Số 1+2

Kết quả và những con số

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2008, cả nước có 59 chi cục kiểm lâm; 30 vườn quốc gia, 428 hạt kiểm lâm, 18 hạt phúc kiểm lâm sản, 78 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng, 110 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng. Cả nước có 10.632 cán bộ kiểm lâm (9.492 biên chế, 1.140 lao động hợp đồng); 122 cán bộ trình độ trên đại học, 4.157 cán bộ trình độ đại học, 4.795 cán bộ trung cấp, 1.558 cán bộ sơ cấp. Năm 2008 cả nước đã phát hiện 42.246 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng (tăng 2.926 vụ so với năm 2007), trong đó xảy ra 452 vụ vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng; 6.847 vụ phá rừng trái phép (trong đó có 5.414 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép); 4.544 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác; 1.398 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 20.133 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ và lâm sản; 1.911 vụ vi phạm quy định về chế biến gỗ và lâm sản khác; 6.705 vụ vi phạm khác. Lực lượng kiểm lâm đã xử lý 36.294 vụ, trong đó xử phạt hành chính 36.013 vụ; khởi tố hình sự 281vụ với 227 bị can (đã xét xử 20 vụ, 19 bị cáo). Tịch thu 466 ô tô, máy kéo; 276 xe trâu bò kéo; 2.155 xe máy; 73 ghe, thuyền, tàu; 23.299m3 gỗ tròn; 22.476m3 gỗ xẻ; 90.836 kg động vật rừng. Tổng thu trên 206.561 triệu đồng, nộp ngân sách hơn 171.473 triệu đồng.

Năm 2008, là năm có ý nghĩa đối với lực lượng Kiểm lâm Việt Nam với sự kiện chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm (21/5/1973 - 21/5/2008). Năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự phối hợp tích cực của các đơn vị liên quan, cùng với cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm, lực lượng kiểm lâm đã đạt những thắng lợi cơ bản và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 2008, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, chỉ đạo chặt chẽ các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. Các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp xã đã có sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng. Sự đoàn kết thống nhất; phân công, phân cấp cụ thể và việc phối hợp xử lý công việc, chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo kiểm lâm các cấp tạo nên sức mạnh tập thể góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Diễn biến thời tiết thuận lợi, nguy cơ gây cháy rừng giảm. Lực lượng kiểm lâm chủ động hơn trong công tác này nên thiệt hại do cháy rừng giảm. Phong trào thi đua lập thành tích nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm (21/5/1973 - 21/5/2008) được phát động rộng rãi tạo động lực để kiểm lâm cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao trong các tháng đầu năm và giảm phát trong thời gian cuối năm đã gây tác động lớn tới nền kinh tế nói chung, lực lượng kiểm lâm nói riêng. Kinh phí đầu tư cho các đề án, dự án bị cắt giảm; đời sống cán bộ công chức kiểm lâm gặp nhiều khó khăn. Việc tiếp nhận các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên từ các cơ quan khác nhau về lực lượng kiểm lâm thống nhất quản lý đã tăng thêm một khối lượng công việc làm cho việc bảo vệ càng khó khăn hơn. Giá trị lâm sản các loại, nhất là các loại quý hiếm tăng cao. Đây là nguyên nhân làm cho tình hình phá rừng ở một số địa phương, nhất là các khu rừng giáp ranh các tỉnh vẫn còn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng. Tình hình chống người thi hành công vụ vẫn tiếp diễn, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho công chức kiểm lâm trong khi thi hành công vụ. Các văn bản liên quan đến chế độ thâm niên, chế độ thương binh, liệt sỹ... chậm được ban hành nên ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của cán bộ công chức kiểm lâm...

Ngay từ đầu năm 2008, kiểm lâm cả nước đã tổ chức đoàn công tác xuống các khu vực có nhiều vấn đề phức tạp trong bảo vệ rừng để kiểm tra, kịp thời chỉ đạo, động viên cán bộ công chức kiểm lâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hầu hết các địa phương đều có sự chỉ đạo kịp thời trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các khu rừng trọng điểm về cháy rừng, phá rừng. Tham gia các đoàn công tác liên ngành kiểm tra, chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng và chống chặt phá rừng. Chủ động tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở. Nhiều địa phương đã tổ chức các đoàn công tác đặc biệt như Quảng Nam, Quảng Bình, Đắk Lắk, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Việc xử lý vi phạm quyết liệt hơn, tình hình vi phạm cơ bản đã giảm. Kiểm lâm đã nghiêm túc báo cáo Ban bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về công tác bảo vệ rừng. Ngăn chặn triệt để nạn phá rừng tại Vườn quốc gia Yokdon, Cát Tiên và một số tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên. Kiểm tra tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang trồng cao su. Báo cáo độ che phủ rừng, nêu rõ phương pháp thống kê, tính toán độ che phủ rừng, dự kiến độ che phủ rừng các năm 2008 - 2010. Tăng cường kiểm tra giám sát việc mua bán, vận chuyển gỗ, lâm sản qua biên giới Việt Nam - Lào - Cămpuchia. Phát động thi đua và tổ chức tốt hội thao, hội diễn văn nghệ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 - 21/5/2008) tại các cấp. Đợt thi đua được tiến hành rộng rãi tại tất cả các đơn vị kiểm lâm toàn quốc. Các đơn vị đều đặt ra những chỉ tiêu thi đua cụ thể cho từng nội dung, đáp ứng được yêu cầu công việc được giao. Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập lực lượng kiểm lâm tổ chức trang trọng gắn với việc khai mạc hội thao, hội diễn văn nghệ. Tham gia hội thao và Hội diễn văn nghệ (từ ngày 16-18/5/2008 tại Hà Nội) có 37 đơn vị tham dự. 558 vận động viên tham gia thi chạy vũ trang, bắn súng tiểu liên AK và K59, cờ tướng, bóng chuyền, bóng bàn và cầu lông. 90 diễn viên kiểm lâm tham gia thi văn nghệ .

Kiểm lâm các cấp đã tích cực triển khai dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, các đề án về giao rừng và quản lý nương rẫy. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tập hợp dữ liệu việc triển khai đề án tại các tỉnh. Điều tra đánh giá hiện trạng giao đất, giao rừng và đề xuất các biện pháp, chính sách thực hiện. Thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn trong công tác sắp xếp các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, nhất là giải quyết các vấn đề về đất đai. Tăng cường công tác giao rừng, cho thuê rừng, giao đất lâm nghiệp và khoán bảo vệ rừng. Tổng hợp kết quả triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng, giao đất lâm nghiệp và quản lý nương rẫy. Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về giao rừng, cho thuê rừng. Hướng dẫn trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy. Giải quyết dứt điểm việc nuôi nhốt gấu ở Quảng Ninh. Hướng dẫn nghiệp vụ xử lý gấu nuôi nhốt trái phép. Đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển và buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm. Tham mưu ban hành quy chế quản lý gấu nuôi thay thế quy chế cũ không còn phù hợp. Xây dựng đề án đầu tư xây dựng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008-2020. Xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các vườn quốc gia.

Nguyên nhân của việc phá rừng giảm chưa đáng kể là do một số địa phương chưa tích cực thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên một số vùng trọng điểm phá rừng, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép có chiều hướng gia tăng. Tình hình khai thác gỗ trái phép diễn ra hết sức phức tạp tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh: Thái Nguyên - Lạng Sơn - Bắc Giang, Gia Lai - Kon Tum, Đắk Nông - Bình Phước, Lâm đồng - Đắk Nông... Sức ép lấn chiếm, phá rừng để lấy đất trồng cao su tăng, đặc biệt là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác. Năm 2008, số vụ chống người thi hành công vụ là 23, làm bị thương 32 người, mức độ khốc liệt và sự manh động của đối tượng vi phạm là rất nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi sự khôn khéo trong xử lý các vụ vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng.


Số lượt đọc:  886  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 11:08:06 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH