Số 1+2

Hồn lau Tây Bắc

Không biết từ bao giờ người vùng cao Tây Bắc đã tìm đến với bông lau để làm đệm nằm, thêm chút ấm êm trong cái giá buốt của ngàn sâu và phải chăng chính bông lau cũng đồng cảm với nỗi niềm của con người nên cứ giục chín nhanh khi đông về giá lạnh. Có lẽ chỉ khi đến với con người, bông hoa lau bình dị ngày thường vẫn khiêm nhường giữa núi ngàn đã mang hơi ấm tình người và trở nên thân thiết, lặng thầm đồng hành với con người trong suốt cuộc đời.

Trên những con đường mùa xuân Tây Bắc, qua bất kỳ bản người Thái, người Mường nào, ta cũng hay gặp những đoàn người hoan hỉ gồng gánh đồ dẫn cưới đưa dâu về nhà chồng. Một trong những đồ dẫn cưới không thể thiếu là đệm bông lau.

Tây Bắc bạt ngàn lau, khi những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên thổi tới là lúc hoa lau chín rộ. Trên khắp các triền đồi, hoa lau xám bạc dập dờn trong gió như những con sóng bạc đầu của biển khơi. Thứ cây có sức sống mãnh liệt, bất chấp cả đất cằn sỏi đá, chỉ thoáng nhìn đã đam mê ấm áp lúc đông về.

Người Tây Bắc sinh sống giữa núi rừng, nhiều dân tộc có tập quán ở nhà sàn và đệm nằm là nhu cầu không thể thiếu. Họ tìm đến với bông lau vì chỉ bông lau mới có những đặc tính quý giá đáp ứng được yêu cầu của vật dụng: Tơi xốp, dịu êm không nóng rực và dễ tìm trong tự nhiên. Khi đệm bị xẹp ít nhiều, chỉ cần mang phơi nắng và dùng gậy đập nhẹ là lại phồng xốp như mới.

Từ lúc còn là bông lau rừng đơn sơ tới lúc hóa thân thành những tấm đệm ấm êm là cả một quá trình lao động bền bỉ và khéo léo của người con gái Thái, gái Mường. Hoa lau chín được cắt cả bông đem về ủ khoảng dăm ngày, lúc này chỉ vuốt nhẹ là hoa lau rụng tơi ra khỏi cuống, rồi đem phơi nắng. Cái nắng của mùa đông Tây Bắc tuy không chói chang nhưng cũng đủ làm khô bông lau. Mỗi khi các cô gái nhẹ tay xới đảo cho nhanh khô là lúc một cơn gió tinh nghịch lại nhẹ nhàng nhóm một chút bông lau tung vút lên trời cao, để rồi bông hoa lau cứ ngẩn ngơ bay trong nắng vàng giữa hai chiều bồng bềnh mây trắng và tiếng cười trẻ trung của cô gái âm vang khắp núi ngàn. Vải làm đệm ngày xưa là vải mộc nhuộm chàm, ngày nay dùng vải xanh chéo in hoa, viền đệm dùng vải mầu nẹp chỉ. Mặt đệm ngồi ghép bằng vải mầu hoặc thêu họa tiết hình mặt trời nhiều tia. Mặt đệm nằm được kẻ thành các hình vuông đều đặn với cạnh khoảng 5cm. Các cô gái xe chỉ thật chắc, định làm đệm dày tới đâu thì lấy ngón tay làm cữ, khâu nhíu hai mặt đệm ở giao điểm các ô vuông rồi dùng ống nứa luồn vào và lấy gậy nhỏ nhồi bông vào các ô vuông. Khi chiếc đệm hoàn thành thì mặt đệm gợn sóng muôn ô vuông nhỏ, làm cho chiếc đệm êm hơn, mỗi khi ngả mình trên đệm, các điểm gợn lên ở các hình vuông nhỏ tác động tới các huyệt đạo trên toàn thân, đem lại cảm giác dễ chịu, ru người nằm trên nệm vào giấc ngủ ngon lành. ở Tây Bắc, đệm bông lau không chỉ là vật gia dụng của các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú... mà còn là hàng hóa trao đổi mua bán với các dân tộc khác và đã có mặt khắp mọi miền đất nước. Nhiều người chỉ khi nằm trên tấm đệm bông lau mới tìm được giấc ngủ thư thái. Có lẽ cái hồn dân dã thấm trong máu thịt đã có bến đậu trong hơi ấm bình dị thân quen thuở nào.

Người con gái vùng cao khi quay xa dệt vải, thêu khăn piêu, làm đệm, đã gửi trọn tâm tình vào đường kim mũi chỉ, gửi gắm vào đó bao ước mơ khát vọng về một ngày mai. Khi về nhà chồng, chiếc đệm ấm êm do chính bàn tay dịu dàng khéo léo của cô dâu làm nên, trước hết tặng bố mẹ chồng để tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo và ủ ấm cho những ước mơ hạnh phúc.

Trong thời mở cửa có bao loại đệm mút sang trọng, đắt tiền nhưng đệm bông lau vẫn giữ được một vị trí xứng đáng. Trong các chợ, các mặt hàng thổ cẩm và đệm bông lau tấp nập người mua bán. Nghề làm đệm bông lau thật sự là một nghề truyền thống, không chỉ mang nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho biết bao người dân Tây Bắc.

Mùa xuân Tây Bắc như sớm hơn chút ít, rừng xanh mượt mà lộc biếc. Các cô gái dịu hiền xinh xắn thổi hồn vào bông lau của núi rừng, dệt nên những tấm đệm ấm êm cho biết bao người tìm về hơi ấm quê hương và cho những đôi trai gái “chụm lại những ước mơ’’ trong những căn nhà nhỏ đượm ánh lửa hồng.

DƯƠNG HIỀN NGA


Số lượt đọc:  224  -  Cập nhật lần cuối:  06/01/2009 09:25:55 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH