kiểm lâm Cao Bằng xây dựng đề án và bố trí 82 kiểm lâm về hoạt động tại địa bàn cấp xã, trung bình mỗi kiểm lâm phụ trách từ 2-3 xã.

Qua 8 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm lâm địa bàn đã khẳng định vai trò, chức năng của kiểm lâm địa bàn trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm lâm địa bàn đã tham mưu tốt cho UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, ngăn chặn các hành vi phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép, xử lý và tham mưu xử lý các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn, bản xây dựng và tổ chức thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng. Làm tốt công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp từ cơ sở. Kiểm lâm địa bàn đã bám rừng, tham gia phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, công tác phòng cháy chữa cháy rừng của các chủ rừng để hướng dẫn thực hiện đúng pháp luật, như phát hiện vi phạm kịp thời ngăn chặn và xử lý. Tiêu biểu nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Kiểm lâm địa bàn có điểm mạnh là thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, trong sinh hoạt vẫn có thể phổ biến pháp luật, nắm bắt được các đối tượng thường phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, vận động ký cam kết không vi phạm hoặc phân loại đối tượng vi phạm để tham mưu cho chính quyền có hình thức xử lý phù hợp.

Kiểm lâm địa bàn đã làm thay đổi phương thức, hoạt động của lực lượng kiểm lâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo quan điểm định hướng là kiểm lâm phải gắn với dân, với chính quyền cơ sở, đồng thời chuyển hoạt động kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông sang tổ chức bảo vệ rừng tận gốc, giám sát nơi tiêu thụ, chế biến lâm sản, nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng và đảm bảo chấp hành pháp luật, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Giúp cho người dân làm kinh tế rừng, chủ rừng yên tâm đầu tư góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân sống ở gần rừng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nên nhận thức của người dân và các cấp, các ngành về công tác bảo vệ rừng đã được nâng lên rõ rệt.

Tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày càng có chiều hướng giảm, số vụ cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép năm sau giảm hơn năm trước. Phần lớn kiểm lâm địa bàn đều có trình độ, năng lực, có bản lĩnh hoạt động độc lập trong lĩnh vực tuần tra, kiểm soát lâm sản, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, năng lực nghiệp vụ, kỹ thuật lâm nghiệp để thực hiện tốt chuyên môn ở hiện trường. Một số công chức kiểm lâm địa bàn có kỹ năng giao tiếp, ứng xử quan hệ cũng như tuyên truyền tốt, năng lực phối hợp các tổ chức, các lực lượng chức năng, các đoàn thể trong công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Phối kết hợp trong thực thi nhiệm vụ ngày càng hiệu quả, phong trào trồng rừng và bảo vệ rừng trở thành tự nguyện, tự giác. Nhận thức về rừng cũng như lợi ích từ rừng mang lại ngày càng rõ rệt. Công phòng cháy chữa cháy rừng đã được chính quyền địa phương, nhân dân quan tâm, có nhiều vụ cháy rừng lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn cũng trực tiếp tham gia dập lửa. Sự tác động của kiểm lâm địa bàn đã làm chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân và chính quyền cơ sở.

Ngoài những thành tích đã đạt được, kiểm lâm địa bàn Cao Bằng cũng đã bộc lộ những hạn chế, ở những xã có nhiều rừng, xa trung tâm huyện, giao thông khó khăn như một số xã ở miền tây huyện Thạch An, một số xã ở huyện Bảo Lâm, hoạt động của kiểm lâm địa bàn gặp rất nhiều khó khăn nhất là việc đi lại kiểm tra giám sát địa bàn và hoạt động phối hợp hỗ trợ trong công tác, chỗ ăn chỗ nghỉ còn phụ thuộc. Nhiều nơi vẫn còn tình trạng các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng không được phát hiện kịp thời, một số còn lúng túng trong công tác tham mưu giúp chính quyền cở sở. Chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm địa bàn theo quy định. Để tạo điều kiện cho kiểm lâm địa bàn hoàn thành nhiệm vụ, các chính sách liên quan đến kiểm lâm địa bàn cần sớm được ban hành như chế độ thâm niên, quy định thống nhất về việc lập trạm để kiểm lâm địa bàn, để những đối tượng này có chỗ ăn, chỗ nghỉ, từng bước chấm dứt tình trạng ở nhờ tạm bợ. Các quy định về biên chế kiểm lâm cần phải rõ ràng, thống nhất giữa các địa phương, phù hợp với diện tích rừng và đất lâm nghiệp.

BẾ ĐỨC THIỆN
Số lượt đọc:  1523  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 10:55:21 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH